Khi viết chuyện Ông Năm Chuột, nhà văn lão thành Phan Khôi có giới thiệu “Làng tôi có một cái cồn gọi là Cồn Mũi Gươm, có một vạt đất gọi là đất Chó Lả”.

 

Hậu bối cũng bắt chước  nhà văn bị nhiều khổ nạn trong nhóm Nhân văn Giai phẩm xin giới thiệu làng tôi với vài địa danh lạ đời như Mả Mụ La, bàu Tà Nung, Dầu Bắn, động Ma Vương, mương Dâu Đế, Bực Sấu, Bàu Mưa. Bàu Mưa cũng là quê của ông Biện Ó, là cha ruột của Tiến sĩ Nguyễn văn Hảo, người đã cùng Big Minh ngày 30/04/ 1975 hí hửng đứng tại thềm dinh độc lập để chờ đón chúng nó “bàn giao”. Họ té ngửa ngỡ ngàng và xấu hổ vì thằng cha Bùi Tín sủa vào mặt câu mất dạy để đời: “Tụi bây còn cái đếch gì đâu mà bàn giao!”.

 

Làng tôi gần làng Phò Trì, một thị tộc người Chàm, thật thà và hiền lành.

 

Con gái Chàm có nước da mùng quân “ tuột quần không kịp”, đã đẹp lại thêm hấp dẫn nhờ họ có tập quán mặc áo hở hang, đôi lúc phơi trần bộ ngực nở nang một cách thật tự nhiên. Thêm vào đó, người Chàm hay người Thượng theo chế độ mẫu hệ, nghĩa là họ chủ động tỏ tình với chàng trai nào họ ưa thích, muốn cưới nó làm chồng là nói ra liền.

 

Trong đám con gái hậu duệ Chế Bồng Nga hơ hớ xuân thì có cô con gái tên Gà. Tên nghe không đẹp mà cô lại tuyệt đẹp, ít nhiều trai làng Cộng Hoà đã ngẩn ngơ nơi quán cà phê chỉ để ngắm cô hoa khôi này.

 

Kêu một ly cà phê vớ, bỏ nửa cục đường tán, chàng trai mải mê ngm cô chủ quán. Chàng cứ cm cái mung  khuấy hoài đến khi ly cà phê nguội ngắt, quên uống, có thể quên luôn cả đường về.

 

Vì là láng giềng nên bọn nhóc tì chơi với nhau, tôi dạy tụi nó chưởi bậy bạ tiếng Vit và đổi lại tôi học loại ngoại ngữ thô tục của dân Chàm. “ Pô tạt gưi!, Klăng tanh me hư!, Hư păng tanh cao!” ( Trời ơi!, tổ cha mày!, tổ mẹ mày!).  Sau này tiếp xúc với mọi núi thì còn học thêm tiếng mọi, tiếng tày, chưởi tục tỉu hơn nhiều. Păng til lài, păng trei lài ( mày ăn, mày bú đủ thứ hằm bà lằng của tao). Học tiếng tày để chưởi lộn với bọn chăn trâu vì tụi nó hiểu thứ ngoại ngữ này.

 

Tôi đoán già đoán non là các bạn thích nghe tôi kể chuyện đường rừng.

 

Đầu năm con rắn nhưng tôi khai bút chuyện con cọp.

 

Khôn chết, dại chết, hên sống.

 

Hễ có số hên là sống.

 

Tôi sắp kể cho các YF’s (Yellow Friends) câu chuyện cọp thật thú vị mà lúc bấy giờ chỉ cần tôi lính quýnh tí xíu thì toi mạng rồi, chắc giờ này không còn ngồi bên keyboard kể lại chuyện đã làm tôi toát mồ hôi lạnh năm xưa.

 

Lúc đó, toàn quốc kháng chiến để đánh đuổi thực dân phản động Pháp.

 

Bọn thực dân phản động là kẻ thù của dân tộc, chứ người Pháp là bạn, rõ ràng phân minh như vậy. Bom đạn của giặc cày nát nhà cửa , ruộng vườn của làng tôi nên mọi người phải chui rúc vào rừng sâu núi cao gọi là chiến khu để sinh sống.

 

Các tây con, đầm thiệt lớp mình, ai cũng nghĩ thằng tôi có phước lớn, đời nó sướng hỉ!

Nó đi cắm trại dài hạn, đêm đêm ôm cây đàn guitar ca hát, nhảy múa quanh ngọn lửa hồng.

 

“Chiều nay trên chiến khu trong rừng chiều, bên đèo tiếng suối reo ngàn thông reo. Rừng sâu xa núi cao, cao mờ... đêm nay đây vai vác súng, đi ra đi chớ dừng chân đứng, sương mờ xóa núi rừng”. Chắc tôi phải viết thêm đoạn chế lời ca để giữ truyền thống lớp mình:  “Chiều nay kiến cắn cu sưng tù dù. Không tiền mua thuốc dán mà dán con cu.”

Ngay bài  chào cờ  cũng có chế lời ca nhưng tôi bị người lớn cảnh cáo “ Mày hát tầm bậy bài chào cờ, tụi nó thiến mày !”. Teo liền! Chào cờ tôi viết  italic có ý nghiã thâm thúy với tăng sĩ Điện Lăng Chu.

 

Kịch hạ màn rồi mới biết thế nào là muỗi cắn, bọ chét cắn, ngứa gãi nhiễm trùng thành ghẻ hờm, ghẻ khoét, cộng thêm bệnh sốt rét, đói khát, thiếu ăn gầy còm và chết vì bom đạn cùng bệnh tật, chưa kể cuộc sống giành giựt miếng ăn với thú rừng cũng khổ sở hết chổ nói.

 

Trồng đậu trồng cà, cấy lúa thì chim rừng từng bầy kéo nhau tới ăn, sâu bọ phá hoại. Trồng bắp thì từng bầy két hàng ngàn con đeo tòn ten trên trái bắp và chừa lại  cùi cho mình, trồng khoai lang, khoai mì thì ban đêm heo rừng và nhím phá. Ban ngày là khỉ. Từng bầy khỉ trẻ, khỉ già , khỉ con, khỉ cha, khỉ mẹ rất im lặng moi đào ăn trộm củ khoai lang. Nó khôn đến nổi không làm đứt dây khoai, để quấn nguyên sợi dây với chùm khoai lủng lẳng vào người và nếu bất ngờ bị tôi xách hèo rượt đuổi thì chúng nó nhảy lên cây, mỗi con  mang theo dây khoai lang  có 5 – 6 củ chiến lợi phẩm như Rambo mang lựu đạn mini xông trận.

