Site map
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010
Kinh T‰ Th‰ Gi§i ñang ñi VŠ ñâu?
Duy Anh
(Nguồn trích dẫn: Đàn Chim Việt Online)

Trong thời gian vừa qua, kinh tế của Âu Châu đang có dấu hiệu bị suy sụp liên tiếp với những cuộc khủng hoảng tài chánh xảy ra tại Bồ Đào Nha (Portugal), Hy Lạp (Greece) và nay đang lan qua Ý (Italy), được coi là cường quốc lớn thứ ba về kinh tế trong khối Liên Hiệp Âu Châu sau Đức và Pháp.

Một trong những lý do chính dẫn đến khủng hoảng là các chính sách mang tính cách xã hội mà các quốc gia trên đã áp dụng trong nhiều thập niên qua. Nói nôm na là chính quyền các quốc gia này đã "vung tay quá trán," tài trợ cho những chương trình an sinh xã hội nhằm kiếm phiếu một cách vô tội vạ khiến cho ngân sách bị thâm thủng nặng nề, dẫn đến nợ nần quá mức, có khả năng không trả nổi tiền lãi, đừng nói chi đến chuyện trả vốn.

Trên nguyên tắc, khi cần tiền trang trải chi phí, chính quyền một quốc gia phát hành công khố phiếu (government bonds) để vay nợ. Trong trường hợp kinh tế phát triển tốt, tiền thu thuế được sẽ dồi dào, dư sức trả lãi và vốn nếu cần. Theo thời gian, các nhà kinh tế nhận thấy chính quyền không cần phải trả hết vốn mà có thể sử dụng tài khoản nợ để thúc đẩy kinh tế phát triển thêm, tạo công ăn việc làm cho người dân. Vấn đề quan trọng là làm cách nào cân bằng được ngân sách, tiền thuế thu vào đủ sức trang trải các chi phí và tiền lãi là đủ. Nguyên tắc căn bản này tưởng chừng như dễ thực hiện nhưng lại rất khó làm được vì trong thời kỳ kinh tế suy thoái (một lẽ tất nhiên của kinh tế thị trường), chính quyền các quốc gia lại vay thêm tiền khiến cán cân thâm thủng ngân sách chỉ có tăng mà không hề giảm.

Một trong những chỉ số để đánh giá tình hình "sức khỏe" của một nền kinh tế là tỉ lệ nợ đối với GDP. Đối với những quốc gia có tỉ lệ nợ cao xấp xỉ 100% đối với GDP thì mức 7% lãi suất đối với công khố phiếu được coi là mức giới hạn mà quốc gia đó có thể chấp nhận nổi, cao hơn nữa thì coi như là "điểm không thể trở lại" (point of no return) và khả năng "quỵt nợ" (default) rất cao. Ý hiện có tỉ lệ nợ/GDP vào khoảng 120%. Với tổng số nợ khoảng $2.6 ngàn tỷ, hàng năm chính quyền Ý phải trả lãi hết $192 tỷ, hoặc gần 20% so với ngân sách non $1 ngàn tỷ.

Lãi suất bonds 10 năm của Ý hiện đang ở mức 7.4% (ngày 11-9-2011). Qua hai kỳ khủng hoảng vừa qua đối với Bồ Đào Nha và Hy Lạp, giới dầu tư nhận thấy là khi lãi suất vượt giới hạn 7% thì chính quyền có khả năng bị sụp đổ, dẫn đến bất ổn về an sinh và kinh tế. Hai cường quốc kinh tế còn lại của Âu Châu là Đức và Pháp đã nhảy vào cứu hai quốc gia trên nhưng nay đến lượt Ý thì khả năng có vẻ như đã cạn kiệt. Các nhà chính trị Âu Châu bây giờ phải trông chờ Quỹ Tiền Tệ Thế Giới (IMF) nhảy ra cứu vãn và thậm chí còn "dòm ngó" khối ngoại tệ dự trữ phong phú của Trung Quốc, mong đợi được giúp cho qua cơn bĩ cực này.

