Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Nhạc sĩ Trần Trịnh (1937-2012)

Nhạc sĩ Trần Trịnh (1937-2012)


Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2012
ñêm Vàng
Nhạc và Lời: Trần Trịnh
Trình bày: Hoài Phương
Hòa âm: Quốc Dũng & Hoài Phương
Thực hiện Videoclip: Billy Hùng & Lý Văn Quý
VÀI NÉT VỀ NHẠC SĨ TRẦN TRỊNH VÀ NHÓM TRỊNH LÂM NGÂN

Nhạc sĩ Trần Trịnh tên thật là Trần Văn Lượng, sinh năm 1937 tại Thái Lan nhưng sinh trưởng tại Hà Nội. Ông theo gia đình vào Nam năm 1945 và học tại trường Trung Học Taberd Sài Gòn. Trần Trịnh theo học nhạc thầy Remi Trịnh Văn Phước (tiến sĩ âm nhạc tại Roma) nên lấy bút danh là Trần Trịnh.

Năm 1954, bản nhạc đầu tay là “Cung Đàn Muôn Điệu” do nhà xuất bản An Phú phát hành năm 1955, đã lập tức đưa ông lên hàng nhạc sĩ nổi tiếng. Bản “Cung Đàn Muôn Điệu” đã được đài Truyền Hình Việt Nam chọn làm nhạc chuyển mục đồng thời với bản “Chuyến Xe Về Nam” cũng của ông sáng tác năm 1955, cho chương trình “Đại Hòa Tấu và hợp xướng Đống Đa” vào năm 1967.

Năm 1956, ông sáng tác bài “Viết Trên Đường Nở Hoa.” Năm 1955, ông đậu bằng Tú Tài Pháp và được gia đình gởi lên Đà Lạt vừa học tiếp vừa làm việc cho Nha KiếnTrúc Đà Lạt. Ông thi hành nghĩa vụ quân sự năm 1957, khoá đầu tiên Ngô Đình Diệm tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Đến năm 1958, ông phổ thơ bài “Hai Sắc Hoa Ti Gôn” của T.T.KH. cũng là một bản nhạc rất  ăn khách. Ca sĩ Mai Ngọc Khánh (hiện đang sống tại Little Sài Gòn) là một trong những người đầu tiên hát bài “Hai Sắc Hoa Ti Gôn.”

Tuy nhiên, biết đến tên tuổi của nhạc sĩ Trần Trịnh vẫn là bài “Lệ Đá” ông sáng tác năm 1968. Năm đó ông đang làm việc tại Đài Phát Thanh Quân Đội cùng với nhà thơ Hà Huyền Chi. Năm Mậu Thân bị cấm trại trong đơn vị, ông nhờ nhà thơ đặt lời cho bản Lệ Đá. Lời thơ Hà Huyền Chi không ngờ quyện vào âm hưởng nhạc Trần Trịnh một cách tuyệt vời và đã đưa bản nhạc này lên một vị trí dặc biệt trong nền âm nhạc Việt Nam. Nhật Trường, Mai Hương và Như Thuỷ là những nghệ sĩ đầu tiên đã thâu thanh bàn này. Trước năm 1975 có phong trào in nhạc từng bài và bài Lệ Đá đã phá kỷ lục bán ra hơn con số 1 triệu bản nhạc in. Vào năm 1975, ông sáng tác thêm một bài nổi tiếng khác là “Tiếng Hát Nửa Vời.”

Sau năm 1975, hoàn cảnh đất nước không cho phép ông sáng tác nữa cho đến khi đặt chân qua nước Mỹ vào năm 1995 theo diện ODP do người chị ruột bảo lãnh. Tại Mỹ, nhạc sĩ Trần Trịnh chú tâm vào việc nghiên cứu nhạc và đã sáng tác thêm một số bản nhạc, hiện nay chưa được phổ biến rộng rãi nhưng có tiềm năng là những bản nhạc sẽ mang trở lại danh tiếng của nhạc sĩ Trần Trịnh. Trong số những bài này là ‘Trái Sầu Đầy, Một Đoá Bâng Khuâng Màu E Ấp, Đêm Vàng v.v...” Ngoài ra, một số bản nhạc lời Anh do ông sáng tác đã được Hilltop Records Hollywood giới thiệu vào albums của họ, trong đó có những bản “Forget-Me-Not,” “The Stars Band,” “Crying Rocks,” mà gần đây nhất là bài “Forever Love” (2008) trong album “The Best of Hilltop.”

Một mảng đời âm nhạc quan trọng của nhạc sĩ Trần Trịnh là thời gian ông cộng tác với nhạc sĩ Nhật Ngân và Lâm Đệ thành lập bộ ba “Trịnh Lâm Ngân” vào những thập niên 60 và 70. Trần Trịnh và Nhật Ngân phụ trách viết nhạc và lời, và Lâm Đệ phụ trách phần thâu thanh và phát hành. Trong thời gian này, bộ ba Trịnh Lâm Ngân đã sáng tác ra một số lớn những bài hát với âm hưởng dân tộc mà trong đó có những bài hết sức nổi tiếng như “Xuân Này Con Không Về, Mùa Xuân của Mẹ, Qua Cơn Mê, Yêu Một Mình, Hai Trái Tim Vàng, Chiều Qua phà Hậu Giang, v.v…)

Nhạc sỉ Trần Trịnh qua đời ngày 10/10/2012 tại Westminster, California trong sự mến thương và luyến tiếc của mọi người, hưởng thọ 76 tuổi. Lễ tang của ông đã được tổ chức trọng thể với sự hiện diện của đông đảo các văn nghệ sĩ vùng Orange County California. Nhạc sĩ Trần Trịnh là người cuối cùng trong bộ ba Trịnh Lâm Ngân vĩnh viễn ra đi. Nhạc sĩ Nhật Ngân đã mất vào đầu năm 2012 và ông Lâm Đệ cũng đã qua đời nhiều năm về trước tại Việt Nam.

Lý Văn Quý
Loading