Site map
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Loading
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010
Låi M¶t Sinh NhÆt Không Có Em
Nguyễn Hiền


‘Em biết. Nhưng anh phải thông cảm cho em. Hôm đó em bận lu bu suốt ngày. Tối em còn phải ở nhà với ba má...’

‘Em đâu còn con nít nữa.’

‘Nhưng tối đó em còn phải đi xem lễ, đọc kinh Giáng Sinh. Em bỏ sao được.’

‘Thì bỏ năm nay đi.’

‘Bỏ mang tội chết.’

‘Chúa tha tội cho mình mà em. Anh xem Kinh thánh không thấy chỗ nào Chúa bắt người ta Giáng sinh phải đọc kinh cầu nguyện.’

‘A ! Anh lại bắt chước tụi ‘Nhân chứng Giê-Hô-Va’ lý luận tầm bậy rồi. Ba má em nghe được có nước từ anh luôn. Thôi anh ráng chờ, bữa sau Giáng Sinh em tới, nấu bánh canh cua cho anh ăn...’

‘Hay anh dời sinh nhật lại một ngày. Có chết ai đâu. Ði anh.’

‘Nhưng bạn bè họ chúc mừng anh hôm đó rồi, để tới hôm sau ăn mừng sinh nhật nó kỳ kỳ làm sao ấy.’

‘Kỳ gì anh...’

‘Em đâu có biết. Bữa hai mươi bốn họ chúc mừng mình ào ào mà phải để đến hôm sau, như bữa ăn dư để qua đêm.’

‘Anh lúc nào cũng sống vì người ta.’

‘Còn em thì sống với Chúa.’

‘Anh nói kỳ không. Em giận anh cho mà xem. Thôi anh ráng một tối thôi, nghe em đi...’
‘Ư... ừm...’

‘Nghe em đi. Hôm hai mươi lăm em đến, nấu bánh canh cua...’


Ðiệp khúc dằng dai đó năm nay lại tái diễn, để rồi tôi biết sẽ lại phải bó mình tôm trong chiếc giường rên rẩm kê trong một góc căn phòng độc thân, nghe qua ống thông hơi những câu chuyện, tiếng cười của hàng xóm từng trên đưa xuống, từng dưới đưa lên, duyệt đi duyệt lại chương trình ti-vi, và đợi điện thoại một cách vô vọng. Người nào cũng có chỗ để về vui trong ngày này, ngoại trừ tôi. Trong cuộc tình, nếu gọi đây là cuộc tình, tôi lơ lửng. Còn em thoáng ẩn thoáng hiện trong những ngày chèo queo. Thế mà đã hơn hai năm rồi. Hơn hai năm tôi quen em. Hơn hai năm, ba lần mỗi mùa Giáng Sinh nghe lại một điệp khúc đã từng biết trước. Cũng như mọi lần, em mang bánh canh cua ra là tôi chịu thua. Có lẽ mỗi lần ăn bánh canh cua của em tôi lại nhớ đến mẹ. Có thể, rất có thể, nếu mẹ tôi ở đây, tôi đã bất chấp những lời năn nỉ ấy, sẽ phớt lờ, treo cao giá. Nhưng mẹ tôi không có ở đây. Bây giờ. Thành ra tôi chỉ biết mượn bánh canh cua của em để nhớ đến mẹ.

Buổi chiều hai mươi bốn, nơi tôi làm, một giờ trưa đã uể oải như những phút sắp tan ca đêm. Ba giờ rưỡi, cả ban tụ họp lại trong văn phòng ông Karel, những chai rượu trắng và đỏ khách hàng tặng dịp cuối năm được kéo bật nút bấc, tôi lại nhận thêm những lời chúc mừng sinh nhật lần thứ hai trong ngày trước khi câu chuyện râm ran quay về những dự tính cho tuần lễ hãng đóng cửa nghỉ sau đó. Ông Karel hỏi tôi thích thứ gì. Theo thông lệ, những món quà mừng năm mới khách hàng đem tặng, được tập trung lại và chia cho mọi người vào ngày làm việc cuối cùng trong năm. Tôi chỉ đại một chai, không cần xem nhãn, và khúc đùi heo muối bọc trong giấy plastic. ‘Sao mày không lấy cá hồi?’, thằng Tom hỏi tôi. Tôi kịp thấy chai rượu ông Karel đang bỏ vào bao giấy nâu có vẽ hình chùm nho là chai Chablis. Tôi chữa thẹn: Tao không thích mùi cá ướp khói.’ ‘Thằng ngu!’ Thực sự vấn đề ngu hay khôn do ở mỗi người. Khúc đùi heo có thể giúp tôi ba bữa ăn, lát cá hồi mỏng dính như tờ giấy chỉ vừa một ngoạm, lại là món không thể đi chung với cơm hay bánh mì. ‘Ê! Tối mày có tiệc tùng gì không?’ Tôi lắc đầu. ‘Con nhỏ nó không đến được hả?’ Tôi cảm thấy nỗi sầu dâng lên nghẹn ở ngực. Con Marian tóc nâu ngúng nguẩy xách giỏ đứng lên chào từ biệt. Nó hôn lên má tôi và chúc tôi một tuần vui vẻ. Câu chúc dường như bật ra từ một chiếc đĩa thu âm vô hồn mỗi năm được mang xài lại.

