Site map
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010
Xung Ƕt dÀu hÕa tåi Trung ñông
Duy Anh

Từ khi được tìm ra vào khoảng đầu thập niên 1930, dầu hỏa đã làm thay đổi sâu sắc bộ mặt của Trung Đông và góp phần không nhỏ đổ thêm “dầu” vào một vùng “lò lửa” đã sẵn có những cuộc xung đột bắt nguồn từ xa xưa.

Dầu hỏa đã giúp cho nhiều quốc gia vùng Trung Đông trở nên trù phú với lợi tức bình quân đầu người tương đương với những quốc gia tiên tiến như trường hợp Qatar, UAE, Bahrain, Oman, Kuwait... nhưng đồng thời cũng là nguyên nhân của những vụ tranh chấp lãnh thổ, những vụ tranh dành quyền lực nội bộ, âm mưu thôn tính nhau giữa các quốc gia lân cận và ngoài ra lúc nào cũng bị các thế lực bên ngoài dòm ngó vào.

Trong phạm vi bài này, chúng tôi xin sơ lược vài nét về tình hình dầu hỏa tại Trung Đông, sự hình thành của OPEC, các cuộc xung đột gây ra bởi dầu hỏa Trung Đông trong quá khứ và sau cùng là những vấn đề khó khăn trong tương lai liên quan đến dầu hỏa cần phải được đối phó.

Trữ lượng dầu tại Trung Đông

Tài nguyên “vàng đen” không phân bổ đồng đều tại các quốc gia khác nhau vùng Trung Đông. Theo định nghĩa thông thường, Trung Đông gồm 15 quốc gia (xếp theo thứ tự vần ABC): Bahrain, Cyprus, Egypt, Iran, Iraq, Israel, Jordan, Kuwait, Lebanon, Oman, Qatar, Saudi Arabia, United Arab Emirates, Yemen và Palestine (West Bank và Gaza). Trong các quốc gia này thì theo tài liệu của CIA, World factbook ngày 28/7/2005, trữ lượng dầu hỏa xác định được tại các quốc gia Trung Đông gồm:

Tên quốc gia Trữ lượng (tỉ thùng) Xếp hạng trên thế giới
Saudi Arabia                   263                      1
Iran                                133                      3
Iraq                                112                      4
United Arab Emirates        98                      5
Kuwait                             96                      6
Qatar                               16                     16
Oman                                6                     21
Yemen                               4,4                  26
Egyp                                  2,7                  30
Syria                                  2,5                  31

Các quốc gia còn lại thì hoặc trữ lượng không đáng kể, hoặc đã khô cạn dần (Bahrain). (So sánh với Việt Nam là 0,6 tỉ thùng, đứng hàng thứ 44 trên thế giới).

Các con số cho thấy là trữ lượng tại Trung Đông chiếm 54% toàn bộ trữ lượng dầu hỏa của cả thế giới là 1.357 tỉ thùng.

Một đặc điểm nổi bật của dầu hỏa tại Trung Đông là chi phí sản xuất rất thấp vì đa số các mỏ dầu đều nằm trên đất liền, tương đối nông dưới lòng đất và trên những vùng sa mạc hoang vắng.

Công việc khai thác cũng như vận chuyển do đó hết sức thuận lợi. Tại Kuwait, chi phí để lấy 1 thùng dầu ra khỏi lòng đất chỉ tốn có $2. Trong khi đó, Hãng Shell tốn tới $15 để khai thác 1 thùng dầu tại Alberta, Canada. Tại Venezuela là $10/thùng. Khai thác dầu hỏa ngoài ven biển tốn kém nhiều nhất, vào khoảng $15-$20/thùng (trong đó có Việt Nam).