 

Nhím đào hang trong gò mối, định cư luôn tại rẩy. Gia đình nhím 4 - 5 con, trổ ra 5 – 6 cửa hang ngõ ngách khác nhau, ban ngày ngủ , tối ra đào khoai. Muốn dứt điểm dòng họ nhím cần phải có 5 - 6 người lớn. Một chuyên viên xông khói ngay cửa hang nào rộng nhất trong khi các tay khác quan sát xem khói bốc lên nơi nào, cầm bao bố chờ sẳn ở 5 -6 cửa khác nhau vì không biết cả bầy nhím sẽ xông ra chạy cửa hang nào. Có khi cả bầy tông ra thoát chạy một lượt , tay bắt nhím chỉ tóm được có một con, mấy con khác nhanh chân chạy vuột mất.

 

Trồng rẩy mía thì đêm đêm voi cả bầy rủ nhau ồn ào đi phá phách, phát ra âm thanh rất chói tai “ù-ù tét-tét“ như tiếng kè lợ giọng của anh chàng mới học thổi kèn saxo. Nhịp trống đệm là hai lổ tai to lớn đập vào đầu kêu bùm - bùm. Bầy voi tới rẩy ăn mía chẳng bao nhiêu mà lúc chúng vui chơi mới phá hoại khủng khiếp, nhổ mía vất bỏ, giày xéo chán chê rồi mới bỏ đi, dĩ nhiên còn hẹn ngày tái ngộ!

 

Ngay cả mấy cây ớt trồng sát bên chòi cũng bị con nhồng (sảnh) rỉa sạch trái. Ăn no rồi chim mới hót kêu nhồng nhồng, mình chạy ra mấy cây ớt xem thì không còn trái nào.

 

Nuôi được bầy gà thì ban ngày bị chồn cáo, diều, ó xuống bắt, ban đêm rắn bò vô nuốt trứng và xực luôn cả gà. Có loài beo rất gan lì gọi là con Gấm, tối đến xé chuồng bắt gà. La hét nó coi như không, thắp cây đuốc bó sẵn như cái đòn bánh tét dài cả sải tay, bên ngoài bao bằng vỏ tràm, lá rừng, trong ruột để dầu ráy, đốt lên cháy phừng phừng, dí đuốc vào mặt nó, xách hèo rượt đuổi nó thì nó kênh lại tui, nhe răng nanh khè lại một tiếng dài rồi bỏ đi.

 

Có ai biết con cheo? Vóc dáng như con mểnh gày gò, nhỏ trông dễ thương, lẩn quẩn theo bầy gà. Tôi cứ nghĩ loài cheo này ăn cỏ như nai, muốn làm bạn chơi với gà ai ngờ nó rình bắt gà giò hay gà con ăn thịt trước mắt tôi. Tôi thật sửng sờ không tin vào con mắt của chính mình.

 

Muốn bắt cá thì đặt Bung, hay đặt cái Lờ. Lấy phân trâu còn ướt nóng hổi trét bên trong và bên ngoài cái bung, lấy sọ dừa khô làm nắp bung, nhớ đậy ngữa nắp . Cứ lấy mồi là mấy con mối đập ra từ ổ mối lúc nào cũng có sẳn, treo mấy ổ mối nhỏ này tòn ten trên dây.

 

Khi đào được ổ mối cở một ôm thì phải đóng cọc treo lên dây liền. Nếu để quên dưới đất một đêm, sáng ra mối trốn sạch không còn 1 con làm thuốc. Mối  dùng cho gà con mới nở ăn, gà sẽ lớn nhanh như thổi. Tôi cũng dùng cám rang lên cho thơm làm mồi, nhận bung xuống suối bắt cá trắng.  Thế nào cũng có ngày thất vọng vì bầy rái cá (otter) lội rong theo suối xé nát toi, xé rách cái bung, xực hết cá.

 

Nhắc đến cái Lờ tôi nhớ bài đồng giao:

 

Trời mưa râm râm,

Cây Trâm có trái,

Con gái có duyên,

Đồng tiền có lổ

Bánh Tổ cho ngon

Cho dòn cho béo

Cái kéo thợ may

Cái cày làm ruộng

Cái xuổng đắp bờ

Cái Lờ đặt cá

Cái ná bắn chim

Cái kim may áo

Cái gáo múc nước

Cái thước đo vải

Củ cải làm dưa

Cái cưa thợ rèn

Cái kèn hát bội...

 

Đồng giao để con nít ê a cho vui chứ ai cũng biết bánh Tổ không dòn và không béo. 

 

Có lúc chòi làm gần chân núi Mây Tào, suối nước chảy ào ào xuống ghềnh thành cái thác nhỏ, đó là địa điểm lý tưởng để đặt cái Sa.  Người ta biết tánh cá thích lội ngược dòng suối, khi gặp chướng ngại thì nhảy tung lên, bay qua thác. Sa làm bằng lá cọ (palm tree) đan vào nhau thành cái máng rộng để hứng cá phía trên dòng thác.  Mỗi đêm phải đi thăm Sa chừng ba lần, đem cá về nhưng có lúc không có con nào vì kỳ đà, kỳ son ăn hết.

Thịt kỳ đà ăn ngon. Thịt kỳ son đỏ như máu, nhiều nhớt tanh hôi gớm, vất bỏ không ăn được.

 

Dù thế nào đi chăng nữa thì rừng núi bây giờ là giang sơn mới của mình.

 

Ghét nhất là khi con vét (tick) chui sâu vô lỗ tai cắn, hôm sau đau nhức và lên cơn sốt. Muốn giết chết con vét này , cứ vào rừng chặt cành cây Cà Chát (một loại palm tree nhỏ), tuốt bỏ phần lá, chỉ lấy cọng rồi đập dập khúc giữa cho mềm, nắm hai đầu vắt mạnh đến lúc mấy giọt nước màu xanh sậm nhểu ra. Hứng mấy giọt nhựa nguyên này, bảo nạn nhân nằm nghiêng, nhỏ mấy giọt nước Cà Chát vào đầy lỗ tai có con vét, cứ nằm nghiêng mà ngủ một giấc. Sáng hôm sau, con vét lăn đùng ra chết.

