Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2012
Site map
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

Loading
Nói đến công trình tiêu biểu cho trình độ kỷ thuật của người Pháp thời thuộc địa thì phải kể đến đoạn đường xe lửa Tháp Chàm - Đà Lạt. Đoạn đường xe lửa này có hai điểm đặc biệt là nhà ga Đà Lạt và các đoạn đường rầy "crémaillère" dành cho các đầu máy kéo có bánh răng cưa. Nhà ga Đà Lạt là một công trình kiến trúc độc đáo, về mặt mỹ thuật có thể xếp hạng nhất không những tại Việt Nam mà có thể nói cho toàn vùng Đông nam Á. Nhà ga Đà Lạt được thiết kế theo phong cách Art Deco đặc thù của Pháp rất thời thượng lúc bấy giờ, do hai kiến trúc sư Moncet và Réveron đảm trách việc đồ họa và do chính Moncet trông nom đôn đốc việc xây cất. Bản thiết kế được phác họa từ năm 1932, nhưng việc xây dựng nhà ga phải đến năm 1935 mới bắt đầu và đến năm 1938 mới hoàn tất.

Mặt tiền nhà ga có ba chóp mái nhọn tượng trưng cho ba đỉnh chóp núi Lang Biang, mái cao và dốc thẳng đứng như mái nhà rông của đồng bào Tây nguyên, nhưng cũng phần nào làm cho khách tham quan liên tưởng tới nhà ga Trouville - Deauville ở Normandie. Bên dưới mỗi chóp mái là một khung cửa sổ lớn lắp kính màu rất đẹp. Riêng bên dưới chóp mái ở giữa có một cái đồng hồ lớn, vào thời điểm chúng tôi đến tham quan vẫn còn chạy tốt. Từ nhà ga Đà Lạt, đường xe lửa hướng về đông, chạy khoảng 7 kilômét thì đến trạm đầu tiên là Trại Mát. Xe lửa tiếp tục chạy đến Trạm Hành (Arbre Broyé) thì bắt đầu rời cao nguyên Đà Lạt để xuôi đèo xuống thung lũng Dran (sau này gọi là Đơn Dương). Từ Dran xe lửa qua trạm Eo Gió, xuôi đèo Bellevue để xuống Krongpha (Sông Pha). Đoạn đường từ Đà Lạt đến Krongpha dài 43 kilômét, qua 5 hầm xuyên sơn và 3 đoạn đường rầy "crémaillère". Từ Krongpha hướng về đông, xe lửa chạy trên đồng bằng 41 kilômét nữa thì đến ga Tháp Chàm, và được kết nối vào mạng đường sắt nam bắc. Như vậy, tổng số chiều dài của đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt là 84 kilômét, và từ Krongpha lên tới Đà Lạt xe lửa đã phải leo cao 1.400 mét. Tưởng cũng nên nhắc lại, sau khi có quyết định thành lập trung tâm nghỉ mát Đà Lạt,

Toàn quyền Paul Doumer đã chỉ thị cho ngành Công chánh xây đường xe lửa nối Đà Lạt với Qui Nhơn. Nhưng sau nhiều đợt khảo sát, các kỹ sư Pháp nhận xét đường sắt nối với Qui Nhơn đã dài lại chỉ phục vụ cho khách nghỉ mát đến từ Hà Nội và Huế, khách nghỉ mát từ Sài Gòn muốn lên Đà Lạt vẫn phải sử dụng quốc lộ 20. Do đó mà có quyết định xây đường xe lửa nối Đà Lạt với Tháp Chàm, mặc dù phải vận dụng kỷ thuật khó khăn và phức tạp lắp đặt đường rầy "crémaillère" và mua đầu máy kéo có bánh răng cưa của Thụy sĩ và của Đức. Người Pháp đã mất 30 năm để xây dựng đoạn đường Tháp Chàm - Đà Lạt, khởi công từ năm 1903 đến năm 1932 mới hoàn tất để đưa vào sử dụng. Đoạn đường xe lửa này không những chỉ phục vục vụ nhu cầu nghỉ mát và du lịch mà còn rất có ích cho các hoạt động kinh tế, chuyên chở rau trái từ Đà Lạt về đồng bằng, và hải sản từ Nha Trang, Phan Thiết ngược trở lại Đà Lạt, Lâm Đồng. Điều đáng tiếc là các chuyến xe lửa Tháp Chàm - Đà Lạt đã vì chiến tranh phải ngưng chạy từ năm 1968, và đường rầy "crémaillère" bằng thép tốt đã vì giới chức lãnh đạo ngành công chánh xã hội chủ nghĩa thiếu điều nghiên và kiến thức kỷ thuật nên bị tháo gỡ sau năm 1975 để lấy vật liệu tu bổ đường sắt Thống nhất. Vì tính chất không đồng bộ về cấu tạo giữa hai hệ thống đường sắt nên chỉ một phần rất nhỏ vật liệu tháo gỡ từ đường rầy Tháp Chàm - Đà Lạt được sử dụng để tu bổ đường Thống nhất, còn phần lớn bị thất thoát để đem cưa thành sắt thép phế liệu dùng cho các công việc riêng tư, thật là phí phạm.    
   
