Site map
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
CoverVietFinal-b (532 x 800)

Tham dự Diễn Đàn
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2012
M¶t Dân T¶c NhiŠu ñau ThÜÖng (CHÜÖng 2) ñ­C: Tình Yêu Cûa M¶t Phóng Viên Cho
Nguyên tác tiếng Anh
Tác giả: Uwe Siemon-Netto
Dịch thuật: Lý Văn Quý & Nguyễn Hiền


Hồi tưởng 1

Khi người chiến binh rơi lệ

"Chúng ta đã quá quen thuộc là những người chết đều là đàn ông cho nên cảnh tượng xác chết của một người phụ nữ thật là khủng khiếp." (Ernest Hemingway).

Người chiến sĩ không khóc lóc một cách dễ dàng, nhất là khi trong lúc chiến đấu. Vậy mà khi tôi đã chứng kiến chuyện này vào đầu tháng 2 năm 1968 khi tháp tùng một tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, từ phi trường Phú Bài tiến dần vào Huế, lúc đó còn đang nằm trong tay Cộng quân. Khi chúng tôi tiến vào ngoại ô của cái thành phố đã từng một thời là kinh đô của Đế chế Việt Nam, xác chết đầy ngập trên đường và những người lính TQLC phải khiêng họ qua một bên dưới lằn đạn bắn tỉa của kẻ địch để mở đường cho đoàn quân đang tiến lên.

Một số xác chết là những ông già với bộ râu trắng mỏng nhưng hầu hết đều là phụ nữ và trẻ em ăn mặc đồ đẹp trong dịp lễ Tết. Qua những vết thương và tư thế nằm của họ, chúng ta có thể nhìn ra là họ bị giết không phải vì mảnh bom hay đạn lạc vô tình. Không, những người thường dân này đã bị bắn chết ngay trước mặt, đã bị tàn sát bởi Việt Cộng, giống như hàng ngàn người khác mà sau này thân xác mới được tìm ra.

Hemingway đã chưa nói đủ khi ông viết hồi tưởng về thời gian ông làm tình nguyện viên Hồng Thập Tự trong Thế Chiến Thứ Nhất: "Hình tượng của một người phụ nữ bị giết thật là kinh hoàng." Đối vời người bình thường - nhất là các chiến binh - cảnh tượng này quá sức chịu đựng của họ. Bởi vậy, phản ứng tự nhiên là những người lính trẻ Hoa Kỳ đã rớt lệ vì họ là những người bình thường, những người đàng hoàng, và luôn luôn có niềm tin sâu sắc là Chúa đã tạo dựng nên người phụ nữ để được thương yêu, không phải để bị tàn sát.

Có một cái gì đó đặc biệt kỳ lạ về cảnh tượng này - kỳ lạ một cách huyền diệu. Ngay trong cái chết, những người đàn bà đã gây xúc động phi thường vì thân xác họ vẫn còn ôm siết bảo bọc những đứa con nít. Những xác chết này còn ăn vận những bộ đồ sạch sẽ, những chiếc trang phục quốc hồn quốc túy Áo Dài để đón mừng Năm Mới. Tôi còn thấy cả là họ đã làm móng tay và trang điểm cẩn thận để chuẩn bị cho một ngày lễ lớn nhất trong năm.

Thật là nhục nhã khi có một số những người Mỹ bênh vực cho chế độ Hà Nội, chẳng hạn như triết gia Noam Chomsky và nhà sử học Marilyn P. Young vẫn tuyên bố cho rằng vụ thảm sát Huế không bao giờ xẩy ra. Đối với tôi đó là một thái độ không trung thực về mặt tri thức, chẳng khác gì những người đã không tin vào sự kiện Holocaust thảm sát người Do Thái, hoặc những nhà trí thức Tây phương thật đáng xấu hổ khi thăm viếng Liên Bang Sô Viết trong lúc Stalin đang giết hại hàng trăm ngàn người kulaks, tên gọi của những người tiểu nông, mà cho rằng những tội ác này không hề có.