 

Người sống trong rừng phải có giác quan mở ra hết. Nhìn kỹ, quan sát, ngửi mùi, nghe ngóng. Phải biết học tiếng hú thật dài để tìm hướng đồng loại nhất là khi đi lạc. Thổ dân da đỏ hú hú trong nhiều phim Western Hollywood kể như vô dụng trong rừng già Việt Nam. Muốn hú phải để hai tay lên miệng làm như cái loa, cúi gầm mặt xuống, hít hơi thật sâu, hú một tiếng thật dài, tiếng vọng vang dội ra rất xa. Khoảng cách nghe được tiếng hú gọi là “một dặm hú”. Lắng tai nghe người ta hú lại để biết định hướng tìm cách ra khỏi rừng. Nếu mình nghe ai đó hú liên tục thì biết kẻ đang hú gặp tai nạn, hoặc đang bị cọp bao vây. Người sống trong rừng rất có tình thương tương trợ đồng loại, họ sẽ đến tiếp cứu mình.

 

Ở rừng phải biết phân biệt dấu chân gấu, chân cọp. Thấy dấu chân cọp mới còn ướt, liệu cái hồn, nó ở gần đâu đây. Gấu hay tấn công người ẩu lắm. Ban ngày gấu thích đi hai chân trông từ xa giống như một em bé đi lửng thửng! Cứ kiên nhẩn dừng chân lại, chờ nó quẹo vô rừng rồi mình hãy đi tới, không gấp. Ban đêm nghe tiếng chim Bù Chao kêu ỏm tỏi là biết có người đi, nghe tiếng con chim Lệnh kêu, tiếng giống như “bon bon boon, tránh-khỏi, tránh-khỏi!”  là biết có cọp bầy di chuyển, từ hai con trở lên. Suy ra, một là chim này thuộc loài ăn đêm, lại là chim ăn thịt sống nên bay theo cọp để kiếm chút cháo. Hai là có thể cọp nghe theo lời hướng dẩn của con chim Lệnh dẫn đường tìm ra bầy nai, bầy mểnh đang ngủ gần đó.

 

Trường hợp này giống như con chim thèm ăn mật ong bên Phi Châu. Chim  hót chót chét trước lều, hướng dẫn người da đen tìm đến tổ ong, làm trái đóm xông khói. Tôi thấy tay này đốt ong cháy, chết nhiều hơn là đuổi ong bay đi, nó trèo lấy mật dễ dàng vì rừng chồi, ổ ong mật đóng trên cành cây thấp lè tè. Nhớ ơn thương con chim, ném chia khúc mức có mật cho chim ăn với, sau đó nhờ loại chim thám báo này mà nó có mật ong ăn dài dài. Chim này thật khôn và nhớ dai. Ai lấy mật ong mà quên không chia phần trả công cho nó hả?  Được rồi sư phụ chờ đó!  Vài hôm sau nó lại kêu chí choé trước lều, hướng dẫn cái thằng vong ân bội nghĩa đến chổ có một bầy sư tử đang chờ đợi sư phụ.

 

Trong rừng Việt Nam khi ai tìm thấy ổ ong thì phải đứng từ dưới gốc cây cổ thụ nhìn lên, ngước cổ muốn trật ót, nhờ vào ánh sáng mặt trời mà xem kỹ màu vàng của “khúc mức”, ước lượng bằng mắt xem mật nhiều hay ít trước khi làm trái đóm trèo lên cây lấy mật. Mục đích là xông thật nhiều khói cho ong bỏ ổ bay đi, không phải đốt nó chết hết để lấy mật. Suốt đời một con ong chỉ tạo ra được có 4 gram mật. Công phu trèo cây khổ sở vất vả, mà mật ong còn dư tí xíu vì nhộng con đã nở ra uống hết mật, lớn lên, đang chia ra bầy ong  mới, bay đi, bỏ ổ còn lại thỏi sáp trắng thôi. Uổng công leo trèo.

 

Tiếng nói trong rừng dù rất nhỏ, cũng có thể nghe xa trên 100m. Do đó biệt kích đội nón vải để lật ngửa nón ra, nằm sát mặt đất mà liên lạc vô tuyến. Âm thanh sẽ không vang xa.

Khi ngửi được mùi thúi như con gì chết thì có ba đáp số: Một là có con gì chết sình thật, hai là cọp đâu gần đây, ba là hoa Bản Hạ đang nở, hương hoa xông ra mùi hôi như thế.

Trong rừng, mùi thuốc lá thơm ngửi được cách xa trên 200- 300m. Hút thuốc cũng cứu được mạng người.

 

Có lần kia tôi đào trùn, bắt cào cào xong, hai cha con xách giỏ rủ nhau đến Bàu Sình câu cá.

 

Đi trên đường mòn chằng chịt trong rừng tự nhiên ngửi được mùi thơm của thuốc lá. Bài toán chỉ có hai đáp số, một là có cây Cám trái chín rụng đầy gốc gần đâu đây mùi rất thơm như mùi thuốc lá hai là lọt vào ổ lính tây đang phục kích, có thằng lính nào đang hút thuốc. Cha con tôi im lặng ngồi thụp xuống quan sát. Lúc đó thấy một vệt sáng chói nhỏ, phản chiếu ánh nắng mặt trời loé lên. Từ xa, nhận ra cái loa che lửa đầu bạc của họng súng trung liên FM Bren của Pháp, nòng súng đang hướng về phiá cha con chúng tôi. Chết tới nơi rồi! Thụt lùi rồi dọt lẹ. Sống chết trong tích tắc. Sau này, tụi tây sửa lại loa che lửa loại súng này màu đen, không làm bằng nhôm trắng bạc nửa, gọi là trung liên FM đầu đen.

 

Nếu để ý sĩ quan VNCH mang cặp lon Trung úy vàng choé thì biết là lính văn phòng. 

Lính tác chiến phải sơn đen hoa mai hay thêu luôn hoa mai đen lên cổ áo nếu không muốn ăn đạn của VC nổ ngay chính giữa cặp hoa mai vàng sáng chói.

