Loading
Site map
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Tài LiŒu Nh»ng Trang Quân Sº ñÀu Tiên  Tñ 3 NhÄy Dù QLVNCH
Lời giới thiệu của Phan Ngọc Hà, 21 QYHD:

Chiến trận Đông-dương đã dứt, chiến tranh Việt-nam đã tàn. Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà là cột trụ vững chắc cho tiền đồn của Thế Giới Tự Do tuy không hoàn tất được sứ mệnh giao phó (vì lợi ích của bọn con buôn trên bàn cờ chính trị thế giới) nhưng cũng đã viết nên những trang quân sử hào hùng của một quân đội Quốc gia "trưởng thành trong khói lửa."

Một thời oanh liệt các chiến sĩ bảo vệ Tự do, nhất là các đơn vị thiện chiến: Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, ... đã không hổ danh với câu "Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh (*).

Bài viết: TĐ 3 Nhẩy Dù QLVNCH, Những Trang Quân sử Đầu Tiên Do Quân y Sĩ Hiện Dịch Hoàng Cơ Lân sưu tầm đã ghi lại những bước chân kiêu hùng của Sư Đoàn Dù nói riêng và QLVNCH nói chung từ buổi thành lập sơ khaị.
TĐ3 ND là nơi xuất thân của danh tướng thanh liêm trong QLVNCH Phan Trọng Chinh mà ai cũng biết qua câu "nhứt Thắng, nhì Thanh, tam Chinh, tứ Trưởng..."

Đặc biệt, TĐ3 ND cũng là đơn vị đầu tiên của một số QYHD hiện là thành viên của Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y như các đàn anh Trần Tấn Phát, Nguyễn Đức Liên, Trần Đức Tường, Trang Châu...

Còn đây một chút tự hào về những bậc đàn anh đi trước.

Trong chương trình "Việt Nam hoá chiến tranh," TĐ10ND Viễn Chinh Pháp (10è BCCP) được giải tán ngày 31-8-1952, để thành lập TĐ3ND kể từ ngày 1 tháng 9 năm 1952.

Những quân nhân Pháp thuộc TĐ10ND Viễn Chinh chưa mãn nhiệm kỳ để hồi hương, sẽ được thuyên chuyển sang phái bộ quân sự cạnh chính phủ Việt Nam (Mission militaire française/Gouv. Việt Nam) để tiếp tục phục vụ với TĐ3ND tân lập. Những quân nhân bản xứ nguyên thuộc TĐ10ND Viễn Chinh, và những lính Việt Nam tân tuyển, cũng sẽ ký khế ước mới với TĐ3ND.

Doanh trại, vũ khí, quân trang quân cụ của TĐ10ND-VC cũng sẽ được trao lại cho đơn vị tân lập.

Tiểu đoàn Trưởng đầu tiên : Thiếu tá Monteil
Y sĩ trưởng TĐ : Y sĩ Trung úy Nguyễn Hoài Đức
Đến đầu năm 1953, TĐ3ND sẵn sàng tác chiến với quân số 1032 chia ra như sau
Sĩ quan Pháp : 16         HSQ Pháp :  58            Binh sĩ Pháp :  67
Sĩ quan V N   :  22        HSQ VN     :  51            Binh sĩ VN    :  818

Sĩ quan Việt Nam mới đầu toàn là Thiếu úy Trung đội Trưởng như Phan Trọng Chinh, Nguyễn Thành Chuẩn, Đỗ Kế Giai, Lý Văn Quảng (**), Nguyễn Văn Thừa, Phạm Công Quân…


Đầu tháng 10/1953, 2 ông Chinh và Chuẩn lên Trung úy.
Đầu năm 1954 trung úy Phan Trọng Chinh nắm Đại đội 1 để vừa vặn đụng trận Ban Hine Siu…Trung úy Chuẩn vẫn còn Trung đội Trưởng của Đại đội 4.

Đại úy Marcel Mollo thay thế Thiếu tá Monteil trong chức vụ TĐT/TĐ3ND kể từ 1 tháng 6, 1953, được lên Thiếu tá tháng 4/1954, ông giữ chức vụ này cho đến khi giao lại đơn vị cho Đại úy Phan Trọng Chinh trong năm 1955(?).