Với một kho tàng như vậy, hẳn nhiên các cuộc xung đột xảy ra triền miên tại Trung Đông là điều không thể tránh khỏi. Không những xung đột xảy ra giữa các quốc gia lận cận tranh chấp nhau các vùng biên giới có mỏ dầu mà còn xung đột còn xảy ra do sự can thiệp từ các thế lực bên ngoài muốn nhảy vào kiểm soát nguồn tài nguyên quý giá này. Có người cho rằng cuộc chiến Iraq vừa qua nguyên nhân cũng có một phần do Hoa Kỳ muốn kiểm soát nguồn dầu hỏa tại Iraq. Điều này đúng hay sai cũng khó chứng minh nhưng rõ ràng dưới mắt người Mỹ, Saddam Hussein là một mối hiểm họa cho sự ổn định của Trung Đông. Cuộc xâm lăng Kuwait là một hành động phiêu lưu mạo hiểm bất chấp mọi hậu quả và khả năng Saddam Hussein sử dụng vũ khí dầu hỏa để làm áp lực với toàn thế giới là điều có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Năm 1993 tại Somalia, Hoa Kỳ vẫn dửng dưng rút quân về dù bị thiệt hại 18 người và bị thương 73 người trong lúc tình hình nội chiến và nạn đói còn hoành hoành tại Somalia. Phải chăng vì Somalia không có lợi ích gì cho kinh tế Mỹ? Chính sách Mỹ liệu có thay đổi gì không nếu Somalia là một quốc gia dầu hỏa như tại Trung Đông? Câu trả lời chắc chắn là phải khác đi rất nhiều.

Sự thành lập OPEC và OAPEC

Vào năm 1949, Venezuela là nước đầu tiên nghĩ đến chuyện thành lập Tổ Chức Các Quốc Gia Xuất Cảng Dầu Hỏa gọi tắt là OPEC (Organization of the Petroleum Exporting Countries) bằng cách tiếp cận với Iran, Iraq, Kuwait và Saudi Arabia để trao đổi ý kiến và tạo mối liên hệ chung với nhau. Tháng 9/1960, Iraq tổ chức hội nghị quốc tế tại Baghdad với các nước Iran, Kuwait, Saudi Arabia và Venezuela để thảo luận về các biện pháp hạ giá dầu hỏa của các quốc gia liên hệ. Kết quả là sau đó OPEC được thành lập nhắm thống nhất chính sách chung cho cả khối. Ngoài 5 quốc gia sáng lập kề trên, trong thời kỳ từ 1960 đến 1975, OPEC được mở rộng với sự gia nhập của Qatar (1961), Indonesia (1962), Lybia (1962), United Arab Emirates (1967), Algeria (1971) và Nigeria (1971). Cựu thành viên OPEC gồm có Ecuador (1963-1993) và Gabon (1975-1995). Trụ sở của OPEC được đặt tại Vienna, thủ đô nước Áo.

Theo ước tính, 11 quốc gia thành viên OPEC đang sản xuất vào khoảng 40% dầu hỏa thế giới và bao gồm 2/3 tổng trữ lượng dầu hỏa của thế giới.

Vì những lý do kể trên, các quyết định của OPEC luôn luôn tác động mạnh và trực tiếp đến giá cả của xăng dầu toàn thế giới . Chẳng hạn năm 1973, OPEC quyết định phong tỏa nguồn dầu hỏa tiếp liệu cho Hoa Kỳ và Hòa Lan vì đã trực tiếp yểm trợ Do Thái trong cuộc chiến tranh Yom Kippur giữa Do Thái và khối Ả Rập. Hành động này đã khiến giá dầu hỏa tăng vọt gấp 4 lần trong vòng 5 tháng từ 17/10/1973 đến 13/3/1974. Tuy nhiên vì lợi ích của toàn thế giới, chính sách chung của OPEC vẫn là tìm cách ổn định giá cả của nguồn nhiên liệu này trong một hạn mức có lợi nhất cho kinh tế toàn thế giới. Ngoài tổ chức OPEC còn có một tổ chức trùng lặp khác là Tổ Chức Các Quốc Gia Ả Rập Xuất Cảng Dầu Hỏa, gọi tắt là OAPEC (Organization Of Arab Petroleum Exporting Countries), trụ sở tại Kuwait. OAPEC gồm 11 quốc gia là: Algeria, Bahrain, Egypt, Iraq, Kuwait, Libya, Qatar, Saudi Arabia, Syria, Tunisia và United Arab Emirates. Mục đích ban đầu của OAPEC là để liên kết các quốc gia bảo thủ Ả Rập với nhau để tránh việc sử dụng yếu tố dầu hỏa như một vũ khí nhằm giải quyết các vấn đề chính trị trong bang giao quốc tế. Tuy nhiên trên thực tế thì OAPEC đã có những quyết định đi ngược lại với cương lĩnh của mình. Nói chung OAPEC và OPEC vẫn có tiếng nói thống nhất với nhau.