Tình hình khó khăn của kinh tế thế giới khiến một số nhà kinh tế học đặt lại vấn đề là các lý thuyết hiện nay về sự phát triển kinh tế có còn đúng nữa hay không? Đặc biệt là các lý thuyết về tiền tệ (monetary theory) và GDP đã từng thịnh hành trong nhiều thập niên vừa qua từ sau thế chiến thứ hai. Lý thuyết này nhấn mạnh đến sự can thiệp của chính quyền vào khối lượng tiền lưu hành để thúc đẩy kinh tế. Từ đó, mỗi khi kinh tế đang gặp thời kỳ suy thoái, chính quyền các quốc gia thường bơm thêm tiền vào lưu lượng hiện hữu nhằm tạo sự dễ dàng cho các doanh nghiệp được vay mượn để làm ăn. Lượng tiền tạo ra từ thinh không này còn được gọi là "fiat money" và không có một thứ vật chất nào (chẳng hạn quý kim) làm vật bảo đảm ngoại trừ uy tín của chính quyền sẽ trả vốn và lãi dựa vào nguồn ngân sách thu được qua thuế má. Khi uy tín của chính quyền bị giảm sút thì giới đầu tư mua vào công khố phiếu với giá hạ và tự nhiên đẩy lãi suất lên cao.

Thói quen xài tiền một cách vô tội và đã dẫn đến hiện tượng nguy hiểm là các chính trị gia thường mị dân, hay cố tình kiếm phiếu bằng cách hứa hẹn những chương trình an sinh xã hội quá đáng. Kết quả là ngân sách luôn luôn bị thâm hụt, khiến chính quyền càng lúc càng lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Từ đó, một điều dễ nhận ra là vấn nạn chính không phải là ở lý thuyết tiền tệ sai mà là cách thực hành lý thuyết không đúng. Một ví dụ dễ hiểu là trường hợp một gia đình cha mẹ có công ăn việc làm ổn định nhưng lại có cái tật xấu là sử dụng thẻ tín dụng (credit card) một cách vô tội vạ để mua sắm cho con em những thứ vật chất dư thừa, nào xe cộ đắt tiền, nào quần áo, vật dụng máy móc, đồ chơi v.v... khiến lũ con càng ngày càng ỷ lại, trở thành lười biếng không chịu lao động. Cuộc sống của gia đình đó có thoải mái thật nhưng nợ nần càng lúc càng chồng chất, tiền trả lãi ăn dần vào thu nhập đến một lúc nào đó không trả nổi phải khai phá sản và để nhà băng tịch thu tài sản.

Chiều hướng kinh tế thế giới cũng đang đi về hướng đó, nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ của chính quyền các quốc gia có liên quan. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, sự sụp đổ kinh tế của một vài quốc gia lớn có khả năng lôi cuốn toàn thế giới vào một cuộc đại khủng hoảng không tiền khoán hậu. Trao đổi thương mãi toàn cầu sẽ bị đình trệ, các công ty sẽ lần lượt bị phá sản, thị trường chứng khoán các nơi bị suy sụp, của cải bị tan biến đi và người dân sẽ càng lúc càng nghèo đói đi.

Giải pháp tất nhiên hiện nay của các quốc gia đang bị nạn là "thắt lưng buộc bụng," cắt giảm ngân sách một cách quyết liệt nhằm thực hiện những điều kiện đưa ra của IMF và những quốc gia giàu có (như Đức, Pháp, Hoa Kỳ) để đổi lấy sự tài trợ của các tổ chức và quốc gia này. Cụ thể là họ sẽ bỏ tiền ra mua công khố phiếu (một hình thức cho vay nợ) với những điều kiện dễ dàng hơn. Nói nôm na là gia đình nguy khốn đã gặp được một người thân chịu tạm thời lãnh dùm những món nợ để khỏi phải khai phá sản.