Thế rồi buổi tiệc rượu cuối năm đơn giản cùng các đồng nghiệp cũng đến lúc tàn. Tôi thu mớ đồ dư vào thùng rác. ‘Mày mang mấy bao đậu phộng về ăn, bỏ chi uổng vậy?’, ông Karel vừa nói vừa dúi mấy bao vào trong xách tay, trong đó còn lăn lóc hai mẩu sandwich buổi trưa bỏ dở. Tôi lái xe về, lang thang trong đường làng cong quẹo. Những cửa hàng bắt đầu sập cửa sắt xuống, mấy tờ quảng cáo vàng quạch hay đỏ đậm ghi giá tiền tận cùng bằng những số chín và năm dán trên khung kính trong phố vắng người cạnh những tấm poster có hình mấy cô gái kiểu mẫu giơ vú và đùi trắng hồng cười với người đi qua trông vô duyên và lạc lõng lạ thường. Cây thông cao vút dựng trong công viên khu phố lấp lánh chùm đèn nhỏ phủ đến bãi cỏ có lẽ là vật duy nhất ngoài đường có thể vui trong phút này.

Miếng đùi heo bây giờ nằm tênh hênh trên bàn như con chuột chết phỏng, cạnh chai Chablis còn nguyên trong bao giấy nâu có vẽ hình chùm nho, gác lên chiếc đĩa nhạc Giáng Sinh tổng hợp, quà của nhân viên trong phòng góp lại tặng tôi ngày sinh nhật. Một ngày sinh nhật lạ kỳ. Phải chi tôi sinh ra đời chậm hơn nửa giờ. Chỉ nửa giờ thôi. Ba mươi phút ngắn ngủi nhưng có thể thay đổi được nhiều thứ. Mẹ tôi lúc hớn hở nhận bao quà đặc biệt của ông giám đốc bệnh viện mừng đứa bé ra đời trong đêm mừng Chúa Giáng thế chắc không bao giờ nghĩ đến thằng con loay hoay mỗi chiều cuối năm là tôi hiện giờ. Tôi cũng không thể trách mẹ tôi không cố mang cái thai thêm nửa giờ nữa, sau một lần buổi khuya tình cờ nghe cơn đau chuyển bụng của bà hàng xóm từng trên truyền qua ống thông hơi đi ngang phòng tôi. Khi thằng bé bật ra tiếng khóc đầu đời cũng là lúc tôi gần muốn phát cuồng, nhưng cũng từ buổi ấy tôi thấy thương mẹ tôi hơn.


Lúc tôi nghĩ thà mình chết đi còn sướng hơn phải mò xuống bếp lục trong tủ lấy gói mì ăn liền, hay nấu một nửa nồi cơm, thì chuông điện thoại reo. Lại một lần tim tôi hụt nhịp. Không phải em, mà giọng eo éo của thằng Hân trên P.. ‘Tối qua gọi mà không thấy mày.’ ‘Có gì không ?’ ‘Buồn quá tao làm tiệc, mời mấy đứa đến chơi. Tham dự không thì tới liền đi?’ ‘Cần mang gì không?’, tôi hỏi, ‘tao có khúc đùi heo với chai rượu thằng chủ mới cho.’ Tiếng cười khục khục bên kia đường giây: ‘Giỡn sao bạn. Giờ này mà ăn đùi heo. Thôi mang chai rượu tới đi. Tụi tao đợi. Tới liền nghe mày!’

