Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
Tranh sơn dầu do tác giả vẽ

Tranh sơn dầu do tác giả vẽ

BS Nguyễn Duy Cung 1960

BS Nguyễn Duy Cung 1960

BS Nguyễn Duy Cung và phu nhân

BS Nguyễn Duy Cung và phu nhân

ñ©i Y Sï Trong Cu¶c Chi‰n TÜÖng Tàn
 
NguyÍn Duy Cung
Lời giới thiệu của Ban Biên Tập

Ban Biên Tập Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y QLVNCH xin trân trọng giới thiệu tác phẩm "Đời Y Sĩ Trong Cuộc Chiến Tương Tàn" của tác giả Nguyễn Duy Cung, QYHD khóa 7. Ông tốt nghiệp Bác sĩ Y Khoa trường Đại Học Y Khoa Sài Gòn năm 1960 và liên tiếp đảm nhiệm chức vụ Y sĩ trưởng của một số đơn vị Quân Y khác nhau của QLVNCH. Ông đã từng đi tu nghiệp tại Hoa Kỳ về chuyên môn Gây Mê Hồi Sức trong năm 1962 và tại Nhật Bản về Giải Phẫu Lồng Ngực vào năm 1969.

Năm 1966, ông đắc cử dân biểu Quốc Hội Lập Hiến đại diện cho tỉnh Bình Thuận và tham gia vào việc soạn thảo bản Hiến Pháp hoàn chỉnh cho nền Đệ Nhị Cộng Hòa của nước Việt Nam Cộng Hòa.

Sau ngày Sài Gòn thất thủ 1975, ông bị bắt đi tù cải tạo cho đến năm 1976 thì được VC thả về làm việc tại Trung Tâm Thực Tập Y Khoa Gia Định với tính cách "tù nhân cải tạo tại chỗ."

Năm 1979, ông cùng gia đình vượt biên đường biển và đến được bến bờ Tự Do Hoa Kỳ năm 1980. Ông lấy lại được bằng hành nghề Y Khoa tại Hoa Kỳ và làm việc cho đến khi nghỉ hưu trong thời gian gần đây.

"Đời Y Sĩ Trong Cuộc Chiến Tương Tàn" là một tập hồi ký kể lại cuộc đời thăng trầm của một người có thể tự hào là "kẻ sĩ" trong thời loạn, đồng thời cũng là chứng nhân của một thời kỳ tương tàn nhất trong lịch sử cận đại của Việt Nam.

Được sự chấp thuận của BS Nguyễn Duy Cung, Ban Biên Tập Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y dự định sẽ tổ chức một buổi Ra Mắt Sách "Đời Y Sĩ Trong Cuộc Chiến Tương Tàn" tại Westminster, California vào cuối tháng 9 năm 2014. Đồng thời từ số tháng 8/2014, chúng tôi sẽ trích đăng hàng tháng một số chương của cuốn hồi ký của BS Nguyễn Duy Cung để giới thiệu cùng quý độc giả.




TIỂU SỬ BÁC SỈ NGUYỄN DUY CUNG

Sanh ngày 31 tháng 5 năm, tại Sa Đéc Miền Nam Việt Nam.

Trình độ Văn hóa:

-Bậc tiểu học: trường Montaigne Sa Đéc

-Bậc trung học:
  Trường Petrus Ký và Chasseloup Laubat Sài Gòn Văn bằng Tú Tàì I và II Pháp
  Trường VN Hàng hảỉ thương thuyền: Văn bằng Cận Dương và Viễn Dương Thuyền Trưởng .

