Site map
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Copenhagen Denmark

Copenhagen Denmark

Helsinki Finland

Helsinki Finland

St Petersburg Russia

St Petersburg Russia

Tallinn Estonia (Old Town)

Tallinn Estonia (Old Town)

Stockholm Sweden

Stockholm Sweden

Cô gái bán nước (Tallinn, Estonia) - Ảnh của tác giả

Cô gái bán nước (Tallinn, Estonia) - Ảnh của tác giả

St. Petersbourg - Ảnh của tác giả

St. Petersbourg - Ảnh của tác giả

Stockholm - Ảnh của tác giả

Stockholm - Ảnh của tác giả

Tượng 3 thợ rèn Helsinki - Ảnh của tác giả

Tượng 3 thợ rèn Helsinki - Ảnh của tác giả

Subway tại St. Petersburg - Ảnh của tác giả

Subway tại St. Petersburg - Ảnh của tác giả


Tham dự Diễn Đàn
Loading
Chuy‰n ñi Baltic Cruise ñi Tìm Ki‰m S¿ ThÆt 150% Cûa Dân T¶c Tóc Blond Chính CÓng
Nguyễn Dương

Hai cô đầm blond không vào xe hơi được vì bỏ quên chìa khoá xe trong xe hơi. Một cô cố gắng loay hoay kiếm cách mở cửa còn cô kia đứng ngắm xem. Một hồi sau cô đầu tiên nói “không tài nào mở cửa xe được!” Cô thứ hai nói “cứ thử nữa vì mưa sắp tới rồi mà mui xe (topless) đã được bỏ xuống rồi!”

Hay là tại sao cô đầm blond để một mắc áo trong ghế sau xe hơi? Trả lời: để dùng khi cô ta để quên chìa khoá trong xe.

Hay là tại sao cô đầm blond cố thử ăn cắp xe cảnh sát? Vì cô ta thấy số 911 ở đằng sau xe cảnh sát, cô ta tưởng lầm đó là xe Porsche!

Hai cô đầm blond đang đi dạo phố thì một cô la lên: “Kià trông coi con chó với một con mắt”. Cô đầm kia bèn che một mắt rồi hỏi nó ở đâu vậy?

Sở dĩ N. viết bài này không phải là viết để tìm kiếm IQ của các cô blond mà là N. ngẫu nhiên được đi theo một nhóm bạn (trong đó có vợ chồng BS TQĐông và BSx2 TCMỹ/BSinh khoá YK 69 và BS VTTiến vài khoá sau) đi cruise NCL (Norwegian Cruise Line) các nước Bắc Âu nơi mà tập trung nhiều nhất các dân tộc tóc blond. Cruise này được thành hình do chị Nghiêm ThuTrang hay Trang Nghiêm theo tiếng Mỹ (nhớ phải viết “nghiêm trang” đấy nhé!). Chị Trang Nghiêm đã tổ chức cuộc đi du ngoạn này rất là cặn kẽ đáp ứng với nhiều ý muốn khác nhau (truyền thống Việt nam mà!) của nhóm (49 vị chứ không phải ít đâu). Thành thật có lời khen ngợi.

Cũng vì miền Bắc Âu này có nhiều người tóc blond, mắt xanh, cao lớn tiêu biểu cho dòng giống Aryan mà Hitler mong muốn các nước Scandinavian (Norway, Sweeden, Denmark và Finland) trở thành các nước Aryan gương mẫu nên Hitler nhẹ tay không bỏ bom xả láng tàn phá trong trận chiến tranh thế giới thứ hai.

COPENHAGEN

Tới Copenhagen lúc 3 giờ trưa, hơi đói, sau khi nhận phòng khách sạn, nhóm bạn N. đi tìm kiếm đồ ăn trưa. Vì là nơi đất lạ tiếng nói lại không nhận ra được và Đan mạch không xài US dollars nên phải đi đổi ra tiền Danish krones. N. học được bài học đầu tiên là nên đổi một lúc 300 đô la vì cước phí đổi 300 đô cũng giống như đổi 100 đô là 37 krones (1 US dollar bằng 5 krones) vì sau khi thấy N. đổi 100 đô thì anh bạn đồng hành cũng đổi 100 đô và phải trả thêm 37 krones nửa. Lúc đó trên phi trường cạnh hotel không có tiệm ăn nào ngoài tiệm Burger King (về sau mới biết đi xa hơn một tí thì có vài tiệm ăn khác) nên oái ăm thay bay cả ngàn dặm xuyên qua cả Đại Tây Dương mà món ăn đầu tiên ở Bắc Âu lại là hamburger! Bài học thứ hai là khi đòi thêm ketchup hay mayonnaise thì phải trả thêm gần một đô la mỗi thứ đó là chưa kể giá Burger King mắc gấp hai lần tiền bên Mỹ.