Thế là chai rượu đứng chưa nóng cẳng đã cùng tôi và chiếc xe ruổi thẳng lên P. Tôi vừa lái, vừa lơ đãng nghe nhạc vừa nghĩ đến Hân. Thằng bạn độc thân bé loắt choắt, không quen lắm, nhưng thỉnh thoảng vẫn ghé nhau chơi, nói chuyện tầm phào. Ðiệu này chắc phải đề nghị nó thành lập một hội độc thân. Hai ba mạng cũng thành hội đoàn ở xứ này được mà. Mỗi tháng họp mặt một lần ăn nhậu, khỏi cần kiến nghị thư ngỏ lôi thôi, chắc sẽ ăn khách.

Lúc tôi bước xuống xe, nghe tiếng nhạc vẳng ra qua ô cửa thông gió mở hé, tôi biết chúng nó đã không đợi tôi tới để cùng mở tiệc. Cửa mở, mùi đồ ăn, khói thuốc, hơi hèm cùng xộc ra một lượt. Lũ gà tây vừa thoát trận tàn sát diệt chủng bên Mỹ trong dịp lễ Tạ Ơn, chưa hoàn hồn, thì nay đang khốn khổ trong cuộc săn bắt trên vùng trời Âu, nhân danh một đấng Tối cao. Hay trong nhiều trường hợp, mượn danh một đấng Tối cao để vui riêng cho mình. Bằng chứng là thằng Hân bạn tôi đây. Ðời thuở nào trong tủ lạnh nhà nó có được món gì quý hơn túi cánh hay đùi gà mua ngoài chợ Thổ ngày thứ bảy, bây giờ cũng lù lù giữa phòng một con gà tây to bằng đầu thằng bé lên mười. Tôi nhìn quanh. Chỉ có năm mạng, ngoài thằng bạn. ‘Còn chờ ai nữa không?’, tôi hỏi. ‘Còn ai nữa. Giờ này có được chừng này đã là bảnh rồi. Tụi tao chờ lâu quá đói bụng làm trước rồi’. Cả bọn ngồi xệp dưới sàn, dựa ngửa vào tường. Chén đĩa lổn nhổn khắp đất. Tôi đưa nó chai rượu. Nó chỉ tôi một góc. Tôi được giới thiệu khắp một vòng, cảm thấy hơi phiền trước những người bạn mới chưa từng gặp.

Cả đám chỉ có tôi và Hân cùng xứ, còn lại mỗi đứa một tiếng nói, một quốc tịch khác nhau. Tôi thầm trách thằng Hân đã không dặn trước. Giờ đây, trong đám hỗn mang ngôn ngữ tôi cố gắng dùng cả tay lẫn các từ vụn vặt xếp đặt thành những trao đổi rời. Khi biết hôm nay sinh nhật tôi, cả phòng đồng rộ lên bản hát mừng bằng đủ thứ âm điệu ‘... In de Gloria. In de Gloria! Híp híp! Hua-ra!’ Tôi cũng vung tay, hô lớn cùng cả bọn và ực một hơi hết ly bia nâu đặc biệt mang từ Ðức sang nhân dịp lễ hội tháng mười. Con bé ngồi cạnh tôi, Natansja, từ Bosnia mới chạy qua đây, đang chờ thủ tục chấp thuận cho cư trú, hôn tôi chúc mừng sinh nhật. Nó bảo tôi: ‘Nước mày giống nước tao y hệt, triền miên chiến tranh.’ Nó kể tôi nghe câu chuyện vượt rừng trốn sang Áo, sang Ðức và cuối cùng sang đây. Trong chiếc bóp nhỏ nó còn giữ được tấm hình chụp trước nhà, một năm trước ngày bỏ xứ trốn đi. Một con bé ngơ ngác, tóc xơ xác đứng cạnh con chó đen nhỏ lông quăn. ‘Nó chết rồi.’ Cô bé chỉ con chó. ‘Ðạn lạc.’ ‘Tội nghiệp nhỉ.’ Tôi nhìn tấm hình, nhìn cô bé đang dần lột xác - cô ta giờ mập và trông dày dạn hơn, không còn giống bao nhiêu so với tấm ảnh đã quăn queo bốn góc - và cố tưởng tượng ra mình lúc còn ở quê hương. Tôi không còn tấm hình nào để giữ làm kỷ niệm. Tất cả đã tan biến trong lòng đất hay trong lòng biển qua những ngày tháng long đong sau cuộc chiến ‘anh em’ giữa chú bác của tôi. Cô bé nói: ‘Lúc nhỏ em mơ lớn lên học bác sĩ. Thế mà...’ Cô ta cười, tôi thấy như mếu. Cô ta tiếp: ‘Con chó cũng không còn. Cả thằng bạn thân cùng lớp cũng bỏ đi.’ Cô lại cười, chảy cả nước mắt. Tôi muốn nói lũ bạn tôi mười đứa hết tám lúc nhỏ cũng mơ nghề thầy thuốc, ngay cả tôi. Nhưng tôi lại không đủ ngôn từ diễn tả, và cũng không muốn làm cô ta buồn thêm.

