Site map
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

"You Coward Rats"
images
QuocHoi_freeVietKhang
hqdefault
imagesCABQ68V7
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2012
Loading
Trần Văn Tích

Trong vụ Thỉnh Nguyện Thư hai ngày 05 và 06 tháng ba này, tôi chẳng những là kẻ ngoại cuộc mà còn là người ngoại quốc. Cho nên tôi không chú ý đến những tình huống lủng củng, lẩm cẩm xảy ra trong quá trình thực hiện việc chuyển gởi Thỉnh Nguyện Thư. Tôi chỉ biết hết sức vui mừng cùng đồng bào tỵ nạn cộng sản ở Hoa Kỳ vì thành quả rõ ràng của Thỉnh Nguyện Thư trong cuộc chiến quốc-cộng, cuộc chiến này vốn chưa hề chấm dứt ngày 30 tháng tư năm 1975.

Nhưng cũng do Thỉnh Nguyện Thư mà tôi có dịp đọc được e.mail nguyên văn và nguyên dạng sau đây:

From: "Khoi Ta" ....................... Subject:
FW : Câu hỏi hóc búa không thể trả lời. Nhờ các vị uyên bác giúp tim
Những người đã ký Thỉnh Nguyện Thư nghĩ sao ? Xin trả lời giùm. Những ai không liên hệ gì đến TNT, nên đọc với tính cách thông tin. 

Hôm qua ông hàng xóm của chúng tôi, Dr. George (PhD) nhân viên chánh phủ liên bang làm ở GAO, nói với tôi “Cơ quan GAO chúng tôi ước tính mỗi năm người Việt các anh (you, Vietnamese) đổ tiền về Vietnam khoảng 18 tỷ dollars, qua các ngả du lịch, chuyển ngân và đầu tư.  Năm 2010, trị giá ngang với con số mậu dịch giữa 2 nước. 

Những số tiền mặt (cash, pocket money) các anh đem về chánh phủ tôi (my government, not yours) không kiểm soát được”. Ông nói tiếp “Vài ngày trước đây (few days ago) một số tổ chức người Việt các anh thỉnh cầu (petition) chính phủ tôi (my government) dùng áp lực tài chánh và kinh tế đối với nước Việt Nam để đòi hỏi một vài điều cho các anh, mà các anh có thể, nhưng không tự mình làm lấy.  Các anh ươn hèn (You coward rats). 

Tại sao suốt lịch sử các anh cứ phải ỷ lại vào người ngoài. Cho tôi biết, các anh là loại người gi”? (Tell me, what kind of people are you”? Tôi cứng họng.   Khẩn khoản nhờ các huynh trưởng cao minh gíúp tôi tìm câu trả lời.  Không lẽ tôi nói “I do not want to be, but I am damned ashamed to be one of them” (tôi không muốn là người Việt, nhưng quả thực tôi nhục nhã là người Việt). Ta chịu ơn người Mỹ cưu mang.  Nhưng hành động của chúng ta để họ nhìn ta là loại người (hay con vật) vô học dễ  ghét (despicable people).

BAN TIN CUA TAP CHI DAN VAN DANVAN MAGAZINE POSTFACH 50 01 62 44871 BOCHUM - GERMANY
                                                                         
Nếu sự thành công rực rỡ và rõ ràng của Thỉnh Nguyện Thư tạo nơi tôi một niềm vui rất lớn thì e.mail do chủ nhân Khoi Ta đưa lên các diễn đàn lại mang đến cho tôi một niềm vui nho nhỏ. Và nhất là e.mail đó tạo gõ-hứng cho tôi, qua ba chữ You coward rats, được chính tác giả Tạ Quang Khôi trực dịch thành Các anh ươn hèn. Một vài người đọc ba chữ này tỏ ra bất bình, phẫn nộ. Họ nghĩ rằng sao bị gọi là coward rats mà lại có thể “câm họng“ được.

Thoạt tiên tôi cũng chia sẻ tình cảm bộc phát, ngẫu sinh đó. Nhưng suy nghĩ lại, tôi thấy không phải thế. Trước hết, ông Tạ Quang Khôi chỉ câm họng trước câu hỏi của người bạn Mỹ, chứ không phải câm họng khi bị gọi là coward rats. Một người khác, ông Đỗ Thành Công, cũng “câm họng“ y hệt ông Tạ Quang Khôi. Trong một bài khá dài đưa lên mạng, ông Đỗ Thành Công viết một đoạn như sau: 

Có nhiều người hỏi tôi nếu có cơ hội gặp TT Barack Obama, giống như lần gặp ông TT George Bush năm 2007, tôi sẽ đề nghị những gì. Thực sự, điều tôi ngại không phải là tìm câu hỏi cho ông Obama, mà tôi lo ông sẽ hỏi ngược lại tôi: “Cộng Đồng Việt Nam muốn Chính phủ Hoa Kỳ áp lực Hà nội về mặt thương mại, để họ tôn trọng nhân quyền. Nhưng tôi biết qúy vị đã gửi gần 10 tỷ dollars về Việt Nam hàng năm, đồng tiền này cũng đang tiếp tay củng cố nền kinh tế XHCN, tại sao Cộng Đồng lại không áp lực với Hà Nội?”

