Site map
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
onggiabien-1 (467 x 600)

Chiếc ghe nhỏ chòng chành rồi nghiêng hẳn về một bên. Hai bàn tay từ dưới nước với lên, bám vào mạn thuyền. Rồi một thân người hiện ra trong đám bọt sủi ngầu. Bằng một động tác nhanh nhẹn, người ấy thót lên, lăn vào lòng ghe. Một hình hài ốm tong, nhưng đen nâu, rắn chắc, với những bắp thịt cánh tay nổi cuộn. Lão Bân.
Lão vuốt mặt và mái tóc có nhiều sợi trắng hơn đen. Những giọt nước chảy tong tỏng xuống đôi vai lòi xương quai xanh, vẽ ngoằn ngoèo dọc theo vuông ngực để trần, lăn xuống chiếc quần đùi xắn lên đến háng, hằn lên hai bắp đùi run vì lạnh. Lão tằng hắng, khạc một tiếng, nhổ bãi nước bọt đánh toẹt xuống mặt nước giờ đã im tăm. Chỉ còn những đợt sóng từ xa xô tới vỗ lách rách vào mạn thuyền. Người đàn bà im lặng nhìn theo bàn tay lão đang vuốt mặt, dáng thất vọng.

“Bác không thấy hả bác?”

Lão im lặng, lục trong mớ quần áo vo tròn để trong chiếc rương sắt tây hoen rỉ kê trong một góc khoang, lấy ra gói thuốc rê sợi nâu đen, im lặng vấn một điếu sâu kèn con. Lục túi áo, lấy chiếc hộp quẹt, rảy rảy hai ba cái, châm lửa. Gương mặt lão nhăn lại. Im lặng.

Chừng như không thể kiên nhẫn chờ lâu hơn, người đàn bà đến bên lão, giọng van nài:

“Bác làm ơn...”

Lão lại khoẹc một tiếng, nhổ miếng nước bọt lẫn mẩu sợi thuốc xuống nước, cố ngăn câu chửi thề quen miệng:

“Không thấy gì hết cô ơi.”

Mặt lão tối lại. Lão im lặng rít một hơi thuốc. Lại một hơi nữa. Xong lão đứng dậy, giọng quả quyết:

“Kiếm cả giờ không thấy gì. Về thôi.”

“Bác làm ơn kiếm giùm vợ tui tội nghiệp mà bác.” Người đàn ông ngồi trên tấm ván bắc ngang ghe làm ghế bây giờ mới chen vào.

“Ðã nói là không thấy mà. Không tin thầy cứ lặn xuống mà coi. Bên dưới cát không. Ui cha lạnh.”

Lão rít một hơi thuốc dài, ngửa mặt phà khói khét lẹt lên trời. Người đàn bà hơi né người ra tránh đám khói bay.

“Thôi bác nghỉ một chút rồi làm ơn làm phước kiếm giùm tụi tui một tăng nữa đi. Còn sớm mà. Kiếm được tụi tui đền ơn bác...”

Lão chửi thề thầm:

“Mẹ bà nó. Hồi xưa con tao chết đuối nơi đây tao còn không lặn kiếm dữ thần như bữa nay.”

Nhưng tia mắt lão bất chợt chạm phải những tờ bạc xanh ló ra ngoài túi áo bà ba đen, để trong lòng ghe. Một tờ giấy xanh đưa trước, trả công, bác đã dằn kỹ trong túi áo cài kim băng, nằm cuộn dưới tấm chiếu trong khoang. Kiếm được, bác sẽ có ít nhất hai lần như vậy nữa. Lão cảm thấy cơn đói bắt đầu đến. Bụng sôi ùng ục. Lão mở bi đông nước, tợp một ngụm. Nước trà pha lẫn nước biển, chát lè. Lão súc súc miệng, nhổ ra ngoài thành ghe. Người đàn bà móc trong túi xách để bên cạnh, đưa bác lon Coca:

“Bác uống đi cho khoẻ, rồi lặn xuống kiếm giùm con một chập nữa đi bác...”

Lão cầm lon Coca màu đỏ tươi đã móp đít, có những sọc trắng ngoằn ngoèo. Bàn tay chạm vào chất thép mát lạnh, cơn khát lại tràn đến. Nhưng lão lắc đầu:

“Ðể tui mang về cho thằng cháu. Có tới cả năm nó chưa được uống Coca.”

