Site map
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Loading
Vài Nét VŠ ñông Y
imagesCALACZLY
GS Tô Đồng
Nguyên Khoa Trưởng Đại Học Dược Khoa Sài Gòn (1974-1975)

Tháng ngày ở Ngọc Nha

            
Trong những ngày đầu kháng chiến năm 1946, gia đình tôi chạy về quê nội Xuân Cầu, rồi sau sang ở quê ngoại Kim Ngưu. Hai làng này của huyện Văn Giang, nguyên thuộc tỉnh Bắc Ninh, sau là tỉnh Hưng Yên, có lúc thuộc tỉnh Hải Hưng. Nhưng chỉ ít lâu sau, vùng này bị tạm chiếm, ngày thì thuộc chính quyền thân Pháp, đêm thì du kích quân kéo về hoạt động. Kể từ đó, gia đình tôi bị phân tán đi nhiều nơi. Bố tôi và ba anh em chúng tôi tản cư về làng Ngọc Nha, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Nơi đây hiện còn yên ổn, dân chúng hiền hòa, trù phú, đa số nhà gạch lợp ngói, và đường trong làng đều có lát gạch. Làng trải dài hai bên một con sông nhỏ, chảy vào một cái đầm thật lớn. Đầm này trùng tên với đầm Dạ Trạch làng Đa Hòa gần đấy, là dấu tích một lâu đài tình ái đã chợt biến đi, trong đêm Chữ Đồng Tử và công chúa Tiên Dung đưa nhau về trời. Theo truyền thuyết, Chữ Đồng Tử được kể là một trong tứ bất tử của Việt Nam, có công cứu nước hộ dân, cùng với Tản Viên Sơn Thần, Phù Đổng Thiên Vương và Liễu Hạnh Công Chúa.

             Gia đình tôi tạm trú nhà cụ Thứ Chỉ Hoàng Văn Hòe. Tôi làm bạn với các con trai của cụ, anh Khôi sau đổi tên là Hoàng Đình Khoa và anh Thúy. Nhà người em cụ, ông Chánh Đàn cũng ở gần đấy. Ông có người con trai trạc tuổi tôi là Hoàng Văn An. Lúc đó vào mùa gặt, chúng tôi được mời ăn cơm gạo mới, hay cơm nếp mới thật dẻo và thơm ngon. Cũng có khi thì được ăn ngô nướng bếp than, khoai lang vùi bếp tro. Mấy tuần sau chúng tôi cùng gia đình ông bác là giáo sư Nguyễn Tường Phượng đến ở hẳn nhà cụ Đội Nghị, một căn nhà hai tầng rộng rãi, có ao sâu kế bên một cái sân gạch rộng. Ngày ngày chúng tôi không biết làm gì ngoài việc đi chợ nấu ăn, rồi đi chơi với mấy anh chị em con cụ chủ nhà là chị Tuyết, anh Diệu. Riêng tôi, thỉnh thoảng cũng được bác Phượng, nguyên chủ bút Tạp chí Tri Tân, dậy môn Việt văn, và bố tôi dậy Pháp văn. Để tôi có thể học hành đều đặn và đỡ lêu lổng, bố tôi cho tôi theo học chữ nho cụ Hòe. Thế là mỗi buổi sáng, ngày ngày tôi đi theo đường gạch ven sông đến nhà cụ. Trong lớp chỉ có bốn năm người học trò, kể cả anh Khoa. Tôi đã được học Tam Thiên Tự, như Thiên trời, Địa đất, Cử cất, Tồn còn... Tam Tự Kinh, như ‘Giáo bất nghiêm, sư chi nọa’, Dậy mà chẳng nghiêm, do ông thầy lười, ‘Nhân bất học, bất tri lý’, Người mà không học, không biết lẽ phải... Minh Đạo Gia Huấn như ‘Nhân tham tài tử, điểu tham thực vong’, Người tham của thì chết, chim tham ăn thì mất, ‘Đãn hoạn vô tài, bất hoạn vô dụng’, Chỉ lo không có tài, chẳng lo không được dùng... rồi Nhị Thập Tứ Hiếu, hay truyện hai mươi bốn người con có hiếu ở bên Tầu. Suốt ngày chi hồ dã giả, không hiểu ngày sau tôi sẽ có thể làm nghề gì trong bốn môn Nho, Y, Lý, Số...mà mới môn đầu tôi đã thấy thật khó học đến nơi đến chốn. Nhưng vào những ngày phiên chợ huyện, tôi cũng đi lùng tìm cho bằng được cái bút lông mềm mại, một thỏi mực tầu chính hiệu, những tập giấy bản tốt, và mua cậy để đóng giấy thành quyển tập viết chữ nho. Cụ Hòe vốn dòng dõi khoa bảng, người tầm thước, trắng trẻo, tính tình rất hiền hậu. Gần cụ, như gần một gương sáng, tôi học được sự xử thế của một nhà nho nghiêm túc. Lâu dần thấy tôi lo sợ vì chữ nho là một loại tử ngữ không mấy thích hợp nữa, cụ bèn dậy chúng tôi thêm văn bạch thoại, để có thể đọc một số báo chí Trung hoa thời đó. Tôi đã được học một số bài của Tôn Dật Tiên, cha đẻ của Tam Dân chủ nghĩa. Lối văn này, vẫn còn rườm rà, vì tuy ít chi hồ dã giả, nhưng lại dùng nhiều chữ đệm hay trợ từ đích.