Vì tranh thủ thời gian du lịch nên nhóm N. rủ nhau đi dạo Copenhagen ngay. Nhóm nhà quê mới lên tỉnh này lớ ngớ bị lạc tàu metro không biết nên lên hay xuống tàu (vì tất cả đều viết bằng chữ đan mạch) làm quẩn chân khách metro nên chắc chắn bị nhiều cập mắt chế riễu của dân đan mạch mang máng mắng vốn là “again Chinese people” nên nhóm N. tự nhận ngay là …. ba tàu cho đỡ quê! (Chú ý: những lời vui nhộn này chỉ là để kể lại lời nghe thấy mà thôi và đó chỉ là lời phản ảnh thông thường của dân VN chứ cá nhân N thì N. có nhiều bạn người VN gốc Hoa mà N. hằng kính mến.)

Đi bộ ở down town khu Stroget là khu dành cho khách bộ hành cả dân điạ phương và dân du lịch đi mua bán, N. nhận xét đầu tiên là sau khi đã sống trên 7 năm ở Đức quốc thì khu Stroget này không được sạch sẽ cho lắm: nào rác rưới lẫn nước đái khai không sạch bằng Frankfurt. Có điều lạ là khi ngồi nghỉ chân thì thấy thỉnh thoảng một người đàn ông ăn mặc cũng không lấy gì làm tồi tàn như dân vô gia cư mà lại lục thùng rác công cộng nhặt lấy vài ba lon nước plastic được vứt bỏ cho vào túi lớn rồi thản nhiên đi tiếp như đang đi chợ. Về sau mới được biết đó cũng là một cách kiếm ăn sinh sống vì họ cũng có thể kiếm được 1000 đô la mỗi tháng!

Khu Stroget đầy nam nữ thập phương tấp nập lang thang, có người thì ăn mặc rất sang trọng rất à la mode nhưng thỉnh thoảng lại có vài người ăn mặc sồ sề làm N. nghĩ đến truyện The Ugly American. Lác đác có dân Ả rập và da đen nhưng ít thôi. Đi một hồi thì bao tử chạy cào cào nhóm N. quyết định ghé ăn gyros ở một tiệm Schwarma (chain restaurant như McDonald) vì khi đi ngang qua được ngửi mùi thịt nướng đầy quyến rũ (tuy rằng có thấy vài tiệm McDonald, Burger King và một Kentucky Fried Chicken nhưng không lẽ lại ăn fast food Mỹ hay sao?) Tiệm ăn Schwarma khá đông khách nên họ thao hồ cứa cổ lấy tiền vì là dân ba tàu nên khi họ đòi tiền bằng tiếng đan mạch thì nhóm N. ngú ngớ chìa tay ra với đống tiền krones cho họ lấy bao nhiêu cũng OK!

Đầu Stroget là Town Square là một bãi sân ciment trống có một nhóm người đánh nhạc Peru với cây đàn khàn (hay khèn) dập dình thì có một xe cảnh sát tới bắt dẹp và biên phạt ticket. Nhóm nhạc này thu dẹp xong nhưng khi xe cảnh sát đi khỏi thì họ lại lôi ra khảy đàn và bán CD tiếp (ở Frankfurt cũng có như vậy). Cạnh đó có một toà nhà cao có 2 tượng cô gái thời tiết bằng mạ vàng (the golden weather girls): một cô đi xe đạp sẽ hiện ra nếu trời tốt và một cô cầm che ô dù báo hiệu khi mưa. Tục đồn rằng trong tất cả đàn bà và cô gái của tỉnh Copenhagen này chỉ có thể tin tưởng được 2 cô đó mà thôi!

Ngày hôm sau nhóm N. đi canal boat tour đáng đồng tiền bát gạo tuy rằng chỉ được xem mông và lưng cô Little Mermaid mà thôi (vì tượng đó ở cạnh bờ và quay mặt về phiá bờ sông). Nhóm N. không đi xem Tivoli Gardens như sách du lịch khuyên vì Tivoli Gardens chỉ là một amusement park đầy con nít đi như Disney World ở bên Mỹ (dân Đan mạch đồn là Walter Disney lấy nguồn cảm hứng khi đi thăm Tivoli Gardens vì đã được xây dựng từ hồi năm 1843 rồi).

Nói về thức ăn truyền thống đan mạch thì có món cá herring là chính và món smorrebrod (như sandwich mở ngửa), vì không thấy ngon cho lắm nên nhóm N. không nếm. Nhưng bia Tuborg và Carlsberg thì uống rất khá.

Copenhagen còn có khu Christiania là một free wheeling community sống một cách lập dị “hippie cần sa” nhưng vì thấy không lấy làm hấp dẫn lắm nên nhóm N. không đi xem.