Mùa hè năm đầu tiên dự khóa huấn luyện quân sự, tôi chỉ được đến tham quan nhà ga Đà Lạt. Phải đợi đến mùa hè năm sau, cũng trong khuôn khổ chương trình huấn luyện quân sự 5 tuần lễ tại Trường Võ bị Đà Lạt, tôi mới có dịp cùng với các bạn sinh viên Quân y đồng khóa đáp chuyến xe lửa "crémaillère" từ Tháp Chàm lên Đà Lạt. Lúc này, trường Quân y đã dời vào Sài Gòn. Chúng tôi đáp xe lửa bắc - nam, lên tầu tại Sài Gòn từ sáng sớm, khoảng 2 giờ chiều thì đến ga Tháp Chàm. Chúng tôi được chuyển qua chuyến xe Tháp Chàm - Đà Lạt. Các toa tàu trông gọn nhẹ hơn toa tàu bình thường. Đoàn tàu cũng ít toa hơn nên rất ngắn. Tàu chạy bình thường từ ga Tháp Chàm đến ga Tân Mỹ.

Tại đây, đoàn tàu đổi đầu máy, thay vì đầu máy thường thì đổi sang đầu máy có bánh răng cưa, thay vì chỉ một đầu máy kéo thì sử dụng đến 3 đầu máy, 2 đầu máy kéo đi đầu và một đầu máy đẩy chạy phía cuối. Đoàn tàu chạy về hướng Krongpha và bắt đầu lên cao, từ độ cao 32 mét trên mực nước biển tại Tháp Chàm đã lên tới 186 mét tại Krongpha. Từ đây, xe lửa bắt đầu chạy trên đường rầy "crémaillère" là một thanh rầy bắng thép rất cứng có đục những lỗ nhỏ cách khoảng đều đặn. Thanh rầy này được bắt chặt vào tà vẹt và chạy song song chính giữa hai thanh rầy đường sắt bình thường. Đầu máy kéo có bánh răng cưa ở chính giữa dưới bụng. Khi chuyển động trên đường rầy "crémaillère", các răng cưa của đầu máy sẽ ăn khớp với các lỗ của đường rầy, ngăn không cho đầu máy tàu tụt trở lại khi leo đèo cũng như ngăn không cho tuột quá trớn khi đỗ đèo. Đoàn tàu chạy chầm chậm men theo sườn núi, theo những cung đường quanh co, ngoằn ngoèo, chênh vênh, một bên là dốc núi cao, một bên là bờ vực sâu thẳm.

Đoàn tàu ì à i ạch lên cao dần, chạy rất chậm, có lúc vận tốc chỉ bằng thân thủ di động của một người đi bộ. Tôi và Võ Tam Anh ra đứng ở đầu toa xe, ngắm những lỗ nhỏ khoét trên thanh đường rầy "crémaillère" chạy thụt lùi chậm rãi và trông rõ mồn một giữa khoảng cách móc nối hai toa xe. Gặp những đoạn bờ đường tỏa rộng, hai chúng tôi bước xuống đi bộ theo tàu. Đi bộ chán lại leo lên tàu đứng ngắm phong cảnh núi rừng hùng vĩ chất ngất theo sườn núi cao bên trái đoàn tàu, hay quay qua bên phải phóng tầm mắt nhìn xuống đồng bằng xanh thẳm trải dài ngun ngút tiếp với đại dương để ngất ngây thả hồn hòa mình vào cái vô cùng của trời đất. Đoàn tàu vượt qua một khúc quành, dưới ánh sáng chiều tà, trong khoảng không mênh mang một màu tím ngát bên phải chúng tôi xuất hiện một trái núi hình tháp bốn cạnh mà cư dân miền nam Trung Việt quen gọi là núi "chóp chài", đơn côi đột khởi từ tấm thảm bình nguyên bên dưới, chóp núi vươn cao ngang tầm với đoàn tàu chênh vênh lưng chừng sườn núi bên này, trông thật là kỳ tú. Qua một khúc quành khác, núi chóp chài khuất dạng, và đoàn tàu ngừng lại ở ga K'Beu (Cờ Bơ), có độ cao 663 mét.