            
Đầm Dạ Trạch rộng, nước trong và sâu, bên bờ có chỗ cây cao bóng cả. Dân chài thường đánh cá vào buổi sáng. Năm sáu chiếc thuyền nan chạy theo hàng ngang để cùng trải một mảng lưới thẳng dài, rồi ngư phủ vừa gõ vào mạn thuyền đuổi cá vừa quây lưới tụ lại một chỗ. Họ kéo lưới lên và gỡ lấy những con cá mầu bạc lóng lánh đủ loại lớn nhỏ bị mắc vào lưới. Đôi khi ngư phủ quây thuyền thành vòng tròn rồi đồng thời tung những chiếc lưới gấp gọn lên trên không. Chúng vụt tỏa rộng ra như những cánh lá sen rỗng vĩ đại sẫm mầu, rồi cùng một lượt chụp xuống làn nước sóng lăn tăn. Họ kéo lưới lên bắt cá để lại tiếp tục quăng lưới mẻ sau. Những ngày có sương mù bao phủ một vùng mênh mông buổi sáng, cảnh chài lưới huyền ảo đẹp như trong cõi mộng, làm con người quê dễ vui sống an lành với thiên nhiên.

            
Vào những ngày hè nắng ấm, Khoa thường hay rủ tôi đi bơi tại đầm làng. Khoa bơi sải nhanh và rất đẹp. Có một buổi chiều chúng tôi đang bơi, bỗng một quả cầu lửa vụt ngang trên trời cao để biến mất về phía chân trời, kéo theo một đường khói trắng thật thẳng tan loãng dần trên không. Tôi không biết là vật gì, mà cũng chẳng thấy một ai chú ý. Cả chục năm sau tôi mới suy đoán có thể là tên lửa được thử thời đó đã đi lạc vào đất liền. Rồi một bận chúng tôi trèo lên cành cây nhào xuống nước, đúng vào hồi nước đầm đã rút cạn. Khoa thì giỏi, nhoài ra xa ngay, nhưng tôi lúng túng đầu bị đâm xuống bùn. Tôi sợ muốn chết và từ đó bỏ không dám đi bơi tại đầm này, cũng chẳng còn chú ý đến mức nước lên xuống theo mùa nữa.

Thuốc Nam thuốc Bắc

            
Nói đến tháng ngày ở Ngọc Nha, tôi thường nhớ lại chuyện học chữ nho. Để rồi miên man nghĩ đến thời còn nhỏ, anh chị em chúng tôi nhiều lúc ốm đau cũng thường được dùng thêm thuốc Nam, thuốc Bắc. Bố mẹ tôi đều biết chữ nho, có thể bốc những thang thuốc thông dụng, nên tôi được phụ qua loa vào việc tẩm thuốc, sao thuốc, sắc thuốc. Như dùng dao cầu để cắt, thuyền tán để nghiền thành bột. Và viên thật tròn những viên thuốc tễ, thuốc bổ. Hồi thế chiến thứ hai chấm dứt, khi quân Tầu sang giải giới quân phiệt Nhật miền Bắc nước ta, họ thường bị bệnh lở loét hay sâu quảng. Tôi cũng thấy mẹ tôi tán nhỏ đinh hương cùng với hoạt thạch rồi cho họ rắc lên vết thương. Có lẽ hoạt thạch làm khô và đinh hương sát trùng nên vết sâu quảng dễ lành chăng? Cả hai thứ này đều có ghi trong Dược liệu tây phương. Hồi tản cư nơi quê ngoại làng Kim Ngưu, có hôm đi chợ Trâu về, tôi bỗng thấy cánh tay trái sưng phù lên, rồi vết lở chảy nước và đau nhức đến không nhấc tay lên được. Người ta nói tôi bị lở sơn. Thế mà Sơn ăn từng mặt, ma bắt từng người, có thể tùy thuộc sự mẫn cảm của mỗi người chăng? Tôi lấy vải đeo tay trái lên vai, rồi ngồi cầm cần câu cá bằng tay phải cho quên đau và cho qua thì giờ. Sau mấy ngày cánh tay tự nhiên lành, nếu dùng thuốc chắc đã cho là tại thuốc. Nhưng thường thì chữa theo kinh nghiệm người xưa để lại. Mấy bữa ở tạm làng Bình Hồ, không hiểu sao tôi bị ngứa ngáy, da nổi mề đay. Người ta mách lấy giẻ vó hay miếng lưới đánh cá đã rách, đem rang lên thật nóng rồi xoa vô chỗ ngứa vì dị ứng thì sẽ khỏi liền, thế mà đúng thật. Những ngày ở làng quê, tiêu chảy thì xoa dầu nhị thiên đường hay dầu con hổ cho ấm bụng, hoặc ăn lá búp ổi để cầm lại. Kiết lỵ thì ăn lá mơ tam thể bác với trứng, ho thì ngậm gừng giã nhỏ chưng với mật ong. Cảm sốt thì xông cho ra mồ hôi, bằng cách chùm khăn lên người bệnh để giữ hơi nóng xông lên từ nồi nuớc đun lá tre. Cảm cúm thì bôi dầu bạc hà vào thái dương, hay đánh gió: lấy ít gừng thái nhỏ, một mớ tóc rối, một quả trứng vừa luộc chín còn cả vỏ, bỏ vào một khăn tay, rồi cầm một đồng bằng bạc thiệt cắt ngang quả trứng còn nóng hổi. Bọc nhanh những thứ đó trong khăn tay và trộn lại thành một nắm, rồi lấy nắm ấy chà xát vào sống lưng, các khớp xương, cho đến khi nguội. Nếu mở bọc ra mà thấy đồng tiền bạc xám lại, là bị cảm gió, càng xám nhiều là càng cảm nặng. Đứt tay đứt chân thì lấy lá trầu không nhai với vôi đắp lên rồi buộc lại. Cũng có thể rịt bằng thuốc lào. Mắt sưng đỏ mà rỉ hay ghèn gắn chặt lông mi làm hai mi mắt dính lại không mở ra được, người ta vò lá cây dành dành cho ra tiết, lấy giấy bản gói miếng tiết vào, rồi đắp lên mắt cho bớt nóng. Thời đó, vệ sinh thường thức còn rất thiếu sót. Bệnh nhân dễ chết vì nhiễm trùng như bị hậu bối ở lưng, bị đinh râu ở quanh miệng, bị bệnh tả, bệnh kiết lị, bệnh thương hàn. Cũng nhiều trường hợp người bệnh chống cự lại được và tự nhiên lành trở lại. Như khi xuống ở làng Gạo Nam, em Đằng tôi bị thương hàn, người gầy trơ xương, đầu tóc rụng hết. Mấy tuần lễ không có thuốc thang, chỉ uống nước cháo, và kiêng ăn đồ rắn, cầm cự chờ cơn bệnh lui dần. Lúc em tôi bắt đầu hồi phục, may còn được tẩm bổ bằng nửa kí đường cát trắng của Bác sĩ Tiến ở làng Vân kế bên gửi cho!

