Site map
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng (nguồn ảnh: VIETLIST.us)

Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng (nguồn ảnh: VIETLIST.us)


Tham dự Diễn Đàn
NgÜ©i MÏ GÓc ViŒt ñòi Låi Tài Sän

Trần Văn Tích

Qua phương tiện internet, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng chủ xướng chiến dịch đòi lại tài sản của người Mỹ gốc Việt bị Việt cộng cướp đoạt. Một số người tỏ ngay ý nghi ngờ. Đó là chuyện rất tự nhiên vì chúng ta được hưởng quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, ai nghĩ sao cứ việc nói vậy. Hơn nữa, khác với lần trước liên quan đến chiến dịch lấy chữ ký vào thỉnh nguyện thư gửi Toà Bạch Ốc nhằm đòi hỏi nhân quyền, lần này thái độ của những người không tán trợ chủ trương của Tiến sĩ Thắng rất tự chế, rất hoà nhã. Đó là một khía cạnh tích cực.

Tuy nhiên tôi rất tiếc thấy rằng những người chống đối Tiến sĩ Thắng đã không đọc những văn bản do Ông phổ biến. Vì không đọc nên chư vị phát biểu lung tung và lạc đề. Thậm chí có người còn nêu trường hợp những nạn nhân của cải cách ruộng đất ở Miền Bắc khoảng 1954-1955 trong khi đối tượng của chiến dịch là những người Mỹ gốc Việt nạn nhân của cộng sản sau ngày mất Miền Nam. Có người lại cho rằng đã vứt bỏ tất cả để liều mình ra đi, nay còn tiếc nuối gì ngôi nhà xưa, mảnh vườn cũ. Người khác lại bảo phải chăng tung ra chiến dịch đòi lại tài sản là nhắm đánh lạc hướng đấu tranh, bẻ ngoặt mũi dùi chống Việt cộng bán đất bán biển sang phương khác!

Tôi xin tóm tắt các điểm chính của kế hoạch đòi lại tài sản cho người Mỹ gốc Việt. Nó dựa vào nguyên tắc cơ bản sau đây : chính phủ Hoa Kỳ do quốc dân bầu lên có nhiệm vụ bảo vệ tài sản của công dân Hoa Kỳ. Đối với quốc gia nào muốn mưu cầu giao thiệp hữu hảo với Hoa Kỳ, chính phủ có bổn phận phải xét xem quốc gia đó có phạm tội cướp đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ hay không và nếu thấy rằng có thì chính phủ Hoa kỳ phải có biện pháp chế tài thích nghi, cụ thể và trước mắt là không cấp cho Việt cộng qui chế tối huệ quốc vì cộng sản Việt Nam đã tước đoạt tài sản của không biết bao nhiêu người Mỹ gốc Việt.

Trong quá khứ và trong thực tế, chính phủ Hoa Kỳ đã thành công khi bắt buộc Việt cộng phải bồi thường hằng mấy trăm triệu Mỹ kim cho những công dân Hoa Kỳ bị giặc cướp cạn tài sản sau ngày cuỡng chiếm Miền Nam trước khi tái lập quan hệ bang giao bình thường với chúng. Chính phủ Hoa Kỳ chưa nhận ra trách nhiệm của mình đối với các công dân Mỹ gốc Việt bị tước đoạt tài sản, bây giờ là thời điểm và cơ hội để chúng ta nhắc nhở và tranh đấu cho quyền lợi thiết thân của chính chúng ta.