 

Trong quyển hồi ký Tắm Máu Đen của ông Võ Đại Tôn (trang 50 ) có đoạn tả cảnh rừng già như sau “... Mấy đêm nay khuya nào cũng có một con cú mèo đậu bên chòi tranh, chỗ tôi và Lộc ngủ, cất tiếng kêu nghe rờn rợn. Còn có một loại chim gì mà tôi chưa từng thấy bao giờ, ban đêm bay quanh các ngọn cây, tiếng đập cánh nghe kêu lẻng kẻng lạch cạch, như tiếng lắc xâu đồng tiền của các ông già đấm bóp dạo ở các khu phố Sài Gòn, Chợ Lớn và quanh các khách sạn ở tỉnh.”

 

À cái tiếng lẻng kẻng ông Võ nghe là còn nhỏ nhẹ và khá êm tai đấy! Ngủ ngon!. Tôi đã nghe tiếng loảng xoảng thật lớn như cái xâu lá sắt kết dính vào nhau, của mấy ông thợ mài dao mài kéo, vừa đẩy xe mài dao vừa vung lên, vung xuống xâu lá sắt khua vào nhau kêu loảng xoảng, vang vọng rất xa.

 

Đây là rừng già, không phải Chợ Cũ Sài gòn mà sao có thợ mài dao mài kéo, thợ đấm bóp?

 

Chim nào mà đập cánh như vậy thì chắc nó bị trầm cảm muốn tự tử, đập cho gảy cánh , đập rụng hết lông chết tía nó rồi, còn lông đâu mà bay?

 

Đúng ra nó là con rắn Dệt Mâm, loại rắn rung chuông, đêm đêm bò chuyền từ cành cây này qua cây khác để săn mồi thường là mấy con cù lần lù khù chậm chạp. Rắn nhỏ thỉnh thoảng rung cái đuôi kêu lẻng kẻng nhẹ nhẹ y như mấy ông đấm bóp. Còn rắn lớn khi rung cái đuôi lên nghe tiếng loảng xoảng như thợ mài dao. Có lần chòi tôi dựng lên ở ngay chân núi Mây Tào, phải chào thua nó, phải dời chổ ở, không phải sợ rắn bò vô chòi nuốt mình mà vì mất ngủ. Các bạn thử nghĩ xem có anh thợ mài dao đêm đêm khua xâu sắt loảng xoảng quanh chòi, ồn ào quá, đố ai mà ngủ cho nổi?. Thợ rừng gọi là rắn Dệt Mâm vì nghe như có ai đó gõ nhanh đều đều vào cái mâm thau, lúc đầu gõ thật to, thật mạnh theo nhịp paso, rồi gõ nhỏ lại dần, rồi im bặt.

 

Ban ngày cũng ở trên núi “Tao Mầy” này, có một loài chim khổng lồ, bay sà xuống đầu tôi với sải cánh mỗi bên to hơn cái ghế bố. Nếu chim này ăn thịt sống thì chắc nó quắp tôi hoặc một con nai bay đi dễ dàng. Mỏ nó không cong nên không thuộc dòng họ nhà ó. Thợ rừng bảo nó là chim Hồng Hoàng, ăn trái cây, không ăn thịt sống. Tôi sợ con chim này, trốn nó cho xong, để nó thấy, nó mổ vào đầu một cái chắc lủng sọ.

 

Con chim Ba Mỏ (giống con Toucan, mỏ cong hơn) tuyệt đẹp, đậu từng cặp, đối diện nhau. Một con lấy mỏ gõ nhẹ vào mỏ con kia rồi chúng cùng nhau cất cao giọng hót, đầu con này đưa tới thì cổ con chim kia rụt lại và con kia đưa mỏ tới thì con này rụt cổ về, lùi ra sau, chồm tới trước, nhịp nhàng, trông đẹp và lạ mắt.  Tuy nhiên tiếng hót ồn ào nghe như tiếng ngỗng kêu làm nản lòng thính giả mộ điệu!

 

Cùng với tiếng chim kêu, tôi mê con chim tên là Cò Nghí Ngảng cũng đậu đối diện nhau, nhìn nhau rỉa lông. Thỉnh thoảng con trống dùng mỏ gõ nhẹ vào mỏ con mái và hót to “côn côn côn”, lúc đó hai con cùng hợp tấu, chuyển âm ra tiếng Việt nghe như “ còo nghí ngảng nghí - còo nghí ngảng í –còo nghí ngảng nghí”. Biết cặp chim có thói quen đậu hót ở cành cây nào thì tôi là khán thính giả, phải ra nơi đó sớm ngồi ẩn núp chờ trước khi nghệ sĩ chim bay đến trình diễn. Vừa quan sát vừa nghe chim hót, âm thanh rất lạ tai. Tuyệt cú mèo.

 

Trong dãy Trường sơn có vài loại rắn sống lâu năm trở nên láu cá, im lặng núp kỹ trong khe núi. Nhìn đoàn quân đi, nó chờ đợi đớp nhanh con mòng cuối cùng. Lần nào di chuyển qua vùng này, bộ đội cũng bị... biệt kích Pháp bắt sống một tên! Lạ thật!. Tuy nhiên về sau, thủ phạm chính là con rắn bị bắt tại trận, lãnh nhiều tràng đạn, chết thối om cả khu rừng.

 

Trời sụp tối, tiếng kêu rùng rợn trong rừng là tiếng con vọc đực. Bầy vọc xúm nhau kêu ộc ộc rùm beng có lẽ để biểu diễn tài nghệ chinh phục con vọc cái. Nếu ai nghe tiếng vọc kêu lần đầu, ớn lắm. Con vượn, con cà khu và con vọc đều hiền khô, không khi nào tấn công cắn người ẩu tả như khỉ đột.

 

Bây giờ nhìn cảnh  chúng nó để con vọc con bò lồm cồm trên bàn xem chơi cho vui (?) một hồi , rồi cắt cổ giết ngay trên bàn làm mồi ăn nhậu, trông thật tội nghiệp con vọc còn bú. Tương lai chắc loài vọc này sẽ tuyệt chủng!