            
Nhưng có một chuyện mà tôi không thể nào quên được. Lúc còn ở quê ngoại, gia đình tôi được tin chị Xuân Nhân tôi trên Việt Bắc bị đau nặng chắc chết. Mẹ tôi phải nhờ chú Viện và anh Triết, lặn lội mất ba tuần lễ lên miền ma thiêng nước độc tìm ra cho được chị để cáng về quê nhà. Chị chỉ còn có da bọc xương, người dúm lại như một con mèo, tinh thần tán loạn hết vì không còn nhận biết được gì nữa. Có người bảo chị lên mạn ngược dễ thường bị ma làm, hoặc mường mán nó chài đấy! Phải mau tìm thầy cúng vái để bắt tà ma, nhưng biết tìm đâu? Bố tôi có ghé về thăm, nói chị bị ho lao đến thời kỳ cuối, mà bác sĩ chữa trị đã bó tay rồi. Trước khi ra đi, ông đứng hè nhà mà khóc, rồi dặn tôi phụ với mẹ tôi lo việc chôn cất cho chị. Mẹ tôi dở khóc dở cười, cảnh buồn nản không thể nói ra lời. May lúc đó có người mách một ông lang ở một phủ huyện tỉnh Hưng Yên chữa được nhiều chứng bệnh nan y hay lắm. Mẹ tôi nói thôi thì còn nước còn tát, mình có bệnh thì phải vái tứ phương, và sai anh Phúc đi kiếm ông thầy này ngay. Anh người làm phải vất vả mấy ngày tìm gập ông lang để kể bệnh của chị tôi, rồi đem thuốc về sắc. Chị tôi mới uống chừng mấy thang thì bắt đầu ói ra mật xanh mật vàng, rồi hết sốt và tỉnh lại dần dần. Mấy tháng sau thì chị tôi khỏi bệnh, ăn trả bữa, rồi lại tiếp tục đi công tác như cũ. Tôi nghĩ ít ai có thể nói là thuốc Nam thuốc Bắc không công hiệu được. Thời nào cũng vậy, chỉ khó làm sao là tìm đúng thầy và dùng đúng thuốc mà thôi.

Một tài liệu Việt Y quí giá

            
Sau gần hai năm ở làng Ngọc Nha, bố tôi và ba anh em chúng tôi xuống ở Gạo Nam huyện Ân Thi, và tôi được tiếp tục học trung học tại trường Tiền Phong của giáo sư Nguyễn Văn Đỉnh ở làng Bình Lăng. Nhưng cũng từ đó, chúng tôi không có dịp trở lại Ngọc Nha nữa.

