Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Friendship - Picasso

Friendship - Picasso


Nghïa Tình Trên XÙ Lå
Phó Thường Dân
"Mọi sự trùng hợp về tên tuổi, sư việc, v.v... đều ngoài ý muốn của người viết."

Sau khi lăn lóc trong cơn “bão nổi lên rồi” với Hạnh, Đức đang nằm thiêm thiếp thì chợt tỉnh vì tiếng Hạnh dịu dàng:

“11 giờ rồi; em đã pha cà-phê xong, dậy uống đi Anh. Hôm nay thứ sáu, Anh nhớ đi check xem có tiền vào trương mục chưa, rồi nhờ Anh mua tã cho con và vài món thuốc để kịp gởi về Việt nam.”

Hơn mười năm qua, kể từ ngày Đức và Hạnh sang xứ “Kanguru”, hôm nay là lần đầu Đức lại được nghe Hạnh ngọt ngào. Lúc còn ở trại tỵ nạn, mới ghép phom (form) với Đức để cả hai cùng được đi định cư sớm, Hạnh cũng đã rất hết mức ngọt ngào chiều chuộng Đức. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi đến Úc đại lợi, chính vì nhiều “đại lợi,” Hạnh đã thay đổi thái độ từ chanh chua đến “tách form,” rồi ly dị. Ly dị đây chỉ là một bình phong để Hạnh hưởng được nhiều trợ cấp phúc lợi hơn với tư cách “mẹ đơn côi” (single mum). Trên thực tế, Đức vẫn sống chung với Hạnh dưới cùng một mái nhà hai phòng do chính phủ cấp. Chanh chua của Hạnh cũng không làm Đức phiền lòng, vì lâu ngày chầy tháng cũng thành quen; vả lại Đức nào mất mát gì. “Cơm no, bò cởi,” nhà ở lại chẳng tốn tiền.

Những cơn “bão nổi lên rồi” như sáng nay thường làm mức độ chanh chua của Hạnh có phần dịu, dễ thở hơn. Vì vậy Đức quay mình định tiếp tục giấc ngủ ngày thường lệ. Nhưng Hạnh lại ỡm ờ:

“Cà-phê nguội rồi, dậy uống đi anh. Ngủ ngày cho lắm rồi cày đêm, ai mà kham nỗi, lại còn than mất ngủ. Thôi dậy đi, em bàn chuyện này anh nghe.”

Đức uể oải ngồi dậy làm một ngụm cà-phê, châm điếu 555, mơ màng nhả khói lên trần, giọng ngái ngủ:

“Nào kế hoạch gì mà quan trọng thế?”

Rồi như ngày nào, mỗi lần muốn chài mồi xỏ mủi Đức, Hạnh sà người vào Đức lẳng lơ:

“Anh giấu em, nhưng em biết anh vừa được chấp nhận được hưởng pension bộ Cựu Chiến binh Úc. Anh hay và oai ghê. Ai mà không mê được.”

Qua nghệ thuật thì thầm bên gối của Hạnh, ít khi Đức dấu diếm Hạnh được gì. Hạnh đã biết quá nhiều về biệt tài mánh mung, móc ngoặc của Đức ngay từ lúc hai người còn ở đảo tỵ nạn.

Trước ngày miền Nam rơi vào tay Bắc cộng, Đức là một binh nhì của quân lực VNCH. Nhờ đút lót, chạy chọt, Đức đã nghiễm nhiên làm lính kiểng ở văn phòng tiểu khu địa phương mà không phải đi hành quân đụng địch. Sau ngày 30 tháng tư năm 1975 đen tối trên miền Nam, không những Đức không hề bị đi cải tạo ngày nào, lại còn “hồ hỡi” mang dép râu, đội nón tai bèo, quàng khăng đỏ, tung tăng phố phường cho đến ngày Đức móc ngoặc được theo vài công an cộng sản vượt biên sang Thái lan.