Ga này ở chính giữa cung đường đèo Bellevue, chung quanh toàn là rừng rậm núi cao, không có bản làng, nên không phải là trạm lấy khách mà chỉ là nơi đoàn tàu dừng lại để nhân viên Hỏa xa kiểm tra tình trạng kỷ thuật của đoàn tàu trước khi tiếp tục leo đèo. Đoàn tàu lại ì ạch chạy trên đường rầy "crémaillère" đến ga Eo Gió (Bellevue) có độ cao 991 mét. Đoạn đường Krongpha - Eo Gió chỉ dài có 10 kilômét nhưng phải xuyên qua 2 đường hầm và leo lên cao theo sườn dốc 120%. Ga Eo Gió là điểm bắt đầu phía đông thung lũng Dran, đoàn tàu chạy trên đường sắt bình thường giữa rừng thưa đồi thấp, không khí mát dịu, cuối cùng vượt qua một cây cầu sắt bắc qua sông Đa Nhim để đến ga Dran có độ cao 1.016 mét. Rời Dran, đoàn tàu lại bắt đầu leo cao, chạy trên đường "crémaillère" theo sườn dốc 115% để đến Trạm Hành (Arbre Broyé) có độ cao
1.514 mét. Từ Trạm Hành qua Cầu Đất (Entrerays) có độ cao 1.466 mét đến Đa Thọ (Bosquet) có độ cao 1.402 mét, tàu chạy trên đường sắt bình thường nhưng phải qua 3 đoạn hầm xuyên sơn. Ra khỏi Đa Thọ, tàu lại chạy trên đường rầy "crémaillère" với sườn dốc 60% đến Trại Mát ở độ cao 1.550 mét. Trại Mát là điểm bắt đầu từ phía đông của địa phận Đà Lạt. Nhà ga chính của thị xã có độ cao 1.488 mét. Từ Trạm Hành đến Đà Lạt, hai bên đường xe lửa toàn là rừng thông ngút ngàn, không khí mát lạnh, thoang thoảng mùi tùng hương, thật là dễ chịu.

Chúng tôi đến ga Đà Lạt vào khoảng 8 giờ tối và gặp lại Đại úy Nguyễn Ngọc Khôi đến đón rước. Xe vận tải nhà binh chở thẳng chúng tôi vào trú ngụ trong trường Võ bị. Chúng tôi được phân phối vào ở một căn nhà gỗ thông trong khu dành cho sinh viên sĩ quan. Vì chúng tôi đã ăn tối trên xe lửa nên những ai trong chúng tôi có nhu cầu ăn uống thêm thì được nhà trường cho người hướng dẫn đến câu lạc bộ. Bắt đầu từ ngày mai nhà trường mới chính thức nuôi ăn. Nhà ăn tập thể dành cho sinh viên sĩ quan cũng là một căn nhà gỗ thông có xếp những chiếc bàn dài, cứ bốn người họp thành một carré. Lại vẫn lối nấu nướng và bày biện pha phách nửa đông nửa tây, nghĩa là cơm ta dọn riêng từng phần cá nhân lấy vào dĩa bàn và dùng dao nĩa để ăn chứ không dùng đũa.

Lúc này trường Võ bị Liên quân Đà Lạt đã được giao cho Quân đội Việt Nam. Vị Đại tá người Pháp đã rời nhiệm sở, các huấn luyện viên cũng không còn một ai là sĩ quan Pháp. Chỉ huy trưởng trường Võ bị bây giờ là Trung tá Nguyễn Văn Thiệu. Trong ban Giám hiệu nhà trường có một Đại úy người Mỹ làm nhiệm vụ cố vấn. Chúng tôi không được đưa đến trình diện Chỉ huy trưởng, cũng như không hề có cơ hội giáp mặt Chỉ huy trưởng và sĩ quan cố vấn Mỹ trong suốt thời gian thụ huấn. Chương trình huấn luyện quân sự 5 tuần lễ dành cho sĩ quan Quân y hè năm nay cũng na ná như chương trình năm ngoái, bởi vậy ngoại trừ các sinh viên tân tuyển, trong việc học tập, chúng tôi không còn cảm thấy hào hứng như năm trước.