- Bậc Đại học :
Trường Đại Học Khoa Học Sài Gòn. Văn bằng Lý Hoóa Sinh PCB 1955.
Trung tâm Letterman General Hospital San Francisco USA . Văn Bằng Gây Mê Hồi Sức 1962.
Trường Đại Học Y Khoa Sài Gòn: Văn bằng Y Khoa Bác Sĩ Quốc gia.  -Luận án Tiến sĩ Contribution à l' Etude du Cancer Ano Rectal au Sud Vietnam,  được Hội đồng Y Khoa chấm Tối Ưu hạng và đề nghị một giảỉ thưởng luận án 1964.
- Japan Antituberculosis Association.  Research Institute of Tuberculosis. (Văn bằng Giải Phẫu Lồng Ngực Chuyên Khoa Giải Phẩu Phổi, Nhật Bản 1970.
- Giảng Sư Đai học Y Khoa Sài Gòn bộ môn Giải Phẫu Lồng Ngực - Chuyên khoa Giải Phẩu Phổi 1971.
Tổng Quản Đốc Trung Tâm Thực Tập Y Khoa Gia Định - Bệnh viện Nguyễn Văn Học 1974 - Chức vụ do Thủ tướng bổ nhiệm.
- Loma Linda University Medical School. Văn Bằng Giảỉ Phẩu Tổng Quát 1984.
- The American Academy of Cosmetic Surgery.  Hội viên thực thụ Hàn Lâm Viện Giảỉ Phẫu Thẫm Mỹ Hoa Kỳ.
- Văn Bằng Chuyên Môn Giải Phẫu Thẩm Mỹ và Tái tạo Quốc Tế (1992 International Board Plastic-Aesthetic-Reconstructive  Surgery)
- Profesor honorario La Sociedad Espanola de Cirugia Estetica . Giáo Sư Danh dự Hội Giảỉ phẫu Thẩm Mỹ Tây Ban Nha 1992.


LỜI TỰA

Quê tôi là một vùng đất hiền hòa thuộc làng Mỹ Đức Đông, tỉnh Đồng Tháp với ruộng lúa mênh mông, sông ngòi chằng chịt.  Thời thơ ấu tôi đã sống những năm thật thanh bình với Má và chị em tôi ở đây, chẳng biết gì hơn ngoài khung trời trước mặt, tưởng chừng như thế giới thiệt là nhỏ bé.  Hầu như suốt cả ngày tôi lặn lội trong ruộng sâu bắt dế, mò tôm, đuổi chim, bắt cá, chiều ra đường lộ vắng xe đá banh, vui đùa không ưu tư với chúng bạn cùng trang lứa.

Năm 1945, khi đoàn quân viễn chinh Pháp theo chân quân đội Đồng Minh trở lại Việt Nam để giải giới quân đội Nhật, thừa cơ tái chiếm miền Nam rồ̀i tiến ra Bắc, gieo rắc tang thương cho dân lành cũng là lúc Cộng Sản nổi dậy gây nên một cuộc chiến tranh càng ngày thêm thãm khốc kéo dài cho tới mấy chục năm sau nầy.

Vào một đêm khuya, cả làng tôi giật mình thức giấc vì những tiếng trống hãi hùng theo nhịp quân hành từ xa vọng lại, hòa lẫn với tiếng gió hú từng cơn trên cánh đồng lúa mênh mông. 

Dân chúng hoảng loạn nhốn nháo báo tin dữ cho nhau: “Cộng sản đã tới đầu làng Hoà Khánh, sắp sửa về đây rồi bà con ơi.  Lo mà chạy giặc!”

Cả nhà tôi kinh hoàng, người lớn lo sợ, lăng xăng, trẻ con tuy chưa hiểu gì nhưng thấy sự nghiêm trọng trên nét mặt của người lớn nên lặng thinh, đứng đâu thì im đó, không còn cười nói trửng giởn như thường ngày.  Chị tôi quơ vội một số đồ đạc rồi vội vàng ẳm tôi đang lên cơn nóng sốt bỏ xuống xuồng, tháo dây bơi miết vô tận đồng xa để lánh nạn… Sáng ra, thấy tình hình tạm yên, Má tôi quyết định rời chỗ trốn, nhưng không chịu về lại làng cũ mà đưa chúng tôi về Cái Thia, gần sông Cái, Tiền Giang, ở nhờ nhà người em.  Từ đây Má và Chị tôi buôn bán lây lất qua ngày để nuôi sống cả gia đình.  Khi tôi còn nhỏ nhà ở giữa đồng, để lo việc học cho tôi, má tôi mướn ông thầy giáo làng thất nghiệp ở ngoài chợ về cất một căn nhà lá nhỏ để ông ở và dạy tôi học, được một thời gian má lại gởi tôi về Quận Cái Bè đi học,vô trường nửa chừng, tôi phải học chung trong một lớp toàn là con gái, lại bị ngồi bàn đầu, trước mặt là tấm bảng đen xì, không xây qua trở lại được để nhìn trộm bài, tôi đành thúc thủ ngồi yên. 