Các bất ổn do dầu hỏa tại Trung Đông

Nếu xét riêng về yếu tố dầu hỏa là một trong những nguyên nhân chính của những sự bất ổn tại Trung Đông, ta có thể nhắc đến các biến cố sau:

Cuộc chiến kinh Suez năm 1956

Ngày 26 tháng 7 năm 1956, Tổng thống Ai cập Gamal Abdel Nasser quyết định quốc hữu hóa công ty Kinh Suez, đụng chạm đến quyền lợi của hai nước Anh Pháp về quyền sở hữu công ty Kinh Suez, đồng thời có nguy cơ ảnh hưởng việc vận chuyển dầu hỏa từ Trung Đông về Âu Châu. Anh Pháp bí mật họp với Do Thái và một kế hoạch được đưa ra, trong đó Do Thái sẽ đóng vai trò khiêu khích, tấn công Ai cập tại Giải Gaza và bán đảo Sinai. Kế hoạch được mệnh danh “Chiến dịch Ngự Lâm Quân”(Operation Musketeers). Tháng 10 năm 1956, Do Thái tràn qua chiếm Giải Gaza, bán đảo Sinai và mau chóng tiến quân đến kinh Suez. Như đã thỏa thuận, Anh Pháp đề nghị đưa quân qua để làm trái độn. Nasser từ chối. Lấy cớ để bảo vệ quyền lợi kinh Suez với ý đồ lật đổ Nasser, liên quân Anh Pháp ồ ạt tấn công Ai Cập và nhanh chóng chiếm đóng vùng kinh Suez. Về mặt quân sự thì liên quân Anh Pháp đã thành công chiếm được các mục tiêu nhưng về mặt chính trị thì lại là một thảm họa. Hoa Kỳ, Liên Sô, Canada, Australia mà hầu hết các quốc gia thuộc thế giới thứ ba lên án mạnh mẽ hành động xâm lăng này. Hoa Kỳ dọa sẽ bán tháo đồng tiền pound sterling nếu Anh không rút quân. Thủ tướng Anh Eden buộc phải từ chức và tháng 3 năm 1957, liên quân Anh Pháp rút quân ra khỏi vùng Kinh Suez. Lester Pearson đaị diện Canada đề nghị thành lập Lực Lượng Khẩn Cấp Liên Hiệp Quốc (United Nations Emergency Force, UNEF) để giữ gìn hòa bình. Liên Hiệp Quốc chấp thuận giải pháp này. Từ đó, thỉnh thoảng Liên Hiệp Quốc vẫn thường gửi các toán quân “peacekeepers” (Lực Lượng Giữ Gìn Hòa Bình) để thực thi các nghị quyết đdã ban hành. Lester Pearson đã được trao tặng Giải Nobel Hòa Bình năm 1957 nhờ sáng kiến này. Quân Do Thái rút trở lại biên giới vào đầu năm 1957.

