Đi tìm Nguồn Cội Haplogroup 03 (M122), một nhánh bên Nội
Loading
Tuan Luu, MD

Trong việc đi tìm gốc tích của dân tộc Việt, đã có nhiều bài viết viện dẫn kết quả khảo cứu của dự án Genographic Project, nhưng cũng chỉ là thoáng qua không đi vào chi tiết, thế nên tôi mạn phép được thoáng dịch một bức thư trả lời của dự án đó cho một cá nhân ở vùng Đông Á ( Phillippine ) có tham dự trong cuộc khảo cứu để những ai quan tâm được biết nhiều hơn.

Ngành sinh học đã biết từ lâu rằng nhiễm sắc thể giới tính Y chỉ được lưu truyền ở đàn ông đời này sang đời kia (cha truyền cho con trai), rồi thì với những tiến bộ của ngành sinh học phân tử, từ giữa những năm 1980, chúng ta biết thêm được những đột biến ở trong nhiễm sắc thể đó qua thời gian. Một đột biến, mutation, nào đó vô hại trong một base của chuỗi DNA, được gọi là SNP, single nucleotide polymorphism, sẽ được truyền cho các thế hệ sau.

Nhiều cá thể mang cùng một SNP được xếp vào một Haplotype, và nhóm nhiều cá thể mang một số SNP giống nhau lập nên một Haplogroup. Bằng vào những Haplogroups thâu thập được, dự án Genographic Project đã có thể truy ngược thời gian để tìm ra ông tổ gần nhất của những người đàn ông hiện đang sinh sống trên quả đất này (most recent common Y ancestor).

Cho đến năm 2009, dự án Genographic Project, được phối hợp bởi National Geographic Society và IBM, đã chạy theo thời gian để thâu thập được hơn 100,000 mẫu DNA, chú trọng nhiều ở những bộ tộc hẻo lánh bởi vì trong hoàn cảnh toàn cầu hóa, sự chuyển dịch càng ngày càng dễ dàng làm nguồn genes sẽ bị xáo trộn đáng kể. Kết quả của cuộc khảo cứu đã được công bố một phần trên website của Hội, và những người tham gia với tính cách cá nhân đều nhận được một thư cho biết kết quả phân tích của mình.Một phần của bức thư đó như sau:

“Nhiễm sắc thể Y của bạn chứng minh rằng bạn thuộc haplogroup O3. Những chỉ dấu di truyền, genetic markers, xác định gốc gác của bạn ngược thời gian khoảng 60,000 năm, từ chỉ dấu đầu tiên của cụ tổ không thuộc Phi Châu M168, theo dòng dõi cho đến hiện tại chấm dứt bởi chỉ dấu M122, chỉ dấu xác định của haplogroup O.

M168> M89> M9> M175> M122

Hiện nay hơn một nửa người Trung Hoa mang chỉ dấu di truyền M122, mà chỉ dấu này cũng lan tỏa ở khắp vùng Đông Á và tìm thấy ít hơn ở Tahiti và Indonesia.

Cụ tổ đầu tiên trong dòng tộc của bạn mang chỉ dấu M168 có thể đã sống ở Đông Bắc Phi Châu trong thung lũng Rift, nay thuộc Ethiopia, Kenya hay Tanzania, vào khỏang 31,000-79,000 năm trước, trung bình ra là khoảng 50,000 năm, hậu duệ của cụ là dòng dõi duy nhất tồn tại ngoài Phi Châu và trở thành cụ tổ của những người đàn ông không thuộc lục địa Phi Châu.

Cụ tổ kế là một người đàn ông mang chỉ dấu di truyền M89, một chỉ dấu xuất hiện khoảng 45,000 năm trước tại Bắc Phi hay miền Trung Đông mà nay tìm thấy ở 90-95% đàn ông không thuộc Phi Châu.

Nhóm người đầu tiên rời khỏi Phi Châu có lẽ đã đi men theo bờ biển và đến nơi chót là Australia. Cụ tổ của bạn lại theo một đợt di cư ồ ạt thứ hai ra khỏi Phi Châu đi theo những đồng cỏ đang lan rộng và những đàn thú ở vùng Trung Đông và còn đi xa hơn nữa.

