Site map
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Loading
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010
gfkennanb
Con b† cåp và con ‰ch
Biên khảo của TÔN KÀN

Sau đây là một bài ngụ ngôn có từ thời tiền sử hình như xuất phát từ Bắc Ấn:

Con bọ cạp nhờ con ếch cõng qua sông.
Con ếch nói: “Tôi cõng anh, anh chích tôi chết, tôi chả dại.“
Con bọ cạp trả lời: “Tôi mà chích anh chết thì tôi cũng ngỏm củ tỉ luôn. Tôi chẳng điên gì mà làm vậy.”
Nghe có lý, con ếch cõng con bọ cạp bơi qua sông. Quả nhiên,
đến giữa  dòng sông, con bọ cạp chích con ếch.
Trước khi chết, con ếch hỏi con bọ cạp:
”Sao anh làm chuyện quái đản vậy? Bây giờ hai ta cùng chết!”
Con bọ cạp trả lời trước khi chết đuối: “Tại bản năng thúc dục tôi vậy, tôi không cưỡng lại được!”

Trong lịch sử, loài người cũng nhiều lần hành động giống như con bọ cạp, làm những điều vô lý đi ngược lại quyền lợi cho bản thân và rước thảm họa cho chính mình.

Trong bang giao quốc tế,mỗi quốc gia nên theo đuổi những chính sách thực tế đặt quyền lợi lên trên hết, không nên dựa theo những giá trị luân lý, đạo đức hay luật lệ có thể bất lợi cho mình. Dưới bầu trời của bang giao quốc tế vắng bóng thiên thần, đó là nhận định của ông Hans Morgenthau, một giáo sư thuộc Đại Học Chicago trong cuốn “Politics among Nations.”

Đây là tư tưởng đặt nền tảng cho lý thuyết và chính sách đối ngoại của ông George F. Kennan, một nhà ngoại giao Huê Kỳ nổi tiếng là cha đẻ của Chiến Tranh Lạnh (Cold War) và Kế Hoạch Marshall.

Ông là tác giả của hai văn kiện đã làm chấn động chính giới Huê Kỳ năm 1946 và 1947.

Văn kiện thứ nhất là một bức Điện Tín được coi như dài nhất trong lich sử của Bộ Ngoại Giao Huê Kỳ, chứa đựng 5,500 chữ! Bức Điện Tín được gửi ngày 22 tháng 2 năm 1946 cho Ngoại Trưởng James Byrnes và được Bộ Trưởng Hải Quân James Forrestal phân phát cho Nội Các và giới lãnh đạo Quân sự.

Sở dĩ có bức Điện Tín này là vì trước đó ít ngày, Thủ Tướng Stalin trong một bài diễn văn đã tuyên bố: ”Đệ Nhị Thế Chiến... là hậu qủa  không tránh được của chính sách độc quyền trong chế độ tư bản hiện đại.” Ông ta cho rằng chế độ tư bản và xã hội chủ nghĩa không chung sống cùng nhau được, và chế độ tư bản luôn luôn dùng chiến tranh để giải quyết các vấn đề. Chính giới Huê Kỳ xôn xao về những lời tuyên bố này và ra lệnh cho Tòa Đại Sứ Huê Kỳ ở Moscou phân tích và cho biết ý kiến. Có phải Nga Sô muốn gây chiến chăng?

Đại Sứ Harriman cho ông Kennan toàn quyền tự do trả lời. Đây là dịp cho ông Kennan thỏa chí. Đang buồn bực vì những ý kiến của ông không được ngưới ta chú ý, ông Kennan đã nắm lấy cơ hội này để trình bày với chính quyền những nhận xét của ông về Nga Sô và vạch định kế hoạch bang giao giữa Huê Kỳ và Khối Cộng Sản.
Theo ông, Stalin chỉ là một tên độc tàl tham quyền cố vị, đang phải đương đầu với phe đối lập quốc nội. Hắn dùng chiêu bài xã hội chủ nghĩa để  trấn áp dân tình trong nước và để ru ngủ các quốc gia chư hầu. Đế quốc Cộng Sản quá rộng lớn mà lại không đủ tài nguyên để gây chiến với bất cứ ai, nhất là với Huê Kỳ. Do vậy, Huê Kỳ không nên cộng tác với Nga Sô là con bọ cạp luôn luôn dối trá lừa lọc vì đó là bản tính của Cộng sản Nga. Ngược lại, Huê Kỳ phải đương đầu với Nga Sô một cách cứng rắn, ngăn chặn không để cho Nga Sô lợi dụng nước đục thả câu bành trướng ảnh hưởng của họ trên thế giới. Mặt khác, Huê Kỳ phải củng cố và thắt chặt bang giao thân thiện với các quốc gia đồng minh trợ giúp cho họ tránh khỏi ảnh hương của Nga Sô và lôi kéo họ trở nên những quốc gia dân chủ hùng mạnh. Đây là kế hoạch Marshall gây dựng lại Tây Âu đang khốn đốn sau Đệ Nhị Thế Chiến.