Với Cao ủy tỵ nạn, Đức khai mình là sĩ quan, bị đi cải tạo, về quản chế tại gia cho đến ngày vượt biên. Sang đến Úc, Đức bắt được đường giây làm giấy tờ để được chấp nhận vào hội Cựu Quân nhân Úc. Vì chưa đủ tuổi hưởng pension của Bộ Cựu chiến binh Úc, hơn mười năm qua Đức phải làm nghề “nạp form” mỗi hai tuần. Gần đây, Đức đã khéo chạy được giấy bệnh tâm thần do phải thường xuyên tác chiến “thọ địch,” cái bệnh mà ông bác sĩ tâm thần gọi tắt là PTSD. Đức cũng chẳng cần tìm hiểu đó là bệnh gì, vì Đức đâu có bệnh thật. Đức chỉ còn chờ để được Bộ Xã hội chuyển hồ sơ rồi phây phây lãnh pension như một chiến binh Úc, rồi tà tà “nắng nghỉ mưa ngủ mát trời đi chơi.”

Hạnh còn biết rõ cả ý đồ Đức sẽ về Việt Nam kiếm vợ. Về bên ấy, Đức sẽ là một Việt kiều cao giá - “nhất tóc muối tiêu, nhì Việt kiều” - với nhiều quyền lợi mà Hạnh lo sợ sẽ vĩnh viễn mất đi. Thấy rõ “cái đuôi” của Đức nên phen này Hạnh quyết ra tay nắm lấy bằng mọi cách.

Hít dài thêm một khói 555, từ từ nhả khói lên trần, Đức thấy niềm kiêu hảnh trong lòng dâng cao lên theo khói thuốc mãi tận trần nhà vàng vọt. Rồi Đức ấm ớ, bâng quơ:

“Kế hoạch có chanh chua không, để tôi còn rửa tai nghe?”

Hạnh vừa trách móc vừa năn nỉ:

“Đấy, chính anh lại chanh chua. Em chỉ muốn bàn chuyện tương lai, lợi hại với anh, như chúng mình đã bàn trước khi đến Úc. Vì quyền lợi trước mắt cũng như lâu dài của hai đứa con chúng ta, em đề nghị với anh chúng ta ghép phom trở lại.”

Như bị điện giật vì hai chữ ghép phom (form), Đức vùng dậy, dúi tắt điếu thuốc đang hút dở vào gạt tàn, nhìn Hạnh trân trân, giọng gay gắt:

“Hạnh không nhớ bao nhiêu khó khăn đã dồn cho tôi khi Hạnh nhất định tách phom sao? May mà lúc ấy thủ tục tách phom còn được tài trợ của Legal aid. Bây giờ ghép phom trở lại thì có khác nào tôi đi cưới vợ một lần nữa. Tiền đâu ra?”

Biết Đức làm cao giá cho việc ghép phom, Hạnh không dè dặt, vào ngay vấn đề:

“Anh thật khéo lo. Bộ anh tưởng Hạnh ngu sao mà để tiền trong trương mục Ngân hàng cho Chính phủ làm khó. Hơn mười năm tiền trợ cấp cộng thêm tiền “chồng đạp, vợ may”, mình cũng đủ tiền mặt mua nhà như mình đã tậu xe. Hạnh biết cách và biết chỗ cất dấu, mình thừa sức chi để ghép phom.”

Thấy Đức làm thinh, Hạnh lầm bầm tiếp như nói với chính mình trong mơ:

“Ghép phom (form) rồi, mình sẽ xin được nhà ba phòng của chính phủ, sẽ được nhiều trợ cấp nhiều quyền lợi hơn. Chúng mình sẽ tha hồ đi du lịch, về Việt nam; rồi chính phủ sẽ gởi tiền theo mà không làm khó khăn hạch hỏi gì.”

Đức vẫn im lặng, lừ đừ nhả khói thuốc. Hạnh sà người vào sát Đức hơn, nũng nịu:

“Chúng mình sẽ không còn phải lén lút, lo sợ những lúc gần gũi nhau, những lúc anh làm “bão nổi lên rồi” như hôm nay. Anh thấy không?”