Tôi xin xác nhận ngay tại đây và sẽ nhắc lại sau này trong suốt cuốn sách là: Tôi đã chứng kiến những gì Cộng sản đã làm tại Huế, và tôi đã đứng trên mép những mồ chôn tập thể sơ sài, nơi bọn chúng đã vùi lấp các nạn nhân. Điều hiển nhiên là một số còn đang sống. Vài địa điểm kể trên đã được tìm ra nhờ những bàn tay của những người phụ nữ đang dãy chết trồi lên khỏi mặt đất trong một nỗ lực tuyệt vọng để thoát khỏi tử thần. Những bàn tay này có các móng tay đã được cắt tỉa cẩn thận.

Chương 2

Yếu tố Gillian

"Em yêu anh như yêu biển cả, như yêu bầu trời," Josephine đã nói với tôi như vậy.

Câu nói này đã xác định sự gắn bó của tôi với đất nước Việt Nam nhưng cuối cùng lại không thành đối với Josephine, mặc dù không phải do lỗi của nàng. Sau lần cùng nhau "nhảy múa" dưới biển, chúng tôi gặp nhau thường xuyên hơn khi tôi không phải xa thành phố theo chân những cánh quân Việt Nam Cộng Hòa hay các toán Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ đi hành quân. Vẻ yêu kiều của nàng đã tô thắm cho những buổi cơm chiều tại nhà hàng ưa thích Le Royal của tôi trên con đường Nguyễn Huệ. Nhà hàng Le Royal là một tiệm ăn phục vụ theo lối Tây thời xưa với khăn trải bàn trắng được giặt hồ. Jean Ottavi, chủ nhân người đảo Corse là một người rất hoạt bát, ốm nhom, khoảng ngoài 70 tuổi với cái tài chọc cười cô vợ mà số tuổi sống trên trái đất này bằng số lần ông ta hút thuốc phiện mỗi ngày - 35 cho mỗi thứ trong thời gian tôi gặp ông ta, hoặc được người ta kể lại như vậy.

Tôi đưa Josephine đi dự những buổi hòa nhạc và vui chơi. Thỉnh thoảng vào ngày thứ bẩy, chúng tôi lái xe đến Câu Lạc Bộ Trên Nước để trượt nước trên sông Sài Gòn. Vào năm 1965 điều này còn thực hiện được nhưng sau này thì trở thành hết sức nguy hiểm vì tình hình chiến sự tiến gần vào thành phố.

Có lần tôi giúp Josephine làm một chuyện có thể kể là "hy sinh hết mình." Nàng yêu cầu tôi mang về một chai nước mắm quý hiếm nhân một chuyến đi công tác làm phóng sự tại Phú Quốc. Vì chiến tranh, loại nước mắm này không còn bày bán nữa trong các tiệm tạp hóa tại Sài Gòn. Nhiệm vụ này đã biến thành một cuộc hành trình xuống "tầng địa ngục thứ nhất Dante" của tôi. Tôi dùng ẩn dụ chẳng qua là thế này: từ nhỏ tôi mắc chứng bệnh dị ứng với đồ biển. Tôi có thể chết nếu ăn trúng thịt cá hay ốc biển. Chứng này không làm đời sống tôi dễ dàng chút nào khi phải sống tại một xứ mà văn hóa về ăn uống có món gia vị quan trọng nhất là nước mắm, một loại nước chấm chứa nhiều chất đạm làm ra từ cá lên men. Điều này không có nghĩa đây là một cái gì quái dị đặc biệt của Đông phương vì dưới thời Đế chế La Mã, mỗi bàn ăn đều có một lọ chứa một loại nước mắm tương tự gọi là garum. Thật cảm ơn Đế chế La Mã đã sụp đổ lâu rồi cách đây một ngàn năm trăm năm, để lại cho những người Tây phương chúng tôi còn lại vỏn vẹn một chút tàn tích của loại nước chấm garum dưới dạng con cá cơm thối trong nước chấm Worcestershire.