Để đỡ nhàm chán, Đại úy Nguyễn Ngọc Khôi đã linh động dàn xếp với phòng học vụ để cho các sinh viên Quân y đã lên đây năm ngoái được học lớp lái quân xa hạng nhẹ (xe Jeep), theo một chương trình đặc biệt cấp tốc. Mỗi tuần học 5 ngày, mỗi ngày một tiếng đồng hồ, từ 5 giờ đến 6 giờ chiều, nghĩa là toàn bộ thời gian khóa học chỉ vẽn vẹn có 20 tiếng. Chỉ học thực hành phần điều khiển xe, phần bảo trì và luật lệ giao thông học viên phải tự học theo tài liệu hướng dẫn do nhà trường cung cấp. Khóa học gồm chừng 20 học viên, nhà trường có độc một xe jeep cho việc tập lái. Chúng tôi được chia làm 4 nhóm, mỗi nhóm 5 người. Trong giờ học, cả nhóm 5 người cùng leo lên xe, một người cầm lái, huấn luyện viên ngồi kế bên chỉ dẫn. Học viên tập lái cho xe chạy theo con đường vòng đai chạy sóng đôi với hàng rào bao quanh doanh trại trường Võ bị, được chừng mười phút thì được lệnh ngừng lại để đổi người lái khác. Cũng có một hai trường hợp xe leo lề đường húc vào gốc cây hoặc rơi xuống đường hào tháo nước bên vệ đường nhưng rất may mắn không gây nên tổn thương trầm trọng nào. Cứ như thế, chúng tôi học hành gấp rút "chụp dựt" nhưng vô cùng hào hứng.

Suốt ngày cứ ngong ngóng, náo nức chờ đến giờ đi tập lái xe. Rồi cũng tới ngày khảo hạch. Không có hỏi han căn vặn gì về luật lệ đi đường. Mỗi học viên dự thi chỉ phải lái xe đủ một vòng quanh doanh trại, nếu suông sẻ, không để xẩy ra trục trặc gì thì là trúng cách. Toàn nhóm chúng tôi đều thi đỗ, ngoại trừ hai anh Nguyễn Quang Đình và Phạm Viết Tú lóng ngóng thế nào mà cho xe lao xuống rảnh thoát nước bên vệ đường nên bị đánh hỏng. Chúng tôi được cấp ngay bằng lái xe quân sự hạng nhẹ do Trung tá Nguyễn Văn Thiệu ký. Về lại Sài Gòn, chúng tôi ra sở Trường Tiền trình bằng lái xe quân sự này để được cấp bằng lái xe dân sự mà không cần phải thi cử gì cả.

Mùa hè năm nay chúng tôi vào trú ngụ trong trường Võ bị Liên quân Đà Lạt nên mới hiểu vì sao các sinh viên sĩ quan thường gọi đùa trường này là trường "Võ bị liên miên hành phạt". Sáng sớm thức dậy, bước chân xuống giường là phải lập tức chỉnh đốn chổ nằm ngủ: tháo màn, gấp chăn, đặt tất cả ngay ngắn trên chiếc gối kê đầu, rồi dùng bàn tay vuốt tấm trải giường cho phẳng lỳ và kéo lên phủ trùm đống chăn gối trên đầu giường sao cho cả bốn phía trông vào đều thấy rõ góc cạnh. Mọi việc phải được thực hiện gọn gàng nhanh chóng đúng thời gian quy định. Sinh viên quân y chúng tôi cũng được lệnh phải làm như vậy. Dù đã cố gắng dốc hết công sức, chúng tôi không sao thu vén chăn màn gối đệm gọn ghẽ như các bạn sinh viên sĩ quan.

Nhưng nói đến khó khăn thì công việc này chẳng thấm vào đâu so với việc xếp đồ đạc cá nhân vào "sac marin" để sẵn sàng di chuyển. Mà đồ đạc cá nhân thì đâu phải đã thu gom sẵn sàng một chỗ. Từ áo quần, giày vớ, khăn tắm, gà mèn, bi đông đến những thứ nhỏ nhặt như bàn chải răng, cuốn sổ tay, khăn rửa mặt, trong sinh hoạt bình nhật, mỗi thứ để một nơi, nay bất chợt không kể ngày hay đêm, sáng sớm hay chiều tối, có tiếng kèn báo động là phải sẵn sàng mặc quân phục tác chiến, giày " brodequin" mang vào chân và nón sắt đội lên đầu, thu xếp toàn bộ vật dụng cá nhân vào "sac marin", khoác lên vai cùng với vũ khí và đạn dược, ra điểm tập họp sắp hàng đợi lệnh.

