Site map
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
LuÆn vŠ kinh t‰: KeyNes VS Hayek
Loading
Biên Khảo của Tôn Kàn

Anh nợ ngân hàng 100 đồng thì anh có vấn đề.
Anh nợ ngân hàng 1 triệu đồng, ngân hàng có vấn đề.

Thật không lúc nào thích hợp hơn lúc này để bàn về kinh tế. Có người đã viết là con người ta, già trẻ lớn bé, nghèo hèn giầu sang, bất kỳ ai và bất kỳ lúc nào cũng đều sống dưới hình bóng của một kinh tế gia đã qua đời!

Tình hình kinh tế thế giới hiện nay thật  là bi thảm có thể đưa tới một tình trạng suy thoái đình trệ (Depression) không tiền khoáng hậu. Nhiều quốc gia trên thế giới, phần đông thuộc phe tư bản, đang ngụp lặn trong những món nợ khổng lồ. Nực cười là chủ nợ lớn nhất lại thuộc về phe xã hội chủ nghĩa (Trung Cộng)!

Đứng đầu sổ con nợ là Huê Kỳ, với tổng số nợ lên tới quá 15 ngàn tỉ đôn. Thứ nhì là khối Âu Châu (EU), với tổng số nợ lên gần 14 ngàn tỉ. Chia đồng đều, mỗi công dân Huê Kỳ gánh nợ khoảng 47,500 đôn, mỗi công dân Âu châu hứng khoảng 27,800 đôn. So với GDP (Gross Domestic Product-Tổng số sản xuất quốc nội) thì số nợ của Huê Kỳ chiếm 99 % GDP, nợ của EU chiếm 85% GDP. Tổng số nợ của Hy Lạp lên tới 175%GDP. Có cả quốc gia mà tổng số nợ vượt hơn 1,000 lần GDP, đó là Ái nhĩ Lan (Ireland)! Cả 50 tiểu bang của Huê Kỳ đều mắc nợ. Đứng đầu sổ là New Jersey, thứ nhì là California. Orange County là quận lỵ mắc nợ nhiều nhất trong các quận lỵ tại Huê Kỳ và đã từng tuyên bố phá sản năm 1994.

Gia Nã Đại nợ khoảng 1 ngàn tỉ đôn chiếm có 64% GDP.

Ngược lại, tổng số nợ của Trung Cộng chỉ có gần 540 tỉ, chiếm 5% GDP. Chia đồng đều thì công dân Trung quốc chỉ nợ không tới 400 đôn mỗi đầu người!

Vì đâu nên nông nỗi này?

Thật ra thì có nhiều lý do phức tạp, nhưng có một vài yếu tố chính đã dẫn dắt đến tình trạng nguy hiểm này.

Yếu tố thứ nhất là chi nhiều hơn thu, gây ra thiếu hụt ngân quỹ (budget deficit). Sự thiếu hụt này chồng chất năm này qua năm khác, nên càng ngày càng sa lầy.

Yếu tố thứ hai là đầu tư sai lầm vào những sở hữu bất thình lình bị mất giá. Cộng thêm vào chính sách thả lỏng của chính quyền, “laissez-faire capitalism” - mặc ai muốn làm gì thì làm, nên kinh tế thế giới đã bị xô đẩy đến bờ vực thẳm.

Yếu tố thứ ba là tiền thuế má thu vào không đủ để chi tiêu. 

Yếu tố thứ tư thuộc chính trị, đảng phái nào cũng muốn đắc cử nên đã đưa ra những chiêu bài mị dân làm thâm thủng ngân quỹ và khó lòng làm giảm sự tiêu pha được.

Từ thế kỷ 17 đến  đầu thế kỷ 20, các quốc gia Tây Phương và Bắc Mỹ theo chính sách kinh tế cổ điển. Chính sách này dựa theo định luật của ông Jean Baptiste Say (Say’s law) vắn tắt nôm na là: “Cung đẻ ra cầu” -Supply creates its own demand. Trong một thị trường tự do, giới lao động sẽ luôn luôn chấp nhận mức độ lương lậu bảo đảm cho họ có công ăn việc làm. Thương mại theo chu kỳ lên xuống - boom and burst - tưng bừng khai trương, âm thầm đóng cửa. Đó là quy luật tuần hoàn của thiên nhiên, chính phủ không được can thiệp vào thị trường,cứ để cho nó tự nhiên hồi phục.

