Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Cáo Phó

Cáo Phó

Hình 1

Hình 1

Hình 2

Hình 2

Hình 3

Hình 3

Hình 5

Hình 5

Hình 6

Hình 6


Cho H‰t Nºa ñ©i Sau
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2012
Loading

Giao Chỉ-San Jose

Viết tặng bác sĩ Tuấn Anh vừa ra đi tại San Jose.

Ngồi lại bên nhau.

    
Cách đây trên dưới 35 năm, coi như một phần ba thế kỷ, tại miền Bắc California anh em chúng tôi gặp nhau. Cấp bậc và chức tước bỏ lại sau lưng. Tuổi tác sàn sàn như nhau. Chúng tôi là những ai? Tôi là Vũ Văn Lộc. Có bác Mã Sanh Nhơn, có nhạc sĩ Anh Việt Trần Văn Trọng. Ba anh em cùng làm cho học khu San Jose. Chức vụ cố vấn thì to lắm nhưng thực sự chỉ ăn lương phụ giáo nửa ngày. Đi lên phía San Francisco anh em lại gặp các bạn Huỳnh Khắc Minh, Nguyễn Thanh Tâm ngồi chung với Trần Ngọc Nhuận. Ở San Jose còn có cả Nguyễn Xuân Phác và Đỗ Ngọc Phú. Tại ngay cơ quan IRCC nơi tôi làm việc chính sau cái job học khu, còn có các bạn Nguyễn Xuân Kỳ, Vũ Khiêm, Lê Đình Lãm, Phan Thế Ngọc, Phan Tùng Mai, Đinh Thành Châu, Nguyễn Hữu Thống, Yklong Adrong .. toàn là những tên tuổi của thời dĩ vãng…Rồi bác sĩ Trần xuân Ninh vượt biên vừa tới. Các bạn không quân, hải quân, nhẩy dù và bạn cùng khóa. Và phải kể đến bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh. Có thể tôi còn quên một số anh em nhưng hôm nay xin kể riêng chuyện bác Tuấn Anh. Vì bác vừa từ xa về chưa kịp gặp anh em, đã lại đi thật xa.Cũng như nhiều bạn khác đã đi từ lâu.

    Vào thời kỳ 75-80 quả thực là chưa ai ổn định. Nhà thì ở thuê, phần sống bằng trợ cấp. Đi làm lương ba cọc ba đồng. Tinh thần còn giao động. Chúng tôi lập hội cựu chiến sĩ, cũng có quốc ca quốc kỳ nhưng đường lối hợp tác với Mỹ và đương đầu với cộng sản thì còn phức tạp. Tuy chính trị chưa sáng tỏ, nhưng tổ chức biểu tình chống Cộng thì đã hăng say lắm.

    Thời đó người Mỹ địa phương chẳng biết rõ quốc cộng Việt Nam ra sao. Phe phản chiến vịnh Cựu Kim Sơn đầu độc người dân Cali nên họ rất khâm phục cộng sản Hà Nội. Phe ta thì anh em ở lại bị tù đày nên các chiến hữu tại Hoa Kỳ họp mặt cũng có phần mang nặng hình ảnh lưu vong như bài thơ Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác ngày xưa. Đó cũng là thời kỳ Nguyễn Tuấn Anh và Trần Xuân Ninh vượt biên đến với anh em đem theo ngọn lửa đấu tranh hết sức quyết liệt.

Cho hết nửa đời sau...

   
Giữa hoàn cảnh đó, tạp chí Bút Lửa của Cao Tần phát hành đăng những bài thơ vô cùng cảm khái. Thơ có câu rằng:

    Ta biết làm gì cho hết nửa đời sau.