Quân số TĐ3ND hồi tháng 6/1953 như sau:
Sĩ quan Pháp :  15         HSQ Pháp :  50           Binh sĩ Pháp :  34
Sĩ quan VN    :   18        HSQ VN     :  61           Binh sĩ VN    :  808

Trung úy Phan Trọng Chinh, ĐĐT/ĐĐ1 lên Đại úy hồi tháng 5/1954
Trung úy Nguyễn Thành Chuẩn nắm ĐĐ4 kể từ tháng 6/1954.

Quân số TĐ3ND hồi cuối năm 1954:
Sĩ quan Pháp : 11            HSQ Pháp :  24           Binh sĩ Pháp :  7
Sĩ quan VN    :  18            HSQ VN    :  117         Binh sĩ VN    :  447


Sơ lược hoạt động của TĐ3ND cho đến hết năm 1954

Ngày 20-11-1953, hành quân Castor mở màn: quân ND Liên Hiệp Pháp nhảy xuống Điện Biên Phủ (trong đó có TĐ5ND) để thành lập một căn cứ vững chắc với mục đích bảo vệ Vương quốc Lào và mong "thử lửa" với quân đội Việt Minh, trong một trận đại chiến tiêu hao. Cho đến ngày tổng tấn công ĐBP ngày 13-3-1954, tức thời gian hơn 3 tháng, chỉ có những cuộc giao tranh xung quanh cứ điểm, trong khi quân Pháp Việt kiện toàn phòng thủ căn cứ và phe Cộng sản điều quân đến công hãm nơi này.

Cũng trong thời gian đó, tướng Giáp áp dụng chiến thuật "dương Đông, kích Tây," cho 3 sư đoàn (325 vừa thành lập, 304 và 308) sang Trung và Bắc Lào để uy hiếp Seno và Luang Prabang. Ngày 21-12-1953, trung đoàn 101/SĐ325 vượt dẫy Trường Sơn tại Ban Buc và tiến đến quốc lộ 12, ngày 28 trung đoàn 66/SĐ304 tiến đến Tchepone. Quốc lộ 9 nối Trung Lào với Trung Việt có thể bị cắt đứt, Seno náo loạn và địch chiếm tỉnh Thakhek không tốn một viên đạn.

Tình hình khẩn trương: tướng Navarre ra lệnh thành lập Chiến đoàn bảo vệ Trung Lào (Groupement opérationnel du Moyen Laos) dưới quyền chỉ huy của tướng Franchi, gồm hai Liên đoàn bộ binh số 2 và số 51 (GM2 và GM51) cùng những đơn vị ND được không vận tới (TĐ3ND, TĐ1ND Viễn Chinh, TĐ6ND Viễn Chinh (đại úy Bigeard), TĐ2ND Lê Dương, TĐ2/TrungĐoàn1ND Viễn Chinh).

TĐ3ND đang đóng ở trường Bưởi Hà Nội, được điều động bằng xe lửa đi Hải Phòng ngày 23-12-1953. Ngày 24, nhận được lệnh không vận đi Seno (Lào) từ phi trường Cát Bi. Ngày 25 và 26, toàn thể Tiểu đoàn có mặt ở sân bay Seno. Quân số: 746. Nhiệm vụ: bảo vệ phi trường Seno và các vùng lân cận, phục kích và giao tranh lẻ tẻ: bắt được 13 tù binh, 12 tình nghi cùng ít vũ khí. Một số quân nhân Pháp-Việt được gắn Anh Dũng bội tinh.

Ngày 7-1-1954, TĐ3ND được lệnh tiến lên vùng Ban Hine Siu (BHS), và chiếm lại đồn Ban Hine Siu vào lúc 15:30 cùng ngày.

Ngày 8-1-1954, ĐĐ3 thám sát  phiá Tây BHS đụng địch lúc 10:00 và phải nhờ Không Quân oanh kích, chiều và tối cùng ngày ĐĐ1 và ĐĐ2 cũng đụng nhẹ, chứng tỏ địch quân có mặt trong vùng.