Khi đi về bến Copenhagen thì tàu đi dưới cầu Oresund khá dài (10 miles) và khá cao nối liền Thụy điển và Đan mạch. Sau 9 ngày lênh đênh trên tàu ăn toàn đồ ăn Âu châu, vợ chồng N. và TQĐông thèm ăn cơm Việt nam thì được chỉ dẫn tới tiêm LêLê mà ông chủ là một cậu trẻ trung rất lễ phép. Tiệm LêLê bày biện trang trí rất tân thời sang trọng và có đông khách da trắng (nhóm N. là khách duy nhất da vàng). Ăn phở và bún chả cũng được nhưng quá đắt (như đời sống ở Đan mạch): một tô phở nhỏ hơn một tô xe lửa ở bên Mỹ nhưng giá gấp ba (27 đô la một tô). Hỏi thêm thì được cho biết là lương nhân công rất cao và trả thuế cỡ 50-60%. N. có hỏi cô tiếp viên khách sạn thì cô ta cho biết là lương cô ta là 4000 đô la một tháng và phải trả thuế khoảng 2000 đô la).

Ở ngoại ô Copenhagen nhóm N. và TQĐông đi xem Fredericksburg Castle ở tỉnh Hillerod phải đi xe lửa 45 phút mới tới. Được mệnh danh là Danish Versailles nhưng theo N. thì thua xa, thua luôn cả lâu đài Peterhof ở St Petersburg (sẽ kể sau). Lâu đài này được xây vào năm 1620 nhưng bị cháy hoàn toàn vào năm 1859 nhưng sau đó được xây dựng y nguyên trở lại với nguồn tài trợ do vua rượu bia J.C. Jacobsen (Carlsberg beer). Muốn xem lâu đài này phải đi ngang một hệ thống sông hào. Vua chúa ngày xưa cũng phải đi qua cầu khi đi dạo mát vườn hoa sau lâu đài của họ. Có điều đặc biệt là lâu đài này không xài đèn điện vì họ muốn trưng bày lâu đài như thủa xa xưa vua chúa sinh sống. Đã thế họ treo không biết bao nhiêu là bức tranh gia đình vua chúa cộng thêm với nhiều coat of arms đen tối nên khung cảnh âm u không đèn sáng với các hình ông già bà già quá cố nhòm xuống rất là ma quỷ.

Khi đi ngang tấm tranh vua chúa thời cận đại vì là dân Úc gốc Việt nam nên BS TQĐông vui thích chụp hình chung với một bức tranh lớn của vợ Thái tử đương kim Đan mạch là người thường dân Úc châu (commoner). Bà vợ Thái tử này sắp trở thành Hoàng Hậu vì Queen Margrethe II đương thời nay đã khá lớn tuổi.

N. và bà xã sau khi lên tàu NCL thì nhập thành 4 cặp ăn tối chung nhau gồm có vợ chồng TQĐông, TCMỹ/BSinh và LDĐàm (vợ là DS TTLan, em ruột TQĐông). Ăn chung với nhau đều đều nên có nhiều dịp hàn huyên kể lể thời xưa vì thế N. được biết vài chuyện xóm nhà lá thời sinh viên như chuyện một cô học sinh mới 12 tuổi mà đã ngấp nghé một anh SVYK trẻ tuổi đẹp trai. Cô ta sau đó cũng trở thành SVYK và thành công chinh phục được anh ta(hay tại bị chinh phục thám hiểm). Sau đó vì anh chàng đó không thích ăn cá nên cô ta than phiền yêu dấu là đời cô ta đã không có childhood, teenager-hood mà lại không có cả fish-hood nữa!  Lại còn một chuyện một cô SVYK rất xinh xắn được nhiều chàng trai SVYK trên và cùng lớp mê mệt (“Tất cả cho Tất cả”, v.v.) có sức thu hút mãnh liệt qua thời gian lẫn không gian hơn cả máy particle accelerator LHC (Large Hadron collider) ở Thụy sĩ. Rồi chuyện  một cậu SVYK có một cô em xinh đẹp học dược tự nhiên thấy có vài bạn cùng lớp làm quen nịnh nọt đòi làm bạn thân nhưng sau cùng có một anh quận trưởng trẻ đẹp tới đánh tan tất cả không những anh chàng SVYK mà cả vài SVDK cùng trường với cô ta.

HELSINKI (Finland)

Helsinki là thủ đô của Phần lan, cũng là thủ đô Âu châu duy nhất mà không có lịch sử thời Trung cổ với những lâu đài hay vòng đai phòng thủ kiên cố. Helsinki được xây dựng thực hiện do người Nga khi Phần lan bị chiếm đóng thành ra nhà cửa giống kiểu kiến trúc của văn hóa Nga (phim Gorky Park và Doctor Zhivago được quay tại Finland/Helsinki vì thời chiến tranh lạnh Nga sô viết không cho quay phim ở bên Nga).