Bên trái tôi là một con bé mặc váy ngắn da beo, mông ngực đầy, môi dầy, ngồi chúi vào thằng Hân. Nó là đứa đã chịu khó khuân ba két bia nâu từ bên Ðức sang từ hôm khai hội lễ tháng mười, giờ còn có non một két để trong góc phòng, và cũng là đứa hôm nay chịu khó cả ngày cùng thằng bạn tôi ướp nướng con gà tây xấu số. Lúc cô nàng vào bếp lấy thêm nước, tôi hỏi nhỏ Hân: ‘Mày mới cặp nó hả?’ ‘Ừ.’ ‘Còn con Rita đâu?’ ‘Cho de rồi. Mày thấy con này sao?’ Tôi không kềm nổi sự sợ hãi: ‘Nó bự gấp ba lần mày’ ‘Thì sao?’ Tôi không thể xóa được ý tưởng có ngày bắt gặp hai đứa dắt tay nhau đi ngoài phố. Hân nói: ‘Nhiều lúc tao có ý tưởng khùng khùng. Con nhỏ mập bự mà ban đêm chỉ cần một ngón tay điểm nhẹ vào huyệt đạo là nó nằm tê luôn. Những lúc đó tao có cái cảm giác sảng khoái kỳ lạ của sự chiến thắng.’ Tôi bật cười. Thằng Hân chắc còn mang máu hiếu thắng từ cha ông nó truyền lại. Tôi hỏi, quay sang vấn đề khác: ‘Sao mày tụ được cả đám lại vậy?’ ‘Ðâu có khó. Chẳng phải tao giỏi ngoại giao gì, nhưng những tối như tối hôm nay bọn độc thân nằm chèo queo, chỉ cần một thằng ới lên là cả đám quây lại.’ ‘Hay mình mở cha nó một cái hội độc thân?’ ‘Thôi đi bạn. Tụi này vui đâu hay đó. Hội độc thân rồi năm tới thế nào cũng có đứa tách bầy chui vào cái tụi nó gọi là tổ ấm gia đình.’ Tôi cười không nói thêm, quay sang góp chuyện với thằng Thổ Mehmet khi nghe nó kể với thằng Pedro người Chili về những mánh lới dụ du khách mua những kỷ vật bọn chúng làm ngụy tạo đồ cổ, sau vụ bán  đồng hồ Cartier giả bị đổ bể.

Trong đám tối hôm nay chỉ có thằng này còn giữ tâm nguyện từ nhỏ, là bằng đủ mọi cách kiếm tiền xây cho cha mẹ nó một căn nhà tươm tất. Bằng đủ mọi phương tiện, lương thiện lẫn bất lương. ‘Tao buồn quá mày ơi’, nó nói, ‘tao không biết có cất kịp nhà cho má tao không. Ba tao mất rồi.’ ‘Sao vậy?’ ‘Họ tưởng ông là người Kurdistan.’ Nó huyên thiên một hồi về cuộc tranh chấp giữa hai giống dân, nhưng khi thấy tôi lẫn thằng Pedro đều không tỏ vẻ chú ý đến cuộc chiến mà ai cũng muốn là anh hùng đó, nhất là câu chuyện lại được kể từ miệng một thằng bán đồ giả mạo, nó bí xị, im bặt ngang câu nói nửa chừng. Tôi biết thân, không dám kể về mình. Trên thế giới đã có quá đủ chiến tranh và có thừa người kể về những trận đánh không có phe nào thua. Chiến tranh nhan nhản mỗi ngày trên truyền hình, báo chí, phim ảnh cho tới cả những trò chơi trong game house hay trên computer trong mỗi nhà. Vả lại, chuyện của tôi đối với tụi nó chắc cũng na ná như chuyện của thằng Hân bạn tôi thôi.