Trong khi những hậu duệ của cụ tổ M89, đa số vẫn ở tại vùng Trung Đông, thì một số khác vẫn đuổi theo những đàn trâu, nai, voi mammoth và các loại thú khác đến vùng mà nay là Iran và những đồng cỏ rộng lớn của Trung Á. Những cánh đồng phủ cỏ bán hoang mạc ấy lập nên một siêu xa lộ cổ trải dài từ miền đông nước Pháp cho đến Đại Hàn.

Cụ tổ M89 của bạn, đã rời Bắc Phi đến Trung Đông, đi theo xa lộ đó cả hai chiều đông và tây; một nhóm nhỏ lại đi lên phía bắc đến vùng Anatolia và bán đảo Balkan từ bỏ đồng cỏ để đến vùng cao và rừng rú.

Cụ tổ kế đến của bạn là cụ ông mang chỉ dấu di truyền M9, xuất hiện cách nay độ 40,000 năm ở  vùng Trung Á, mở ra một ngành mới mà trong vòng 30,000 năm kế tiếp đã thiết lập thành cư dân khắp địa cầu. Dòng lớn này, được định danh là dòng Âu-Á, đã phát tán từ từ qua hàng ngàn năm và là những thợ săn theo mùa của những đàn thú dài theo siêu xa lộ của đồng cỏ Trung Á. Con đường bành trướng của họ cuối cùng bị chận bởi những rặng núi hùng vĩ  nam Trung Á Hindu Kush ( nay là Kazactan, bắc Pakistan, Afghanistan ), Thiên Sơn, Hy-Mã -Lạp-Sơn. Ba dãy núi này gặp nhau ở vùng gọi là Pamir Knot mà hiện nay thuộc lãnh thổ Turjikistan. Ở đây họ chia làm hai nhóm và lập nên hai dòng khác nhau,một nhóm đi lên phía bắc đi sâu vào hoang mạc Trung Á còn nhóm kia đi về phía nam vào địa phận Pakistan và tiểu lục địa Ấn Độ. Đa số các sắc dân ở bắc bán cầu đều có gốc gác từ cụ tổ Âu-Á; hầu như toàn bộ cư dân Bắc Mỹ và Đông Á cũng như cư dân Âu Châu và một phần cư dân Ấn đều là hậu duệ của cụ tổ này.

Lần theo dấu vết di truyền của bạn để tìm ra cụ tổ kế mang dấu chỉ M175 (xuất hiện cách nay 35,000 năm tại vùng Trung Á, hậu duệ của cụ tổ M9) theo đoàn di dân đi lên phía bắc và về phía đông để tránh những rặng núi không vượt qua được. Nhóm thợ săn Siberian này tiếp tục đi theo mhững đồng cỏ rộng lớn và dần dần băng qua vùng nam Siberia. Một số trong bọn họ có lẽ đã lợi dụng được khoảng hở Dzungarian (nay ở vùng Uyghur Tân Cương) để đi vào bình nguyên Trung Hoa. Con đường này hàng ngàn năm sau trở thành con đường tơ lụa mà Genghis Khan đã sử dụng để xâm lăng Trung Á.

Ngày nay, có đến 80-90% dân số sống ở vùng núi non Trung Á là thuộc haplogroup O của dòng Đông Á. Chỉ dấu di truyền M175 hầu như không tìm thấy ở Tây Á và Châu Âu.

Thật ra thì có hai đợt di cư đến Đông Á. Trong khi cụ tổ của bạn trở thành cư dân vùng này từ phía bắc, thì một đoàn khác lại tiến lên từ phương nam,hậu duệ của phe đi theo bờ biển, khởi đi từ bắc Phi 60,000 năm trước và đến vùng Đông Á khoảng 50,000 năm trước.

Dòng chủng đi theo bờ biển nay tìm thấy ở 50% cư dân Mông Cổ và phổ biến ở vùng Đông  Bắc Á. Thành phần kết hợp của dân hiện nay ở Đông Á cho thấy chứng tích rõ ràng của sự phân chia gốc gác di truyền  của các sắc dân bắc và nam Trung Hoa trong quá khứ.