Mỗi khi được mời dự ăn tối tại tư gia người vùng Đông Nam Á, tôi thường báo trước chủ nhà là tôi ăn chay. Tôi phải nói dối vì họ thường dễ chấp nhận hơn là nếu nói bị dị ứng, hơn nữa điều này đã giúp tôi được xếp cùng hạng với các vị tu hành áo nâu thuộc Phật giáo Đại Thừa, tôn giáo chính của Việt nam, họ cũng ăn chay vậy. Tuy nhiên, nguyện vọng của Josephine là một sự hy sinh lớn cho tôi trong chuyến đi Phú Quốc để viết bài tường thuật về trại giam tù binh cộng sản tại đó.

Đối với những người mê nước mắm thì Phú Quốc thật sự là Médoc của những người yêu rượu vang Bordeaux. Trên cái đảo lớn đó trong Vịnh Thái Lan, nước mắm được xếp tương đương với rượu Château Margaux hay Château Latour và được sản xuất trong những thùng gỗ với những phương tiện máy móc giống như để ép dưa bắp cải vậy. Ngày đầu tiên tôi trên đảo đã có một sự khởi đầu thú vị. Trong lúc tôi đi dạo trong trại giam, một tù binh mặc đồ đen đọc thẻ tên tôi trên bộ áo trận và nhận ra tôi là một phóng viên người Đức.

"Ông là người vùng nào của nước Đức vậy?" Anh ta hỏi tôi bằng tiếng Đức với giọng Saxon, một tiếng dân địa phương kỳ cục nhất của những thổ ngữ Đức.

"Nơi mà bạn đã học được tiếng Đức," Tôi đáp lại với cùng một giọng.

"Leipzig?"

"Đúng, Leipzig, tôi đã thoát từ Leizig đến Tây Đức khi còn nhỏ."

"Tôi học tiếng Đức tại viện Herder," anh tù binh nói. Anh ta là một sĩ quan Quân y Bắc Việt đã từng đi học tại Đông Đức.

"Thật là trùng hợp! Trước kia đó là trường Gaudig-Schule, một trường nữ tốt nhất nước Đức trước Thế Chiến Thứ Hai. Bà nội tôi đã tốt nghiệp trường đó ra. Không chừng bạn có thể đã ngồi trong phòng học của bà." Tôi bảo anh ta.

Chúng tôi tán dóc một lúc bằng tiếng Saxon, làm cho hai anh chàng hướng dẫn Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa đi theo hơi khó chịu vì nghi ngờ chúng tôi trao đổi tin tức bằng tiếng ngoại quốc. Do đó họ hối tôi đi cho mau.

Phần tiếp theo không được vui lắm. Vào buổi trưa tôi phải chịu cực hình đi thăm cả hai mươi trại sản xuất nước mắm nhỏ, chịu đựng một cách dũng cảm quang cảnh và mùa vị của hàng lớp cá đang thối rửa xen kẽ với từng lớp muối. Thật là một phép lạ là tôi đã không bị té xỉu bởi mùi hôi thối và tránh được khỏi phải nếm những mẫu chất lỏng, sản phẩm cuối cùng của qui trình sản xuất, mà không làm mích lòng chủ nhân đang tỉm tủm cười.