             Cho đến những ngày mới di cư vào Nam năm 1954, đôi lúc tôi mới lại thăm được cụ Chỉ Hòe tại khu Phú Thọ, và cụ Đội Nghị tại khu Đại Học Xá Chợ Lớn. Từ năm 1957 tới 1972, cụ Hòe làm Giáo sư Hán văn Trường Trung Học Nguyễn Trãi, và Chuyên viên dịch thuật tại Nha Văn Hóa Sài Gòn. Cụ đã dịch từ chữ nho sang chữ Việt, bộ Sử về sự giao thiệp giữa vua Quang Trung và vua Càn Long vào đời nhà Thanh, các sách về tuồng cải lương. Để rồi biết bao nhiêu nước chảy qua cầu....

             Thấm thoát đã trên nửa thế kỷ qua, tại vùng đất hứa California này, nhờ bác sĩ Nguyễn Đăng Cát cho số điện thoại, tôi mới có dịp gập lại người bạn đồng môn thời tản cư, anh Hoàng Đình Khoa. Anh đã theo được nghiêm phụ, và bây giờ là đông y sĩ Ông Thọ của Tiểu Sài Gòn. Vì vậy, tôi mới hay cụ Đình Thụ Hoàng Văn Hòe cùng anh Hoàng Đình Khoa có dịch được bộ sách Hải Thượng Y Tôn Tâm Lĩnh của Lãn Ông Lê Hữu Trác. Sách này gồm 5 quyển, hơn 3000 trang, do Khai Trí Sài Gòn ấn hành, từ 1972 tới 1975.

            
Tôi không dám giới thiệu hay điểm sách về một tài liệu Việt Y rất quí giá này, vì tự biết không có đủ khả năng. Vậy chỉ xin nêu lên đôi ba cảm nghĩ sau khi đọc bản dịch của cụ Hòe, về những phần liên hệ đến ngành Dược, qua các đoạn dưới đây.

             Trước kia, người làm thuốc chỉ có những sách cổ từ 4000 năm cũ của Trung Y, như bộ Thần Nông Bản Thảo, quyển Nội Kinh, bộ Kim Giám... Phải đợi đến đời nhà Trần, Tuệ Tĩnh thiền sư mới cho ấn hành quyển Nam Dược Thần Hiệu, ghi tính chất các vị thuốc Nam, nhưng tiếc rằng bản in bị người nhà Minh đem về Tầu. Đến hậu bán thế kỷ thứ 18, thời vua Lê Hiển Tôn, mới có một bộ sách thuốc duy nhất do người Việt viết ra: bộ Hải Thượng Y Tôn. Sách này gồm 25 tập, do Lê Hữu Trác, biệt hiệu Hải Thượng Lãn Ông, biên soạn ra. Được nhà Nguyễn phong là một Việt Nam Y Thánh, Lãn Ông đã thâu góp căn bản ở những sách cổ, cộng thêm nhiều sáng tạo để chữa bệnh hợp theo khí hậu của nước ta và tạng phủ của người Việt thời bấy giờ.

            
Cụ Hòe đã nêu rõ khúc chiết của bộ sách trong phần Thay lời tựa. Chỉ cần đọc đoạn này, ta có thể hiểu được phần nào tâm tư của dịch giả. Trong xã hội ta, có người suốt đời chỉ dùng đông y dược, có người suốt đời chỉ dùng tây y dược. Cũng có người dùng đông y không khỏi phải đổi sang tây y hay ngược lại. Theo ý cụ, nền đông y không những nên bảo tồn mà cần được nghiên cứu để phát triển, mà muốn bảo tồn được di sản của tiền nhân viết bằng chữ nho, thì phải dịch ra quốc ngữ trước. Vì vậy, cụ đã bỏ ra 4 năm để dịch Bộ Hải Thượng Y Tôn, chia thành 5 quyển gồm 25 tập, và ghi thêm rất nhiều chú giải. Tôi không thể lạm bàn phần viết về Y, những căn bản y lý, âm dương, lục phủ, ngũ tạng, kinh mạch, bệnh đàn bà, bệnh trẻ con. Bộ sách này còn có phần về dương án ghi lại những chứng bệnh nặng mà Lãn Ông chữa khỏi, âm án kể lại những chứng bệnh nặng chữa không khỏi, và Thượng Kinh Ký Sự mà Lãn Ông ghi chép việc khoảng năm 1782 khi ra Thăng Long để chữa bệnh cho vua Lê Hiển Tôn và thế tử Trịnh Cán theo lời mời của chúa Trịnh Sâm. Nếu đọc qua những phần viết về Dược, quyển 1 có tập 1 hay tập Thủ dạy lúc mới học thuốc, với câu ngạn ngữ "ba đời làm thuốc hay, đời sau con cháu tất có người làm nên khanh tướng", kể mười phương pháp dùng thuốc, bẩy thứ phương thuốc, các phép bào chế bằng lửa, bằng nước, phép tẩm với rượu, với giấm, với sữa. Bệnh hoãn phải chữa về gốc, bệnh cấp phải chữa về ngọn. Tập 4 hay Dược phẩm Bị yếu là tập rất quan trọng, bàn về tính chất của 150 vị thuốc, ngũ vị, âm dương, phép dùng hay để dành thuốc, và tả từng vị thuốc theo các bộ hỏa, mộc, thổ, kim, thủy. Nhà làm thuốc phải rõ về ôn, lương, hàn, nhiệt của vị thuốc để chữa những chứng biểu, lý, hư, thực. Quyển 4 từ tập 17 đến 20 gồm Lĩnh Nam Bản Thảo do chính Hải Thượng Lãn Ông viết về thuốc Nam, có trích thêm Nam Dược Thần Hiệu của Tuệ Tĩnh, Bách Gia Chân Tàng về thuốc gia truyền, Hành Giản Chân Nhu về thuốc đơn giản, Tập Nhật về các bài thuốc.