Ngày nay hơn một nửa sắc dân Hán mang chỉ dấu di truyền M175, cũng phổ biến khắp Đông Á, trong khi đó tìm thấy ít hơn ở Tahiti hay Indonesia.

Dấu vết di truyền của bạn chấm dứt ở cụ tổ mang dấu tích M122, có lẽ được phát sinh ở bình nguyên Trung Hoa 10,000 năm trước. Dòng dõi của cụ tổ này phát triển rông khắp -hơn 50% dân Hán- mang hàm ý một cách mạnh mẽ rằng cụ tổ của bạn có tương quan chặt chẽ đến việc phát triển của nông nghiệp. Nhữnh thành phần trong haplogroup O3 có thể đúng là hậu duệ của người nông dân đầu tiên trồng lúa nước.

Công việc trồng lúa nước ở Đông Á dẫn đến bùng nổ dân số. Chứng tích khảo cổ của sự lan tuyền nghề trồng lúa đến Nhật, Đài Loan, Đông Nam Á cùng với chứng tích di truyền gợi ý  rằng thành phần dân chúng đặc trưng này, mang dấu tích di truyền M122, phát triển và và lan tỏa khắp vùng.

Trình tự của sự định cư cũng như việc khai thác mạnh mẽ một vài loại thực vật cho thấy sự giống nhau và sự xuất hiện gần như đồng thời cùng với sự phát triển nông nghiệp ở vùng Lưỡi Liềm phì nhiêu ở Trung Đông. Những địa điểm khảo cổ ở phía bắc Trung Hoa cho những chứng tích về việc trồng Millet (giống như lúa mạch wheat) vào khoảng 7,000 năm trước. Nghề trồng lúa truyền tới các đảo Borneo và Sumatra vào khoảng 4,000 năm trước, và ngày nay dòng giống O3 được tìm thấy mãi đến tận Polynesia.”

Phụ chú

Phân bổ của Haplogroup O3 như sau:

Dân  Derung, một sắc dân 6000 người ở phía tây Vân Nam  !00%
Dân Nishi, một sắc dân 120000 người ở Arunachal Pradest, Ấn, 94%
Dân Adi, một sắc dân ở phía nam Tibet, 89%
Dân Tamang, một sắc dân ở Tây Tạng, 87%
Dân Bai, một sắc dân ở Vân Nam, 48%
Dân Nu, ở Vân Nam, 70%
Dân Hán (Sinonized), 30-74%
Dân Miao, 44-70%
Yao, 34-83%
Filippino, 33-62%
Việt, 39-41%
Tây Tạng, 32-45%
Hani (Hà Nhì), 18-47%
Thái 16-35%
Choang, 16-29%

BS Lưu Văn Tuấn - QYHD Khóa 18

PS: Mãi đến cuối năm 1974 tôi mới được đọc tác phẩm “Nguồn Gốc Mã Lai của Dân Tộc Việt” của nhà-văn-trở-thành-nhà-nghiên-cứu-chủng-tộc-tự-học Bình Nguyên Lộc VÀ TÔI BỊ MÊ HOẶC BỞI TÁC PHẨM ẤY. Bẵng đi một thời gian dài bỏ quên, cho đến tới gian gần đây tôi mới lại có dịp đọc thêm các bài viết về nguồn gốc của dân tộc và nghiệm ra rằng công trình của cụ Bình Nguyên Lộc có lẽ đi ngược lại gần nguồn nhất. Tiếc rằng cụ đã qui tiên, không được thấy công trình của mình gần giống với những phát hiện của Genographic Project.





Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010
Væn Hóa
Emmanuel_Benner_-_Prehistoric_Man_Hunting_Bears
Prehistoric Man Hunting Bears
by Emmanuel Benner
(From Wikimedia Commons.
Double click for larger image)
con rong chau tien
Con Rồng Cháu Tiên
(Nguồn trích dẫn: forum.gate.vn)