Văn kiện thứ hai đã làm vang dội  tiếng tăm của ông Kennan là bài “The Sources of Soviet Conduct” đăng trong Foreign Affairs tháng Bẩy 1947 dưới bút hiệu X. Sở dĩ ông Kennan không ký tên thật của mình là vì ông đang là nhân viên của Bộ Ngoại Giao Huê Kỳ, ông không muốn thế giới lầm tưởng đây là văn kiện chính thức của Chính Phủ Huê Kỳ.

Trong bài này có một câu được người ta công nhận là đã đặt nền tảng cho Chủ thuyết Truman (Truman Doctrine), tôi xin trích ra đây nguyên văn tiếng Anh:

“It is clear that the main element of any United States policy toward the Soviet Union must be that of long- term, patient but firm and vigilant containment of Russsian expansive tendencies.”

Tháng Ba năm 1947, Tổng Thống Truman tuyên bố trước Quốc Hội: “It must be the policy of the United States to support free peoples who are resisting attempted subjugation by armed minorities or by outside pressures.”

Chữ quan trọng là “containment” có thể được dịch ra là “kiềm chế.” Đây là sách lược được các Chính phủ Huê Kỳ theo đuổi cho đến thời Tổng Thống Reagan. Tổng thống Truman giao cho ông Paul Nitze nhiệm vụ thi hành kế hoạch này. Ông Nitze đại diện cho phe diều hâu chủ trương rằng muốn kiềm chế Cộng Sản cần dựa vào sức mạnh quân sự, do vậy ông đã tăng ngân khỏan Bộ Quốc Phòng từ 13 tỉ đô năm 1947 đến 46 tỉ đô năm 1952. Chính sách tăng cường lực lượng quân sự được vạch định trong bản tường trình NSC-68 do ông Nitze soạn thảo.

Chiến Tranh Lạnh đã biến thành một cuộc Thi Đua Vũ Khí không tiền khoáng hậu và đã đưa Thế Giới vài lần đến bờ vực Chiến Tranh Thứ Ba và hiểm họa diệt vong nguyên tử.

Ông Kennan hoảng hốt trước những diễn tiến mà ông khẳng định là trái với tư tưởng của ông. Ông nhấn mạnh là sách lược kiềm chế phe Cộng Sản phải dựa trên kinh tế và ngoại giao, chứ  không dùng đến sức mạnh quân sự. Phải lựa chọn những mục tiêu có  lợi lộc cho Huê Kỳ để đương đầu với Cộng Sản,  chứ không phải bạ chỗ nào cũng nhẩy vô đứng mũi chịu sào. Ông thường dùng câu của John Quincy Adams để khuyên nhủ chính giới: “Một quốc gia không nên chạy đi tìm kiếm những quái vật để hủy diệt.”

Ngoài việc công kích Chạy Đua Vũ Khí, ông Kennan còn chống lại việc thành lập Liên Hiệp Quốc mà ông cho là công trình mong muốn hão huyền. Ông đề nghị giải giới và trung lập hóa Đức Quốc, rút hết quân đội Huê Kỳ ra khỏi Tây Âu.

Năm 1966, điều trần trước Thượng Viện, ông đả kích chính sách của Huê Kỳ tại Việt Nam. Ông cho rằng  tranh đấu tại Việt Nam không có ích lợi gì cho Huê Kỳ. Đây là một khúc quanh quan trọng trong phong trào Phản Chiến tại Huê Kỳ và trên Thế giới. Ông Henry Kissinger đã theo đuổi chính sàch thực tế này, đã mở cửa bang giao với Trung Cộng và đã giải quyết Chiến Tranh Việt Nam bằng bất cứ giá nào. Ông  Kennan cũng chống đối chiến tranh Iraq, vì ông cho rằng Iraq không dính líu gì tới Al Qaeda và sợ Huê Kỳ bị sa lầy giống như ở Việt Nam.

Ông Kennan không thích dùng các chiêu bài như Quyền Tự Quyết, Nhân Quyền, Tội Ác Chiến Tranh, Crimes against Humanity trong bang giao quốc tế. Làm việc tại Đức trước Đệ Nhị Thế Chiến, ông không hề lên án Đức quốc xã về tội sát hại đồng chủng.