            
Trong nguyên bản toàn bộ có phần Nguyên Dẫn của Võ Xuân Hiệp, ghi việc tìm kiếm các cuốn sách của Lãn Ông để đem khắc ra bản in, phần Tiểu Dẫn của Thích Thanh Cao, vị trụ trì chùa Đồng Nhân Bắc Ninh coi việc ấn hành, và lời Tựa của Hải Thượng Lãn Ông. Riêng phần này, Lãn Ông có viết rằng: “Tôi muốn đem những điều đã học đã nghiệm, trước tác thành sách, nhưng lại nghĩ rằng lẽ làm thuốc man mác, làm sao hợp được trăm bộ sách lại cho thành một bộ. Vả lại, làm thuốc không bằng lập bài thuốc, cắt chén thuốc chỉ chữa được một người, mà lập phương thuốc mới chữa được nhiều người, nhưng một lời nói sai lầm thì di họa không ít”. Mỗi mục thường bắt đầu bằng bài Tiểu Dẫn, tóm tắt các ý kiến và ưu tư của Lãn Ông. Như về thuốc đơn giản, tiểu dẫn có đoạn như sau: “Trong một bài thuốc, có vị nhiều hơn nhất là quân, có vị nhiều vừa là thần, có vị ít hơn là tá, có vị ít hơn hết là sứ, nhiều vị góp lại mà phải hơn kém khác nhau, như vậy mới có công hiệu”.

             Tú tài Tế Xuyên Tô Văn Độ đã viết những lời giới thiệu công việc dịch thuật của cụ Hòe như sau: “Nếu bộ Hải Thượng Y Tôn không được dịch ra tiếng Việt, thì e có thể đi đến chỗ hữu thư vô truyền. Bản văn dịch lưu loát, ý nghĩa đúng với nguyên bản, cách xếp đặt khoa học, lời giải thích rất rõ ràng. Hải Thượng Lãn Ông trước tác mà Đình Thụ Hoàng Văn Hòe dịch ra. Tuy việc của người sau chỉ bằng nửa của người trước, nhưng công thì nên kể cho gấp đôi”. Thiết tưởng những dòng nói trên cũng quá đủ để ghi lại công trình dịch thuật của cụ Hòe trong ngành Đông Y.

            
Tôi cũng có xem thoáng qua Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh do miền Bắc soạn dịch. Tuy chữ nho viết là y tông, nhưng từ triều Nguyễn vì kiêng tên húy của vua, nên đọc là y tôn. Vào đầu năm 1972, giáo sư Nguyễn Vĩnh Niên có lần hỏi tại sao đường Lê Thánh Tông lại viết là Lê Thánh Tôn, tôi nhớ có trả lời là vì những sự húy kị này. Nguyên quán Lãn Ông ở xã Liêu Thượng, huyện Đường Hào, Hải Dương, thời nhà Nguyễn được đổi là huyện Mỹ Hào, Hưng Yên. Thời xưa, sĩ tử thường bị đánh rớt vì phạm vào những trường qui này. Quê nội tôi là làng Hoa Cầu, sau đổi thành Xuân Cầu, chỉ vì mẹ vua Thiệu Trị tên là Hoa. Ngay cho đến bây giờ, tên một vùng có khi cũng phải bị thay đổi cho hợp với thể chế. Mong rằng rồi ra, khi chính sử nước ta được kiện toàn, thì sự vô lý này sẽ không còn nữa. Phải đọc bộ Hải Thượng Y Tôn Tâm Lĩnh, tôi mới biết phần lễ nghi phụng sự tiên sư về y dược, gồm 120 vị, thật là nghiêm cẩn. Trong 12 vị thánh sư phối hưởng về phía đông, có Biển Thước và Hoa Đà. Nhân dịp, tôi xin kể tóm lược vài đoạn thú vị trong truyện tầu nói đến tài trị liệu của Biển Thước, ông tổ ngành Nội khoa và Hoa Đà, ông tổ ngành Phẫu thuật.

Biển Thước và Hoa Đà

            
Theo Đông Chu Liệt Quốc do Nguyễn Đỗ Mục diễn nôm của Nhà Xuất Bản Đại Nam, Glendale, Hoa Kỳ, Biển Thước (~500 TTL) là một ông thánh trong nghề thuốc. Ông cùng thời với Hiên Viên Hoàng Đế, có tài cải tử hoàn sinh được. Thời Đông Chu Liệt Quốc, Tần Hoãn, tự là Việt Nhân, mắt sáng như gương, trông thấy cả lục phủ ngũ tạng của bệnh nhân, làm nghề thuốc rất giỏi, người ta ví với Biển Thước ngày xưa, nên cũng được gọi là Biển Thước tiên sinh.
             Khi thế tử nước Quắc bị ngộ cảm mà chết, Biển Thước đã dùng kim đá chích cho thế tử sống lại. Rồi cho uống thuốc, ba tuần thì thế tử khỏi hẳn.