Có lẽ tôi sẽ không có câu trả lời? Nói theo cách của người miền Nam là “cứng họng”.  Năm 2010, giao dịch thương mại giữa Việt Nam và Hoa kỳ gần 20 tỷ dollars, trong khi đó con số không chính thức, Cộng Đồng Người Việt đã gửi về cho gia đình, hoặc đầu tư lên đến gần 10 tỷ dollars.

Đây là những nghịch lý mà chúng ta cần nhìn lại, không thể đấm ngực nói lỗi tại tôi mọi đàng, rồi mong chờ người khác giải quyết. Chúng ta có trách nhiệm với gia đình, thân nhân nhưng cũng có trách nhiệm với Đất nước, và Dân tộc. Mỗi người cần tự vấn và có kế sách khả thi. Cần hiểu rằng trong số 1 dollar gửi về cho thân nhân, có thể hơn 50 xu đã làm đòn bẩy để nuôi sống cơ chế tham nhũng, độc tài.“


Chính vì câu hỏi của ông bạn Mỹ khiến ông không trả lời được nên ông Tạ Quang Khôi mới đặt đầu đề cho e.mail của mình là “Câu hỏi hóc búa không thể trả lời.“
  
Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều khi mình bị người khác phê phán nặng nề mà mình không sao phản ứng được. Cũng có khi chính mình tự đả kích mình nữa cơ. Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt từng bảo là Ngài rất xấu hổ khi mang hộ chiếu Việt Nam. Ngài đã đề cập đến toàn thể một dân tộc, trong đó có cả những người không còn mang thông hành của Việt cộng nữa. Tôi có đọc đâu đây là người Việt từng bị chê bai là “nô lệ căn tính.“

Lại vẫn cả một dân tộc bị dán nhãn chẳng đẹp đẽ gì. Khi nhà văn Nguyễn Vỹ bảo rằng nhà văn An nam khổ như chó để rồi có người chỉnh lại là nói thế khiến cho chó nó xấu hổ thì tuy không phải cả một dân tộc nhưng ít nhất một thành phần dân tộc đã bị mạ lỵ. Vua Tự Đức hỏi Cao Bá Quát về một vụ cãi nhau giữa các đại thần trong triều. Cao Chu Thần tâu trình “Bỉ viết cẩu, thử viết cẩu; thần kiến nguy, thần tẩu“ (Người này bảo chó, người kia cũng bảo chó; thần thấy nguy thần bỏ chạy). Loài chó lại là nạn nhân khi chúng bị đem ra đặt song hành với các quan lớn của cả một triều đình.

Chữ coward có đơn vị từ ngữ tương đương trong tiếng Pháp là lâche, trong tiếng Đức là feige. Các từ điển song ngữ dịch là hèn nhát, khiếp nhược. Nhưng ông Tạ Quang Khôi không dịch như vậy, Ông dịch You coward rats thành Các anh ươn hèn. Tiếng Việt rất tinh tế, tế nhị. Ươn hèn mang sắc thái ngữ nghĩa khác với hèn nhát, khiếp nhược. Hèn nhát, khiếp nhược là thiếu can đảm đến mức đáng khinh bỉ.

Ươn hèn là thấp kém về bản lĩnh đến mức không làm được việc khó. Người ươn hèn thiếu ý chí đương đầu với những gian khổ, y không đủ sức lực chống cự lại những đè nén, hắn kém cả khả năng từ chối những quyến rũ. Trong hèn nhát có sự đánh giá lòng can đảm, trong ươn hèn có sự đo lường mức bản lĩnh.

Những kẻ vốn mang căn cước tỵ nạn, ngày nào từng sống bám ký sinh vào xã hội Hoa Kỳ mà nay thoát kiếp ăn nhờ ở đậu, kiếm được nhiều tiền lại cam tâm đem đồng tiền đó về làm ăn, kiếm chác qua chấp nhận cái chế độ tàn bạo từng khiến họ phải xé lòng bỏ nước, liều thân vượt biển; những kẻ đó không có bản lĩnh tự chế, không có đủ lòng tự trọng. Gửi tiền về giúp gia đình quá quẫn bách, gửi tiền về đắp lại mộ phần tứ thân phụ mẫu bị sạt lở san bằng, còn tạm chấp nhận được vì đây là một hình thức vì con tin mà hành động (giặc đang giữ chín mươi triệu đồng bào làm con tin).

Nhưng mang tiền về đầu tư, góp vốn nhằm kiếm cho kỳ được lợi tức gấp bội trong khi một cụ già chín mươi ba tuổi, một em bé ba tháng lặn lội cực khổ chịu lạnh chịu tuyết để chuyển đến cơ quan/giới chức Hoa Kỳ lời yêu cầu STOP EXPANDING TRADE WITH VIETNAM AT THE EXPENSE OF HUMAN RIGHTS thì nếu gọi hạng người đó là coward, ươn hèn quả là vẫn còn quá xa xỉ về dụng ngữ.