Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
mac cam khong xung dang
M¥c Cäm T¶i L‡i
 
Trúc CÜ NguyÍn ñÜÖng TÎnh
 
 
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2018

   Bé Y Lan có một đêm đang ngủ say bỗng cựa mình thức giấc thì chợt thấy mẹ là Vi Khương đang khấn vái trước một bát nhang, nén nhang đang cháy dở để trên mặt bàn gần cái giường nằm. Đêm khuya thanh vắng đang buồn ngủ nên bé không quan tâm mấy về những việc mẹ làm trong nhà. Nhưng mấy hôm sau bé sực nhớ là bé chưa bao giờ thấy má cúng ai, cúng ở đâu. Má cũng chẳng bao giờ đi lễ chùa dù cho là những ngày lễ lớn hay ngày Tết. Đến ngay những ngày giỗ những người thân đã quá cố trong gia đình bé cũng chẳng thấy má chắp tay lậy trước bàn thờ bao giờ. Nhiều lần bé còn nghe má nói các con nếu có thương má thì cho má ăn lúc má còn đang sống chứ đừng để đến khi má chết rồi mới bầy đồ ăn ra cúng thì chỉ để cúng ruồi thôi chứ má có biết gì nữa đâu.

   Chờ đến một hôm thấy má ngồi rỗi rãi bé mới lân la hỏi má tại sao hôm nọ con thấy má thắp nhang cúng mà trước đến nay con có thấy má cúng ai bao giờ đâu ? Vi Khương quay lại âu yếm nhìn bé Y Lan, nàng mỉm cười rồi chậm rãi kể một câu chuyện nó ám ảnh nàng suốt từ khi còn con gái cho đến khi đã lấy chồng, đẻ con. Cho đến một bữa nàng thổ lộ nỗi ám ảnh ấy với một bà bạn thì bà này khuyên nàng nên cúng âm hồn người quá cố thì sẽ thấy tâm tư được nhẹ nhàng. Câu chuyện nàng kể như sau:

   Thuở còn là con gái mới lớn nàng thỉnh thoảng đi xe đò chạy trên tỉnh lộ giữa Huế và Thanh Hóa, lúc thì thăm bà con lúc thì có việc nhà. Lần ấy khách trên xe khá đông nên ai cũng ngồi như nêm cối. Bước vào trong xe Vi Khương thấy người con gái đeo kính cận mà nàng thường hay gặp trên chuyến xe. Gặp nhau nhiều lần nên quen nhau nhưng không thân thiết lắm. Tạm gọi tên cô ta là Yến. Cô này ngồi trên băng ghế đối diện. Xe đã chạy được một quãng thì Vi Khương bỗng thấy cô Yến cứ nhìn chằm chằm vào mắt mình một cách khác thường. Trong xe thì ồn ào tiếng cười nói, lại thêm máy xe nổ ầm ầm nên lúc ấy nàng không tiện bắt câu chuyện. Đến khi xe tạm ngừng khoảng trạm giữa đường để mọi người xuống ăn uống hoặc nghỉ dãn gân cốt thì bỗng cô Yến ghé vào tai Vi Khương khẩn khoản xin chị đổi chỗ cho em vì bên cạnh em có ông già mắc dịch cứ mò mẫm em hoài! Vi Khương cười và nhận lời ngay. Xưa nay dù biết mình có nhan sắc nhưng nàng chưa bao giờ gặp cảnh ấy. Nhiều người còn nói nàng có một cái tướng gì đó khiến đàn ông con trai ai cũng phải kính nể.

   Mọi người lên xe ai nấy ngồi vào chỗ cũ của mình, riêng Vi Khương lần này thì ngồi vào chỗ của cô Yến. Khi xe đổ dốc đèo thì bỗng lao xuống vực, xe lăn mấy vòng rồi đâm vào một tảng đá và ngừng lại. Vi Khương may mắn làm sao chỉ bị sây sát chút đỉnh. Nàng lồm cồm chui ra khỏi chiếc xe méo xẹo trong không khí nặng nề không một tiếng kêu khóc. Ai cũng chết hết chỉ còn một mình nàng! Sau khi hoàn hồn nhìn quanh thì nàng chợt thấy đôi kính cận của cô Yến bị văng ra khá xa, nhưng xác của cô thì nát bấy. Tâm thần còn đang súc động bàng hoàng, nàng rùng mình và chân tay run lẩy bẩy bất giác cúi lượm đôi kính với một cử chỉ tự nhiên như là nhặt một đồ vật của chính mình…

   Vi Khương ngày ngày nhìn đôi kính cận nàng đem về để trên mặt bàn cạnh giường nằm. Càng nhìn đôi kính nàng càng cảm thấy xốn xang trong dạ. Nàng có phải là một sát nhân đâu. Tuy nghĩ như thế nhưng kỷ vật không mong đợi kia cứ như là một đôi mắt thật sự nó vẫn nhìn nàng như trách móc nếu hôm ấy chị từ chối không đổi chỗ cho em thì em đâu có chết oan uổng thế này. Dần dà càng ngày đôi kính cận càng như có người đang đeo thật sự và đang nhìn nàng, theo dõi từng cử chỉ của nàng. Nhưng lạ thay, tại sao nàng lại không có can đảm vứt nó đi một xó nào cho khuất mắt. Làm như nếu nàng vứt nó đi thì không những nàng không thể quên nó được mà trái lại tâm hồn nàng càng bị đè nén nặng nề thêm. Sự ám ảnh đeo đuổi bám chặt lấy nàng ngay cả những ngày đi lấy chồng, những ngày nàng sinh con… Cho đến một hôm một bà bạn sau khi nghe nàng kể câu chuyện ấy đã khuyên nàng là dù không tin nhảm nhí nhưng nàng cứ thử cúng vái âm hồn người đã chết để xem có cảm thấy nhẹ nhàng chút nào không.