             
Tề Hoàn Công lúc về già vẫn còn ham mê tửu sắc. Biển Thước khi yết kiến, nói rằng nhà vua có bệnh ở da thịt, Tề Hoàn Công trả lời trẫm đâu có bệnh gì. Sau 5 ngày, Biển Thước đến yết kiến Tề Hoàn Công, nói rằng bệnh nhà vua đã ở huyết mạch, rồi ít ngày sau lại nói bệnh nhà vua ở trong ruột rồi. Tề Hoàn Công cho rằng thầy thuốc chỉ hay thêu dệt, nên không buồn trả lời. Qua 5 ngày nữa, Biển Thước lại vào yết kiến, thì vừa thấy mặt Tề Hoàn Công đã vội lui ra. Tề Hoàn Công sai người hỏi tại sao thì Biển Thước nói rằng bệnh ở da thịt còn xoa thuốc được, bệnh ở huyết mạch còn tiêm thuốc được, bệnh ở ruột còn uống thuốc được. Nay bệnh nhà vua đã vào đến xương tủy rồi, dẫu trời cũng không chữa được nữa. Quả nhiên, Tề Hoàn Công ốm nặng rồi chết.

             Cao Hoãn nước Tần, học trò của Biển Thước, được phái sang chữa cho Tấn Cảnh Công đang bị đau nặng. Lúc đó, Tấn Cảnh Công bỗng nằm mộng thấy hai đứa bé trong lỗ mũi chui ra. Một đứa nói rằng Cao Hoãn cho thuốc thì chúng ta tất bị thương. Còn đứa kia đáp lại nếu chúng ta tránh về phía trên mạng mỡ, phía dưới quả tim thì hắn làm gì ta nổi. Quả nhiên, sau khi xem mạch xong, Cao Hoãn nói bệnh này ở phía trên mạng mỡ, phía dưới quả tim, dẫu tiêm cũng không tới được, còn chữa làm sao? Tấn Cảnh Công thấy lời nói hợp với mộng, khen Cao Hoãn là danh y, và đành bó tay chịu chết vì mệnh trời.

            
Chuyện Hoa Đà có trong Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa của La Quán Trung, Tử Vi Lang dịch thuật và Nhà Xuất Bản Xuân Thu, Los Alamitos, Hoa Kỳ ấn hành. Hoa Đà (110-207) người nước Bái, tự là Nguyên Hóa, từng nổi tiếng là danh y thời Tam Quốc. Ai mắc bệnh, thì Hoa Đà hoặc cho thuốc uống, hoặc mổ chích, hoặc châm cứu, cứ động tay vào là khỏi liền.

             Quan Công bị tên bắn vào cánh tay mặt trong khi đang bao vây và công phá Phàn Thành. Vì mũi tên có tẩm thuốc độc Ô Đầu nên tay ấy trở thành tê liệt. Hoa Đà nghe tin vội từ Giang Đông cưỡi thuyền con tìm đến trại quân, và bảo Quan Công hãy chú tâm vào một việc gì để quên đau trong lúc chữa trị. Quan Công bèn thản nhiên đánh cờ với Mã Lương bằng tay trái, rồi đưa cánh tay phải ra cho Hoa Đà mổ. Hoa Đà dùng dao nhọn rạch da khoét thịt đến chỗ bị bắn, nạo hết chỗ xương bị ngấm độc đi, lấy thuốc rịt vào rồi lấy chỉ khâu lại, thì cánh tay co duỗi trở lại được như thường. Quan Công đã phải khen rằng Hoa Đà quả là một thần y.

             Tào Tháo đang khi cho xây điện Kiến Thủy, đầu óc bị đau như búa bổ. Hoa Đà được triệu đến bắt mạch xem bệnh. Hoa Đà nói phải cho đại vương uống thang ma phế để mê đi, rồi dùng búa sắc tách xương sọ, rạch vào màng óc lấy cái rải gió ra, thì mới chữa khỏi được. Tào Tháo nghe xong cho rằng Hoa Đà thân với Quan Công nên thừa cơ hội muốn giết mình, vì tay có thể mổ được chứ đầu thì mổ làm sao, bèn bắt giam Hoa Đà vào ngục tra khảo. Được Ngô áp ngục ngày ngày đem cơm rượu cung phụng, Hoa Đà báo đáp lại bằng cách tặng bộ Thanh Nang, mong sau này Ngô áp ngục tiếp nối lấy nghề thuốc của mình. Ít ngày sau, Hoa Đà chết trong ngục. Chôn cất Hoa Đà xong, Ngô áp ngục liền bỏ nghề cai ngục, toan mang bộ Thanh Nang để học nghề làm thuốc cứu nhân độ thế, thì thấy vợ đang đem sách ra đốt. Giằng lại được mấy tờ thì người vợ nói: Nếu mình có học được giỏi như Hoa Đà thì cũng đến chết trong lao tù mà thôi, chứ quý báu cái gì? Chính vì vậy mà đời sau chỉ còn lại mấy thuật như thiến gà, hoạn lợn trong vài trang sách còn lại!