Bài thơ này có những đoạn mở đầu rất nản chí anh hùng, nhưng thấm thía. Anh em chúng tôi họp mặt mà thi sĩ lại tả như thế này:

Dăm thằng khùng họp nhau bàn chuyện lớn
Gánh sơn hà toan chất thử lên vai
Chuyện binh lửa anh em chừng cũng ớn
Dọn tinh thần: cưa nhẹ đỡ ba chai

Thực vậy, anh em chúng tôi trên dưới 40 tuổi. Phần lớn có 20 năm làm tuổi trẻ và 20 năm trao thân gởi phận cho quân đội suốt 2 nền Cộng Hòa miền Nam. Bây giờ vào đất Mỹ với tư cách kẻ bại trận và Anh ngữ ăn đong. Rõ ràng là những kẻ mà Vũ Hoàng Chương đã viết : Đầu thai nhầm thế kỷ. Xem ra đám anh em chạy 75 tuy họp đoàn nhưng vẫn còn loạng quạng. Đến 78-80 cánh vượt biên chèo thuyền qua với tinh thần mạnh mẽ bèn lôi kéo anh em.

     Trong giai đoạn đó chúng tôi tổ chức ra quân ngày 5 tháng 7-1980 biểu tình chống Hà Văn Lâu đại sứ Hà Nội tại Liên Hiệp Quốc. Tay này về nói chuyện tại đại học Berkley. Qua tháng 6-81 tôi tổ chức ngày quân lực lần đầu tiên tại San Jose. Mới đây anh Bùi Đức Lạc nhắc lại kỳ đó chúng ta làm ở nhà thờ cha Bích. Trong cả hai lần, anh em họp mặt đều có bác sĩ Tuấn Anh tham dự. Cùng với Trần Xuân Ninh, Tuấn Anh là các bác sĩ thuyền nhân đợt đầu đến bến tự do và tham dự đấu tranh ngay tức thời.

Bác sĩ Tuấn Anh, vài nét về cuộc đời.

      Chúng tôi gặp nhau lần đầu là thời gian ông làm tại phòng ngoại chẩn trung ương ở Sài Gòn thập niên 70. Nhưng cũng chẳng còn nhớ được bao nhiêu. Đại tá Hà Mai Việt từ Texas kể lại rằng ngày xưa có hô hào anh em thiết giáp bên Gia Định bỏ phiếu cho liên danh bác sĩ Tuấn Anh khi ông ra tranh cử dân biểu. Rồi chúng tôi có dịp ngồi bên nhau kỳ biểu tình ở Berkley năm 80 cho đến ngày quân lực 81 tại San Jose. Hơn 25 năm sau anh em mới gặp lại tại Bắc California vào dịp đại hội y nha dược khoa. Sau cùng, hai tháng qua gặp lại bác sĩ Tuấn Anh từ miền Louisiania về Cali nghỉ hưu. Anh em có dịp ôn lại chuyện cũ. Rồi bỗng ông ra đi gấp rút, nhưng rất nhẹ nhàng. Bao nhiêu chuyện cũ chưa kể hết. Tuấn Anh thường nói, ba hồi còi gọi là ta lên tầu. Sẵn sàng về nơi vĩnh cửu. Gia đình bác Anh vượt biên nên chẳng đem được tài liệu về tiểu sử và hình ảnh. Tôi bèn hỏi anh em và được biết thêm vài nét về cuộc đời. Đại tá Nguyễn Mạnh Đĩnh là bạn học thuở nhỏ nói về thời trung học ở Hà Nội.

(Xem hình 1) Bác sĩ Vũ Quí Đài cho tin tức về thời gian cả 2 người học năm thứ nhất y khoa ngoài Bắc rồi di cư vào tiếp tục tại y khoa Saigon. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Hải lục ra được 2 tấm hình. Bức hình rất quý của các sinh viên y khoa đại học Saigon mà còn nhận ra chàng tuổi trẻ Tuấn Anh đứng hàng thứ ba từ cánh trái.

(Hình 2) Đây là đợt bác sĩ đàn anh của trường y khoa đệ nhất cộng hòa. Một số hiếm hoi ngày nay còn lại tại Nam Cali và riêng tại San Jose chỉ có 2 cựu sinh viên Vũ Quí Đài và Nguyễn Tuấn Anh.