Phần lan xài bằng tiền Euro và được nổi tiếng với hãng Nokia (cell phone). Thường thường thì dân Thụy Điển đi từ Stockholm tới Helsinki do 2 hãng tàu Viking và hang Siljia. Cũng vì thế mà nhóm N. khi tự đi thám hiểm Helsinki thì tí síu nữa bị trễ tàu. Sở dĩ như vậy là vì là nhóm N. đinh ninh là tàu cruise NCL sẽ đậu ở bến tàu ngay chợ chính Market Square giữa trung tâm thủ đô nào biết đâu tàu đậu ở bến khác mà lúc cập bến không biết rõ chỗ nào.
Market Square là khu chợ trời ở ngay cạnh vịnh biển có nhiều gian hàng bán thức ăn và đồ đạc. Tụi này nếm thử thịt hươu reindeer (loại hươu mà ông già Noel cho kéo) nướng (hơi hăng hăng) và cá salmon grill thổ dân. Cũng được sờ xem lông da thú mink và reindeer. Cạnh đó có suối Fountain Havis Amanda do điêu khắc gia Ville Vallgren tạc một cô gái khỏa thân đứng với điệu bộ khiêu khích (đầu thế kỷ 20) nên Vallgren không được trả tiền công đúng mức và đúng lúc vì hội đồng tỉnh lúc đó rất là cổ thủ vì vậy Vallgren chọc quê bằng cách cho tượng cô ta quay mông đít vào tòa nhà Thủ quỹ của tỉnh. Cũng cạnh đó có nhà bán cà phê cổ kính Café Kappeli. Nhóm N. cũng ghé vào uống cà phê dưới bóng mát cây xanh trong nhà hàng cửa kính thanh lịch. Uống xong cà phê ở đó (và không quên dùng toilet) thì nhóm N. đi thả bộ rửa mắt vườn Esplanade giống như đi bộ ở vườn Tuileries ở Paris.

Cũng gần Market Square có tượng Tsar Alexander II rất nguy nga. Ông vua Nga này chiếm đóng nước Phần lan tuy không được dân Nga ưa thích tín nhiệm (ông ta bị ám sát sau này) nhưng lại được dân Phần lan mến chuộng vì ông ta áp dụng chính sách khoan hồng cho người Phần lan tự trị lấy chứ không Nga hóa (1853) nên được dân Phần lan tạc tượng ngay ở giữa thủ đô (thầm nghĩ đến cảnh Trung cộng Tàu hóa dân Tây tạng). Tượng Alexander II ở ngay giữa bùng binh có khu viện Đại học và nhà thờ Lutheran đồ sộ với nhiều bực thang ciment dài và rộng thênh thang. Vì vậy các bực thang đó đã được chứng kiến nhiều mối tình gay cấn khi các sinh viên khu Đại học tới phơi mình tắm nắng hay tán tỉnh trong hay giữa các phiên học. Gần đó trên đỉnh đồi có nhà thờ Orthodox Uspenski rất đẹp với kiểu kiến trúc đặc biệt mái ngói củ hành (onion shape).

Sau đó nhóm N. nhảy lên xe tram đi thăm nhà thờ Church in the Rock (Temppeliaukio) được xây ở một lòng đồi đá. Nhà thờ đó rất tân thời với trần nhà làm bằng dây đồng cuộn lại (dài tới 13 miles). Tuy lạ nhưng nhà thờ đó không kém phần trang nghiêm (đấy nhớ đã “nghiêm trang” rồi nhé!). Ngồi trên ghế nhà thờ cảm thấy tâm hồn thả bổng lâng lâng như vào một thế giới khác (chạm nghĩ tới xóm Vỹ Dạ -Đây Thôn Vỹ Dạ- thơ Hàn mặc Tử).

Xe tram đi về chạy ngang qua gian hàng to lớn Stokmann Department Stores thì được trông thấy tượng 3 ông thợ rèn mặc quần áo ông Adam (Three Blacksmiths) cử chỉ như sắp đập búa vào cái đe. Tục truyền rằng nếu có một cô gái còn trinh đi ngang qua thì các ông thợ rèn này sẽ đập búa xuống. Nhóm N. đi qua đi lại 3 tượng này nhiều lần và mặc dù có rất nhiều thanh nam thanh nữ lịch thiệp trẻ đẹp đi qua đi lại mà chả có ông thợ rèn nào đập búa gì cả (hay vì đời sống trai gái dân blond của Phần lan đã quá cởi mở rồi -sexual liberation-?)