 

Ông Võ Đại Tôn còn tả những chiếc lá khô có chất lân tinh phát ra sáng rực trong đêm tối. Trong rừng ban đêm ngoài đom đóm còn có nhiều loại sâu chớp sáng mạnh và lâu hơn ánh sáng đom đóm, có nấm chiếu sáng và lá chiếu sáng. Ứng dụng thực tế là mình lượm cái lá khô chiếu sáng, gắn lên cái ba lô của người đi trước, lặng lẽ bước theo cái lá sáng rung rinh trước mặt, di hành trong rừng tối mịt mà không sợ lạc nhau bao giờ. Đừng sợ cọp vì con người không phải là mồi ăn bình thường của cọp. Cọp thích bắt trâu bò hoặc heo. Khi chiến tranh đến hồi khốc liệt, cọp nghe tiếng súng đạn giao tranh lại thường mò tới. Lính bộ đội phục kích thường trông thấy cọp “điếc không sợ súng” này nằm không xa, kiên nhẩn chờ đợi như chó chực xương vì nó biết nơi chiến địa sau khi im tiếng súng là sa trường về khuya  đầy tiếng rĩ rên, máu đổ thịt rơi, xác người ăn không hết.  Tuy nhiên, loại cọp này lại không khi nào bắt người sống mặc dù nó đã quen ăn thịt người bị thương nặng nhưng chưa chết hẳn.

 

Con cọp “cô hồn”  tôi sắp kể ra đây khởi đầu sự nghiệp giết người tại làng Hoà Bình, cách xã Cộng Hoà của tôi khoảng trên mười cây số. Vào một buổi chiều trời còn nắng gắt, nó công khai nghênh ngang xuất hiện, tấn công hai cha con, giết chết người cha rồi cắn cổ lôi đi sềnh sệch. Đứa con trai là cậu bé 13 tuổi cầm cái mác rượt theo. Mác là loại dao có cán dài cở 80cm, lưỡi mác cong, đầu nhọn rất sắc bén dùng để vót mây, chẻ lạt.

Cọp lôi con mồi đến bờ sông rồi hì hục kéo xác chết qua “cầu”. Chữ “cầu” viết trong ngoặc kép gọi là cầu chứ thực ra là cây dầu cổ thụ mà người ta cố ý đốn ngã ngang qua một khúc sông hẹp để tiện bề di chuyển qua lại. Con cọp vừa cắn xác người tòn ten vừa bò lên thân cây đem mồi qua bên kia sông. Thằng bé can đảm đã bám sát theo sau đuôi, đâm nhiều lưỡi mác sâu vào đùi, vào đít cọp. Bị nhiều thương tích đau đớn mà không sao xoay trở phản đòn được, cọp đành chịu thua bỏ mồi, chạy vào rừng. Tôi nể thằng bé này quá chừng vì da cọp dầy mà nó có sức mạnh đâm thủng. Đã có lần tôi thử cầm dao găm đâm vào con trâu chết sau khi bị máy bay bắn. Da trâu dầy lắm, sức mạnh đứa con nít như tôi đâm không thủng!. Thế mới đau!.  Thằng này thông minh thật, nó lựa chọn đúng thời điểm phản công, chờ cọp qua sông để đâm cọp, lại đâm vào ngay cửa hậu môn, nơi da mỏng!.

 

Người ta theo dấu chân cho biết cọp rất to lớn, có lẽ bị què một chân vì chỉ có ba dấu chân in rõ trên cát. Nó đã có thể dính một chân vào bẩy thợ rừng gài để bắt heo rừng, vùng vẩy đến sút chân ra khỏi bẩy và vì thế cẳng trước bị thương tật. Cọp này trở nên nguy hiểm vì nó mất khả năng nhanh nhẹn rượt săn bắt thú rừng, đành quay ra bắt người.  Nó có tiếng gầm đặc biệt đúng ra là tiếng gào giận dữ hay là đau đớn “ càà umm”. Tên nó đặt theo tiếng gầm thành con cọp Cà-Um. 

 

Cọp bình thường kêu tiếng giống như con nai con, kêu “tác tác”, gọi là “cọp béo”. Béo là động từ chỉ tiếng cọp kêu, không phải tĩnh từ chỉ con cọp mập béo. Thường sau vài tiếng cọp béo là có 5 -7 tiếng mang tác tiếp theo, tiếng con mang kêu “bép bép” giống như tiếng cọp béo. Mang tác báo tin vui cho bầy biết ta vừa thoát khỏi nanh vuốt cọp, vừa cảnh giác cho muông thú khác biết để đề phòng tử thần.

 

Khoảng tuần lể sau, cọp quậy chuồng heo của người ta cũng ở làng Hoà Bình. Gần đó có cái chòi lá của cặp vợ chồng trẻ, sinh con chưa đầy tháng. Anh chồng tay cầm đuốc cháy phừng phừng, tay cầm rựa đi tiếp cứu hàng xóm, không quên gài cửa lại cẩn thận. Khi đến nơi thì cọp đã bỏ đi, để lại con heo bị thương nằm đó. Anh về gần đến chòi, nghe tiếng con khóc. Bước vào anh thấy đứa con sơ sanh nằm khóc một mình và một lổ to cọp xé toạc vách bắt vợ anh đi mất rồi. Đến sáng, người ta tìm được chút thi thể người vợ xấu số trong rừng sâu.

 

Tin dữ đồn nhanh về con cọp rất tinh quái biết đánh lạc hướng người và ghê gớm nhất là nó xé vách bắt người. Ai cũng biết tâm lý cọp rất tinh khôn, dè dặt thận trọng. Thấy cái gì bất thường tất tránh xa. Rủi ro kẹt ngủ đêm trong rừng, người ta chỉ cần chặt tàu lá buông non (còn gọi là lưỡi mèo dùng để lợp, chằm nón lá, sau khi phơi ba nắng cho trắng), xé tàu lá ra, cột phần lá non màu trắng dính vào nhau rồi quấn vào cây rừng chung quanh cách chổ bạn ngủ đường kính chừng 5m. Cọp dù có đi qua, thấy người ngủ cũng liếm mép bỏ đi luôn, không bắt mồi  vì sợ bị gài bẩy. Một đặc tính khác là cọp không bao giờ xé vách bắt mồi nếu nó không nhìn thấy được con mồi.

 

Thế rồi một đêm không trăng sao, dân làng tôi nghe tiếng rống cà–um vang dội núi rừng, tiếng cọp rống trầm đặc biệt kéo dài rền vang như tiếng còi tàu sắp rời bến cảng giữa đêm khuya. Thôi rồi, cọp dữ đã dời chổ ở từ làng Hoà Bình xuống lập nghiệp định cư ở làng tôi.