Tuy nhiên tai họa đã xảy ra trên đường tôi về Sài Gòn. Tôi lên chiếc Air Vietnam DC-3 khiêng theo một thùng quà tặng chứa sáu chai nước mắm chính hiệu. Tất cả các hành khách khác, quân nhân cũng như thường dân, mọi người đều như vậy cả. Hầu hết cất gọn các chai nước mắm trên giá dành cho hành lý xách tay, riêng tôi thì kẹp cứng chúng vào giữa hai chân. Chẳng bao lâu sau khi cất cánh thì máy bay đụng phải vùng nhiễu loạn không khí. Lập tức nó lắc dữ dội từ bên này qua bên kia, gầm hú nhào xuống rồi vọt lên như những chiếc Stuka Đức thời Thế Chiến Thứ Hai. Phi công VNCH thật tài tình! Tôi vội vàng núp xuống khi chai lọ nước mắm bắt đầu rơi lả tả trên đầu chúng tôi, có cái thì nẩy dội trên ghế, cái thì đập vào cửa kính và vách máy bay, rồi rớt xuống sàn vỡ tan, bắn tung tóe lên các tiếp viên phi hành và hành khách, kể cả tôi luôn. Nước mắm tràn khắp nơi, chảy từ vách xuống người chúng tôi, từ khoang đựng hành lý, từ trần máy bay và tràn ra ngoài hành lang.

Cuộc hành trình trở về thật là dài và đầy...mùi vị! Sau khi tạm dừng tại Rạch Giá, một thị trấn ven biển, và Cần Thơ, thành phố lớn nhất của đồng bằng sông Cửu Long, tôi đến phi trường Tân Sơn Nhất Sài Gòn trong một tình trạng khốn khổ. Đầu tóc tôi, bộ đồ trận mới tinh và đôi giầy bốt rừng đều ướt nhẹp, nhưng kỳ diệu thay những chai nước mắm đều còn nguyên vẹn. "Hôi quá, hôi quá," anh chàng tài xế tắc xi Rờ Nôn trên đường đưa tôi về khách sạn Continental than lên. Ông Lợi, quản lý khách sạn người Hoa thì quay mặt đi kín đáo bịt mũi khi tôi đi ngang qua ông trong phòng sảnh. Tôi phải đem vứt bỏ tất cả các bộ đồ trận, quần áo lót và đôi giày rừng đi. Đau đớn nhất là đôi giầy mắc tiền này vì tôi mới mua nó ngoài chợ trời. Đó là kiểu giầy trận mới nhất được lót thép nhằm bảo vệ chống mìn cá nhân. Chưa có một chiến binh Hoa Kỳ nào được cấp phát loại giầy này, vậy mà tôi phải vất nó đi.

Tôi đi tắm và gội đầu sáu lần, và sau đó lái đến nhà Josephine với thằng bé Đức. "Hê hê, ông thúi mùi cá quá," nó vừa nói vừa quay cửa kính xe Trắc xông phía bên nó xuống. "Anh ngửi không được thơm rồi, anh bạn của tôi ơi," Josephine nói với tôi bằng tiếng Pháp, vừa tránh xa tôi ra trong lúc tôi đặt những chai nước mắm trước ngưỡng cửa nhà nàng. Tôi lái xe về khách sạn Continental, lại tắm táp gội đầu lần nữa, và xức từ đầu đến chân bằng nước hoa Hermes và sau đó tự thưởng bằng một bữa ăn tối tại tiệm Royal, lòng tự nhủ Kipling đã có điểm đúng khi tuyên bố: "Đông là Đông, Tây là Tây, hai điều này sẽ không bao giờ gặp nhau." Tuy nhiên mọi điều rồi cũng trôi qua. Josephine và tôi rất tâm đầu ý hợp và có thể sẽ trở thành một cặp đẹp đôi nếu không có một điều tối quan trọng: Yếu tố Gillian.

Gillian là vị hôn thê của tôi. Bởi ân sủng của Thiên Chúa - Điều này tôi xin xác nhận với một ý nghĩa thần học nhất - hôn nhân chúng tôi đã  tồn tại được 50 năm đầy sóng gió nhưng nhiều hạnh phúc trong thời điểm tôi đang viết những dòng chữ này. Và cũng bởi ân sủng của Thiên Chúa, tôi đã thoát khỏi chuyện này và những nhiệm vụ đầy hiểm nguy khác một cách toàn mạng và không bị thương tích lâu dài nào trong thân thể giống như cha tôi đã bị mù trong Thế Chiến Thứ Nhất. Vì vậy tôi có mặt ở đây để viết về điều này.