Khi xem xong đi về, như đã nói trên, nhóm N. đi xe tram về bến tàu, nhưng vì không biết rõ tàu cruise đậu ở bến nào và các chỉ dẩn lại toàn bằng tiếng Phần lan, nên nhóm N. bị một cơn hú vía vì chỉ còn có 30 phút nửa thì tàu rời bến. Hỏi quanh đó thì hóa ra là bến tàu cruise đậu ở bên kia bờ chữ Y. Nhóm N. bèn loay hoay chạy ra bến taxi chờ xe và chia ra làm 2 nhóm nhảy lên taxi chạy ra bờ bến tàu bên kia. Trên xe taxi đầu có N. ngồi trên và đằng sau có bà xã, KÁnh và BSinh. Trong lúc hoảng hốt sợ sẽ lạc 3 ông (vì TQĐông, TCMỹ và LDĐàm và bà xã đi xe taxi sau)  N. được nghe vài mẫu chuyện thú vị khi 3 bà ngồi đằng sau xe tưởng tượng là sẽ lạc mất chồng mà phải đi lấy chồng mới thì phải chọn đàn ông loại nào đây “origin hay không origin?” “that is the question?”! Cũng may là bờ bến tàu cruise ở ngay bờ chữ Y bên kia nên mặc dù đi taxi trên đường khá đông xe cộ phải đi chậm nhưng cũng chỉ mất 15 phút là tới bến tàu cruise (tuy rằng tim N. đóng lô tô nhưng cũng phì cười khi nghe lý luận của các bà đi kiếm chồng mới). Đã thế khi taxi của N. tới thì ngay sau đó xe taxi 3 ông cũng tới ngay không bị lạc trễ! Hú vía! Thế là 3 bà vỡ mộng kén chồng mới!

ST. PETERSBURG (RUSSIA)

Từng là thủ đô thời Nga hoàng (Tsar) khi trước được lập lên do Tsar Peter the Great năm 1703. Ông ta muốn có một bến tàu mà có thể ra được biển Baltic nên ông ta ra triều lệnh làm khô cạn một khu đầm lầy nơi sông Neva đổ ra biển. Như thế cũng thử đoán biết tốn bao nhiêu công của nhân dân Nga để biến một khu sình lầy thành ra một hải cảng sầm uất (hơn 40,000 ngàn tù binh Thụy Điển và dân quê Nga đã hy sinh lao công khổ sở chết mòn ở đó). St Petersburg  bị đổi tên là Petrograd năm 1914 khi cộng sản Bolsheviks do Lenin cầm đầu nổi loạn lật đổ chế độ chuyên chế Nga hoàng để thay thế bằng một chế độ đảng trị còn dã man hơn dưới Lenin/Stalin. Sau đó thủ đô Nga rời xuống Moscow. Khi Lenin chết Petrograd bị đổi thành Leningrad (1924). Leningrad mà chúng ta biết bị cô lập tàn phá bởi Hitler năm 1941 (Đại chiến thứ 2) trong hơn 3 năm liền nhưng không bị thất thủ. Năm 1991 khi bị quân phiệt cộng sản đảo chánh chống Gorbachev, Yeltsin vùng lên và ra lệnh tan rã Nga sô viết. Leningrad được đổi trở lại thành St. Petersburg (St. Pet.) sau khi luật gia/dân biểu Anatoly Sobchak bầu đổi tên lại cùng năm đó.

Trong lúc tập đoàn Lenin/Stalin nắm quyền các lâu đài bị xung công và các nhà thờ bị cấm hoạt động thờ phượng nên bị bỏ bê đổ nát. Chỉ đến khi chế độ kìm kẹp Nga sô viết bị chấm dứt năm 1999 thì St. Pet. với các lâu đài nhà thờ mới được trùng tu trở lại. Cả 2 Tổng thống Vladimir Putin và Dmitry Medvedev đều được sinh trưởng tại St. Pet. và cùng tốt nghiệp ở Đại học St. Pet. State University. Ngoài 2 Tổng thống kể trên, dân St. Pet. cũng được nổi tiếng với thi sĩ Alexander Pushkin, nhà soạn nhạc Pyotr Tchaikovsky, nhà ký giả châm biếm Nikolai Gogol, tiểu thuyết gia Fyodor Dostoevsky (Crime and Punishment, The Brothers Karamazov), nữ thi sĩ Anna Akhmatova với bài thơ bất hủ Requiem kết án chế độ Stalin và đối với dân Ykhoa chúng ta Giáo sư Ivan Pavlov (Physiology) là người Nga đầu tiên được giải Nobel (1904).

St. Pet. với lịch sử đau đớn như vậy, N. không thể nào bỏ quên được cuộc hành trình khổ sở của dân tộc Nga nói chung và dân tộc St. Pet. nói riêng qua sông Neva nên N. kiếm cách đi ra sông Neva mà dúng tay và chân xuống nước giòng sông để cùng chia xẻ với lịch sử của St. Pet.

St. Pet. có nhiều lâu đài nguy nga tráng lệ cũng do phần lớn là bởi Nga Hoàng Hậu Catherine the Great. Bà ta nguyên là một công chúa một xứ nhỏ bên Đức thành hôn với Nga Hoàng Peter III nhưng bà ta đã âm mưu cùng Ngự lâm Quân truất phế chồng bà ta (sau đó Nga Hoàng đó bị ám sát) để tiếm quyền lên làm Tsarine Catherine the Great. Bà ta có 18 ông bồ, người nào mà lấy lòng chiều vui được bà ta được thì bà ta cho mỗi một ông bồ đó một lâu đài to lớn ở vùng St. Pet. Bà ta cũng dùng của cải công quỹ mà mua rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật để trang hoàng bảo tàng viện Hermitage là một trong những bảo tàng viện lớn nhất thế giới. Người hướng dẫn du lịch nói là Hermitage có khoảng chừng 23,000 tác phẩm nghệ thuật (Louvres/Paris có 35,000) và nếu muốn ngắm nghiền xem các tác phẩm đó thì phải mất ít nhất là trên 20 năm mới xem xong hết bộ sưu tập của Hermitage! Khi đi xem Hermitage nhớ đi xem 1 trong 2 tác phẩm thật sự của Leonardo da Vinci (Litta Madonna) hay bức tranh La Danse của Henri Matisse.