Cơn khủng hoảng dầu hỏa 1973


Cơn khủng hoảng này bắt đầu ngày 17/10/1973 khi các nước thành viên OAPEC (bao gồm các nước Ả Rập trong OPEC, cộng thêm Ai Cập và Syria) quyết định ngưng cung cấp dầu cho các nước ủng hộ Do Thái trong cuộc chiến Yom Kippur chống lại Ai Cập và Syria. Hai quốc gia mục tiêu chính là Hoa Kỳ và Hòa Lan. Đồng thời, các thành viên OPEC cũng quyết định giảm năng xuất khai thác. Hậu quả của những hành động này có tác hại ngay lập tức cho những quốc gia nhập cảng dầu hỏa. Năm 1974 giá dầu lên gấp 4 lần, gần $12/thùng (tương đương với giá $80/thùng ngày nay). Tại Mỹ, hỗn loạn đã xảy ra và giá xăng lên cao gấp đôi, các xe nối đuôi nhau chờ đổ xăng tại các trạm xăng khắp các miền đất Mỹ. Cuộc khủng hoảng năng lượng đã kéo theo nạn lạm phát và làm suy thoái kinh tế trên toàn thế giới. Điều trớ trêu là chính các nước thành viện OPEC cũng bị ảnh hưởng nặng vì hành động của chính mình. Các lợi tức thặng dư do dầu hỏa mang lại thường được tái đầu tư vào kinh tế các quốc gia phát triển nên kinh tế toàn thế giới bị suy thoái cũng kéo theo sự lỗ lã cho chính họ. Mặt khác giá dầu lên quá cao khiến nhu cầu bị giảm mạnh và các quốc gia nhập cảng dầu tìm mọi cách để bớt lệ thuộc vào dầu hỏa Trung Đông, chẳng hạn như Nhật Bản chuyển qua kỹ nghệ điện tử, Hoa Kỳ và Tây Âu đầu tư mạnh vào việc kiếm nguồn năng lượng thay thế và tìm các nguồn dầu ngoài khu vực OPEC. Cuộc khủng hoảng năng lượng 1973 chấm dứt ngày 17/3/1974 khi các quốc gia Ả Rập (ngoại trừ Lybia) chấm dứt phong tỏa dầu đối với Hoa Kỳ và Hòa Lan. Tuy đây là lần đầu tiên các quốc gia gọi là thuộc thế giới thứ ba đã có một thứ vũ khí có khả năng làm khốn đốn các cường quốc Hoa Kỳ và Tây Âu nhưng phương cách này đã chứng minh sự thiệt hại đôi khi lan rộng và ảnh hưởng cho tất cả mọi quốc gia, ngay cả các quốc gia khởi xướng. Từ đó, các nước thành viên OPEC thường có thái độ chín chắn hơn và sử dụng đứng đắn chức năng kiểm soát giá cả dầu hỏa tùy thuộc vào nhu cầu kinh tế chứ không sử dụng cho những mục tiêu chính trị nữa.

Cơn khủng hoảng năng lượng năm 1979

Cuộc cách mạng Ba Tư với những cuộc xuống đường bạo động liên tục đã làm gián đoạn kỹ nghệ dầu hỏa của Iran. Các quốc gia thành viên OPEC lập tức gia tăng năng xuất khai thác để bù vào chỗ thiếu hụt và đã thành công giữ được mức thiếu vào khoảng 4% mà thôi. Tuy nhiên tâm lý hoảng loạn đã khiến giá xăng dầu lại một dịp nữa được đẩy cao lên. Thời kỳ này, có nhiều người cho rằng giá xăng dầu đã bị các công ty dầu hỏa đẩy lên giả tạo chứ không phải vì thực tế thiếu xăng dầu.

Cuộc chiến Iran - Iraq 1980

Nhân dịp biến cố 1979 tại Iran và phần nào được sự ủng hộ ngầm của Hoa Kỳ, Iraq (dưới thời Saddam Hussein) xua quân toàn bộ vào lãnh thổ Iran ngày 22/9/1980. Mục tiêu của Iraq nhắm vào 3 điểm:

1/ Chiếm con đường thủy huyết mạch Arvand/Shatt al-Arab nằm trên đường biên giới giữa Iran và Iraq.
2/ Tự tiện nhân danh United Arab Emirates, chiếm 3 hòn đảo Abu Musa , Greater và Lesser Tunbs.
3/Âm mưu sát nhập vào lãnh thổ Iraq vùng tranh chấp dầu hỏa Khuzestan với Iran.