Lão nói đúng một phần nhỏ. Lão biết, nếu lão uống cái thứ nước đen sì kia, ruột lão sẽ quặn lên vì cơn đói bị những bọt ga đánh thức dậy. Lúc này lão chỉ thèm rượu. Rượu làm ấm người, uống đến đâu máu như cháy đến đấy, mọi lỗ chân lông cũng nở ra như ngàn con mắt. Và cũng vì lão muốn quên đi vùng biển này, mỗi khi nghĩ đến thằng con. Người đàn bà lại van nài:

“Bác thương con, ráng kiếm cho con một chặp nữa, biết chừng nó kẹt đâu đó. Ðồ vàng má con cho con kỷ niệm mà bác...”

Lão mắng thầm: “Ðồ đĩ ngựa. Nhỏng nha nhỏng nhảnh thấy ghét. Ðồ vàng đeo đâu không đeo, lại đeo vô chân.” Lão chợt nhớ tới một cuốn truyện trinh thám gián điệp hồi lâu lắm rồi, khi lão còn trẻ, còn coi thời gian và sức khỏe như một nguồn vốn vô tận không cần dè sẻn. Hồi đó ngoài chợ có tiệm chú Phát cho mướn sách, con gái lão một hôm đã mướn cuốn truyện về đọc cho lão nghe để lão bắt thèm đời sống những tên chỉ biết có rượu, gái và đi chơi nhậu nhẹt lu bù, lâu lâu rút súng bắn đùng đùng vài phát, mà vẫn sống nhăn cho tới khi mãn tuồng.

Trong cuốn truyện đó lão cũng thấy một cô gái đeo chiếc chuông vàng nơi cổ chân, đi kêu leng keng như bò đeo lục lạc. Lão tưởng chuyện xạo, ai ngờ hôm nay gặp người đàn bà, lão mới tin trên đời cũng có thứ hạng rởm như vậy. Hai đứa thuê ghe và mướn lão đưa ra khơi, mang theo mớ tôm thẻ được rộng trong ang nước, còn nhảy xoi xói và mấy con khô mực ra giữa biển ăn nhậu. Con đĩ ngựa mắc dịch lo giỡn chèo nẹo với thằng đàn ông, chắc bồ của nó, làm sao mà để chiếc chuông vàng rơi tõm xuống biển. Con nhỏ đẩy thằng con trai ra, nhoài nửa người xuống nước, hô hoán. Nhưng chiếc chuông đã chìm mất tăm. Chỉ còn sợi chuyền vàng treo trơ trẽn trên cổ chân. Lúc đó mới thấy nó quý chiếc chuông hơn thằng bồ. Nó quýnh quáng gọi lão, lúc này đang ngồi lơ đãng ngoài sau ghe, phạch ngực áo ngó trời ngó đất, cạnh xị rượu đã cạn tới khô cả đít chai...

Nhưng rồi lão cũng đã xiêu lòng trước lời năn nỉ của cặp trai gái. Lão xoa tay vào hai ống quần xà lỏn, xong đưa lên, xoa vào nhau, mở lòng bàn tay, thổi vào trong chút hơi ấm sưởi. Xong lão quay người lại, chống hai tay vào be, truồi xuống nước. Chỉ còn hai bàn tay và chiếc đầu nổi lên. Lão lấy hơi, nhún người lên một cái và như con rái, thoắt xuống lòng biển, chỉ để lại hai vòng sóng nhỏ của hai bàn chân quẫy nhẹ nhàng trước khi biến dạng trong màu nước xanh thẫm.

Sống hơn nửa đời người trên sông nước, lão thuộc vùng này hơn người mù thuộc đồ vật trong nhà. Lão biết nơi đâu có những rạn đá ngầm nguy hiểm, nơi đâu có những luồng nước hung hăng cuốn ghe trôi tuột ra khơi. Lão lặn một vòng, dáng chậm rãi như con ba ba khổng lồ. Kinh nghiệm biển cho lão biết không nên dồn sức một cách vô ích trong khi lặn. Vả chăng...