Tôi đã gặp Gillian ba năm trước tại London, nhiệm sở đầu tiên tại ngoại quốc của tôi với tư cách một nhà báo, và chúng tôi đã cưới nhau tại New York sau một thời gian quen nhau khá ngắn. Sau đó, cũng như bây giờ, nàng là một người phụ nữ đầy sức sống, thông minh và thương chồng một cách mãnh liệt. Nàng rất đẹp, khuôn mặt bầu bĩnh lúc nào cũng tươi cười và một nước da hồng hào mà các cô gái trời Âu lục địa vẫn thèm muốn có được ở các thiếu nữ người Anh. Tuy nhiên và có lẽ quan trọng nhất là Gillian có cá tính chịu đựng cao mà một phóng viên cả đời lang thang như tôi rất cần ở một người bạn đồng hành, nếu không thì hôn nhân sẽ đổ vỡ như đã từng xảy ra quá thường xuyên trong nghề của tôi.

Để chứng minh, tôi không tin là có cô dâu nào lại có thể chấp nhận hoãn lễ cưới không một chút phàn nàn vì phải thích ứng với nghề nghiệp của hôn phu mình. Gillian đã làm được điều đó. Lễ cưới đã dự định sẽ tiến hành tại Nhà Thờ Chelsa Old Church tại London. Ngày hôm sau, thay vì đi tuần trăng mật, chúng tôi sẽ lên tàu Queen Mary qua New York để tôi nhận nhiệm sở mới. Ngày cưới đã được đăng trên các báo Daily TelegraphThe Times. Ông bố vợ tôi đã đặt mua hàng trăm chai champagne. Mẹ tôi, một nghệ sĩ nhạc kịch tôn giáo, thì đã mua vé may bay đi London và thậm chí đã tập dượt hết những bài bản mà bà sẽ phải trình diễn trong dịp lễ cưới.

Trong một buổi chiều tà, khoảng một tháng trước ngày đám cưới, viên trưởng biên tập tại Hambourg Julius Hollos gọi tôi vào trình diện tại tòa báo Daily Telegraph trên con đường Fleet Street:

"Anh xin visa Mỹ chưa, Uwe?" Ông ta hỏi tôi bằng tiếng Đức với giọng Hungary.
"Xong rồi, Julius."
"Có vé máy bay chưa?"
"Không, chúng tôi định đi tàu Queen Mary tháng tới. Ông biết rồi mà?"
"Không kịp đi tàu thủy đâu. Anh phải lên đường ngay bây giờ thôi. Có đọc báo không đó? Khủng hoảng thế giới tới nơi rồi. Cú này lớn lắm! Thằng Henk nó muốn về lại Đức. Nó hãi lắm rồi."

Dĩ nhiền là tôi biết rồi. Thế giới đang ở trong cơn khủng hoảng hỏa tiễn Cuba năm 1962 và mọi tin tức qua đường điện cáp từ New York về tổng hành dinh tại Hambourg đều phải qua văn phòng London, tức bàn giấy của tôi. "Henk" mà Hollos nhắc đến là Henk Ohnesorge, biên tập viên về chính trị tại Liên Hiệp Quốc mà tôi sẽ phải đi thay thế. Cái họ của anh ta tiếng Đức có nghĩa là "vô tư."

"Gì mà nó gấp quá vậy?" Tôi hỏi.

"Nó sợ bị bom nguyên tử. Nó không muốn bị bom lần nữa. Nó bảo nó chán cái đồ quỷ đó lắm rồi sau kỳ chiến tranh vừa qua."

"Ai mà chẳng vậy, Julius. Tôi sẽ đi tháng sau, nhưng tôi phải cưới vợ cái đã."

"Anh làm cái gì, Uwe?" Hollos sủa lại, "Anh muốn làm nhà báo hay làm chú rể tương lai?"

"Dĩ nhiên là nhà báo chứ Julius."