Đến năm 1946, thấy vùng quê không còn yên ổn nữa, chuyện buôn bán sinh sống coi mòi càng ngày càng khó khăn, Má tôi quyết định đem hết gia đình tản cư lên Sàigòn.  Ba tôi vì không muốn tham gia chính quyền Pháp nên thay tên đổi họ, một mình xuống Quận Trà Ôn mở một tiệm sách nhỏ để mưu sinh.  Phần tôi đã thi vô được trường Trung học Petrus Ký. 

Qua năm 1951, khi nghe tin anh thứ tư của tôi mất ở sông Cầu, Phú Yên, trên đường từ Bắc về Nam, Má tôi buồn rầu rồi bạo bịnh qua đời.  Lúc đó tôi đang học năm thứ hai (lớp 7 ngày nay) trường Trung Học Petrus Ký-Sài Gòn, gặp thời kỳ phong trào học sinh tranh đấu nở rộ, trò Trần văn Ơn bị mưu sát ngay trong trường, những cuộc biểu tình, bãi khóa diễn ra thường trực, gia đình tôi lo lắng nên chuyển tôi ra học các trường tư nổi tiếng đương thời như Huỳnh Khương Ninh, Lê văn Hai, Huỳnh thị Ngà, tuy có tốn tiền chút đỉnh nhưng cả nhà yên bụng hơn.

Nhờ cố gắng học hành, tôi thi đậu Tú Tài I Pháp và xin vô học tiếp ở trường Chasseloup Laubat, đồng thời thấy hoàn cảnh kinh tế gia đình yếu kém, tôi ghi danh học thêm ngành đi biển.  Qua năm 1952 tôi vừa đậu Tú Tài II Pháp vừa đậu thêm hai bằng sĩ quan Cận Dương và Viễn Dương Thuyền Trưởng của trường VN Hàng Hải.  Từ đó tôi theo nghề lái tàu, tưởng mình sẽ trở thành nhân vật như trong Ngư Ông và Biển Cả của văn hào Ernest Hemingway.  Tuy nhiên lúc đó cả nhà khuyên tôi nên theo ý muốn của Ba, học một nghề chuyên môn mới có thể giúp đỡ được nhiều người nghèo khó chung quanh như tôi từng muốn... Sau môt thời gian đắn đo suy nghĩ đến những lời khuyên chí lý của những người thân, tôi quyết tâm trở lên bờ, chuẩn bị đi học lại để thi vào trường Đại Học Y khoa Sàigòn vào năm 1955...

Bỏ việc trên tàu nghĩ cũng uổng, vì phí mất một thời gian dài học tập, các bạn cùng lớp Hàng Hải, người nào cũng ao ước có được một chỗ làm tốt như tôi mà không được, vì cả trường chỉ có 6 người đậu được bằng Sĩ quan Viễn Dương Thuyền trưởng, lương hướng đi tàu như tôi lại cao hơn môt số lớn nghề làm trên bờ.  Nhưng vì quyết chí theo con đường mình đã định nên tôi dứt khoát.  Mặc dầu thời gian đi học trở lại có dài, nhưng tôi đã nghĩ ra cách có được chút đỉnh để dành dụm trong năm, mà không ảnh hưởng đến việc học hành là đi xuống các tỉnh miền Tây dạy thêm vào mùa hè.