Một số người trong đó có ông Keynes không đồng ý với lối suy luận này. Ông Keynes khẳng định rằng muốn ngăn chặn nạn thất nghiệp, chính quyền cần phải can thiệp vào thị trường bằng cách  áp dụng những biện pháp thuế má (Fiscal policy) và tiền tệ (Monetary policy) với mục đích làm tăng trưởng tổ hợp nhu cầu (aggregate demand). Sự kiện này sẽ kích thích tiêu thụ, người ta sẽ tăng gia sản xuất để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của thị trường. Thêm vào đó còn có tác dụng giây truyền - multiplier effect - cho nên cứ 1 đồng chính phủ tiêu đi thì sẽ sinh ra 2 đồng lợi tức. Tổ hợp nhu cầu chứ không phải giá cả là động lực thúc đẩy nền kinh tế thoát khỏi suy thoái đình trệ.

Ông còn khuyên các chính phủ không nên sợ thiếu hụt ngân qũy (deficit spending), nên coi đó là một phương tiện dĩ độc trị độc nhờ vậy mà thoát khỏi nạn thất nghiệp. Giới tiêu thụ và ngân hàng phải trông cậy vào chính phủ nếu tình trạng kinh tế bắt đầu suy thoái. Đây là chủ yếu của tư tưởng của ông Keynes: nền kinh tế tư bản hiện đại không thể tự động đạt đến hiệu năng tối đa nếu không có sự trợ giúp của chính quyền.

Ông trình bày sáng kiến  và sách lược trong tác phẩm “The General Theory of Employment, Interest and Money”“ phát hành năm 1936. Một số quốc gia Tây Âu và Huê Kỳ đã áp dụng chính sách của ông Keynes sau Đệ Nhị Thế Chiến. Người ta nhận định rằng thập niên 50 và 60 là thời vàng son của Tư bản.

Ảnh hưởng của ông  suy giảm sau 1970 dưới sự chỉ trích của một số kinh tế gia trong đó có ông Friedrich Hayek và Milton Friedman. Tuy nhiên, sự khủng hoảng tài chánh năm 2007 lại đưa chiến lược của ông Keynes lên hàng đầu, với chính phủ Huê Kỳ và Anh quốc tung ra cả trăm ngàn tỉ đôn để cứu vãn các ngân hàng tư bị khốn đốn và hạ thấp tiền lời cho vay xuống gần 0%.

Ông John Maynard Keynes sinh ngày 5 tháng 6 năm 1883 tại Cambridge trong một gia đình trung lưu. Cha ông cũng là một giáo sư dậy kinh tế học tại Cambridge. Ông được học bổng theo học Eton và King’s College. Sau khi tốt nghiệp Đại Học, ông làm giáo sư tại Cambridge và làm công chức trong Bộ Tài Chánh. Năm 1919, ông được cử làm đại diện tài chánh cho Chính phủ Hoàng gia tại Hội Nghị Versailles. Ông chống đối kịch liệt việc người ta muốn phạt Đức quốc một cách thật nặng nề. Ông cảnh cáo rằng nếu đòi hỏi Đức quốc trả bồi thường chiến tranh quá nặng, nền kinh tế của Đức sẽ suy sụp và Đức quốc sẽ rơi vào tay một độc tài. Người ta đã không theo lời khuyên của ông. Quả nhiên, những điều ông dự đoán đều thực hiện, Cộng hòa Weimar bị lật đổ, Hitler lên nắm quyền và đưa nhân loại vào Đệ Nhị Thế Chiến.

Năm 1944, ông làm Trưởng phái đoàn Anh quốc đi dự Hội Nghị Bretton Woods, New Hampshire, đóng góp cho việc thành lập World BankInternational Monetary Fund.

Ông là tác giả của nhiều cuốn sách giá trị như Indian Currency and Finance, The General Theory of Employment, Interest and Money, The Economic Consequences of the Peace, How to Pay for the War, A Treatise on Probability Treatise on Money.