Dư âm cơn “bão lốc điểm tâm” sáng nay làm Đức bật ngồi dậy. Đốt thêm điếu 555, nốc cạn ly cà-phê, Đức dềnh dàng ra phòng khách bật giàn stereo TV màn ảnh rộng, ngồi duỗi chân thoải mái hơn cả trong rạp ciné. Hạnh lẽo đẽo theo ra, sà xuống bên Đức. Tuy theo dõi màn ảnh TV một cách lơ đãng, Đức và Hạnh cũng hiểu lõm bõm một nhóm người địa phương đang hùa theo Bà Hanson để xỉ vả di dân da vàng đang là gánh nặng cho xã hội Úc.

Như bị va chạm tự trọng, Đức tắt máy toan đứng dậy. Hạnh vội vàng kề vai Đức nũng nịu:

“Bận tâm với các mục ấy làm gì anh. Chiều về xem phim tập Hồng Kông với em. Anh thay đồ đi, ra shop muộn, rồi khó kiếm chỗ xe.”

Đức thầm nghĩ: Hạnh rõ lẩn thẩn, chỗ đậu xe đâu còn là vấn đề đối với Đức như trước. Gần đây Đức đã được một Bác sĩ cấp giấy đậu xe đặc biệt theo diện “tàn phế” (disable). Vả lại thiếu gì Bác sĩ có bãi đậu xe miễn phí cho khách hàng; thậm chí có nơi còn cho xe đón đưa, rước khách. Rõ ràng Hạnh đã lười không theo gương Đức, không chịu xem quảng cáo để “biết thời sự.”

Vừa dứt câu, Hạnh đứng lên vào phòng ngủ lấy thẻ Medicare trao cho Đức dặn dò:

“Nhớ đến Bác sĩ Xuân “tóc đỏ” xin cho em một toa thuốc ngừa thai, trụ sinh Amoxil và Oradexon. Nhớ xin có đủ năm-ba repeat để kịp mình gửi về Việt Nam nghe anh.”

Rồi sợ Đức quên công tác thuờng lệ của mỗi ngày thứ năm, Hạnh lo lắng tiếp:

“Lương thất nghiệp vào trương mục rồi, anh nhớ rút hết về đi, em có chỗ cất cho. Anh để nhiều tiền ở trương mục anh, rồi đây chuyển qua pension Cựu chiến binh người ta bắt chờ tiêu cho hết mới được hưởng đấy. Nhớ về sớm đưa em đi shop nghen.”

Đức cau mày: ”Đòi về sớm mà bảo đến nữ Bác sĩ Xuân? Với bà ấy, đừng hòng có những gì mình muốn.”

Đức căm nữ Bác sĩ Xuân vì tuần qua, khi đến xin toa cho Hạnh, chẳng những bà ta không cho, đòi phải có khám bệnh nhân, còn đem tài liệu Patient Education “lên lớp” Đức. Nào là lợi hại, nào là tương khắc giữa thuốc trụ sinh Amoxil, ngừa thai và Oradexon, v.v...

Số là: Chẳng hiểu ất giáp gì, lại thêm sốt ruột sợ trể giờ hẹn về đi nhậu và kéo Poker với thằng Lưu, Đức đã cáu kỉnh xuýt xổ tiếng Đ. M. (Đan Mạch): “Bà không biết Medicare card là loại Credit card ưu việt nhất của đất nước này sao? Bà không muốn ra toa để mà lãnh tiền thì thôi. Bà không ra toa thì còn thiếu gì Bác sĩ khác; bao nhiêu thứ thuốc, bao nhiêu lần mà chẳng được. Toa hay giấy chứng mang tận nhà đâu phải là chuyện khó. Gọi Bác sĩ riêng đến nhà hoặc gọi xe đưa đón cũng là chuyện dễ thôi. Nếu cần được ‘lên lớp,’ tôi đã đến Bác sĩ chuyên khoa, đâu phải phiền Bà dài dòng.”

Đức đã tuông một tràng dài; thế mà đến nay vẫn chưa hết căm. Lòng còn ấm ức, Đức uể oải bước vào phòng trong chải tóc, khoác bộ đồ vest như thầy chú. Trở ra bên Hạnh, và chững chạc sau cặp kính giả cận gọng vàng, Đức dõng dạc:

“Đừng lo, tôi có Bác sĩ riêng; với ông ta, gì mà chẳng được. Tôi sẽ có đủ thứ cho Hạnh. Còn thêm nhiều thứ nữa, nào là “bầu dục xanh” (Viagra), nào là “thăm Alice” (Cialis); tha hồ! nhớ không?”