   Đêm ấy chờ lúc canh khuya cả nhà ngủ hết, Vi Khương một mình thắp hương cắm vào một bát gạo đặt trên mặt bàn bên cạnh đôi kính cận. Nàng chắp tay vái lậy miệng lẩm nhẩm khấn linh hồn cô Yến. Nếu em thật sự linh thiêng thì xin em tha lỗi cho chị đã nhận lời em hôm ấy khiến cho em phải chết oan mà đáng lẽ ra chính chị phải là nạn nhân mới đúng… Vừa khấn xong bất giác hai giòng lệ tuôn rơi đẫm trên má. Vi Khương xụt sùi cầm khăn tay thấm lệ rồi vén màn chui vào giường nhẹ nhàng nằm xuống bên cạnh bé Y Lan. Nàng cảm thấy như mình vửa trút được một gánh nặng, tâm hồn nhẹ hẳn và nỗi băn khoăn từ bấy đến nay như đang tan theo những giọt lệ. Suy nghĩ lan man nàng chìm dần vào giấc ngủ… Bỗng Vi Khương thấy cô Yến đang tần ngần đứng sát ngay ở đầu giường và cúi nhìn nàng lâu lắm. Cuối cùng cô ấy vén màn lên và cúi xuống đặt một nụ hôn lên trán nàng rồi biến mất.

   Bé Y Lan cũng còn nhớ y nguyên một chuyện nữa. Một buổi sáng bé chạy sang nhà hàng xóm chơi đùa với mấy đứa nhỏ khác. Lúc trở về thì thấy má đang thắp nhang khấn vái trước một cái hộp gỗ đặt trên bàn mà không thấy Bảo Trung đứa em trai của bé đâu cả. Hỏi ra thì mới ngã ngửa, em trai của bé vừa mới chết được đặt trong chiếc hộp kia. Tội nghiệp Bảo Trung mới có hai tuổi đời nhưng mắc chứng xuyễn quá nặng mà thuở ấy làm gì có thuốc hiệu nghiệm như bây giờ. Ngày má đang mang thai Bảo Trung má bị mấy cơn sốt rét nên cha của bé bắt má phải uống thuốc ký ninh. Má không chịu uống vì sợ hư thai. Cha bé nói những cơn sốt rét hàng ngày như thế kia cũng đủ để làm trụy thai rồi. Cứ phải uống thuốc may ra vừa khỏi bệnh lại vừa cứu được cái thai chưa biết chừng. Má đành nghe lời. Khi sinh ra Bảo Trung yếu ớt quá, không lớn lên được. Đã hai tuổi, má bảo con đưa tay cho má hôn, Bảo Trung cố đưa cao bàn tay gầy guộc lên lưng chừng rồi thả tay rớt xuống như một cái nhánh cây khô. Bé không còn sức nữa…

   Rồi một đêm ông Bảo Kính cha của bé đang nằm ngủ bỗng rú lên kêu ú ớ, mồ hôi vã ra ướt cả tóc và mặt. Má vội tỉnh dậy lay gọi thì ông Bảo Kính thở hổn hển một cách mệt nhọc. Ông nói thằng Bảo Trung nó muốn giết tôi. Nó núp ở trong cái cửa lò thông lên cái gác vựa, thò nòng súng xuống nhắm thẳng vào ông mà bắn. Ông tránh bên phải thì nó lia súng sang bên phải, ông tránh sang bên trái thì nó lia súng sang bên trái. May mà có má đứng chắn phía trước chứ không thì… ông chết rồi! …

   Lời bàn:

   Hai câu chuyện tôi vừa kể ở trên nếu không chứng minh được là linh hồn người chết vẫn còn quanh quẩn ở xung quanh ta thì cũng có thể giải thích rằng tâm hồn con người ở thuở xa xưa khi còn chất phác, đã đậm tình yêu thương, nếu bị xúc cảm đến tột độ có thể biến cái xúc cảm ấy thành một ma lực ảm ảnh. Nhất là khi lại cảm thấy chính mình có trách nhiệm gây nên cái bất hạnh của người khác, thì cái ám ảnh ấy lại càng mạnh và nó sẽ đưa con người vào địa hạt tâm linh. Điều này tâm lý học gọi là mặc cảm tội lỗi.

   Chỉ có những tâm hồn hiền lành thật thà chất phác mới có cái mặc cảm ấy. Nhất là nếu con người đã được thấm nhuần lễ giáo và triết lý của đạo Phật, triết lý nhân quả nhãn tiền… thì cái cảm giác ấy lại càng mạnh, càng nhiều ma lực ám ảnh con người.

   Than ôi! Ngày nay ta có cảm tưởng là cái mặc cảm tội lỗi đã biến dần trước sức mạnh của tà giáo và của bạc tiền. Cuộc sống ngày nay quá khó khăn, lại bị một số người lợi dụng sự khờ dại của kẻ khác để thao túng theo ý muốn của mình. Đi đến độ càng giết được nhiều người bao nhiêu thì càng được «trời» thương bấy nhiêu, «trời» sẽ ban cho quyền được hưởng sung sướng nhiều vào đời sau, vì tin rằng những kẻ mình vừa giết đều là những kẻ «có tội» với «trời»! Tin như thế, thật chưa bao giờ thấy con người lại khờ dại ngu xuẩn như ngày nay, ngày của thời đại tin học tiên tiến, của những phát minh vượt thời gian…

                                                                                      Trúc Cư Nguyễn Đương Tịnh