Nhóm N. đươc dẫn đi xem nhà thờ Church of the Spilled Blood được xây ngay tại chỗ Nga Hoàng Tsar Alexander II bị giết chết năm 1881. Trong nhà thờ đó có rất nhiều bức tranh gắn trên tường bằng mosaic rất công phu tỉ mỉ. Sau đó nhóm N. đi xem đảo Peter & Paul Fortress được xây dựng do lệnh của Peter the Great dùng để làm nơi chôn cất các vua chúa dòng họ Romanov. Đảo đó có nhà thờ SS Peter and Paul với mái đầu nhọn một thời gian cho là cao nhất tỉnh St. Pet. (sau đó bị đài truyền hình qua mặt cao hơn).

Trên đường đi trong thành phố N. nhận xét thấy các nhà thường dân ở vẫn còn gắn máy phóng thanh làm nhớ tới những lúc dân chúng bị cưỡng bách phải nghe tin tức hay nhạc tuyên truyền đảng cộng sản hay phải nhận lệnh ra tập họp mỗi chiều tối. Xe cộ ngoài đường khá đông đảo kẹt xe nhưng tài xế xe du lịch của nhóm N. rất liều lĩnh lái xe bus to lớn kềnh càng quay chữ U trên đường ngang xương khi gập chỗ xe tắc nghẽn để cố giữ theo đúng thời gian lịch trình định sẵn. Nhóm N. cũng được đi ngang đại lộ Nevskiy Prospekt mà dân St. Pet. tự khoe là không kém gì Champs-Elysées của Paris (theo N. thì Nevskiy Prospekt đâu có bằng được). Cũng trên đường đi nhóm N. gập 3-4 đám cưới và được biết ở xứ hậu cộng sản này đám cưới cũng phải đợi “nhà nước” cho phép mới được, lẽ dĩ nhiên là “nhà nước” đâu có theo ý muốn riêng tư hay feng shui ngày lành tháng tốt của mỗi cặp nam nữ nên tất cả đều phải “xếp hàng” tới lượt mới được cập kê trong các ngày làm việc trong tuần. Vì vậy mà đang giữa ban ngày thường như ngày thứ tư và thứ năm nhóm N. được trông thấy các cô dâu chú rể lạng xe cưới trên cầu “kiss” hay gần tượng một ông nổi tiếng là làm hên cho cặp tân hôn.

Cảm tưởng riêng của N. là St. Pet. rất đẹp với các nhà thờ, lâu đài, bảo tàng viện công viên vườn tược huy hoàng nguy nga vàng choé lộng lẫy nhưng có rất nhiều khách du lịch nên cái gì cũng phải làm đuôi xếp hàng mồ hôi mồi kê chờ đợi tới lượt mà xem nên cũng mất hứng nhiều. Đã thế ngẫm nghĩ là biết bao nhiêu công quỹ đã bị phí phạm bởi các vua chúa độc quyền ngày xưa (kể cả ở hoàng gia bên Pháp, bên Ý hay bên Áo…) trong khi đó thì dân chúng phải è cổ lao động xây dựng thắt lưng buộc bụng để sống còn. Thảo nào Nga Hoàng Nicholas II sau đó bị lật đổ và bị giết chết. Nhưng than ôi dân ngu cu đen lại bị một chế độ đảng trị độc tài thay thế cầm quyền không kém đàn áp đến nỗi mà hướng dẫn viên du lịch hiện tại cũng chưa gột bỏ được sự sợ sệt của đời sống dưới xã hội chủ nghĩa cộng sản nên không dám nói sự thật khi đi giảng dẫn cho khách du lịch.

TALLINN (Estonia)

Estonia là một trong 3 nước Baltic (Latvia, Lithuania) mới được thoát khỏi vòng tay cộng sản mới đây (1991). Thủ đô là Tallinn đang cố gắng xây dựng nhanh để bù đắp những năm bị kìm kẹp dưới chế độ xã hội chủ nghĩa Nga sô viết. Họ cố gắng thu hút khách ngoại quốc như là cho ban nhạc tới thổi kèn đánh trống đón tiếp (hay đánh thức dậy) du khách trên tàu khi tàu cập bến sáng sớm.