Không trả lời, nhưng âu yếm bám vai theo Đức ra xe, Hạnh trìu mến hôn tiễn. Vừa vào xe, Đức quay lại cười hềnh hệch: “Còn chuyện ghép phom hãy để từ từ, hôm nay xem đã quá bận rộn rồi.”

Chưa dứt câu, Đức đóng mạnh cửa xe, rồ máy. Chiếc Honda Prelude như muốn theo Đức lồng lên. Đức rẽ phải, ken két trước cổng nhà, để lại hai vết xe đậm và dài như muốn cho mọi người thấy mình đã “hạ quyết tâm” sang một bước ngoặc mới.

Nhìn theo xe Đức, rồi lại nhìn vết xe trên mặt đường, Hạnh sung sướng nghĩ đến bước ngoặc mới trong cuộc đời của Đức, Hạnh và hai con. Hai người sẽ không chỉ nhìn nhau mà còn nhìn về một hướng. Cả gia đình Đức Hạnh sẽ mãi mãi Hạnh Phúc - “be happy in this lucky country.”

Mười lăm năm sau, Tom con trai 16 tuổi của Đức-Hạnh đã cao gần bằng bố. Mai Lan con gái 17 của hai người ‘lớn hơn thổi’ đang vào tuổi dậy thì - “gái 17 bẻ gãy sừng trâu.” Không để ai biết rõ tuổi mình, nhưng dù đã hai mặt con, Hạnh trông vẫn mơn mởn mòn mắt như gái một con. Nhờ căng mặt, xăm môi, và bơm nhồi lắm chỗ, Hạnh như ở tột ‘đỉnh cao’ của độ xuân thì. Ra đường trông hai mẹ con, người ta có thể tưởng lầm là hai chị em. Chỉ riêng Đức có già đi đôi phần vì một tai nạn xe hơi năm năm trước. Thực hư về tai nạn tuy không rõ ràng hẳn, nhưng vì là nguyên đơn cáo kiện, Đức cũng được hãng bảo hiểm của bên bị chấp nhận một thỏa thuận ngoại tòa và bồi thường một số tiền mà hai vợ chồng cố dấu mọi người. Nhờ số tiền này Hạnh đã có thể lái một xe hơi BMW mới cáo cạnh. Nhưng cũng vì số tiền này, Đức đành tránh né không dám lái xe mới, vì sợ hãng bảo hiễm mở lại hồ sơ bồi thường tai nạn và cắt bỏ bồi thường.

Ngày nay, thấy người Hạnh đẹp, xe của Hạnh sang, một số kép trẻ, một số kép già xồn cố tìm cách đeo vào Hạnh để ‘ăn có’: “ngày thì Chị Chị Em Em; tối mong thủ thỉ cà rem nước dừa”. Mặt khác Đức cũng chễm chệ không kém: chống baton, mang kính gọng vàng, ngồi xe mới, với bà đầm lái phom phom. Bạn bè của Đức có thằng đã xách mé bảo Đức: “Cơm no, xế cỡi, đầm lái. Mày quả không đ… đái lầm.”

Đức giận ứa gan. Nhưng Hạnh thì mặc. Ban ngày Hạnh tung tăng lái xe cho con đi học, hoặc ba mẹ con đi shop. Ban đêm, Hạnh lái xe đưa con đi học thêm đàn piano hoặc chính mình học hát với thầy đang dậy con. Cuối tuần Hạnh đi họp Ban này, họp Hội nọ, lại còn thêm vụ học thiền, Yoga, và khiêu vũ “dưỡng sinh.”