Cuộc chiến ở miền Nam càng lúc càng sôi động khi Cộng Sản Bắc Việt xua quân tràn qua vĩ tuyến 17 và len lỏi xâm nhập dọc theo dãy Trường Sơn vào đánh phá Miền Nam.  Tốt nghiệp Y khoa, năm 1960, tôi được Nha Quân Y bổ nhiệm ngay về đơn vị tác chiến thuộc Sư đoàn 22BB đang chịu trách nhiệm trên vùng Cao nguyên phía Bắc Kon Tum.

Tham dự những cuộc hành quân với nhiều trận đánh ác liệt, tôi được đặc cách thăng cấp Y sĩ Đại Úy và được Nha Quân Y cho đi tu nghiệp Gây Mê Hồi Sức tại Tổng Y viện Letterman Hoa kỳ sau đó không lâu.

Về nước năm 1962, tôi được lịnh chuyển ra Tổng Y Viện Duy Tân, Đà Nẵng, làm Y sĩ trưởng khoa ngoại, kiêm nhiệm khoa Gây mê hồi sức.  Đến năm 1965 lúc đầu Y Sĩ Đại tá Vương Quang Trường Tổng trưởng Y tế kiêm Giám Đốc nha Quân Y bổ nhiệm tôi về làm Y sĩ trưởng QYV Nguyễn Tri Phương trong thành nội Huế nhưng sau đó lại có sự thay đổi, tôi nhận được Sự Vụ Lịnh khác về Bình Thuận để thành lập Quân Y Viện Đoàn Mạnh Hoạch. Tình hình trong nước lúc bấy giờ thật rối ren, năm 1963 sau khi đảo chánhTổng Thống Ngô Đình Diệm, các tướng lãnh lo tranh giành quyền lợi mà không chú tâm vào mặt trận quân sự, khiến Cộng Sản thừa cơ thao túng, giật dây cho Phật giáo xuống đường, xúi dục các phe phái kình chống lẫn nhau, gây nhiều hoang mang nghi ngại trong dân chúng về nền chính trị của VNCH.  Các chánh phủ thay nhau lên rồi đổ xuống như chong chóng khiến cho uy tín của chánh thể Miền Nam bị hao mòn dần.

Năm 1966, được Bác sĩ Cao Xuân An trong Nha Quân Y đề nghị tôi ra ứng cử Quốc Hội Lập Hiến để soạn thảo Hiến Pháp Đệ Nhị Cộng Hoà tái lập căn bản pháp lý cho miền Nam, và tôi đắc cử dân biểu tỉnh Bình Thuận.  Thời gian nầy tôi may mắn gặp được nhiều bạn đồng viện có khả năng và tâm huyết để cùng nhau viết một Hiến Pháp mà học giới và chính giới coi là một Hiến pháp tiến bộ và hợp tình thế.  Một vài vị nầy gần nửa thế kỷ sau tôi vui mừng gặp lại trên đất Mỹ như GS Nguyễn văn Sâm, GS Ngô Thanh Tùng, Thẫm phán Phạm Đình Hưng, BS Vũ Ban … Giữa năm 1967, xong nhiệm vụ trong Quốc Hội Lập Hiến, tôi trở về lại quân đội tình nguyện lên Phước Long, tỉnh Sông Bé một nơi hiểm trở rừng thiêng nước độc để phục vụ dân chúng trong lãnh vực Y tế là phần chuyên môn của mình.

Không lâu sau đó, năm 1969, tôi nhận được học bổng Colombo sang Nhật học ngành giải phẩu lồng ngực là ngành học vừa mới phát triển.  Tại đây nhờ sự giới thiệu của cụ Phan Khắc Sửu nguyên Chủ tịch QHLH, tôi cũng được quen biết một nhân sĩ đã sang đây trong thời kỳ cách mạng Đông Du như ông Nguyễn Thanh Sĩ... Khi trở về nước tôi được Trường Đại học Y khoa Sàigòn đề bạt làm Giảng Sư cho trường về chuyên ngành nầy, đồng thời Bộ Y Tế cũng đề cử tôi làm Tổng Quản Đốc Trung Tâm Thực Tập Y Khoa Gia Định, chức vụ sau này ngang hàng Thứ Trưởng do Thủ Tướng bổ nhiệm. Tôi giữ hai nhiệm vụ nầy từ đó…