Như vậy, chiến dịch đòi lại tài sản của người Mỹ gốc Việt dựa vào và chỉ dựa vào nền công lý Hoa Kỳ. Ngành tư pháp Hoa Kỳ căn cứ vào luật lệ Hoa Kỳ để bắt Việt cộng phải bồi hoàn tài sản giặc đã cướp cạn của những công dân Hoa Kỳ gốc Việt, nếu chúng muốn giao thiệp bình thường với Hoa Kỳ. Cho nên mọi chuyện kể, mọi tố cáo liên hệ đến luật rừng của giặc, đến tính đểu cáng của giặc v.v... đều hoàn toàn lạc đề và chỉ chứng tỏ là người nêu thắc mắc đã không buồn ghé mắt đọc thông báo cùng hai tài liệu hỏi-đáp khá chi tiết của tổ chức Nguyễn Đình Thắng.
Tài liệu do nhóm Nguyễn Đình Thắng phổ biến cũng nêu ra tình huống liên quan đến thời điểm 1975, vào thời điểm đó, các nạn nhân của vụ cướp bóc tài sản theo qui mô rất lớn chưa mang quốc tịch Hoa Kỳ. Tài liệu cho biết khi bỏ nước ra đi nhà cửa ruộng vuờn của người Việt bị cộng sản quản lý. Quản lý có nghĩa là trông coi và giữ gìn. Quản lý không hề có nghĩa là cướp bóc chiếm đoạt trắng trợn.

Chỉ đến năm 2002, cộng sản mới ra luật quốc hữu hoá tài sản xem là vô chủ. Theo công pháp quốc tế và cũng theo lương tri con người, luật lệ chỉ có hiệu lực kể từ ngày ban hành, do đó luật quốc hữu hoá tài sản của người tỵ nạn do cộng sản đưa ra không thể có hiệu lực hồi tố.

Tôi cùng gia đình rời Việt Nam bằng máy bay ngày 24.02.1984. Trước khi đi, tôi phải làm giấy giao ngôi nhà tôi trú ngụ lúc bấy giờ ở địa chỉ 102/9 Nguyễn Trãi, Quận 5, cho em gái tôi quản lý. [Ngôi nhà này kế cận tư gia Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, số 102/7 Nguyễn Trãi (tôi ghi theo số nhà cũ, trước 1975)]. Còn phòng mạch của tôi tại số 845 bến Phạm Thế Hiển, Quận 8, bên kia cầu chữ Y thì tôi phải làm giấy hiến cho nhà nước! Tôi không có ý định đòi lại nhà cũ (xem như cho luôn em gái và gia đình nó) nhưng đối với phòng mạch thì tôi không muốn cộng sản ăn tươi nuốt sống một cách ung dung. Rất tiếc tôi không được vinh dự mang quốc tịch Hoa Kỳ.

Nhưng tôi ủng hộ chiến dịch của Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng. Tôi ủng hộ vì tôi thấy nên ủng hộ, cần ủng hộ. Như trước đây tôi đã từng ủng hộ Đại úy Biệt kích Nguyễn Hữu Luyện chống lại William Joiner Center. Như hiện nay tôi đang ủng hộ và góp công sức bản thân vào kế hoạch dùng công lý nhân loại truy tố tội ác cộng sản trước các toà án quốc gia công nhận universal principle. Nhân đây xin nói thêm là tội ác chống nhân loại, tội ác chiến tranh cũng bao gồm cả tội ác tiêu hủy và/hoặc chiếm hữu tài vật không do nhu cầu quân sự, được tiến hành độc đoán và vi pháp trên một qui mô rộng lớn (destruction et appropriation de biens, non justifiés par des nécessités militaires et exécutées sur une grande échelle de faon illicite et arbitraire) bao gồm cả các tài sản có tính cách dân sự (biens de caractère civil ).

Như vậy, tôi ủng hộ chiến dịch đòi tài sản của người Mỹ gốc Việt vì tôi thấy nó có thể thi hành được là một, vì nó hợp tình hợp cảnh hợp lý là hai và vì nó chống cộng là ba. Chả thế mà tờ nhật báo Nhân dân đã lên án dự án Nguyễn Đình Thắng. Tất nhiên mưu sự tại nhân mà thành sự tại nhiều yếu tố phức tạp, chẳng hạn, tiếng nói của khối người Mỹ gốc Việt có đủ mạnh để cho hành pháp Hoa Kỳ ghé tai nghe hay không.