Con gà tây chịu trận tùng xẻo cho đến nửa khuya chỉ còn bộ xương vương vãi trên mấy tờ báo trải vội dưới đất. Những chai rượu cạn chất đống trong góc phòng. Nửa đêm thằng Hân còn đứng lên chiếc ghế đẩu kê giữa phòng, giang hai tay làm điệu bộ báo tin mừng Chúa xuống trần, và chúc cả bọn còn sống đến năm hai ngàn. Thằng Mehmet chìa ra một điếu join, nhưng không ai hưởng ứng. Chúng tôi đã say lắm rồi. Sáu đứa nhìn thành hơn một chục. Cả bọn khật khưỡng leo lên gác sau khi đã thăm lần chót cái cầu tiêu rỉ rả nước. Không ai có đủ can đảm lái xe về trong giấc này. Trời lạnh buốt. Nhìn ra cửa kính chỉ thấy mờ mờ những ngọn đèn vàng đục trong sương. Khi đó mới biết ba vị thông thái lần mò tìm theo dấu ngôi sao lạ gần hai nghìn năm trước can đảm hơn mình nhiều lắm, tôi nghe thoáng đứa nào đưa ra lời phẩm bình này, nhưng không còn đủ tỉnh táo để nhận ra ai nữa.

Tối đó tỉnh dậy giữa khuya, thấy mình đang nằm đè một chân lên con nhỏ người Bosnia, nhìn hai bờ xương sườn nhô lên trên lồng ngực thiếu ăn lép kẹp, nước mắt tôi tự nhiên chảy ra vô cớ. Con nhỏ đang nói mê, chợt nó rú lên. Tôi vội vàng nằm xích ra, khi nghĩ chắc nó đang mơ thấy lại cảnh bị hiếp trong vùng giao tranh. Cả bọn vẫn thở và ngáy đều, thỉnh thoảng có đứa gãi sột soạt. Tôi ước được đi vào giấc ngủ của từng đứa, tò mò xem những giấc mơ của chúng có phần nào giống giấc mơ tôi vẫn thường gặp không. Những giấc mơ tuổi trẻ của những thằng cùng hoàn cảnh khốn khổ như nhau. Những giấc mơ về chuỗi ngày thơ ấu. Những giấc mơ khủng khiếp trong đó con người trở thành quỷ sứ. Và dường như có nhiều khi chúng tôi phải cố mơ vì biết những điều mình mong ước sẽ chẳng bao giờ thành.

Ngày hôm sau thức dậy. Mặt trời mùa đông cũng mệt mỏi không đủ sức rọi nắng xuyên qua những lớp mây xám dầy mọng hơi nước. Bốn khuôn mặt con trai kèm nhèm. Hai bộ mặt rã son phấn của hai đứa con gái nhìn nhau bẽn lẽn thầm. Chúng tôi ngồi uống cà phê loãng bên đống đồ ăn hôm qua còn vương vãi. Những chuyện buổi tối qua chúng tôi đã nói với nhau lúc này dường như bay đâu mất cả. Tôi uể oải lái xe về nhà, lên giường trùm mền chờ cho cơn say hậu chìm xuống. Khi chuông điện thoại reo, tôi vẫn lơ mơ tưởng mình đang quẩn quanh trong giấc ngủ bù. ‘Anh!’ ‘Alô, em đó hả?’ ‘Ừ! Hôm qua anh đi đâu khuya dữ vậy? Tối em gọi mấy lần không ai bắt máy.’ ‘Có chuyện gì vậy?’ ‘Không. Ðịnh chúc anh sinh nhật vui.’ ‘Vui sao được.’ Tôi nghe giọng mình hờn dỗi. ‘Thôi cho em xin lỗi. Anh đừng đi đâu nghe. Chút em tới nấu bánh canh cua...’ Bên kia chỉ còn nghe tiếng tít... tít... Tôi mang khúc đùi heo và mấy bao đậu phộng dở dang ra xếp dưới chân chiếc giỏ cắm những nhành lá thông có ló lên hai que đèn cầy đỏ khẳng khiu chưa đốt. Lúc loay hoay tìm chai Chablis tôi mới sực nhớ ra đã cùng thằng Hân và lũ bạn dốc sạch đêm qua trên căn gác nhầy nhụa hôi mùi thuốc ở trên P.. Bỏ chiếc đĩa nhạc vào máy, tôi bắt đầu ngồi đợi và nghĩ đến ngày sinh nhật tôi lần tới...


11/2011
fond-ecran-un-village-de-noel