Cuộc chiến khởi đầu với sự thắng thế của Iraq nhưng chẳng bao lâu sau, Iran phản công vả đẩy lùi Iraq ra khỏi biên giới. Chiến tranh sau đó tiếp diễn phần lớn trên lãnh thổ Iraq và kéo dài 8 năm trời bất phân thắng bại. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc kêu gọi ngừng bắn nhiều lần nhưng mãi đến năm 1988 chiến sự mới thật sự chấm dứt. Chiến tranh Iran-Iraq đánh dấu sự kiện Iraq đã xử dụng vũ khí hóa học làm chết hàng ngàn binh lính, dân thường Iran và cả người Kurds tại Iraq. Hành động này của Saddam Hussein đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ.

Cuộc chiến Iraq-Kuwait 1991


Còn được gọi là cuộc chiến vùng Vịnh hay Chiến Dịch Bão Tố Sa Mạc. Đây là cuộc xung đột giữa Iraq và liên quân đồng minh của hơn 30 quốc gia dẫn đầu bởi Hoa Kỳ và được ủy nhiệm bởi Liên Hiệp Quốc nhằm giải phóng Kuwait.

Cuộc chiến bắt đầu với cuộc xâm lăng của Iraq (Saddam Hussein) vào lãnh thổ Kuwait ngày 2/8/1990. Lý do phía Iraq đưa ra là Kuwait đã khai thác dầu hỏa trong phần lãnh thổ Iraq. Nguyên nhân chính vẫn là Iraq từ bao lâu nay cho rằng Kuwait là một phần lãnh thổ của Iraq. Liên Hiệp Quốc lập tức ra nghị quyết phong tỏa kinh tế Iraq. Chiến sự khổi động vào tháng giêng năm 1991 và đến ngày 27/2/1991, quân Iraq bị tan rã. Nói chung, những trận đánh được giới hạn trong phạm vi lãnh thổ Iraq, Kuwait và biên giới Saudi Arabia mà không lan rộng qua những vùnh lân cận mặc dù Iraq có bắn hỏa tiễn Scud qua vài thành phố của Israel. Lúc quân Iraq rút ra khỏi Kuwait có đánh phá và đốt cháy những giếng dầu của Kuwait.

Cuộc chiến Iraq 2003

Sau cuộc chiến Vùng Vịnh 1991, Iraq bị buộc phải báo cáo và phá hủy tất cả các phương tiện vũ khí hủy diệt hàng loạt (weapons of mass destruction WMD) bao gồm các loại vũ khí hóa học, sinh học và hạch nhân. Đồng thời, Iraq cũng phải cho phép Liên Hiệp Quốc vào thanh tra. Sau một thời gian tuân hành nghiêm chỉnh, Saddam Hussein ra lệnh trục xuất các đoàn thanh tra Liên Hiệp Quốc ra khỏi Iraq. Hoa Kỳ cố gắng tranh thủ Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cho phép được xử dụng võ lực trường hợp Iraq khăng khăng bất tuân lệnh Liên Hiệp Quốc. Các nước Pháp, Nga và Trung Quốc không bằng lòng và tỏ ý định sẽ dùng quyền phủ quyết để chống lại. Ngày 20/3/2003, Hoa Kỳ, Anh, Tây Ban Nha lôi kéo theo một số nước đồng minh khác và quyết định tấn công Iraq. Thủ đô Baghdad thất thủ ngày 9/4/2003. Liên quân đồng minh chính thức chiếm đóng Iraq. Saddam Hussein bị bắt ngày 13/12/2003. Sự kiện các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt không bao giờ được tìm ra tại Iraq đã làm giảm uy tín của chính quyền George Bush trước dư luận thế giới. Nhiếu người cho rằng lý do tiềm ẩn của cuộc xâm chiếm Iraq chỉ là vì Mỹ muốn kiểm soát nguồn dầu hỏa tại Iraq mà theo các ước tính, có trữ lượng lớn vào hành thứ tư toàn thế giới sau Saudi Arabia, Canada và Iran.