 

Nạn nhân đầu tiên là anh ba Liểm, một nông phu lực lưỡng có vợ và hai con ở trong chòi cây rừng chắc chắn. Một buổi chiều trời vừa nhá nhem tối chưa kịp đốt đuốc lên thì cọp xông vào nhà bắt anh. Anh chỉ kịp la lên “cọp cà” liền bị móc họng. Tuy nhiên, với sức mạnh của anh cọp và người quần thảo nhau. Hàng xóm cùng la hét, đèn đuốc sáng choang xông đến tiếp cứu. Cọp bỏ mồi nhưng anh bị thương rất nặng. Khi đến thăm anh, lần đầu tiên tôi chứng kiến tư thế anh giãy dụa giật cong người lên như cái đòn gánh mà người ta gọi là “phong đòn gánh” (tetanus). Anh chết đi nhưng đêm đêm cọp vẫn còn tiếc vuột con mồi, rình quanh chòi, rống rền vang tiếng cà-um đe dọa.

 

Sau vụ này, nhà nhà lo dựng lại vách lá kín mít, lo cài then cửa chắc chắn, vô nhà ngủ sớm và thức dậy bước ra ngoài sinh hoạt khi trời thật sáng tỏ, nhìn trước ngó sau. Trong rừng ai cũng rành thói quen của cọp. “ Thứ nhất chạng vạng, thứ nhì rạng đông” là hai thời điểm dễ bị cọp chụp nhất.

 

Vài tuần sau, khoảng 10 giờ đêm, ông thợ mộc tên Ba nên gọi là thợ Ba đang ngồi trên phản phì phèo điếu thuốc rê thì bất ngờ một bàn tay lông lá to lớn thò nhanh qua cánh cửa sổ có chấn song bằng cây rừng, chụp ông cái rầm. Hụt mồi! Ông hét lên, cầm cái gối cây bằng gỗ vông ném vào mặt con cọp. Cọp còn muốn thử sức xé cửa sổ này bắt mồi. Là thợ mộc nên ông làm cái nhà ra cái nhà, cột, kèo, đòn tay, phên vách, song cửa chắc chắn, khác với cái chòi lá tạm bợ của tôi đang ở.

 

Lúc đó tôi đang học lớp mẫu giáo bình dân giáo dục, trường là chòi lợp lá cũng ở trong rừng, học chỉ để biết đọc biết viết, làm toán cộng trừ một vài con số. Mỗi ngày tôi xách theo bình mực tím, cây viết, cuốn tập và chai nước trà vối có bỏ thêm cục đường, cột dây xách lủng lẳng với cái nút thắt cổ chai, mà sau này đi hướng đạo (đạo Bến Nghé) tôi có dịp học thêm nhiều nút cơ khí hơn.

 

Lớp học từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều thì về, do ông thầy dạy gọi là chú Tư An. Trong lớp học, ngồi cạnh tôi là đưá con gái tên Mại, hớt tóc bom bê, sún răng, rất dễ thương. Mại kém hơn tôi hai tuổi, tính tình hiền lành, chúng tôi chơi với nhau rất tương đắc. Nước trà đường tôi tu một hơi thì chìa chai nước ra cho Mại tu vài hơi, như vậy đủ vui, nhìn nhau cười hí hí. Tôi không đủ sức chơi nỗi trò u bắt mọi hay bày trò chia hai phe đánh giặc vì còn bé quá, chưa đủ sức chịu đạn bắn qua cây súng là một ống thụt bằng tre bọng ruột, đường kính bằng với kích thước trái cò ke tươi vì tụi nhóc dùng trái cò ke tươi làm đạn. Về sau, kỷ sư vũ khí nhóc tì chế thêm gắp đạn chứa trên hai mươi trái cò ke, nòng súng dài hơn, tiếng nổ lớn, thụt bắn xa  4-5m, mạnh hơn, trúng người rất đau. Nó lấy tube thuốc Aspirin du Rhône bằng nhôm trắng làm cái loa che lửa.  Presto! Cây súng tiểu liên của tụi con trai lớn chơi trông thật là ngầu !

 

Một buổi sáng kia, tôi không thấy Mại đến trường như thường ngày. Sau đó biết Mại đi học rồi mất tích giữa ban ngày. Cả làng đổ xô đi tìm được bình mực, cây viết, cuốn tập, vài mảnh quần áo đẩm máu và ít xương thịt vương vải trong rừng. Tôi khóc nhiều vì thương nhớ người bạn gái nhỏ bé của tôi.  Tôi chả dám đi học nữa. Lớp học đóng cửa. Tôi phải  tăng cường phòng thủ cái chòi lá bằng cách kéo hàng chục chà gai keo bao nhiều lớp  kín mít quanh cái chòi. Tôi che kỹ bịt kín mít mấy kẽ hở trống, chỉ chừa lối đủ cho con chó nhỏ chui ra, chun vô.

 

Nếu cọp viết nhật ký chắc nó ghi rõ: “Ê, Cọp tụi bây! Ngày tháng này, có thằng nhóc tì dùng chà gai keo để ngăn cản đường tao đi! Chưa từng thấy trong đời làm Cọp của tao!”

 

Có ai thắc mắc hỏi còn ba tôi đâu?. Xin thưa ổng đi biền biệt, lâu lâu xuất hiện về thăm nhà một lần; chàng bận lo việc lớn, “cứu dân cứu quốc”! Chết sống gì, mẹ con tôi phải tự lo liệu lấy thân.

 

Một ngày nọ mẹ tôi phải gánh lúa đi xuống nhà ông sáu Huê xây lúa, và giả gạo, hẹn về sớm. Trong làng chỉ có một người biết làm và biết xảm răng cối xay lúa, đó là chú năm Thạnh, chân trái bị bệnh bại liệt (polio) teo lại nhưng chú rất giỏi về đan rổ, rá, đó, bung và xảm cối xay lúa.

