Site map
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

Loading
Công Chúa Ngû Hoài
Trong số những người viết nhạc cổ điển của Nga Sô, có lẽ chỉ có Tchaikovsky là được nhiều người biết đến về sau này.

Tchaikovsky viết rất nhiều nhạc và nhạc của ông được xếp vào loại nhạc cổ điển lãng mạn (romantic). Đa số nhạc của Tchaikosky có thể nói nguồn gốc từ dân ca Nga Sô và thêm ảnh hưởng nhạc Tây Phương. Ông viết nhiều loại nhạc khác nhau, như những bài symphonies đánh số từ 1 đến 6, những nhạc kịch trong đó có các bản dựa theo kịch phẩm của Shakespeare như Hamlet, Tempest và Romeo and Juliet... Nhưng thành công, vì phổ thông nhất, có lẽ là ba đại tác phẩm để đời viết cho vũ ballet. Đó là Nutcracker, Swan Lake và Sleeping Beauty. Nutcracker có lẽ được trình diễn nhiều nhất, hầu như hàng năm ở dịp lễ Giáng Sinh, nhưng Sleeping Beauty được tác giả cho là hay trội hơn hai bài kia.

Sleeping Beauty của Tchaikovski bắt nguồn từ truyện cổ tích Sleeping Princess, Công Chúa Ngủ Hoài.

Ngày xưa, ngày xa xưa lắm, có một nàng công chúa thật trẻ và rất đẹp. Vì một lời nguyền rủa của một bà tiên khó tính khi công chúa vừa ra đời, năm 16 tuổi khi ngón tay của nàng lỡ bị đâm phải mũi nhọn của lõi một cuộn chỉ, công chúa trở thành mê man ngủ. Tuy ngủ say mãi, thể xác nàng vẫn không thay đổi, vẫn trẻ đẹp mãi. Trong khoảng 100 năm, công chúa vẫn là một cô bé ngủ hoài. Rồi một ngày, có một hoàng tử trẻ, đẹp trai tình cờ ghé qua. Thấy người đang ngủ quá đẹp, hoàng tử không cầm lòng được và hôn vào môi nàng. Công chúa được hôn, “thích quá,” tỉnh dậy. Người tình thức giấc và hai người kết duyên với nhau sống hạnh phúc... trăm năm.

Đó là Sleeping Beauty hay Sleeping Princess, truyện Công Chúa Ngủ Hoài. Một câu chuyện thơ mộng, đẹp, thật đẹp.

Truyện truyền kỳ Tây Phương cũng còn có một người đẹp khác cũng ngủ... hoài là Snow White And The Seven Dwarts tức Bạch Tuyết Và Bảy Chú Lùn. Người đẹp, tuyệt đẹp, Bạch Tuyết có bà mẹ ghẻ cũng là một mụ phù thủy độc ác. Cũng đẹp nhưng không bằng Bạch Tuyết, bà đem lòng ghen tức và tìm mọi cách hãm hại nàng. Sau khi bị mụ phù thủy dụ dỗ, Bạch Tuyết ăn phải quả táo có thuốc độc và nàng “lăn đùng” ra ngủ một thời gian dài. Cuối cùng, Bạch Tuyết cũng chỉ tỉnh lại khi có hoàng tử trẻ tuổi và đẹp trai... hôn môi.

Cả hai truyện đều kết thúc lúc nguời đẹp tỉnh dậy sau khi có nụ hôn kỳ diệu, như là phép lạ, của một hoàng tử trẻ và đẹp trai.

Chuyện ngủ... hoài, lâu hơn bình thường trên đời cũng có xẩy ra. Nhưng thực tế không phải chỉ có công chúa, chỉ có người đẹp mới... ngủ hoài và họ thức dậy cũng không vì chỉ khi được hoàng tử... hôn.