Dầu hỏa và những vấn đề tương lai


Cao điểm dầu (peak oil)

Dầu hỏa là một nguồn nhiên liệu tối cần thiết cho kinh tế và văn minh toàn cầu nhưng lại là một nguyên liệu không tái sinh được (non-renewable). Sau khi được khai thác và xử dụng, nguyên liệu này mất đi vĩnh viễn. Tạo hóa cần hàng triệu năm và dưới những điều kiện tối ưu mới thành lập nổi các trữ lượng dầu hỏa như hiện nay. Theo nhà địa vật lý Marion Hubbert (1956), nhân loại đã đi đến gần kề giai đoạn gọi là “cao điểm dầu” (peak oil) là lúc mà một nửa các trữ lượng dầu đã bị khai thác và từ đó sản lượng sẽ giảm dần cho đến lúc khô kiệt. Người ta phỏng đoán cao điểm dầu nằm trong khoảng thời gian từ 2005 đến 2025. Hiện nay hai trong số ba mỏ dầu lớn nhất thế giới được xác định là đã vượt “cao điểm dầu”: mỏ Cantarell Field tại Mexico (3/2006) và mỏ Burgan Field tại Kuwait (11/2005). Có người (Matthew Simmons 2005) cho rằng mỏ lớn nhất thế giới còn lại là Ghawar Field tại Saudi Arabia cũng đã có dấu hiệu đạt “cao điểm dầu”.

Giá dầu

Có thể nói mà không sợ sai là với thời gian, giá dầu hỏa sẽ tăng chứ không giảm nữa. Các biến động tại Trung Đông là nơi sản xuất dầu hỏa lớn nhất thế giới sẽ góp phần vào tâm lý lo lắng và đẩy giá dầu lên cao thêm. Chiến tranh Iraq, chương trình hạch nhân của Iran, nội tình bất ổn tại Saudi Arabia, chiến tranh Labanon, tất cả những điều này rất dễ làm gián đoạn lượng dầu cung cấp của Trung Đông cho toàn thế giới. Ngoài vùng Trung Đông, các bất ổn chính trị tại Venezuela, Nigeria, thiên tai bão lụt (Katrina tại Mỹ năm 2005) đều tác động lên giá dầu. Điều quản ngại hơn cả là sự kiện “cao điểm dầu”. Giá dầu nếu tiếp tục lên cao quá một giới hạn nào đó chắc chắn sẽ đưa đến lạm phát và ảnh hưởng xấu đến kinh tế toàn cầu.

Sự lệ thuộc của các cường quốc đối với dầu hỏa của Trung Đông

Đứng đầu là Hoa Kỳ với tỉ lệ sử dụng năng lượng lên tới gần một phần tư lượng sản xuất dầu hỏa của cả thế giới. Tiếp ngay sau đó là khối Âu Châu Thống Nhất với mức tiêu thụ khoảng 15% sản lượng dầu hỏa thế giới. Sau đó là Trung Quốc (7.9%) đang nổi lên như một cường quốc với sức phát triển kinh tế cao, tạo ra một nhu cầu mới về năng lượng. Nhật Bản (6.9%) thì lâu nay vẫn tùy thuộc vào nguồn dầu hỏa nhập từ Trung Đông và các quốc gia Đông Nam Á. Đặc biệt các quốc gia như Nga, Canada, tuy nằm trong bảng 20 quốc gia tiêu thụ dầu hỏa nhiều nhất thế giới nhưng đồng thời cũng là những quốc gia xuất cảng dầu hỏa nên sự lệ thuộc vào Trung Đông không đáng kể (Việt Nam xuất cảng 153 ngàn thùng/ngày hoặc 0.5%, đứng hàng thứ 28 trên thế giới).

Như vậy không có gì khó hiểu khi Hoa Kỳ và các nước Tây Âu lúc nào cũng sẵn sàng can thiệp vào các vấn đề Trung Đông nhằm kiểm soát và bảo vệ các lợi ích của họ.