 

Nhà ông Huê vừa có cối xay lúa, vừa có cối giã gạo chày đạp lẫn chày tay. Giã gạo chày tay một người thì lâu trắng lắm. Giã gạo chày đôi thì làm dần công nghiã là hai người giã cối gạo của mình xong lại phải giã gạo của người kia. Xay lúa giã gạo là hai bước chánh, còn những bước phụ như dần, sàng, dê, sảy để tách ra trấu, ra cám, ra tấm  mất rất nhiều thì giờ. Đây là giống gạo Nàng Co, hạt lúa giống của địa phương, hợp phong thổ khí hậu, khoẻ mạnh, ít bị sâu cắn chẻn. Lúa Nàng Thơm, Nàng Sậu thơm dẻo hơn nhưng yếu sức.

 

Làng có câu ca dao :    Cám ơn hột lúa Nàng Co

                                  Nợ nần trả hết lại no tấm lòng.

 

Các bạn chắc  biết gạo thơm ngon nhất ở Bà Rịa , hạt nhỏ, cơm dẻo gọi là gạo Nanh Chồn, dân địa phương trồng riêng để ở nhà gia đình ăn và biếu xén bà con, không bán.

 

Trời sụp tối rồi mà chỉ còn một mình tôi cô độc trong cái chòi lá ọp ẹp thô sơ này. Tôi cài then cửa, tay cầm cây gậy, trong chòi tối om. Sợ quá nên tôi không dám thắp đèn sợ cọp nhìn thấy !. Thình lình con chó nhỏ chui lẹ vô chòi.Trong sự vắng lặng của rừng, tôi nghe rõ tiếng chà gai keo khô gẩy răn rắc. Cọp đánh được hơi người đang từ từ bò vô chòi. Đúng nó rồi. Tôi ngửi được mùi tanh hôi vì cọp thường ăn thịt sình thối.Cuối cùng tôi nghe rõ tiếng cọp hít thở phì phò sát bên vách. Với bản năng sinh tồn, tôi bổng nhiên thu hết can đảm, cầm cây gậy đưa lên cao, đập hết sức mình ngay vào vách lá nơi cọp đang gầm gừ.

 

Cú đập mạnh nghe một tiếng rầm khá lớn. Tôi nghe một tiếng “soạt” tiếp theo, sau đó là im lặng như tờ. Tôi đứng im nín thở, quá sức run sợ vì biết cái chòi lá thô sơ này tạm bợ dùng che mưa nắng, cọp xé nhẹ vách là xong đời thằng nhóc ngay!.

 

Khoảng 10 giờ đêm, mẹ tôi vai gánh gạo, tay cầm đuốc về đến nhà, tôi ôm bà khóc sướt mướt.

 

Sáng hôm sau, quả thật cọp đêm qua đã vạch rào gai keo thành một lổ hổng từ vòng gai ngoài cùng vào đến sát vách. Thế là đêm rồi tôi đã cách tử thần trong gang tấc. Điều may mắn là chà gai keo rụng lá, cành gai keo khô trở nên dòn khi cọp dẳm chân lên, gảy kêu răn rắc. Rõ ràng trời còn ngó lại, ban cho cái “sensors gai keo” vô cùng hữu dụng trong giây phút chết người này, nhờ vậy mà tôi còn giữ được số hên của định mệnh, lắng tai nghe biết sát thủ đã tiến kề bên mình, rồi tiếp theo cú đập phản xạ vô vách lá rất bất ngờ có tác dụng làm nó giật mình đúng lúc.

 

Cọp thấy có điều gì đó bất thường, bỏ mồi. Đúng là có số hên!.

 

Bấy giờ mọi người trong làng sợ con cọp lợi hại này còn hơn sợ tụi tây ruồng bố. Có lẽ con ác thú này còn tiếp tục gieo rắc nhiều kinh hoàng hơn nữa nếu nó không mó đến thứ dữ hơn nó. Cọp giết chết một anh bộ đội!

 

Trong rừng Dầu Bắn có một “binh công xưởng”, do đại đội 188 điều hành. Gọi là binh công xưởng cho nó oai chứ vũ khí sản xuất từ cái lò rèn thật tầm thường bao gồm vũ khí bén dao găm, mã tấu. Xưởng có sửa chữa mấy khẩu súng gảy cò, chế tạo lựụ đạn “cán chày” nội hoá. Loại lựu đạn thô sơ này phải dộng mạnh vào gót chân để kích hỏa, xong ném ra chờ lâu lắm nó mới nổ. Vì nổ chậm nên rủi ro địch nhanh tay lượm lên ném trả lại thì lúc nó nổ là ngủm củ tỉ cả đám.

 

Loại lựu đạn của quân đội VNCH xử dụng là MK2 của mẽo, da sần sùi như trái mãng cầu ta, nặng 595 gram, đường kính sát thương 10m hoặc loại M26 cũng “Made in USA”, da láng, nặng 425gram, rút chốt ra rồi ném liền. Cả hai loại lựu đạn nổ nhanh lắm trong vòng 4 giây, không có cách chi lượm lên ném trả lại kịp. Phải cố ném quả lựu đạn ra xa 30 – 40m trở lên vì khi nổ miểng sẽ bay xa trên 100m (nhất là loại MK2) gây thương tích luôn cho chính người ném.  Huấn luyện viên vũ khí căn dặn thật kỷ, phải để cái cần lựu đạn vào lòng bàn tay, nắm trái lưu đạn chắc chắn rồi mới rút chốt ra nhé vì sức cần bung sau khi rút chốt cũng khá mạnh, rủi ro tuột tay rớt xuống đất là mình chầu ông bà trong chớp mắt.

 

Có ai còn nhớ bài hát thời tiền chiến 1945 “Áo anh rách vai, quần tôi có hai mảnh vá, miệng còn cười buốt giá, chân không giày, thương nhau tay nắm lấy bàn tay” (bây giờ thấy bài hát “gay” ơi là “gay”!)  Nếu tác chiến trên bãi cát mà dùng lựu đạn cán chày loại này thì phải đập ngòi nổ vào gót chân không giày. Sau đó chắc xương gót sưng vù đau điếng, đồng chí phải đi cà thọt!.

 

Trong binh công xưởng này có anh tên Mại, một cái tên định mệnh trùng tên với đứa học trò con gái vắn số là em Mại ngồi bên cạnh tôi. Anh bộ đôi Mại là một thanh niên khoẻ mạnh, đàn guitar giỏi, hát hay, đánh bóng bàn vô địch. Từ ngày con cọp Cà um tung hoành trong làng thì bộ đội cũng rét như dân, tối đến họ mắc võng thật cao để ngủ. Riêng anh Mại lại yên chí ngủ trên bàn ping-pong vì tin vào hàng rào cây rừng  kiên cố cao hơn 3.5m bao bọc quanh trại, sợ gì?. 