Ông đả kích kịch liệt lý thuyết cộng sản mà ông gọi là complicated hocus pocus (chuyện tào lao rắc rối). Ông cho là viển vông và vô trách nhiệm khi người ta đòi đem văn hóa và văn minh nhân loại trao cho thợ thuyền vô học điều khiển. Ông trách Karl Marx là khi viết Das Kapital, ông này chưa hề bước chân thăm viếng một cơ xưởng.
Ông là một thành viên nhóm Bloomsbury Group, và không giấu diếm những hành vi đồng tình luyến ái của ông. Tuy nhiên, ông gặp bà Lydia Lopokova và cưới bà này năm 1925. Hai người sống với nhau rất hạnh phúc.

Ông rất thành công trong công việc đầu tư, và để lại một gia tài trị giá tới 19 triệu đôn.

Ông được Bà Hoàng phong tước Baron Keynes of Tilton,Sussex  năm 1942.

Sinh thời, ông bị bệnh tim và thường hay đau ốm.

Ông mất ngày 21 tháng 4 năm 1946, hưởng thọ 62 tuổi.

Có hai kinh tế gia nổi tiếng bất đồng chính kiến với ông Keynes. Đó là ông Milton Friedman ở Chicago, Huê Kỳ và ông Friedrich von Hayek ở Áo quốc.

Ông Hayek sinh ngày 8 tháng 5 năm 1899 tại Vienna, Áo quốc trong một gia đình quý tộc. Cha ông là một Bác sĩ. Ông lấy bằng thạc sĩ về luật và chính trị  tại Đại Học Vienna. Ông còn học thêm những khoa triết, tâm lý, kinh tế và thần kinh.

Ông tòng quân phục vụ trong Đệ Nhất Thế Chiến, rồi trở về sinh sống tại Vienna. Năm 1931, ông được mời sang dậy tại London School of Economics. Năm 1938, ông được nhập quốc tịch Anh và làm việc tại đây cho đến năm 1950. Từ năm 1950 đến năm 1962, ông dậy xã hội học và Triết tại Đại học Chicago. Cũng nên ghi nhận là ông không hề dậy kinh tế học tại Chicago!

Ông trở về dậy học tại Đại học Freiburg ở Đức từ năm 1962 cho đến năm 1968.

Hai cuốn sách mà ông là tác giả được người ta ca tụng là cuốn The Road to Serfdom (1943) và cuốn The Constitution of Liberty (1953). Bài khảo luận The use of Knowledge in Society được American Economic Review công nhận là một trong 20 bài biên khảo có giá trị nhất trong 100 năm qua.

Chính trị gia  bảo thủ ngưỡng mộ ông có cựu Thủ Tướng Margaret Thatcher và cựu Tổng Thống Ronald Reagan.
Năm 1974, ông được lãnh giải Nobel chung với kinh tế gia Gunmar Myrdal.

Ông được Nữ Hoàng Elizabeth tiếp kiến năm 1984. Năm 1991, Tổng Thống Bush trao tặng ông Medal of Freedom.
Ông qua đời ngày 23 tháng 3 năm 1992 tại Freiburg, Đức quốc hưởng thọ 93 tuổi, và được chôn cất tại phía Bắc thành Vienna.

Trong tác phẩm The Road to Serfdom, ông Hayek chỉ trích chính phủ Anh quốc đã áp dụng những biện pháp kinh tế khắt khe sau Đệ Nhị Thế Chiến để bắt dân chúng thắt lưng buộc bụng. Ông cho rằng làm như thế, Chính phủ Hoàng gia đã lấn áp tự do của công dân và đã hành động không khác gì các nước cộng sản và phát xít. Rất nhiều người đã tán thưởng tác phẩm này, trong đó có ông Keynes. Ông này viết cho ông Hayek: “Trên phương diện luân lý và triết lý, tôi hoàn toàn đồng ý với ông về những vấn đề ông nêu lên trong cuốn sách.”