Tallinn như là một thành phố tỉnh nhỏ khi so sánh với các thủ đô các nước bên cạnh như Copenhagen, Helsinki hay Stockholm của Bắc Âu, tỉnh êm đềm với các đường đá lổn nhổn cổ kính. Tuy vậy N. cũng thấy có khá nhiều xe hơi bóng loáng hiệu Audi, BMW, Porsche hay Mercedes. Nơi thắng cảnh như các nhà thờ Dome Church(Toomkirik), lâu đài Toompea hay Tall Hermann Tower không có gì đặc sắc lắm nhất là sau khi đã đi coi các lâu đài công viên tráng huy hoàng của St. Pet. rồi. Khu Old Town du khách đi theo đường Pikk đầy quán ăn và tiệm hàng hóa. Công viên Kadriorg cạnh bờ biển cũng thường chỉ có cái lạ là có dinh Tổng thống ngay cạnh đó mà chả có hàng rào cảnh sát gì cả. Dân du lịch có thể tới ngay trước dinh để chụp hình một cách dể dàng. Chỉ có 2 anh lính đứng trong thế nghiêm canh gác mà thôi chả bù với cả một tiểu/trung đội cảnh sát ở ngoài hay ở ngầm với nhiều xe cảnh sát hờm dữ như ở các thủ đô các nước khác. Chả ai tới xua đủa đi gì cả! (nghĩ tới Toà Bạch Ốc!). Ngoài ra chỉ nhớ là rất có ít WC công cộng (phải trả tiền) nên phải xếp hàng chờ đợi khá lâu.

STOCKHOLM (Sweeden)

Nước cuối chuyến du ngoạn là ở tỉnh Stockholm là thủ đô của Thụy Điển. Vì ở cạnh biển Baltic và nước không được sâu lắm nên phải dùng tàu tender như con thoi đưa đi qua đi lại rồi đi xe bus/hay train mới tới thủ đô được. N. nhận xét thấy nước biển Baltic không có nặng mùi nước biển như ở các biển khác và nước không được có màu xanh dương mà hơi đục đục như là vì gần đất bùn.

Trên xe bus đi từ tàu tender ra trung tâm thủ đô, nhóm N. được chở đi ngang một khu dãy nhà giàu apartment ngăn nắp hướng ra biển với những hàng cây xanh tươi được cắt ngắn gọn ghẽ (khu Strandvagen). Nếu bạn mà có nhà ở đó bạn có thể “gáy” là Tiger Woods (đã ly dị với bà vợ đầm blond người Thụy điển) là người cùng xóm với bạn!
Nhóm N. khi đi dạo ở khu Old Town (Gamla Stan) thì ngẫu nhiên được dự kiến cuộc thay đổi lính gác của vua Thụy điển. Cảnh trông thấy các lính trẻ trung này trong bộ lễ phục xanh tím đầu đội nón đồng bóng loáng với mũi nhọn trên đỉnh đầu cưỡi ngựa to lớn cộp cộp trên đường đá coi cũng được lắm. Cũng nói qua về dòng họ vua Thụy điển hiện nay là dòng giống của một ông Thống chế người Pháp tên là Bernadotte dưới quyền Napoléon ngày xưa. Sở dĩ có chuyện như vậy là vì ông vua thật sự cuối cùng người Thụy điển không có con nối dõi nhưng ông ta thương Thống chế Bernadotte nên mời ông ta tới nối ngôi (xem bài Đi theo vết chân Désirée trong Tập san Y sĩ Canada).

Gần đó nhóm N. ghé xem viện bảo tàng Nobel (Ông Alfred Nobel sinh đẻ tại Stockholm) với các hình những nhân vật được giải thưởng Nobel. Các hình đó được treo trên trần nhà và di chuyển theo một đường rầy như là quần áo được treo trong tiệm giặt ủi. Khu Stortorget ở Old town cũng như ở các thủ đô trước đầy du khách lượn đi lượn lại. Trước đó nhóm N. được đi xem toà bảo tàng Vasa Museum là nơi chứa một con tàu chiến gỗ thế kỷ thứ 17. Tàu đó bị chìm tại bến ngay khi xuất cảng đầu tiên (làm chạnh nhớ đến chuyến tàu Titanic bị chìm ngay trong chuyến đi đầu tiên tuy rằng được khoe khoang là tàu đó không thể nào chìm được -unsinkable- nhưng ít nhất tàu Titanic cũng nổi đi băng qua Đại tây Dưong). Sở dĩ có chuyện như vậy là vì ông vua Thụy điển lúc đó muốn khoe là ông ta có một con tàu chiến lớn nhất thời đó với nhiều khẩu súng thần công nhất. Tàu đó được lệnh ra khơi mà chưa được thử xem có nổi được không với từng ấy số khẩu súng thần công.

Vì sợ bị đi lạc và muốn tránh bị hú vía như kỳ phiêu lưu xe bus/tram ở Helsinki nên kỳ này nhóm N. không dám mạo hiểm nhảy lên xe bus “Hop-on, Hop-off” như cô Trang Nghiêm khoe sau đó là cô ta đã được ghé nhà làm bằng đá lạnh igloo “Absolut Icebar” -rượu vodka- nên thấy hơi thiếu thiếu một tí (không biết cô ta có bớt “nghiêm trang” sau khi uống vodka hay không?).