Vào thời điểm đen tối nhất của Miền Nam, những ngày cuối tháng 4/1975, TTTTYK GĐ phải đón nhận một số bịnh nhân đông quá mức, hầu hết thương tích vì đạn pháo kích của Việt Cộng vô phi trường Tân Sơn Nhứt và các vùng phụ cận thuộc tỉnh Gia Định.  Tin tức chánh phủ sẽ rút quân bỏ ngỏ các tỉnh Miền Trung dồn dập đưa về Sàigòn với viễn ảnh Miền Nam sẽ thất trận trong tương lai, khiến dân chúng hoảng sợ nguy cơ Cộng Sản tràn vào thành phố, một số lớn bác sĩ, y tá của Trung Tâm lần lượt rời bỏ bịnh viện, tìm đường ra đi… Tôi tự nguyện ở lại làm việc để chăm sóc hơn 550 bịnh nhân khốn khổ đang nằm chờ chữa trị, và trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 Cộng Sản vào chiếm bệnh viện trong khi tôi đang làm việc trong phòng mổ.

Thế là mọi việc chấm dứt từ đây, tôi và những anh em sĩ quan bị gọi là “ngụy quân” đưa đi cải tạo, bắt đầu sống đời tù nhân đọa đày bằng cách nầy hay cách khác, bị đưa đi qua các trại tù tập trung như Trảng Lớn, Xuân Lộc, Suối Máu, Sóng Thần... cho đến khi sức khỏe bị suy kiệt tận cùng vì đói kém, vì vất vả do lao động quá sức, tưởng chừng có thể ngã lăn ra chết bất cứ lúc nào, như một vài bạn sĩ quan khác trong tù.

Năm 1976, lúc tôi đang bị giam ở trại Sóng Thần thì được lịnh tạm thả về với lý do là Trung Tâm Thực Tập Y Khoa Gia Định đang cần một bác sĩ chuyên khoa giải phẩu lồng ngực để mổ cho một cán bộ cao cấp bị thương nặng, có thể nguy hiểm đến tánh mạng do một mảnh đạn nhiễm trùng ghim lâu ngày trong phổi.  Tôi đã thực hiện ca mổ thành công và cứu sống bệnh nhân này trong sự thán phục của VC.  Đó là lương tâm nghề nghiệp của tôi, mặc dù tôi ghét sự trả thù khắc nghiệt của họ dành cho chúng tôi trong cảnh tù đày.

Họ giữ tôi lại bệnh viện để làm việc với tư cách tù nhân “tự nguyện không lương”.  Ban ngày cặm cụi làm việc trong phòng mổ, chiều đến trở thành bịnh nhân trên khu Nội khoa và Vật lý trị liệu vì đôi chân đau nhức của tôi trong thời gian tù tội, tối về làm “dân phòng” vác gậy và dây luột ra canh gác khu vực dưới sự kiểm soát của Công An phường như một hình thức “cải tạo tại chỗ”.  Quần quật suốt ngày, suốt tháng không có thời giờ nghỉ ngơi và bị đối xử lạnh nhạt, khinh dể, lòng tôi cảm thấy đau đớn cho thân phận mình, từ đó suy nghĩ sâu hơn là xót xa tủi nhục cho thân phận cả dân Miền Nam thất trận. 

Những lúc tinh thần xuống quá thấp tôi tự an ủi là mình vẫn còn may mắn hơn mấy anh em sĩ quan hiện đang còn nằm trong trại giam, ốm đau, ghẻ chóc, thiếu thốn đủ mọi thứ, kể cả thức ăn bình thường là cơm và muối, những thứ rất rẻ mạt thời Việt Nam Cộng Hòa.