 

Sai lầm chết người!

 

Đêm đó, cọp nhảy qua rào dễ như chơi. Mại chỉ kịp la lên một tiếng là cọp cắn cổ, xách anh theo, nhảy gọn ra ngoài. Đèn pin chớp loang loáng theo dấu cọp suốt đêm. Sáng ra họ chỉ vớt vát được chút xương thịt thừa của anh Mại.

 

Đau buồn và bị hao hụt quân số một cách lãng nhách, lúc đó bộ đội mới chịu ra tay. Họ phối hợp với dân làng theo dõi lộ trình săn mồi, đường đi lối về của cọp. Người ta kết luận là cứ cách vài ba đêm, cọp lại rảo bước qua lại trước nhà một nông dân tên là ông Hai Phát. Nhà ông này đông con nhiều cháu, tối nằm ngủ lềnh khềnh trên mấy bộ ván mà nhìn qua cánh cửa chấn song khá chắc chắn, cọp chắc phải liếm mép thèm mấy con mồi đang ngủ. Thế rồi người ta quyết định khỏi cần làm cái thum rình bắn cọp chi cho mệt,

cứ lấy nhà ông này làm địa điểm phản phục kích con cọp. Người ta thay phiên nhau ôm khẩu súng hai nòng, trực gát suốt đêm, rình cọp.

 

Hai tuần lễ trôi qua, cọp đâu chả thấy.

 

Bất ngờ đến phiên trực chót, trời đã mờ sáng thì nghe nổ tiếng “đoàng” chát chúa. Cả nhà thức giấc hỏi mày bắn cái gì vậy.  Tay súng tài tử, trong đời chưa từng bao giờ được bắn phát đạn nào nói: “Dạ con thấy cọp đi sát vách, bự chần dần như một tấm cà tăng vằn vện căng ra trước mặt, con bóp cò liền”.

 

Cà tăng là tấm phên đan bằng tre, cao khoảng 2-3m, khi quây tròn lại thành hình cái ống, nhỏ  hay lớn tùy ý mình, dùng để chứa đựng hạt ngũ cốc như lúa bắp, đậu phọng, đậu xanh (silo). Nếu quây cà tăng đựng lúa thì gọi là bồ lúa. Những người có nhiều lúa dùng gổ đóng cái thùng chứa chắc chắn hình hộp gọi là lẩm lúa. Tác giả chú giải đôi chút cho tây con, đầm con lớp mình đọc vui vẻ thoải mái chứ không dám khinh xuất xem nhẹ kiến thức uyên bác của YF’s!

 

Chắc độc giả  còn nhớ câu tuyên bố lẩy lừng  có 4 chữ bồ của cụ Cao bá Quát:

 

” Trong thiên hạ có 4 bồ chữ.

   Một mình tôi chiếm 2 bồ.

   Anh tôi là Bá Đạt, bạn tôi là Nguyễn Siêu chiếm một bồ

   Còn lại một bồ phát cho thiên hạ”.

 

Sau khi nổ súng, người ta chờ đến khi trời thật sáng tỏ, mở cửa ra chả thấy cọp đâu cả.

Chắc bắn trật rồi, nó vuột chạy vô rừng. Đến trưa, bất ngờ có người la hoảng lên, cọp kìa, nằm trong đám tranh.  Người ta lấy cây sào dài chọt chọt vào cọp, thấy cọp đã chết hẳn, viên đạn phá vỡ lồng ngực.

 

Cọp đực khổng lồ, đúng là có bàn tay trái bị dập nát, teo lại. Đít khu bị lở loét, nhiểm trùng có lẽ do mấy vết mác của cậu bé đâm thủng tại làng Hoà Bình. Thịt cọp được chia ra từng miếng nhỏ, biếu cho mỗi gia đình trong làng nếm thử. Khi xẻ cái bao tử cọp ra, anh thanh niên lấy tay gạt bỏ thức cọp ăn ra ngoài, bất ngờ anh ta thét lên vì đau đớn. Bàn tay anh lột da liền như bị phỏng nước sôi vì chất dịch vị trong bao tử cọp có độ acid khá mạnh!  Đây là nạn nhân cuối cùng của con cọp dữ.

 

Đã có lần tôi kể chuyện cọp này cho bạn bè nghe và tôi hỏi một anh bạn vậy chớ có sợ cọp không? Anh cựu quân nhân lắc đầu. “ Không anh. Tôi hành quân ngủ trong rừng hoài. Tôi không sợ cọp mà tôi lại.. sợ ma mới khổ. Nói đúng hơn tôi sợ ma-lai.”. Câu trả lời chắc nịch của anh lính tác chiến này làm tôi chưng hửng Lính mà sợ ma thật sao? Chuyện chi loạ rứa?  Tôi cũng biết có anh bộ đội rất sợ con cóc nhưng lại cóc sợ ma. Tôi thầm nghĩ chắc có lúc cha nội này cạn ly với bạn bè nằm mơ thấy ma-lai rút ruột bay là là vào phòng, nhe nanh hút máu anh ta!.

 

Rồi bỗng nhiên tôi nghe tiếng cười khúc khích đâu đây.

 

Cô bạn ngồi cạnh bà xã anh ta lên tiếng:

 

-Anh Ánh ơi! Anh có biết bà xã ảnh tên gì hông?

 

 -Dạ chưa biết chị! Chỉ biết ảnh tên Vinh, tôi kêu bà xã ảnh là chị Vinh. Vậy bà xã ảnh tên gì chị?

 

 -Bà xã ảnh tên là Mai.Ma-Lai nói lái lại là Mai la. Cô Mai mà la hét thì ảnh run liền. Ảnh sợ cô Mai còn hơn sợ cọp là cái cẳng rồi!. Hì! hì!.

 

Đọc tới đây chắc bạn cười kiểu ...mím chi cọp. Lại vừa đọc xong một chuyện cọp, thật hư chưa biết ra sao?.

 

Bảo đảm chuyện này có thật 100 phần dầu, từ nhập bài cho đến đoạn kết của con cọp rằn.

 

Bs Hà Quốc Ánh, QYHD 20

Melbourne, Australia