Tuy ưa chuộng Tự Do, ông lại khinh miệt thể chế Dân Chủ. Ông thường ví Dân Chủ giống như con Khủng Long, thân hình to lớn kềnh càng mà bộ óc chỉ bé bằng đầu chiếc kim.

Đối với ông, ngoại giao đòi hỏi phân tìch kỹ lưỡng tỉ mỉ và một căn bản kiến thức sâu rộng không thể  giao phó cho sự nông cạn của đại chúng được.

Ông Kennan sinh tại Milwaukee, Wisconsin ngày 16 tháng 2 năm 1904, con của một Luật sư. Mẹ ông mất 3 ngày sau khi sinh ra ông. Ông theo học St.John’s Military Academy ở Delafield, Wisconsin và lấy bằng BA của Princeton Universisty năm 1925. Ông thi đậu vào ngành Ngoại Giao năm 1926. Năm 1929, ông được gửi đi du học tại Oriental Institute của Đại Học Berlin. Ông học tiếng Nga và lịch sử, văn hóa, chính trị của Nga Sô. Ông nói thông thạo 7 ngoại ngữ gồm tiếng Pháp, Đức, Nga, Ba Lan,Tiệp Khắc, Bồ đào Nha và Na uy.

Ông được cử đi phục vụ tại Thuy Sĩ, Latvia, Đức quốc,Anh Quốc và Nga Sô. Năm 1944, ông được Đại Sứ Harriman đề cử làm Phó Giám Đốc Phái Bộ Huê Kỳ tại Moscou. Năm 1947, ông trở thành Giám Đốc đầu tiên của Policy Planning Staff là cơ quan đầu não vạch định chiến lược đối ngoại của Huê Kỳ. Đến năm 1950, ông được thuyên chuyển về Institute for Advanced Study.

Năm 1951, ông được Tổng Thống Truman bổ nhiện làm Đại Sứ Huê Kỳ tại Nga Sô.

Năm 1953, trong một cuộc họp báo tại Berlin, ông tuyên bố làm Đại Sứ ở Moscou giống như sống trong trại tù của Đức Quốc xã. Câu này làm Stalin nổi giận và cấm không cho ông trở lại Moscou (persona non grata). Ông trở về Washington làm việc tại Bộ Ngoại Giao, cân nhắc thành quä và khuyết điểm của chính sách “kiềm chế” cho Tổng Thống Eishenhower.

Năm 1961, ông lại đượcTổng Thống Kennedy bổ nhiệm làm Đại Sứ tại Yugoslavia.

Vì bất đồng chính kiến với Bộ Ngoại Giao, ông xin từ chức vào tháng 7 năm 1963.

Ông trở về viết sách và dạy học tại School of Historical Studies thuộc Institute of Advanced Study. Ông là tác giả của 17 cuốn sách và hàng trăm bài vở và được rất nhiều phần thưởng quan trọng, trong đó có giải Pulitzer về Lịch Sử.

Năm 1989, Tổng Thống Bush trao tặng ông Medal of Freedom là Huy chương Dân Sự cao quý nhất của Huê Kỳ.

Ông Kennan mất ngày 17 tháng Năm 2005, hưởng đại thọ 101 tuổi. Ông để lại một vợ và 4 con.

Có 2 nhân vật chống lại tư tưởng và chính sách vủa ông Kennan.

Người thứ nhất là nhà báo lỗi lạc Walter Lippmann. Ông này cho rằng chính sách “kiềm chế” đòi hỏi Huê Kỳ phải liên kết và nuôi dưỡng một số chính quyền bù nhìn độc tài tham nhũng.

Người thứ hai là đại văn hào Alexander Solzhenitsyn. Ông này chỉ trích đích danh ông Kennan trong một bài diễn văn mà ông đọc tại Đại Học Harvard. Văn sĩ cho rằng chính sách của  ông Kennan là vô luân vô đạo. Ông viết: “Từ chối không đem luân lý và đạo đức vào chính trị, người ta trộn lẫn tốt với xấu, phải với trái, và chấp nhận cho sự xấu xa tuyệt đối  đắc thắng hoàn toàn.”

Trong đời có những giá trị cần phải bảo vệ dù rằng phải hy sinh gánh chịu thiệt thòi. Phải có người đứng ra làm cái việc chính đáng cần phải làm. Dù rằng không làm gì đuợc đi chăng nữa, ít nhất cũng phải có người nói lên điều đáng nói.

Hiện nay, Huê Kỳ đang giao du thân mật với Nga Sô và Trung Cộng. Con ếch đang cõng con bò cạp, không biết được an thân đến bao giờ.