"Vậy thì cho tôi gởi lời xin lỗi Gillian. Cho cô ta đi theo nếu thích nhưng anh phải trả tiền máy bay. Tôi chỉ trả lại chi phí nếu anh cưới cô ta ở New York. Tôi không khuyến khích lối sống đồi trụy."

Julius thật là tay độc ác!

Chiều hôm sau ngày 25 tháng 10 năm 1962 nhằm sinh nhật thứ 26 của tôi, chúng tôi đáp chiếc phản lực của hãng British Overseas Airways VC-10 tới phi trường Idlewild tại New York. Chuyến bay gần như hoàn toàn trống trải vì mọi người đều đi chiều ngược lại, hầu tránh xa hỏa tiễn nguyên tử của Khruschev đặt tại Cuba. Bố của Gillian, ông Sidney, thì rất vui vì không phải trả tiền đống champagne mà ông đã đặt mua. Mẹ của cô, bà Ethel, tiễn chúng tôi đến ga phi trường Knightsbridge, vừa đi vừa khóc. Bà cho là cái thằng ngoại quốc này đã bắt cóc cô con gái duy nhất của bà. Sau này chúng tôi thân thiết với nhau hơn nhưng cho tới khi bà qua đời, bà không hoàn toàn tin tưởng vào cái giấy chứng nhận hôn nhân do giáo hội Immanuel Lutheran Church, góc đường 88 và đại lộ Lexington đã cấp cho chúng tôi 6 tuần lễ sau ngày cưới. Theo ý bà, tờ chứng nhận xấu quá. "Không có một tờ giấy chính thức nào giống vậy cả!" Bà sì môi. Tay trưởng biên tập Julius thì giữa lời hứa. Tôi nhận được tấm chi phiếu trả lại tiền vé máy bay.

Tuy nhiên đây chỉ là khởi đầu cho những ngày tháng khổ đau của Gillian. Không đầu hai năm sau, chúng tôi phải xa cách nhau thật lâu vì cuộc chiến tại Việt Nam. Năm 1966 chúng tôi xa nhau những tám tháng trời. Nhiều tuần lễ liền chúng tôi mất liên lạc với nhau. Điện thư thời đó chưa có. Bưu điện thì không tin cậy nổi. Điện thoại thì phải mất hàng giờ, hay thậm chí cả ngày để gọi về, mà khi gọi được thì giá điện thoại mắc khủng khiếp và đường dây tệ hại đến mức chẳng nghe được gì cả. Chúng tôi thường liên lạc với nhau qua thư từ và quà tặng mà bạn bè đồng nghiệp mang tay đi ra vào trong xứ. Thoạt đầu Gillian ở lại căn phòng thuê ở New York, nhưng sau đó thì về lại Anh quốc để gần với cha mẹ hơn, hy vọng một ngày nào đó rốt cuộc tôi sẽ trở về lại trong cuộc đời của nàng.

Tôi đã từng nói: chỉ nhờ ân sủng của Thiên Chúa mà chúng tôi không chịu chung số phận hôn nhân tan vỡ của quá nhiều các phóng viên và chín mươi phần trăm các chiến binh Hoa Kỳ chiến đấu tại Việt Nam đã từng phải chịu. Không phải chỉ vì thời gian quá dài chia cắt mà vì những gì người chồng trải qua trong cuộc chiến đã để lại trong họ những tác hại tâm lý mà người vợ không thể nào tưởng tượng nổi. Khi chúng tôi tái ngộ với nhau trong những lần nghỉ phép, tôi đã làm nàng thương tổn vô cùng vì không thể nào gần gũi được vợ trong những ngày đầu, không phải vì tình yêu tôi đã suy giảm nhưng vì tôi tự cảm thấy khổ sở và ô uế, vì đã chứng kiến hàng trăm người phụ nữ Việt Nam bị tàn tật hay mất mạng chỉ vài ngày trước đó. Khi tôi nắm tay nàng, tôi sợ làm nhơ nhuốc nàng vì trong trí tưởng tượng hoang mang của tôi, bàn tay nàng đã trở thành bàn tay của những người lính bị trọng thương nắm chặt lấy tôi kêu lên Mẹ ơi trước rồi Chúa ơi sau đó - luôn luôn với thứ tự như vậy.