Bức hình kỷ niệm mới tìm thấy là thời gian bên trại tỵ nạn (Hình 3, BS Tuấn Anh thứ ba bên phải).

       Nhắc đến những ngày đấu tranh đầu tiên ở miền Bắc, giáo sư Bùi văn Phú gửi đến bức hình anh em ta tổ chức biểu tình chống đại sứ Hà Văn Lâu tháng 7-1980     Bác sĩ Anh với tư cách là thuyền nhân mới đến bến tự do đang cầm micro pin nói chuyện với anh em. Hình ảnh của cuộc biểu tình 32 năm về trước hết sức đặc biệt. (Hình 4) Tiếp theo là 28 năm làm việc tại Jackson cũng còn được tấm hình ngồi chủ tọa tại nhà thương.(hình 5)

Ngày chủ nhật 7 tháng 10-2012 vừa qua bác Tuấn Anh nể lời mời của chúng tôi nên dù còn hơi mệt nhưng đã vui vẻ đến dự đêm bảo tàng tại Việt Museum. Bác đã ngồi xem các em thiếu nhi Việt Nam hát quốc ca, biểu diễn vỹ cầm và vũ dân tộc.Chúng tôi có được tấm hình cuối cùng của bác.(Hình 6)

    Những bức hình từ thời trung học đến trường y năm 1955. Hình bên trại tỵ nạn, hình biểu tình năm 1980, kỷ niệm 28 năm ở Jackson  và cho đến hình chụp tại Museum 2012. Bác sĩ Tuấn Anh đều chưa từng nhìn thấy. Toàn là của thân hữu góp nhặt.Những hình ảnh vô giá của ông để lại cho mọi người. Đó chính là ý nghiã của tình bằng hữu trong cuộc đời bác Tuấn Anh.Từ bên Pháp bác sĩ Hoàng Cơ Lân không có hình ảnh để gửi về nhưng có lời tâm tình cảm động. Ông Lân viết rằng kỳ trước có lên tiếng phàn nàn anh em trí thức Việt Nam vì thiếu nhiệt tâm đã góp phần làm mất nước. Một số đồng nghiệp bất bình phản đối. Chỉ duy có Tuấn Anh lên tiếng bênh vực ông y sĩ nhẩy dù Paris. Vì vậy ông Hoàng cơ Lân thương tiếc tri kỷ Nguyễn Tuấn Anh biết chừng nào. Xa xôi nhất, từ Úc châu, Võ đại Tôn gửi lời phân ưu cùng tang quyến cùng một lần với nhiều thân hữu từ bốn phưong trời.

28 năm dài tại Jackson.

   
Trong câu chuyện hàn huyên 2 tháng trước, anh em nhắc đến thời kỳ trước 75 nhưng chúng tôi chưa kịp hỏi đến thời gian dài 28 năm bác sĩ làm việc bên Louisania.

    Bây giờ tôi phải tìm hiểu riêng mới thấy được. Ông bà có 4 con đều sống tại California. Hoàn cảnh đưa đẩy bác Tuấn Anh sau khi thi xong bằng bác sĩ tại Hoa Kỳ đã được tuyển dụng vào làm cho chính phủ. Ông là giám đốc điều trị cho một nhà thương dành cho các phạm nhân có bệnh tâm thần. Ông bà ở nhà chính phủ, bước qua đường là đến nơi làm việc, công việc hết sức bình dị và đơn giản. Bệnh tâm thần có bác sĩ chuyên khoa. Ông chỉ chữa bệnh thông thường. Thành phố Jackson nơi ông bà cư ngụ là một thị trấn rất nhỏ gần Baton Rouge dân số suốt mấy chục năm qua vẫn không lên trên con số 4,000 người. Riêng người Á Châu có lúc chỉ có một số gia đình đếm trên đầu ngón tay.
   