Ngày nay, thỉnh thoảng ta cũng được đọc trên sách vở, báo chí có người nam hoặc nữ, đẹp hay xấu, già hay trẻ, gặp tai nạn bị chấn động óc, tuy không chết nhưng mê man (coma) thật lâu. Họ được nuôi sống bằng các chất dinh dưỡng hóa học hàng năm tháng, rồi tự nhiên ngày nào đó tỉnh dậy đòi ăn... hủ tíu mì.

Có một số rất ít người cũng ngủ mê man như vậy trong nhiều ngày rồi tỉnh lại. Họ không bị tai nạn gì cả, nhưng bị bệnh... ngủ nhiều hơn bình thường và khi tỉnh giấc lại muốn ăn nhiều hay đòi được... yêu nhiều hơn bình thường.

Báo chí gần đây có đăng câu chuyện của Taryn Sardis. Lúc xẩy ra chuyện, Taryn là một cô gái 17 tuổi hoàn toàn bình thường. Ngày 19 tháng 11 năm 1997, Taryn đi học và khi ở lớp học tự nhiên cô bé gục đầu ngủ thiếp đi. Bố Taryn phải đến trường đón con gái về nhà để cô tiếp tục... ngủ. Không ai có thể làm gì đánh thức được cô nhỏ và ai cũng tưởng cô ấy ăn uống phải thứ thuốc gì đó. Taryn ngủ... hoài, liên tiếp trong mười ngày, rồi tự nhiên tỉnh dậy và cuộc sống lại trở lại bình thường. Nhưng từ đó về sau, cứ vài tuần lễ, cô bé lại đi... ngủ một giấc thật dài. Trong giấc ngủ, đôi khi cô gái cũng lảo đảo đứng dậy đi như người mộng du. Có khi, cô bé hát với một giọng kỳ lạ như của một đứa nhỏ 2 tuổi. Có lần cô lại gần lò sưởi ngồi và sau đó bò vào trong ống khói leo lên cao. Nghĩa là lúc đó cô bé cũng đang sống, nhưng là một con người hoàn toàn khác hẳn.

Hiện nay, Taryn là một học sinh ở lớp cuối cùng tại một trường trung học và cô cũng đi làm bán thời gian. Nhưng cứ sau mỗi một khoảng thời gian, cô lại đi... ngủ độ một tuần lễ hay hơn. Taryn cho biết cô không kiểm soát được việc... ngủ. Bất cứ lúc nào chuyện đi ngủ cũng có thể xẩy ra.

Lúc đầu, trong tám tháng trời, các bác sĩ không hiểu cô bị gì cả. Cuối cùng, cô gặp được bác sĩ tâm lý học Ruth Noel tại University of California, San Francisco và bà Noel đã định ra được bệnh. Taryn Sardis đã mắc phải một bệnh rất hiếm gọi là Kleine-Levin Syndrome (KLS).

Theo Rosalind Cartwright một bác sĩ chuyên khoa về những bệnh... ngủ tại Trung Tâm Y Khoa Rush- Presbyterian St. Luke ở Chicago, bệnh KLS rất hiếm xẩy ra. Trong 22 năm hành nghề, bác sĩ Cartwright chỉ thấy có 8 trường hợp bệnh KLS như vậy. Bệnh nhân thường là thanh thiếu niên nam nữ bình thường, tự nhiên đi.. ngủ liên miên không có lý do. Ngoài chuyện ngủ nhiều, các bệnh nhân bị KLS thường hay thèm ăn và thèm... yêu. Những người ngủ nhiều này khi tỉnh thích ăn hoài vì ăn thấy ngon miệng và cũng thường thích tình dục... hoài vì ân ái cũng thấy ngon... lành.

Nguyên nhân của Kleine-Levin Syndrome chưa được rõ, nhưng có lẽ có sự biến loạn ở vùng hypothalamus trên óc là chỗ kiểm soát những vấn đề ăn, ngủ, và... yêu. Hiện nay KLS không có thuốc chữa hiệu nghiệm. Các bác sĩ có thể dùng những thuốc làm kích thích hệ thần kinh làm bớt buồn ngủ như amphetamine, họa may có kết quả.