Có một phóng viên đài BBC, một tay gốc Wales mà tôi không muốn nêu tên ra, đã mách với Gillian về chuyện tình của tôi với Josephine. Trước khi hắn trở về nước Anh, tôi đã tin tưởng hắn và nhờ chuyển giao một gói quà có thư và một chuỗi ngọc tôi đã mua được nhân một chuyến ghé ngang Hồng Kông trước khi qua Sài Gòn. Hắn hứa sẽ trao lại cho Gillian, lúc đó đang sống với bố mẹ trong một tửu quán của họ gọi là The Ham and Blackbird tại Farnborough, Hampshire.

Chuyện gì xảy ra sau đó tôi biết được qua lời kể trung gian vì Gillian không bao giờ nói lại với tôi. Tay người Wales đã đến và ở lại quá giờ trưa của tiệm rượu. Hắn ngồi uống với Gillian trong phòng sảnh, trao cho nàng gói đồ và bắt đầu mách lại là "với sự tín nhiệm giữa người Anh với nhau," là nàng đừng trông mong tôi trở về vì tôi đang dan díu tại Sài Gòn với Josephine, một phụ nữ trẻ đẹp ngườiViệt Nam. Hắn còn tìm cách hẹn tái ngộ với vợ tôi một ngày nào đó tại London. Lúc đó Gillian chận hắn lại, đứng dậy mở cửa quán ra và nói với hắn với một giọng lạnh lùng:

"Ông đi ra khỏi đây ngay! Ông là một người độc ác. Ông không có quyền hại tôi với những điều đồn đãi. Hơn nữa, ông là một người xấu và bất nghĩa với chồng tôi. Thật là xấu hổ! Ông đi đi!"

Nàng đẩy mạnh làm hắn gần té ra ngoài đường. Điều này làm hắn sửng sốt đến nỗi buổi chiều hôm đó hắn kể lại cho một đồng nghiệp khác tại tòa nhà Bush House, tổng hành dinh của BBC tại London. Anh chàng này đang sửa soạn lên đường đi Việt Nam thay thế hắn. Ba ngày hôm sau, chúng tôi gặp nhau tại quán Aterbéa's, tiệm ăn Tây khá nhất Sài Gòn mà một nhóm nhỏ các phóng viên Âu Châu thường tụ tập mỗi tuần để thưởng thức một bữa ăn thật mắc tiền với một mục tiêu duy nhất: Không bàn cãi về chiến tranh, chính trị, Việt Nam hay Hoa Kỳ. Mục đích chúng tôi là để tẩy sạch đầu óc về những vướng bận của cuộc chiến Việt Nam, dù chỉ trong một đêm duy nhất.

"Vậy anh chính là cái tay người Đức đó," anh ta nói khi được giới thiệu với nhau, "Cẩn thận đấy! Vợ bạn đã biết về Josephine rồi." Phần sau câu chuyện tôi được mẹ vợ kể lại vì bà ta đã nghe lóm được cuộc đối thoại giữa vợ tôi và tay người Wales đó.

Một vài tuần sau đó, tôi gặp lại vợ trong một khách sạn tại phi trường Orly Pháp. Sáng hôm sau, nàng bảo tôi một cách nhẹ nhàng, "Anh đã kêu tên Josephine nhiều lần tối hôm qua trong giấc ngủ. Em không muốn nghe lại một lần nào nữa!"

Tôi gặp lại Josephine một lần ngắn ngủi nữa trong những hoàn cảnh đặc biệt của cuộc tấn công Tết Mậu Thân năm 1968. Nhưng đó là một câu chuyện khác cho một lần khác và trong một chương khác.


Loading