Ngày 9-1-1954, lúc 05:10 địch tấn công mạnh BHS, trong và ngoài vị trí phòng thủ. ĐĐ4 phản công lúc 06:30, nhưng đến 07 :30 ta mới tạm chiếm lại và cầm cự trong căn cứ BHS. Lúc 09 :00 phi cơ mới oanh kích xung quanh BHS, và đến 09 :30, trạn phản côn cuối cùng của TĐ3ND đẩy lui được địch và ta mới hoàn toàn làm chủ căn cứ BHS. Đến 15 :00 trực thăng đến di tản thương binh, và 17 :30 tiểu đoàn được lệnh rút đường bộ về Ban Na Uong. Lúc 22 :00, về tới Ban Na Uong bắt tay với TĐ6ND Viễn Chinh của đại úy Bigeard.

Tổn thất ta:     Tử thương 3 Pháp, 48 Viêt Nam (trong số có Trung uý Phạm Công Quân)
Bị thương  5 Pháp, 79 Việt Nam (trong số có trung úy Phan Trọng Chinh)
Mất tích       8 Pháp, 93 Việt Nam
Tổn thất địch:   Chết để lại tại chỗ  200, không kể số thương vong do phi cơ oanh kích.
Vũ khí ta thu được, đủ để trang bị 1 đại đội.

Quân số Tiểu đoàn : 688 trước trận đánh, còn lại 459 sáng chủ nhật 10-1-1954

Ngày 17-1-1954 trong 1 buổi duyệt binh tại Seno, quân kỳ của TĐ3ND được gắn Anh dũng Bội Tinh với Nhành dương liễu, Thiếu úy An/ĐĐ3 được vinh thăng Trung úy trước hàng quân. Các huy chương: 221 ADBT, 10 QCBT, 2 BQHC (Trung úy Nguyễn thành Chuẩn và thiếu úy Đào Văn Hùng), Thiếu tá Mollo và 1 sĩ quan Pháp được gắn Bắc Đẩu Bội Tinh (Légion d’Honneur).

Ngày 1-2-1954, TĐ3ND được bổ sung quân số bằng 1 đại đội của TĐ7ND được thuyên chuyển qua, để thay thế ĐĐ3 bị giải tán sau trận Ban Hine Siu.

TĐ3ND còn hoạt động bên Lào cùng các đơn vị bạn cho đến đấu tháng 4/1954. Ngày 6/4/1954 đơn vị bắt đầu được không vận về Việt Nam, ngày 11/4/1954 toàn thể Tiểu đoàn có mặt tại căn cứ Protectorat cạnh Hồ Tây (trường Bưởi cũ).

Từ ngày về cho đến đầu tháng 6/1954, Tiểu đoàn đảm nhiệm an ninh 2 phi trường Bạch Mai và Cát Bi, cũng như tham dự những hành quân tảo thanh trong vùng

Ngày 10-6-1954, Tiểu đoàn được không vận vào Đà Nẵng.

NGày 18-6-1954, Tiểu đoàn di chuyển đến Pleiku.

Ngày 21-6-1954 tham dự cuộc hành quân Eglantine, mở đường từ Pleiku đến An Khê.

Ngày 6 đến 9-7-1954, Tiểu đoàn được không vận trở về Hà Nội.

Ngày 20-7-1954, Tiểu đoàn lại được không vận vào Nha Trang và đóng trong vùng này cho đến hết năm 1954.

Không rõ ngày tháng nào trong năm 1955, Thiếu tá Mollo trao lại quyền chỉ huy Tiểu đoàn cho đại úy Phan trọng Chinh.

Hoàng Cơ Lân sưu tầm
Tháng 12/2010

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

(*) Văn Thiên Tường: Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
                                 Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh


(**) Lý Văn Quảng, với biệt danh "Tiểu Lý Quảng" (1911-1981) là cựu vô địch Quyền Anh Đông Dương. Ông là thân phụ của QYHD Nha sĩ Lý Văn Quán (khóa 19) và QYHD Nha sĩ Lý Văn Quý (khóa 21).
Huy hiệu TĐ3ND

Huy hiệu TĐ3ND

Lệnh Hành Quân 12/1953

Lệnh Hành Quân 12/1953

Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010