Như vậy, các bác sĩ phải để ý. Nếu có bệnh nhân nào cứ đòi ăn, đòi ngủ và đòi yêu... hoài, hãy nghĩ đến Kleine-Levin Syndrome.

Trở lại với vài dòng tiểu sử của nhạc sĩ nhạc cổ điển Tây Phương người Nga, Tchaikovsky.

Peter Ilyich Tchaikovsky sinh năm 1840 và mất năm 1893. Ông rất có khiếu và mê say âm nhạc. Thần tượng nhạc của Tchaikovsky là Mozart. Thoạt đầu, ông Tchaikovsky học luật và có nghề nghiệp tốt, luật sư cho bộ Tư Pháp. Nhưng sau thiên tài nhạc Tchaikovsky đã bỏ việc làm, đi học nhạc để viết nhạc và dạy nhạc. Tchaikovsky, tuy cũng có cưới vợ nhưng theo một số sách vở là người đồng tình luyến ái.

Nhạc sĩ Tchaikovsky sinh ở Votkinsk nhưng trưởng thành, học nhạc ở St. Petersberg và cuối cùng cũng từ trần ở đó. Thành phố St. Petersberg rồi đã đổi tên là Leningrad sau cuộc Cách Mạng Vô Sản Nga Sô và gần đây lại trở lại với tên cũ St. Petersberg. Đó là sau khi các tượng của Lenin “vĩ đại” bị kéo đổ xuống và đập nát cho vào... thùng rác, ở khắp mọi nơi trên các nước Cộng Sản, khi các “thiên đàng” Cộng Sản Liên Bang Sô Viết Nga Sô và Đông Âu sụp đổ.

Đến bây giờ, trên thế giới hình như chỉ còn sót lại có bốn nước là Trung Hoa, Bắc Hàn, Cuba và Việt Nam vẫn không chịu “mở mắt”, còn cố gắng “thờ” “Ông” Lenin. Dĩ nhiên, các chế độ Cộng Sản đó sớm hay muộn và bằng cách này hay do cách khác, chỉ còn vấn đề thời gian, sẽ đến ngày... hui nhị tỳ!

Lan man từ chuyện Tchaikovsky, Sleeping Beauty Công Chúa Ngủ Hoài đến cái tên “ấm ớ” Leningrad, tự nhiên làm liên tưởng đến một cái tên quái dị khác nẩy sinh ra sau “Giải Phóng” 1975: Thành Phố Hồ Chí Minh tức là “thành phố mang tên Bác” (sic).

Chẳng ai thích và chẳng ai muốn dùng cái tên kỳ cục Thành Phố Hồ Chí Minh cả.

Nói cho cùng, Thành Phố Hồ Chí Minh chỉ là tên bắt buộc phải dùng trên giấy tờ mà thôi. Thật tình mà nói, không người Việt nào trong hay ngoài nước, quên được tên Sài Gòn. Hầu như tất cả mọi người, chắc chắn đều nói như “đi Sài Gòn chơi” hay “về thăm Sài Gòn.” Chắc chắn không có ai kể cả các cán bộ, đảng viên, công an Cộng Sản Việt Nam có thể nói được là “đi Hồ Chí Minh chơi” hay “về thăm Hồ Chí Minh,” vì nghe vừa trúc trắc lỗ tai và vừa thấy chán nản khó chịu bực bội trong người!

Tương tự như chuyện St. Petersberg, thành phố Sài Gòn có thể coi như đang là một Sleeping Beauty, Công Chúa Ngủ Hoài của Việt Nam. Một ngày nào đó sẽ đến, khi mà thành phố sẽ tỉnh giấc ngủ dài và vất bỏ được cái tên kỳ quái trên để đổi tên trở lại với tên Sài Gòn thân yêu như xưa...

BS Phạm Anh Dũng, ABFP
Santa Maria, California, U.S.A.
Tháng 03, 2000

ABCNEWS.com/ Feb. 28, 2000

Sleeping-Beauty-Wallpaper-sleeping-beauty-8269892-1024-768
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2012