Ấy thế mà các sinh viên sĩ quan họ tập tành làm sao mà chỉ ít phút sau khi tiếng kèn báo động trổi lên là người nào quân phục cũng chỉnh tề, "sac marin" nào cũng thẳng góc cạnh, tất cả tề tựu nhanh chóng và đông đủ ở điểm tập họp để lập tức theo lệnh lên đường. Cũng may mà sinh viên quân y chúng tôi suốt 5 tuần lễ của khóa học chỉ có một buổi tập huấn thu xếp vật dụng cá nhân vào "sac marin", ngoài ra không phải thực tập việc báo động tác chiến. Mỗi khi tiếng kèn trỗi lên giữa đêm khuya, chúng tôi vẫn được an nhiên tiếp tục nằm trong giường, hé qua khe cửa gỗ thông nhìn các bạn sinh viên sĩ quan chạy rầm rập bên ngoài đến điểm tập họp, quân phục tề chỉnh, vũ khí đầy người, bất giác không một ai trong chúng tôi không nghĩ đến cuộc đời con người có trăm nghìn ngõ ngách, mỗi cá nhân một số phận, mà đời lính quân y chúng tôi quả tình đã được hưởng nhiều biệt đãi. Phải chăng đó là truyền thống của quân đội Pháp mà quân đội quốc gia Việt Nam chịu ảnh hưởng? Tuy lúc bấy giờ người Pháp đã ra đi, trường Võ bị Liên quân Đà Lạt đã có Chỉ huy trưởng mới người Việt Nam, nhưng Trung tá Nguyễn Văn Thiệu ít nhiều vẫn còn vấn vương với nếp suy nghĩ cũ, mặt khác, cố vấn Mỹ tuy đã bắt đầu xuất hiện nhưng toàn trường chỉ mới có một người với cấp bậc tương đối thấp.

Khác với kỳ thụ huấn quân sự hè năm ngoái trú ngụ trong trường Thiếu sinh quân chúng tôi sống rất trật tự ngăn nắp, kỳ thụ huấn quân sự hè năm nay, với cung cách xử sự dễ dãi nể nang của cán bộ huấn luyện, cùng với sự quản lý lỏng lẽo của ban giám hiệu, một số không ít sinh viên quân y chúng tôi đã đi chệch quá đà giới hạn cho phép, khai bệnh để khỏi lên lớp, chăn màn không thu dọn ngay ngắn, đến nhà tắm nhà ăn sớm trước giờ quy định, khiến anh em sinh viên sĩ quan suy bì, ảnh hưởng đến kỷ luật chung toàn trường. Hiện tượng này cũng dễ truy cứu nguyên nhân. Suốt một năm nay, từ ngày rời Hà Nội theo lệnh trường Quân y vào Nam, tất cả sinh viên quân y chỉ mỗi tháng một lần đến văn phòng nhà trường lãnh lương, phải tự túc lo liệu việc ăn ở bên ngoài, hàng ngày đi học không phải mặc quân phục. Văn phòng nhà trường thì tạm bợ, phòng ốc xập xệ lếch thếch, nổi trôi từ bến kênh Tàu Hủ đến khu chợ cá Trần Quốc Toản, còn đâu cái phong thái oai nghiêm đường bệ của những ngày tháng cũ. Phải đợi đến mấy năm sau, khi chế độ Cộng hòa được củng cố, Quân đội Quốc gia được cải tổ, trường Quân y có cơ sở đàng hoàng để tổ chức nội trú, người sinh viên quân y mới thực sự đi vào khuôn phép, được trang bị ý chí chiến đấu kiên cường và tinh thần tôn trọng kỷ luật, cũng như am tường kỷ thuật tác chiến vì được huấn luyện kỹ càng những căn bản quân sự chính quy nên bác sĩ quân y các khóa về sau thực sự đã trở thành những chiến sĩ can trường và thiện chiến hiên ngang sánh vai cùng sĩ quan các ngành khác.