Trong quá khứ từng có người tiến hành thủ tục kiện cáo Việt cộng tại các toà án quốc tế về tội cướp đoạt nhà cửa, nhưng không hề đạt được đáp ứng thuận lợi. Công pháp quốc tế chưa thấy có nhu cầu cứu xét nguyện vọng của nguyên đơn, lại càng không muốn gây bất bình cho bị cáo. Chẳng được chút lợi lộc gì mà chỉ mang thêm phiền toái. Cá nhân tôi thì năm 1995, sau khi có quốc tịch Đức, tôi đã làm thử nghiệm bằng cách viết thư cho Lãnh sự CHLB Đức tại Sàigòn ở đường Nguyễn Đình Chiểu để yêu cầu phía Đức can thiệp với Việt cộng về khía cạnh chủ quyền phòng mạch mà tôi đã phải giao không cho chúng khi rời nước. Toà lãnh sự cho biết không làm được gì và còn mách nước cho tôi nên liên lạc với cơ sở ngoại giao Việt cộng ở Bonn! Ai đời nạn nhân lại được khuyến cáo nói chuyện với đạo tặc! Rõ ràng là Đức không thấy có chút xíu bổn phận nào đối với tài sản công dân - dẫu là công dân trên giấy tờ - bị nước ngoài tước đoạt. Ước mong sao chính quyền Hoa Kỳ sẽ đứng ra nhận trách nhiệm của mình, không giống như chính quyền Đức.

Về phía những người không tán thành chiến dịch, tôi xin có lời thỉnh cầu như sau : xin quí vị cho biết luận cứ nào, kiến giải nào, dữ kiện nào do nhóm Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng trình bày và phổ biến là vô lý, thậm chí bịa đặt. Nếu được, xin vui lòng đừng suy đoán là chiến dịch được tung ra để nhằm đánh lạc hướng này, để khiến quên chuyện nọ.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho biết tiến trình đòi hỏi Việt cộng bồi hoàn tài sản là một tiến trình lâu dài và phức tạp. Đương nhiên phải như thế. Cá nhân tôi thì ví thử tôi là công dân Hoa Kỳ gốc Việt đi nữa thì tôi cũng chẳng bao giờ ngây thơ hy vọng hão huyền rằng ngày một ngày hai, Việt cộng sẽ làm giấy trực tiếp giao trả phòng mạch số 845 bến Phạm Thế Hiển lại cho tôi hay Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng sẽ ký cho tôi một chi phiếu vài chục, vài trăm ngàn đôla!

Mấy hôm nay đầu óc tôi cứ miên man suy nghĩ về hai lĩnh vực, một là truy tố tội ác cộng sản và hai là đòi lại tài sản. Thét rồi đại não chuyển tin cho vô thức. Hôm qua chợp mắt một chút tôi nằm mơ. Tựa ngồi bên triện một mình thiu thiu, y hệt như cô Kiều. Tôi thấy hiện ra thành phố New Saigon. Đó là một thành phố rộng lớn cực kỳ hiện đại, xây dựng tại vùng sa mạc Cali, chỗ tài tử Kiefer Sutherland trong vai Jack Bauer tiếp tay ném quả bom nguyên tử (do bọn khủng bố cuỡng đoạt) xuống để cứu mạng cả triệu người trong loạt phim vô tuyến truyền hình 24-Twenty four.

Thành phố đó do chính...Việt cộng gián tiếp xây dựng lên vì chúng phải bồi hoàn tài sản của cả vạn vạn người Hoa Kỳ gốc Việt bị chúng ăn cướp nhà cửa của cải sau ngày 30.04.75, trong đó có cả trị giá phòng mạch 845 bến Phạm Thế Hiển của tôi, dẫu tôi không phải công dân USA. Nếu một cá nhân nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh đã trả được nợ cho Hoa Kỳ cả vốn lẫn lãi thì những người Hoa Kỳ gốc Việt, qua chiến dịch đòi lại tài sản, đã cùng nhau đồng thanh cống hiến cơ ngơi gia tư bị cộng sản tịch thu sung công ngày nào vào kỳ công dựng lên thị trấn phồn hoa đô hội New Saigon trong sa mạc, như một cung cách đền ơn quê hương mới. Đố ai nằm ngủ không mơ.
Với tôi, ủng hộ Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng không phải nhằm chuyện đòi phòng mạch mà nhằm chuyện đòi công lý.



Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2012
Loading