Trong đầu lão quay cuồng những ý nghĩ vẩn vơ. Sắp Tết rồi. Mình sẽ gửi thằng Năm vào thành phố mua cho con mụ vợ một xấp lãnh may quần. Thứ bảnh nhứt. Tội nghiệp nó ngồi lê ngoài chợ. Có đồng nào lão sấn vào đòi mua rượu. Lần nào có rượu lão cũng uống đến say mềm người, để lúc cười lúc khóc. Uống để quên thằng con lão một hôm theo lão ra biển. Lão rủ nó đi ra hòn đảo bên ngoài lượm trứng chim. Lão nói mang về cho nó một ổ trứng để nó vùi xuống cát cho trứng nở ra chim con chơi, như hồi xưa ông nội nó đã từng làm. Chỉ có điều - mỗi lần nghĩ đến lão lại thấy thót trong bụng và cay trong mắt - chỉ có điều hôm ấy gió ngoài hòn hiu hiu thổi, lão dựa vào bờ đá ngủ lim dim. Chiếc ghe lão kéo lên bãi cát gặp nước triều lên đã mấp mé muốn trôi ra biển, và thần thánh nào đã xui khiến thằng con lão táy máy mở được máy ghe, dong thẳng ra khơi. Lúc lão tỉnh dậy chỉ còn thấy chiếc ghe lập lờ trôi, phát ra mơ hồ những tiếng lụp bụp. Lão la lên thất thanh, phóng xuống nước, bơi sải tới, trố mắt nhìn vào lòng chiếc ghe trống trơn, thằng con đã té ở một khúc biển nào. Lão đấm ngực, kêu gào, lặn cả chiều sùng sục như con cá khổng lồ bị thương quẫy đục cả một vùng. Nhưng biển đã hút đi mất đứa con trai lớn của lão, không bao giờ trả lại. Mụ vợ đẻ cho lão thêm ngũ long công chúa và một thằng út, nhưng mỗi lần nghĩ đến thằng con chết đuối vì tính bất cẩn của lão, lão lại thấy nghèn nghẹn trong cổ. Cũng chỉ vì lão không khóc được, thỉnh thoảng nhìn mắt vợ, lão thấy như chứa cả ngàn lời trách móc. Lão chỉ biết dồn nỗi buồn vào trong những xị đế mua ngoài quán chú Tư Quốc đầu chợ...

Cả đời lão thiếu thốn. Chỉ còn hai tháng nữa là Tết rồi. Mụ vợ lão vẫn chưa có được cái quần như lão hứa. Ðời sống ngày một khó khăn, cá mú hiếm dần, người mướn lão chở hàng ai cũng làm nên, cất nhà ngói mua ghe riêng. Chỉ riêng lão lận đận. Sổ ghi nợ ngoài quán chú Tư Quốc còn gần một trang chưa trả. Bởi thế, lão đã tính rất nhanh, và nhận lời con đàn bà mất của cũng rất nhanh, gần như không nghĩ ngợi. Như thể lão là một người tốt bụng, sẵn sàng ra tay cứu người bị nạn. Sự thực, mắt lão tinh như mắt diều. Lần xuống nước thứ nhì, lão đã thấy chiếc chuông nằm ló lên trên mặt cát. Lão vội vàng khoèo lấy, giấu chiếc chuông dưới một tảng đá hình chiếc mũ nấm. Lão biết, chỉ chậm ít phút nữa là những luồng nước ngầm sẽ vùi đi mọi dấu tích, và như thế thì lão chỉ được có ít đồng trả công trước. Ít đồng này chắc gì đã trả nổi tiền rượu ghi sổ mà lão phải thanh toán trước ngày ba mươi Tết như lời lão vẫn thề thốt với Tư Quốc mỗi khi muốn ký sổ thêm. Chưa kể tới tiền mua sắm sửa soạn cho bàn thờ ngày cuối năm, còn nói gì tới cái quần cho mụ vợ.

Nhưng nghĩ lại cũng tội nghiệp cho cái con đĩ ngựa đang ngồi rầu rĩ trên ghe. Lão chợt nghĩ đến cái mất mát của nó, và chợt lão đem so sánh cái mất mát ấy với sự lão mất đứa con, mặc dầu hai chuyện chẳng ăn nhập gì với nhau. Lão muốn nghĩ thêm nữa, nhưng khi lặn sâu đầu óc con người trở nên chậm chạp hơn. Mặc dù dè sẻn, lão đã tiêu hết hơn một nửa số hơi trong buồng phổi, mà vẫn còn loanh quanh với những ý nghĩ quay cuồng trong đầu. Lão biết nếu bây giờ lão trồi lên thì mọi chuyện lại đâu vào đấy như lão đã tính lúc đầu. Nhưng chợt ánh mắt van nài của người đàn bà hiện ra. Lão lắc đầu, và đổi hướng...