Trường Võ bị Liên quân cho phép sinh viên ra ngoài tối thứ tư, chiều thứ bảy và trọn ngày chủ nhật. Ngay cổng trường có nhiều xe hơi đủ hạng và xe thổ mộ chờ đón khách đưa xuống chợ Đà Lạt. Một vài người trong nhóm sinh viên quân y chúng tôi có máu giang hồ muốn ra phố chơi ngoài giờ quy định, không thể qua cổng chính ngày đêm có người canh gác, nên tìm cách vòng ra phía sau doanh trại vượt rào để đi xuyên qua nông trại của các gia đình người Pháp. Thuở bấy giờ Đà Lạt không có du kích Việt Minh, đất nước lại đang ở thời hậu Genève, xã hội thanh bình, nên vòng rào phía sau doanh trại nhà trường không ai tuần tiễu, các chủ nông trại người Pháp lại đang rục rịch ra đi nên không ai hoài hơi ngăn cản những kẻ chui rào.

Phố xá Đà Lạt không to rộng, sầm uất, nhưng xinh xắn, dàn trải dọc mấy con đường bao quanh khu chợ. Cái đinh của phồn hoa phố núi là gian hàng bánh kẹo và vật lưu niệm của hai chị em Cẩm Nhung Cẩm Châu con gái ông Hội đồng Chúc. Bánh kẹo đều là loại cao cấp nhập từ Pháp, hai cô hàng lại xinh đẹp vừa tuần cập kê nên thứ bảy chủ nhật nào sinh viên sĩ quan Đà Lạt cũng kéo nhau nườm nượp đến mua hàng, không vài trăm gam kẹo tây thì chí ít cũng cái cầu vai hay cái giải mũ. Về mục ăn uống thì Đà Lạt lúc bấy giờ không thấy có bún bò, không thấy có mì và hủ tiếu bán rong, nhưng có phở bán trong quán. Hai quán phở nổi tiếng của Đà Lạt nằm trong khu chợ và xế ga xe lửa. Đặc điểm của phở Đà Lạt là có nhiều hành tây thái lát mỏng để nguyên ăn sống hay ngâm dấm chua. Trời se se lạnh, phở lại nóng sốt, ăn xong bát phở, đáy bát vẫn còn nghi ngút bốc hơi, thú vị vô cùng.

Một đặc sản khác của các tiệm ăn Đà Lạt là món lẫu thập cẩm, gồm nhiều thứ hải sản đem từ duyên hải lên, và phủ tạng gia súc chăn nuôi trong vùng. Rau cải thì có nhiều, lại tươi tốt, nhất là xà lách. Miếng thịt bò bít tết no tròn nằm bên cạnh mớ xà lách trộn dầu dấm trông thật là bắt mắt. Nhiều người cho rằng xà lách Đà Lạt không đủ chất bổ dưỡng, trông đầy đặn tốt tươi nhưng chứa nhiều nước mà thiếu muối khoáng, nhưng dù sao miếng xà lách Đà Lạt cho vào miệng vẫn tạo nên khoái cảm "mát miệng" tuyệt vời. Cơm Tàu ở Đà Lạt không có gì đặc sắc, cửa tiệm nhỏ, thực đơn không có nhiều món, thức ăn nấu đã không ngon, mà phổ ky hầu bàn lại vụng về, tắc trách và bàn ghế bày biện có phần kệch cỡm, luộm thuộm.
    
Thời gian tiếp theo, đằng đẳng hơn mười năm trời, tôi sống xa Đà Lạt. Chỉ từ cuối năm 1966 tôi mới có ít nhiều cơ hội trở lại Đà Lạt. Tuy vậy, trong những dịp trở lại ngắn ngủi ấy, Đà Lạt cũng đã để lại một vài dấu ấn đậm nét trong khung trời kỷ niệm của đời tôi. Thời gian làm việc ở Cục Quân y, thỉnh thoảng tôi được phái lên các quân trường ở Đà Lạt thuyết giảng về chương trình Y khoa phòng ngừa trong quân đội. Thường thường, tôi đáp máy bay lên Đà Lạt ngày hôm trước, xong công vụ là tôi trở về Sài Gòn ngay ngày hôm sau. Tôi không ngủ qua đêm trong doanh trại, cũng không ở lại nhà bà con, mà thường thuê phòng khách sạn ngoài phố để tận hưởng cái phong vị đặc biệt thích thú của lạnh lẽo, cô đơn và tĩnh lặng, nửa đêm thức giấc, một mình nhìn xuyên qua ánh đèn đêm bên ngoài cửa sổ, theo dõi những giọt sương lăn tăn tụ tán trên mặt kính. Về sau Hàng không Việt Nam có máy bay đi Đà Lạt mỗi ngày hai chuyến nên lên công tác Đà Lạt, tôi trở về Sài Gòn trong ngày. 