Theo ông Hayek, nhiệm vụ của chính quyền là ấn định tiền tệ, giờ giấc làm việc và phát huy truyền thông. Chính quyền phải chấp nhận chu kỳ tự nhiên của thị trường (business cycle), không nên phát động những chương trình làm xáo trộn diễn tiến lên xuống bình thường của nền kinh tế. Thị trường phải trông cậy vào vốn liếng của tư nhân để tự chấn chỉnh và tự đối phó với những trở ngại. Tối kị là áp dụng chính sách trù định và cai quản từ trung ương theo khuôn mẫu của xã hội chủ nghĩa, vì chính sách này sẽ đưa tới chế độ độc tài đảng trị.

Cùng với Milton Friedman, ông đả phá lý thuyết và chính sách của ông Keynes. Ông chủ trương là sự thay đổi giá cả chứ không phải tổ hợp nhu cầu mới chính là năng lực thúc đẩy thị trường. Ông tiên đoán là nạn thất nghiệp sẽ gia tăng nếu trước đó có một thời kỳ mà giá trị đồng tiền quá rẻ (tiền lời rất thấp). Những gì đang xẩy ra ở Huê Kỳ chứng tỏ dự đoán của ông rất chính xác.

Trong thập niên 70 và 80, chính quyền bảo thủ của bà Thatcher tại Anh, Reagan và Bush tại Huê Kỳ đã từ bỏ ông Keynes để áp dụng sách lược của các kinh tế gia Neo Classic dẫn đầu là Hayek và Friedman. Thời ấy, người ta phải đối phó với một khủng hoảng mới lạ. Đó là stagflation trong đó nạn lạm phát và thất nghiệp song song gia tăng (Bình thường, hai hiện tượng này chạy đối nghịch với nhau).

Đến nạn khủng hoảng tài chánh năm 2007-2008 thì người ta lại quay trở về với ông Keynes.Thật là hú vía!
Một dân biểu Huê Kỳ đã phải thốt lên: “ We must save capitalism from the capitalists!”

Dù theo ông Keynes hay ông Hayek, thật là một ảo tưởng viển vông nếu người ta cho rằng có thể điều khiển nền kinh tế bằng một số phương trình toán học. Bởi vì nhân loại luôn luôn phải đương đầu với hai yếu tố không tiên đoán và kềm chế được. Đó là sự bấp bênh của tương lai (uncertainty) và thú tính của  con người (animal spirit). Hai yếu tố này ấn định sự thăng trầm của thị trường.

Về yếu tố thứ nhất, người Việt ta có câu: Làm ăn có số mạng. Lời đó rồi lỗ đó, đang yên lành bỗng bão lụt động đất, đang khỏe mạnh bỗng đau ốm v.v… Đấy là những bất định của thời vận, không sao lường trước được.
Về yếu tố thứ hai, tham lam và sợ hãi là động cơ thúc đẩy nguời ta buôn bán đầu tư. Bản năng chạy theo đám đông - herd instinct - đưa đến tình trạng mà ông Greenspan gọi là irrational exhuberanceunfounded panic. Rất đông người đầu tư chứng khoán mua theo tin tức, bán theo tin đồn. (Buy on news, sell on rumors ).

Hiện nay, các cường quốc đang phải đối phó với một khủng hoảng kinh tế vĩ đại có thể đưa tới những hậu quả kinh hoàng. Cầu mong các nhà lãnh đạo có sáng kiến và can đảm phát huy ra những biện pháp chính đáng để cứu vãn tình thế.

Cũng mong các quý vị ấy không thi hành chính sách ĂN QUỊT (DEFAULT) để giải quyết vấn đề, nghe lấy làm xấu hổ và ngao ngán lắm thay!

Quý bạn nào muốn tìm hiểu thêm thì vào You-Tube, coi hoạt cảnh hai ông Keynes và Hayek (giả) hát Rap trình bày lý thuyết của mình, vui đáo để!

Ngoài ra, nên tìm đọc cuốn “Keynes-Hayek: The Clash that Defined Modern Economics” của nhà báo Nicholas Wapshott.

TÔN KÀN

Mạnh Đông 2011

Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010
John Maynard Keynes

John Maynard Keynes

Friedrich Hayek

Friedrich Hayek