            
Về việc này, Mao Tôn Cương đã viết: Hoặc có người tiếc rằng vì sách Thanh Nang không được truyền lại, nên đời sau không có bậc thần y chăng? Thưa rằng luận như thế không đúng. Sách y khoa còn có thể truyền lại, chứ cái ý của thầy giỏi thì truyền làm sao? Vợ Ngô áp ngục đốt sách thuốc vì sợ rằng sách có thể giết mình, nếu không, để cho người đời nay đem sách ra học rồi làm thuốc, thì sợ sách sẽ giết người. Tôi thấy lời bàn của Mao Tôn Cương thật chí lý, có sách cũng cần có thầy chỉ dẫn mới có thể thành người hữu dụng.

Ngư Tiều vấn đáp Y thuật

            
Nói đến thuốc Nam thuốc Bắc, chúng ta không thể không kể tới sách viết bằng tiếng nôm của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) hay Đồ Chiểu, một thế kỷ sau Hải Thượng Lãn Ông. Cụ Đồ Chiểu là người huyện Bình Dương, đã sáng tác Ngư Tiều vấn đáp Y thuật để dậy học trò thuốc cổ truyền. Trong thời Pháp đánh chiếm sáu tỉnh miền Nam, cụ là một nhà nho hữu tâm với thời cuộc và quốc văn, nên được đồng bào rất mến mộ. Cụ còn là tác giả truyện Lục Vân Tiên, và Dương Từ - Hà Mậu. Sách Ngư Tiều vấn đáp Y thuật do Phan Văn Hùm hiệu đính và chú thích, Nhượng Tống tăng bình bổ chú, và nhà Xuất Bản Xuân Thu, Los Alamitos, California ấn hành. Trong Lệ Ngôn, Phan Văn Hùm giải thích việc làm của ông là tồn cổ, chưa phải là việc bảo tồn đông y. Theo ông, cụ Đồ Chiểu có tâm, có chí, có khí, có tiết, một lời soi cả một đời, và thường bầy tỏ nỗi chua xót về thân thế, về nước non. “Ngư Tiều gốc để dậy học thuốc tầu, Đông Y lấy gốc nơi Dịch Kinh và Nội Kinh. Nơi Dịch Kinh, Đông Y chỉ mượn phương pháp, và Nội Kinh mới là con đường thực hành trị liệu. Nếu quả Nội Kinh là do cuộc vấn đáp giữa Hoàng Đế và Kỳ Bá mà biên thành sách, thời trải mấy ngàn năm nó chẳng màng vào cuộc tiến triển của khoa học, tự cho mình là chân lý đời đời, ắt lẽ dịch là biến là dời hẳn cũng thành không ngôn hư từ vô sở dụng? Gần đây, người Tầu, và nhất là người Nhật, thâu thái văn minh Âu Mỹ, có đem Tây Y về so sánh và sửa đổi Đông Y, nhưng bản thể của Đông Y vẫn không khác. Lối kinh nghiệm vẫn giữ lề xưa, không trổ ra lối thí nghiệm”. Ông Hùm nói nghiên cứu đã trên mười năm mà chưa hiểu "khí" là gì cả. Trong Tăng Bình, ông nói khác với Tây Y lấy khoa học làm cơ sở, Đông Y nương tựa vào huyền học hay siêu hình học, mong tìm một chân lý đơn giản thống nhất để giải thích mọi sự trong đời. Bởi vậy mà hai chữ Âm Dương căn bản trong huyền học đã thấy áp dụng trong mọi chuyện liên quan đến việc trị liệu. Tôi không dám lạm bàn về những nguyên lý, nhưng chỉ đọc lời Tựa của Nhượng Tống đã phải kính cẩn và bồi hồi rồi.

            
Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân, một hậu duệ của Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi, một nhà cách mạng thông nho và tri y, cho rằng “Nguyễn Đình Chiểu đem tất cả khí tiết, và một phần học vấn trong đời mà nhờ Ngư Tiều gửi lại làm quà cho thế hệ sau. Vất hẳn phần y thuật và phần cổ văn ra, nếu chúng ta lấy được một chút tinh thần cứng cáp trẻ trai của tác giả, thì món qùa ấy quả đã là vô giá”.

             Những thắc mắc tạm nêu ra trong những dòng trên của nhà cách mạng kiêm học giả và triết gia Phan Văn Hùm từ thời ấy đến nay, nghĩa là trên nửa thế kỷ, hầu như còn nguyên vẹn.

Phương Đông và phương Tây

            
Chúng ta hãy kể sơ lược về mấy bác sĩ người Hi Lạp khai phá ra Tây Y. Ông tổ Hippocrates (460-357 TTL) áp dụng luận lý và lý trí trong các thuyết giảng về y học, được viết lại bởi đệ tử trong nhiều thế kỷ kế tiếp. Ba châm ngôn của ông còn đúng đến bây giờ là trước hết không gây tổn hại, thứ đến thuốc là thức ăn và thức ăn là thuốc, rồi đến thân thể tự chữa lành. Dioscorides ( ~ 65) ghi lại các thuốc thời ông trong materia medica, mà 80% là dược thảo, 10% là kim loại, và 10% gốc là động vật. Claudius Galen (131-200), nổi danh tại La Mã, để lại nhiều lý thuyết về thể dịch và cách sử dụng dược liệu. Vì những khảo cứu về dược thảo, Galen đã sáng lập ra ngành Dược Học mang tên ông.