Chỉ có một lần tôi đi cùng Thiếu tá Nguyễn Tiến Lộc lên thuyết trình tại trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt và ngủ qua đêm tại Hotel Palace. Trưởng ty Cảnh sát Đà Lạt là bạn thân của anh Lộc mời chúng tôi đi ăn nhậu suốt buổi tối, đến khuya còn theo chúng tôi về hotel mang theo mấy xâu chim sẻ rô ti, mở Martell pha với Perrier uống tiếp, khề khà đến gần sáng mới tàn cuộc rượu. Thật không hợp với lối sống của tôi một chút nào. Thêm một mẩu chuyện khác dây dưa đến xứ đồi thông lúc tôi còn mang áo lính.

Vào một buổi sáng sớm giữa năm 1968*, tôi đang ở sân bay Tân Sơn Nhất, đợi giờ đi Đà Lạt. Tại đây, tôi gặp anh Hà Thúc Ký, anh Hoàng Xuân Tửu và  kỹ sư Hùng đang chờ đi Huế. Tôi mời mọi người vào quán trong phi trường uống cà phê. Đến giờ, tất cả chúng tôi, ai theo việc nấy, người đi Huế, kẻ đi Đà lạt. Đến Phú Bài, kỹ sư Hùng bị cảnh sát bắt ngay tại chân cầu thang máy bay, vì đang bị nghi ngờ là hoạt động cho Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ âm mưu lật đổ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Việc làm của cảnh sát nhanh và gọn đến độ cả anh Ký lẫn anh Tửu không ai hay biết gì cả. Hai anh về Huế làm việc với một số anh em đồng chí, xong ra Quảng Trị, rồi ghé Quy Nhơn trước khi về lại Sài Gòn. Phần tôi, tôi lên Đà Lạt thuyết giảng về chương trình Y khoa Phòng ngừa trong Quân lực VNCH cho khóa sinh trường Chiến tranh Chính trị.

Tôi trở về Sài Gòn trong ngày. Hôm sau, tôi ghé nhà người em họ là Hồ Văn Diệp ở đường Ngô Tùng Châu Gia Định để chia buồn cùng gia đình người em của Diệp mới mất sau khi mổ tim không thành công tại bệnh viện Bình Dân. Vì việc khâm liệm và đưa đi chôn cất đều tiến hành và hoàn tất nhiều ngày trước đó, nên buổi họp mặt bà con hôm nay chỉ là buổi lễ cúng sơ thất cho người quá cố, vì vậy, người của Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo theo dõi tôi đã tưởng lầm mà báo cáo về nhiệm sở là tôi họp đảng. Kết hợp với việc sáng hôm trước chúng tôi bốn người cùng ngồi uống cà phê ở Tân Sơn Nhất đợi giờ lên máy bay, và việc kỹ sư Hùng bị bắt ở Phú Bài, cơ quan an ninh sau đó đã lập báo cáo lên phủ Tổng thống là Đại Việt Cách Mạng Đảng cấu kết với Phó Tổng thống âm mưu lật đổ Tổng thống. Ông Thiệu đã phê vào hồ sơ: "Ông Ký, ông Tửu theo dõi. Ông Châm bắt giữ nếu cần."

Không hiểu sao nội dung hồ sơ mật này lọt đến tai Nguyễn Đức Xích, người của đảng Nhân Xã. Nguyễn Đức Xích bèn nói với Nguyễn Kim Khánh báo cho tôi biết để trốn đi. Tôi đã không bỏ trốn, cười nói với Nguyễn Kim Khánh: "Có lẽ chỉ là sự hiểu lầm. Mà cho dù bị bắt giữ ít hôm thì tôi được có thêm cái bằng ở tù, mỗi lần ứng cử thì truyền đơn tranh cử có quyền ghi thêm mấy chữ đã từng vào tù ra khámnhư anh Ký anh Tửu." Sau khi nghe tôi thuật lại mọi chuyện, anh Hà Thúc Ký bèn ủy nhiệm anh Hoàng Xuân Tửu, lúc bấy giờ là Nghị sĩ Phó Chủ tịch Thượng viện, vào dinh Độc Lập giải thích tự sự với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, và mây mù hiểu lầm đã được xóa tan.