Con cái ở xa nên chỉ còn liên lạc điện thoại. Hai ông bà bằng lòng với cuộc sống êm đềm ở Jackson gần 1 phần 3 thế kỷ. Nơi ông ở và làm việc, bác sĩ Anh đã trở thành một người thâm niên hơn cả các bệnh nhân và nhân viên của bệnh viện. Ông được sự kính nể và thương mến của tất cả mọi người.

     Tin bác sĩ Tuấn Anh từ giã Jackson về hưu tại San Jose rồi đột ngột qua đời đã làm cho thân hữu và đồng nghiệp tại nhà thương cũ phải sửng sốt và tiếc thương.

      Sau 28 năm ở chốn bình yên, ông Tuấn Anh về đoàn tụ với con cháu tại San Jose chỉ mới được 2 tháng ngắn ngủi. Bây giờ số mệnh đã đưa ông đến một nơi có thể là thực sự bình yên hơn cả Jackson của miền Louisiania.

Câu chuyện nửa đời sau

Anh em chúng tôi ở lớp tuổi bẩy mươi tám mươi. Ngày xưa Anh Bằng đã viết lời ca. Tôi xa Hà Nội năm lên 18 khi vừa biết yêu. Thời đó không anh nào nghĩ ra là mình sẽ có ngày cao niên như hôm nay. Ai cũng nghĩ là mình khó tồn tại trong chiến tranh. Khó tồn tại trong tù đầy và khó tồn tại trong cảnh tha hương. Chúng tôi thuộc về thế hệ phải trả lời cho câu hỏi: 30 tháng tư bác ở đâu? Dân biểu Tuấn Anh là những người hiếm hoi còn ở lại dự cuộc bàn giao giữa cụ Hương và tướng Minh trong Dinh Độc Lập Sài Gòn. Sau đó là tù đầy và vượt biên. Ông đã trả lời cho cuộc đời câu hỏi thứ nhất. 30 tháng tư bác ở đâu? Năm 75-80 tại Hoa Kỳ, có câu thơ cay đắng đưa ra vấn nạn mới. Ta biết làm gì cho hết nửa đời sau. Bác sĩ Tuấn Anh đã hết sức may mắn trải qua nửa đời sau bình yên, tiếp tục làm ông thầy thuốc, chữa bệnh cho thành phần hẩm hiu của nước Mỹ ở nơi xa xôi hẻo lánh nhất. Tôi thường nghĩ rằng, làm người lưu vong lâu dài không phải là giải pháp hữu hiệu để giúp cho quê hương.Hãy trở thành công dân tốt của đất nước tự do, sẽ giúp rất nhiều công cuộc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Đó là con đường dân Do Thái lập quốc bằng cách trở thành người Mỹ xuất sắc. Đó cũng là con đường hàng trăm sắc tộc đã trải qua tại Hoa Kỳ. Chính là con đường bác sĩ Tuấn Anh đã đi 28 năm qua. Bây giờ chúng ta tự hỏi lòng. Ta đã làm gì trong suốt nửa đời sau.

Về phần bác Tuấn Anh ông đã hoàn tất bổn phận qua nửa đời sau. Với chuyện tử sinh, ông thường nói, bao giờ thấy ba hồi còi là ta lên tầu. Trầm tử Thiêng đã để lại lời ca định mệnh. Hôm nay, anh lên tàu đi, buồn kín các toa dài…

Sơ lược tiểu sử bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh
-Đại úy, y sĩ trưởng, Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Phủ Tổng Thống.
-Y sĩ thiếu tá, phòng quân y quân đoàn II.
-Y sĩ trung tá, chẩn y viện trung ương, Sài Gòn
-Dân biểu hạ viện, đệ nhị Cộng Hòa.
-Tù tập trung cải tạo rồi vượt biên khi được tự do.

-Bác sĩ điều trị, bệnh viện Feliciana tại Jackson- Louisiana

Nếu quý vị nào có tin tức chính xác hơn xin cho biết để ghi lại.
Giaochi12@gmail.com