Trách nhiệm của Hoa Kỳ và các cường quốc trên thế giới

Đứng trên khía cạnh đạo đức, sự kiện các quốc gia có nền khoa học kỹ thuật cao sử dụng quá nhiều dầu hỏa là một điều không công bằng. Dầu hỏa là tài sản chung của cả nhân loại và là một dạng di sản không tái tạo lại được, con người phải biết chia sẻ lẫn nhau để tận dụng tối đa của trời cho này làm sao mang lại tiện nghi và sung sướng nhiều nhất cho tất cả mọi người.

Do đó trách nhiệm của Hoa Kỳ và các cường quốc xử dụng năng lượng nhiều nhất trên thế giới phải là:

- Tăng cường tối đa các biện pháp giảm thiểu việc sử dụng năng lượng. Ban hành các đạo luật tiết kiệm năng lượng như khuyến khích sử dụng các phương tiện di chuyển công cộng, tăng thuế lưu hành xe riêng, tăng tiền điện nếu vượt quá hạn mức, giảm thuế cho những phương tiện máy móc ít tốn hao nhiên liệu (xe hơi hybrid, xe hơi nhiều chỗ ngồi) v.v…

- Đầu tư thật nhiều vào các dự án, công trình nghiên cứu thay thế dầu hỏa bằng các nguồn năng lượng có thể tái sinh lại được như cồn (ethanol), tế bào nhiên liệu (fuel cell), thủy điện, năng lượng gió, năng lượng mặt trời v.v…

- Gìn giữ hòa bình thế giới một cách hiệu quả nhất. Điều cần thiết hàng đầu là Hoa Kỳ và các cường quốc phải thay đổi và có một chính sách chung đối với các vấn đề của thế giới, trong đó có vấn đề dầu hỏa. Hoa Kỳ có những lý do riêng để xử dụng vũ lực nhằm giải quyết vấn nạn khủng bố đang hiện hữu như một căn bệnh ung thư trên thế giới nhưng liệu chính phủ Hoa Kỳ đã cân nhắc và nghiên cứu sâu xa các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này hay chưa? Có cách nào thay vì tiêu tốn tiền thuế hàng trăm tỉ dollars cho mục tiêu quân sự ở Iraq, chuyển khối lương tiền này cho ngân khoản nghiên cứu năng lượng thay thế hay không?

- Mở rộng đối thoại với những thế lực tiêu cực đang còn làm hành tinh trái đất là một nơi bất trắc cho con người sinh sống. Chương trình hạch nhân của Iran có thật sự vì mục đích hòa bình hay không? Thế giới có thể nhượng bộ đến chừng mức nào để bảo đảm hành động của Iran không đe dọa nền hòa bình thế giới? Nếu đã tận dụng hết các phương tiện hoà hoãn rồi mà mối nguy cơ vẫn còn đó, cần phải có hành động dứt khoát, nếu cần thiết, xử dụng vũ lực nhưng phải có sự thống nhất của Liên Hiệp Quốc.

(2006)

Loading
Lời giới thiệu của Ban Biên Tập

Bài này của tác giả Duy Anh đã được viết từ tháng 8 năm 2006 và đăng trên Đàn Chim Việt Online cùng với nhiều diễn đàn khác, phần nào đã giải thích nguồn gốc và những biến cố liên quan đến dầu hỏa tại vùng Trung Đông. Đặc biệt trong phần kết luận, tác giả đã mô tả khá chính xác trách nhiệm của Hoa Kỳ và các cường quốc sử dụng năng lượng nhiều nhất cùng với những công việc cần phải làm.

Những trách nhiệm này đang được chính quyền Obama thực hiện hầu hết từng điểm một, chẳng hạn như giảm thiểu việc sử dụng dầu hỏa, đầu tư phát triển những nguồn năng lượng thay thế, gìn giữ hòa bình thế giới, đối thoại với những thế lực tiêu cực, sử dụng võ lực dưới quyền lực của Liên Hiệp Quốc (ví dụ giải quyết vấn đề Lybia)...