Lão bơi một vòng xuyên qua một đám rong trôi lừ đừ và sau đó lặn thẳng đến một tảng đá có hình cái mũ nấm. Lão luồn tay xuống cát, mò tìm. Bàn tay chợt ngập ngừng, do dự. Nhưng rồi nó vẫn tiếp tục công việc, và chỉ năm giây sau, miệng lão đã ngậm chiếc chuông vàng, trồi lên mặt nước.

Một lần nữa lão lục túi áo bà ba trong góc thuyền, lấy bao thuốc rê, vấn và châm. Một lần nữa, lão định sẽ nuốt tọt chiếc chuông vào bụng. Chẳng ai biết đấy là đâu. Người đàn bà nhìn lão nôn nóng lẫn thất vọng. Nhưng cuối cùng lão đã nhả trong miệng ra chiếc chuông. Nắm trong tay, lão định nhúng xuống nước rửa. Người đàn bà mừng quýnh, lôi cánh tay lão lại:

“Trời ơi! Trời ơi!”

Bà ta chụp lấy chiếc chuông, bất kể nó còn dính nước miếng tèm lem, đưa lên miệng hôn. Lão thấy tởm lợm, và bỗng chợt so sánh hình ảnh này với một ngày lão còn trẻ, bắt chước tuồng chớp bóng, ngậm một cành dâm bụt ngoài vườn đưa cho mụ vợ, và mụ vợ cũng hôn cành hoa đắm đuối... Mẹ. Lão nghĩ. Lúc này tao mà bắt mày hun tao một cái, chỉ một cái thôi, dám mày cũng hun thiệt đấy con ạ. Lão nhìn miệng con đàn bà bôi son bóng nhẫy - cả ngày nó chỉ bôi son và quẹt son - và tự hỏi môi son hôn nó ra sao nhỉ... Đã lâu lắm rồi...

Nhưng lão không có thời giờ nghĩ ngợi lâu. Người đàn bà nắm lấy hai cánh tay lão, cám ơn rối rít. Người đàn ông hể hả, kéo lưng quần soọc lắc lắc, cho tảng bụng mỡ trôi vào trong quần. Dân Việt kiều một trăm thằng đàn ông thì chín mươi chín đứa bụng như trâu chương, còn lũ đàn bà phấn son đủ cả một trăm. Cả hai người nằng nặc mời lão ăn cơm chiều với họ tại nhà hàng đặc sản của tay phó phòng thương nghiệp huyện mới mở trong phố, nhưng lão nhất định từ chối. Lão chỉ thèm rượu. Ðể quên. Ðể quên chính cả lão, vì tự dưng lão cũng thấy kinh tởm luôn cả chính mình.

Hai người đếm số tiền đã giao hẹn, đưa cho lão, kèm thêm gói thuốc hút dở. Lão vuốt những tờ bạc xanh phẳng phiu, đút vào túi áo bà ba đen, gài lại chiếc kim tây cẩn thận, nghĩ rằng có lẽ Tết này sẽ là một cái Tết có nhiều tiếng cười hơn mọi Tết trước. Bỗng dưng lão cười vu vơ. Không biết vì được trả công hậu, hay mừng thấy ít ra mình còn lương thiện hơn nhiều thằng có máu mặt trong xã. Lão loạng choạng bước về phía quán chú Tư Quốc, mỉm cười, nghĩ thầm trong một niềm ước: Nếu phải chi ai cũng được như lão hôm nay, thì lão đã từ lâu được ngồi uống rượu thoải mái, đâu để đến nỗi phải cực khổ lặn hụp cho một đứa đáng tuổi con cháu lão như vầy.” Trong mắt lão lờ mờ hiện ra hình ảnh chú Tư Quốc cầm chiếc bút gạch chéo hai đường vào trang sổ mua rượu chịu, và sau đó rót cho lão một ly xây chừng. Ðể uống mừng cho lão vớ được món hời. Hay để uống mừng về số nợ mà cả lão lẫn Tư Quốc đều thầm biết rằng khó mà lão có thể xoay sở thanh toán trước ngày cuối năm, nay tự dưng được xóa sạch. Lão nuốt nước miếng đánh ực, tưởng như vừa cạn ly mới cụng với chú Tư.

Nguyễn Hiền

Lão Bân
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2012
(Ông Già Biển, của Trần Cao Lĩnh, scan từ sách Việt Nam Quê Hương Muôn Thuở của Trần Cao Lĩnh)
Loading