Cảm tưởng N. là khu trung ương Stockholm nhiều du khách quá. Stockholm với dân số 1 triệu 8 là đông dân cư nhất trong các thủ đô vừa qua (trừ St. Pet. là thủ đô cũ). Có một thời Stockholm là thủ đô của dân tóc blond nhưng từ năm 1960 sau khi có chính sách mở cửa Thụy điển đã chấp nhận dân di cư khắp thế giới đến lập nghiệp. Chính sách đó đáng khen nhưng nó đã làm bớt đặc tính “blond” của dân Thụy điển. Đã thế dân di cư tới lại om sòm đòi bình đẳng như là N. được chứng kiến một cuộc mini biểu tình (độ năm bảy người Ethiopian) ở Stortorget. Cũng phải thành thật mà nói tóc blond óng ả của họ đẹp thật và thân hình các cô Bắc Âu cũng thon hơn nhiều các cô/bà ở xứ dư thừa Hoa kỳ này. Thảo nào chỉ có vài phút ngắn ngắm một cô bé bán nước mà đã có một ông trong nhóm đã xuất khẩu thành thơ ca tụng cô ta thắm thiết!

Chung qui cuộc du ngoạn xứ “blond” này N. nhận thấy các vua chúa xưa quá giàu sang xây cất lâu đài vườn tược riêng thâm thủng xài tiền công quỹ như là tiền riêng của họ trong khi đó dân chúng sống khổ sở lao động không công. Thảo nào các dòng họ vua chúa đó (Nga, Pháp, Áo-Hung gia lợi…) bị dân lật đổ giết chết còn nếu may mà còn sống thì được cho ngồi chơi xơi nước. Đời sống hiện tại dân Bắc Âu rất cao nhưng được bù lại dân không phải lo về sức khỏe hay giáo dục cho con em nên người dân Bắc Âu đã không phàn nàn lắm vì sưu cao thuế nặng mà lại còn hãnh diện là đời sống xã hội của họ là mục tiêu cuối cùng của xã hội nhân loại. Ngoài ra đó chuyến đi này rất hên vì ai cũng nói là vùng Bắc Âu rất mưa lạnh (trong một năm dài chỉ có độ 55 ngày có nắng mà thôi) nhưng kỳ này đi cả 9 ngày mà cả nhóm không bị mưa ướt gì cả và nhiệt độ thì man mát không nóng gì lắm.

Để kết thúc N. xin kể 2 chuyện phiếm sau đây:

Chuyến đi về từ Copenhagen tới Washington DC tí xíu nửa thì bị kẹt trễ. Cũng chỉ vì có một cô đầm blond (lại blond nữa!) hành khách có mua vé hạng bình dân (economy) nhưng khi cô ta lên máy bay thì cô ta chễm trệ ngồi xuống chỗ ghế hạng nhất. Cô tiếp viên phi hành nhỏ nhẹ nói với cô ta là cô ta phải xuống sau ngồi ở loại economy nhưng cô đầm blond nhất định cứ ngồi ở ghế hạng nhất không chịu rời xuống sau. Cô ta nói cô ta là blond, trẻ, đẹp ăn mặc chỉnh tề tôi phải ngồi ghế hạng nhất. Thuyết phục mải không xong, cô tiếp viên phi hành bèn phải trình lên ông phi công trưởng. Ông này sợ trễ giờ máy bay cất cánh vì phải gọi cảnh sát. Ngẫm nghĩ một lúc sau ông ta xuống ghế hạng nhất thì thầm với cô blond vài câu thì nàng blond này bỏ đi tức thì trở về khu ghế bình dân của cô ta ngay! Sau khi máy bay cất cánh cô tiếp viên hỏi nhỏ ông trưởng phi công là ông nói gì mà cô ta riu ríu nghe theo hay vậy. Ông phi công nói có gì đâu, tôi chỉ nói với cô ta là vé hạng nhất không đi tới Washington DC!

During a recent password audit by Microsoft & Google,
it was found that a blonde was using the following password:
"MickeyMinniePlutoHueyLouieDeweyDonaldGoofySacramento"
When asked why she had such a long password, she said
she was told that it had to be at least 8 characters
long and include at least one capital.

And for NCLNghiêm Trang Cruise members (all non-blond except ? one) for a password with 6 characters all capitals: CopenhagenBerlinHelsinkiSt. Petersburg (ex.)TallinnStockholm!

Nguyễn Dương

Tài liệu tham khảo:

1-Steves, Rick. Rick Steves’ Scandinavia. 2010. Avalon Travel, Berkeley, CA.
2-Eyeswitness Travel. St. Petersburg. 2010. DK Publishing, Inc., NY, NY.
3-Le Petit Larousse illustré. 1982. Librairie Larousse, 1980. France.
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2012