            
Kể từ thời đại Lý-trí, khoảng năm trăm năm về trước, cái nhìn của con người vào vũ trụ và vào bản thể của mình được tìm hiểu cặn kẽ theo khoa học. Thế mà nhiều vấn đề nhân sinh lại không thể dùng khoa học mà giải quyết thỏa đáng được. Nỗi lo về dân số của Malthus (1766-1834) tới nay còn nguyên vẹn, tuy từ đó đã có nhiều kế hoạch về gia đình. Chỉ cần thêm mười, mười lăm năm nữa, thế giới sẽ đầy chật 8 tỷ người. Pavlow (1849-1936), ông tổ của ngành Sinh Lý Học Thực Nghiệm với các thí nghiệm về phản xạ có điều kiện, thay vì mang lại được sự hoàn bị của trí óc, đã chỉ đưa đến những cuộc tẩy não, những buổi tự thú trong các trại tập trung. Phải tới khi gần từ trần, Pavlow mới thấy rằng con đường mình theo đuổi càng ngày càng dài ra, khi nói rằng người dân Nga còn cần có tôn giáo và lòng tin vào kiếp sống sau. Cứu cánh của con người vẫn chưa được soi sáng, dù Le Comte de Noüy (1883-1947) đã chứng minh bằng tính sác xuất sự có mặt của thượng đế, khi lập ra thuyết viễn đích và khi giải thích về định mệnh con người.

            
Người là một con vật biết suy nghĩ theo Bacon (1561-1626), hay một cây sậy có tư tưởng thời Pascal (1623-1662), nay trở thành một bộ máy biết suy nghĩ. Trong thời đại đầy thử thách này, phẩm chất và vận tốc trở thành hai yếu tố quan trọng hàng đầu. Cùng với sự thông minh nhân tạo, những tiến bộ về đủ mọi ngành khoa học đã làm thay đổi đến tận gốc các xã hội hiện tại. Tuy nhiên nền văn minh cơ khí còn có quá nhiều khuyết điểm. Khi Tin Học đem lại nhiều kiến thức cần thiết cho cuộc sống mới, thì Mạng Lưới Toàn Cầu cũng xuất hiện một số tác dụng vị lợi nguy hại, tin tức sai lạc hay chỉ dẫn vô bằng. Nếu những phương tiện dùng để cứu sống con người ngày nay tinh vi bao nhiêu, thì những khả năng dùng để hủy diệt con người lại mãnh liệt bấy nhiêu. Các thực hiện nhân tạo càng vĩ đại, thì sự ô nhiễm thiên nhiên càng gia tăng. Thật là nghịch lý, không gian cho sinh vật thì hữu hạn mà con người cố nới rộng thêm ra, và thời gian thì vô cùng mà con người hấp tấp vội vã như cố thu ngắn lại. Cho tới nay, Vật Lý chưa xác định được quá khứ, hiện tại, vị lai theo không-thời-gian, Toán Học còn mơ hồ trong nhiều nghịch lý và các con số cực đại cực tiểu, Triết Học đang tìm chỗ đứng khả dụng trong các sinh hoạt hiện đại. Con người vẫn chưa hiểu được những động lực đối kháng tạo ra cảnh trần gian này để có thể hóa giải các động lực đó, và tới một cuộc sống an lành hòa hài.

            
Với ngành y dược Tây phương bây giờ thật tân tiến và kỳ diệu, người ta thấy còn cần những bộ môn trị liệu cổ xưa từ Đông phương, như Châm Cứu, Chỉnh Xương, Tẩm Quất, Khí Công, và Dược phẩm luân phiên hay bổ túc. Tại Hoa Kỳ, National Center for Complementary and Alternative Medicine dùng cả trăm triệu Mỹ kim để nghiên cứu vấn đề này, theo khoa học chính xác. Thời nay, nhiều vị trong giới y tế tin rằng đông y và tây y có thể bổ túc lẫn nhau, trong một y khoa hợp nhất, hay đúng ra là một y khoa liên hợp. Vấn đề thật là phức tạp. Theo thiển ý thì hai nền y khoa này dựa vào những lý thuyết hoàn toàn khác biệt, dùng âm dương ngũ hành để giải nghĩa phương cách chữa trị theo tây y cũng khó khăn như dùng các phản ứng dược lực hay sinh học phân tử để chứng minh tinh khí thần trong đông y. Tuy nhiên, vì dược liệu được dùng trong cả hai nền y học có khi cho một tác dụng tương đương bởi có cùng một hoạt chất, chúng ta cũng hi vọng dùng được những phương pháp khoa học thực nghiệm hiện đại để kiểm chứng hay phát hiện thêm giá trị của các phương thuốc phức tạp cổ truyền.

12 tháng 8, 2003

Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010