Nhìn qua về phía Trung Cộng thì ta thấy có một sự khác biệt lớn trong phương cách thực hiện lý thuyết tiền tệ. Trung Cộng tương tự như một anh mới giàu keo kiệt, cương quyết không tiêu xài cho con cái. Dựa vào một guồng máy cai trị không lồ của đảng cộng sản, Trung Cộng thẳng tay đập tan mọi phản kháng của người dân muốn đòi hỏi một chế độ an sinh xã hội tốt hơn. Đảng cộng sản Trung Hoa tập trung tất cả những lợi nhuận thu được qua buôn bán với thế giới trong nhiều thập niên qua để tạo một sức mạnh kinh tế, và từ đó tạo một bộ máy quân sự khổng lồ nhằm khống chế các quốc gia lận cận để thực hiện âm mưu bá quyền vùng Á Châu, và biết đâu cả vùng Phi Châu sau này, với hi vọng tạo nên một thế chiến lược "Tam Quốc Chí" đối với Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu. Đụng độ thẳng với hai khối này thì Trung Cộng không bao giờ dám nghĩ đến vì buôn bán với hai khối này là "miếng cơm manh áo" của Trung Cộng.

Điều đáng giận là đảng cộng sản Việt Nam như một anh học trò ngoan ngoãn, nhìn qua "mô hình Trung Quốc" một cách thèm thuồng chỉ vì mô hình này bảo đảm sự hiện diện của một đảng cai trị độc quyền mà bất kể đến nguyện vọng khát khao dân chủ độc lập và ấm no hạnh phúc của người dân. Đảng cộng sản Việt Nam đã cam tâm đưa đất nước trở về thời kỳ đô hộ mới và chuyện Việt Nam sẽ đổi tên thành "Tân Giao Chỉ Châu" có lẽ sẽ thành hiện thực chẳng bao lâu nữa.

Điều may mắn cho thế giới là khủng hoảng tài chánh lần này không xảy đồng loạt như thời kỳ 2008-2009 mà có vẻ như tạm thời khu trú vùng Euro (Euro Zone) của lục địa Âu Châu. Dĩ nhiên nếu không ngăn chận ngay lập tức, nguy cơ lan rộng ra toàn thế giới rất có thể xảy ra. Một khi kinh tế Ý Đại Lợi sụp đổ, lập tức khối Euro sẽ mất đi một thành phần thương mãi quan trọng và sẽ đi vào khó khăn. Kinh tế của khối Euro bị khó khăn sẽ lập tức lan truyền đến toàn thế giới, quan trọng nhất là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc. Do đó, dù muốn dù không, những quốc gia sau này bắt buộc phải can thiệp vào để cứu vãn tình thế.

Một điều may mắn nữa là Hoa Kỳ dù chưa thoát hoàn toàn ra cơn khủng hoảng vừa qua nhưng đã có nhiều dấu hiệu phục hồi rất khả quan, GDP có tăng trưởng đều hòa tuy còn khiêm nhường. Tỉ lệ thất nghiệp có chiều hướng giảm dần, tuy còn chậm nhưng có còn hơn không. Đặc biệt là chính quyền Obama đã quyết tâm cắt giảm ngân sách nhằm đưa đến sự cân bằng thu chi trong vòng 10 năm nữa. Sau khi giết được Bin Laden và làm suy tàn Al-Qeda, nguy cơ khủng bố đã giảm thiểu đáng kể. Chính quyền Hoa Kỳ có cơ hội triệt thoái quân đội ra khỏi vùng Trung Đông vào dịp cuối năm nay. Chi phí quốc phòng sẽ dư ra hàng năm cả trăm triệu USD để đầu tư vào các lãnh vực kinh tế khác, trong đó quan trọng nhất là thực hiện các chính sách, đạo luật tạo công ăn việc làm cho người dân. Rất mong rồi một lần nữa, Hoa Kỳ sẽ là đầu tầu để kéo con tàu kinh tế thế giới ra khỏi hố sâu hiện tại.

California, ngày 11/11/2011
Loading