Lúc nào “cao hứng’ hoặc thấy Đức tội nghiệp, Hạnh mới cho Đức cùng đi chung. Nhưng đặc biệt là Hạnh chỉ cho Đức đi chung trong những dịp hội họp đông người. Còn các cuộc họp bạn loại ‘bỏ túi’ - ít người- của Hạnh thường vắng Đức. Hạnh đưa Đức đến các cuộc họp đông người và bảo rằng tại các nơi đây Đức vui hơn. Tại các cuộc họp đông người, sự có mặt của Đức đã khiến một người ngưỡng mộ cái mức độ mẫn cán của Hạnh trong chức năng của một người chăm sóc cho kẻ đã được xếp loại phế tật (disable) và không ai thắc mắc rằng Hạnh không xứng đáng hưởng các trợ cấp đặc biệt dành cho Carers. Một số kép già ở những đám đông cũng có lần trầm trồ bàn tán:

“Nhào vô đi cha!”, ông này bảo.

“Sức mấy mà ham! Nàng ta bây giờ cao giá lắm”, ông nọ đáp, “Kép nhí ở Việt Nam muốn trả giá máy bay sang Úc hơn trăm ngàn đô; thế mà Nàng vẫn cón chê!”

“Mỗi lần về Việt Nam, bà ấy đều mang theo hình mình chụp với xe xịn BMW, và nhà cao. Kép nhí và đại gia chạy theo nàng như ruồi bu.”

Bàn tán tương tự như trên về Hạnh còn rất nhiều, nhưng đặc biệt là tại xứ Kangaroo này có người cho rằng nghĩa tình giữa Hạnh và Đức đã làm họ phát thèm, ngấp nghé, mong ước chuyện lâu dài với Hạnh sau này. Và tất nhiên họ phải chờ một bước ngoặc mới trên đường đời của ông bà Đức Hạnh.

Đi họp bạn chung với Đức hại nhiều hơn lợi cho Hạnh. Đã có lần Đức tức tối ra mặt khi nghe Hạnh ca các bản nhạc ‘mùi’ với thầy dậy nhạc của con mình. Cũng có lần Đức hậm hực muốn nhào ra sàn nhảy với Hạnh khi thấy thầy dậy khiêu vũ dựa thời cơ để ôm Hạnh quá sát. Nét mặt hầm hầm cho thấy Đức đã cố nén vì sợ “lộ tẩy” về bệnh tật và mức tàn phế của mình. Đã nhiều lần, Đức muốn tung hê tất cả; nhưng rồi lại cố nhịn nhục, cắn răng mà chịu cho qua.

Trong thâm sâu Hạnh cũng đã chán ngán vì Đức không còn phong độ của lứa tuổi 30 lúc hai người mới ghép phom bên trại tỵ nạn. Hạnh cũng muốn đi tìm cảm giác lạ và tìm đối tượng mới. Nhưng nàng lại sợ mất đi nhưng đặc lợi trước mắt của một Xã Hội Vị Phúc Lợi tại xứ này: Nào là Trợ cấp Tàn phế, Trợ cấp chăm sóc cho người phế tật, nào khám bệnh và thuốc men giảm giá, nào là đăng ký xe hơi miễn phí, vân vân…và vân vân.

Đức và Hạnh đã từng học hỏi bạn bè về nhiều cách để tận dụng các khoảng Trợ cấp Xã hội Úc đã dành cho chính mình và cho con cái. Muốn tận dụng như thế, cả hai người Đức Hạnh đã phải cò cưa cầm cự, níu kép lấy nhau như thể ý hợp tâm đầu - ít nhất là về phương diện Phúc lợi. Cả hai không ai dám ‘chơi dại’ thả cái mồi ’Phúc lợi trước mắt, để ‘bắt bóng’ của một bước ngoặc tích cực trong kiếp này. Cả đôi lại còn khôn ngoan hơn, rất mộ đạo và thường đi lễ bái nhiều nơi để mưu cầu hạnh phúc cho cả kiếp sau.

Nghĩa tình sâu kín và số phần may mắn của Đức Hạnh trên đất lành Kangaroo chắn hẳn sẽ còn cả bên kia thế giới của loài người?! Dù cho “nếu ngày mai không bao giờ đến” thì hôm nay Đức Hạnh cũng hơn cả quá nhiều người rồi.


Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2012
Loading