Là người dân sinh trưởng nơi miền Tiền Giang, bên ngoại ở Sa Đéc, bên Nội ở Mỹ Tho, miền Nam là nơi chôn nhau cắt rún tôi quyến luyến đã đành, nhưng mảnh đất ở bên kia vĩ tuyến 17 đối với tôi vẫn là đất nước ViệtNam, tôi yêu tha thiết quê hương mình, nhưng bây giờ nhìn lại không còn nơi nào yên ổn để dung thân, để phục vụ nữa, ngay trên lãnh vực Y tế chăm lo sức khỏe cho người dân, tôi cũng không có quyền nhúng tay vào.  Sống giữa những người CS tâm địa nhỏ nhen đầy hận thù đố kỵ thì chỉ có nguy hại cho mình mà còn vướng bận đến gia đình người thân cũng bị ảnh hưởng theo.  Hòa bình hiểu theo nghĩa của người Cộng Sản đương thắng thế là không còn chiến trận, là hết súng đạn vang rền, nhưng lòng dân miền Nam thì tan tác, xã hội lúc nầy còn thê lương điêu tàn gấp vạn lần thời binh lửa ngày xưa.

Biết không còn cơ hội sống bình yên trong chế độ với lý lịch quân nhân của tôi, trước viễn ảnh tương lai đen tối của các con, gia đình tôi đã tìm cách cho tôi vượt biển.  Chúng tôi ra đi trên một con tàu gỗ cũ kỹ đươc dùng để vận chuyển hàng hóa trên tuyến đường Phú Quốc- Rạch Giá, đã bị chìm một lần và chủ tàu cho vớt lên sửa chửa để xông vào một chuyến hải hành đầy gian nguy, bất chấp cái sống mỏng manh trong đường tơ kẻ tóc... để tìm đến bến bờ tự do như bao người con của đất nước đã nát lòng khi rời bỏ quê cha đất tổ, liều chết cho một cuộc đào thoát vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc trước quốc nạn.

Tháng 5/1980 gia đình tôi được đặt chân lên nước Mỹ, định cư tại làng Van Buren, tiểu bang Arkansas sau hơn một năm ở lại đảo Pulau Bidong và trại chuyển tiếp Cherras ở Mã Lai để làm việc giúp đở thuyền nhân tỵ nạn.
Tại đất nước dung thân mới có nhiều tình người nầy, tôi được may mắn tiếp tục con đường học vấn để trở lại nghề cũ Y khoa, được hân hạnh là bác sĩ của Hàn lâm viện Giải phẫu thẫm mỹ Hoa Kỳ, sau đó đậu luôn bằng Giải phẫu thẩm mỹ quốc tế, tôi hành nghề cho tới ngày về hưu…

Ngồi suy ngẫm lại cuộc đời mình với thân xác yếu đuối, như lau sậy nghiêng ngã giữa phong ba khắc nghiệt, bịnh hoạn èo uột từ thời niên thiếu, khi đến tuổi trưởng thành thì lao vào chiến trận đầy gian truân, nguy hiểm trước súng đạn vô tình.  Khi tàn cuộc chiến lại bị tù đày khổ nạn, lúc vượt thoát còn phải đối diện với bao thử thách hãi hùng trên biển cả, đôi lúc giữa cái chết và sự sống không có lằn ranh, tưởng chừng như con người khó thể tồn tại nếu không có bàn tay nhiệm mầu của Thượng Đế cứu vớt. 

Nhiều khi suy nghĩ lại tôi thấy mình không dị đoan mê tín chút nào khi cho rằng sự tồn tại của gia đình tôi qua những phong ba của đời là nhờ có sự che chở của người Mẹ thương yêu đã quá vãng nhưng hầu như lúc nào cũng ở bên cạnh để độ trì cho tôi trong những phút giây cùng cực nhất Quyển hồi ký nầy có nhắc đến những địa danh, những nhân vật một thời, những vui buồn thế sự, tất cả đều là sự thật mà tôi đã trãi qua.  Tôi ao ước nó được in ra, gởi đến độc giả xa gần như một chút tâm tình của kẻ đi trước khi nói về một đời người.
                                                                            
Nguyễn Duy Cung
                                                                          
California 2014

Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2014
Loading