Tôi chính thức cởi áo lính ngày 1 tháng 9 năm 1969, nhưng duyên nợ với đồi thông nội cỏ của thành phố sương mù vẫn còn nhiều vương vấn. Tôi vẫn có nhiều dịp trở lại Đà Lạt vì công vụ hoặc vì chuyện riêng tư. Lần cuối cùng tôi lên Đà Lạt là vào đầu năm 1988, vài tháng sau khi từ trại cải tạo trở về. Biết bao nhiêu hình ảnh nhạt nhòa đã hiện về từ quá khứ xa xăm, biết bao nhiêu cảm xúc bồi hồi đã thi nhau tuôn trào từ tận đáy tâm tư ngày tháng cũ! Trong khoảng thời gian này, Đà Lạt đã chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của các biến động thời cuộc. Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, nhiều vụ chỉnh lý, bạo loạn, xuống đường liên tiếp xẩy ra, kéo theo những xáo trộn chính trị, kinh tế và xã hội tại miền Nam Việt Nam. Tiếp đến là các biến cố Mậu Thân, thương phế binh xuống đường cắm dùi, miền Bắc đưa bộ đội và cán bộ vô sản vào cưỡng chiếm miền Nam.

Cảnh quan Đà Lạt không còn tươi đẹp và thơ mộng như dạo hè năm 1954 lần đầu tiên tôi đặt chân đến nơi nầy. Dân số Đà Lạt từ mức chưa tới mười nghìn người đã tăng lên đến hai trăm mấy mươi nghìn. Khí hậu Đà Lạt ấm lên nhiều, ban đêm nhiệt độ ngoài trời không còn xuống hai ba độ C như trước, khó mà tìm lại hình ảnh "lộ trích hàn giai". Nhiều chóp núi, chân đồi chi chit thông xanh đã không còn được giữ lại để tô bồi phong cảnh mà phải nhường chổ xây cất biệt thự, nhà hàng, công sở theo nhu cầu phát triển của thành phố. Bờ suối Cam Ly, thung lũng Tình Yêu nham nhở quán xá tạm bợ, bàn ghế thô thiển, bán nước uống rẻ tiền và xã rác đủ loại. Lòng hồ Than Thở cạn kiệt, diện tích hồ mỗi ngày một thu hẹp để cải biến bờ hồ thành ruộng rau, quanh hồ không còn cây rừng để gió núi luồn lách vào mà than thở. Sau vụ thương phế binh cắm dùi, những căn lều quái gỡ mọc ven những con đường đẹp như mơ được chính quyền tháo bỏ, để lại những dấu sẹo trên bộ mặt vốn xinh xắn của thị trấn, kiên trì chờ đợi thời gian xóa sạch dấu vết, tuy có làm cho tôi đau lòng, nhưng dù sao cũng lưu lại chút hy vọng lạc quan vết thương tàn phá cũng còn có ngày liền da liền thịt. Đến như sự chiếm hữu đất đai và xây cất nhà cửa bất hợp pháp và vô tổ chức của những phần tử cơ hội chủ nghĩa có chức có quyền đã phá vỡ sự hài hòa và hợp lý của quy hoạch ban đầu thì quả tình không còn phương cách cứu chữa, ngoại trừ giải pháp cào bằng hết để xây dựng mới trở lại, một phương thức mang tính chất giả thiết và không phù hợp với thực tế.

Trên lối vào một biệt thự cổ kính bên hông nhà Quận công Nguyễn Hữu Hào, tôi buồn buồn nhìn mấy cây trắc bá đại thụ gốc lớn tày ôm, có lẽ đã sống gần trăm năm tuổi, bị khô héo chết dần chết mòn vì vỏ cây gần gốc đã bị bóc làm củi đốt. Thử hỏi mớ vỏ cây đó đun nóng được mấy ấm chè, nấu chin được mấy nồi cơm? Em bé cầm dao phang vào thân cây để lột vỏ, em đang lên mấy? Em có trí khôn chưa? Cha mẹ nào đã thúc giục, đã đồng lõa với hành vi dại khờ và vị kỷ của em bé? Làm sao lòng tôi không chĩu nặng u buồn, vì đây là cả một vấn đề to lớn của đất nước, liên quan đến sự sống còn và phát triển của dân tộc: trình độ dân trí thấp kém và tinh thần công ích thiếu vắng.

                                                                        Tháng mười, năm 2011
                                                                       
Minh Vũ Hồ Văn Châm
Ghi chú:
·                     Vụ này ông Hà Thúc Ký có nhắc đến trong Hồi ký "Sống Còn Với Dân Tộc" do Phương Nghi ấn hành năm 2009, nhưng ghi nhầm là xẩy ra vào đầu năm 1969.

(Xem lại phần 1)
ñà Låt Trong Kš ­c Tôi (PhÀn 2)
39930-the-ngoan-muc-pass-da-lat-vietnam
139312-cam-ly-falls-dalat-da-lat-vietnam
phoxadalat