Site map
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
airborne1

Tham dự Diễn Đàn
ThÃt Tình Nên ñi NhÄy Dù
Nguyễn Đức Mạnh QYHD/K19

mở ...


Tình cờ lên lưới, đọc được Mùa Hè 72, thấy nhân vật chính y như cố nhân xưa, đã 25 năm cách biệt. Lần cuối nghe tin cố nhân và gia đình đã vượt biển đến Mỹ năm 81, sau đó bặt luôn... Nếu đúng là cố nhân đã post bài ấy, xin liên lạc lại đ/c e-mail trên...

Nếu tác giả là người quen của cố nhân, xin chuyển hộ một lời thăm hỏi của H.Y. đến người xưa, với lời mơ một ngày gặp lại, dù chỉ để mời nhau một ngụm nước mát - Bây giờ, còn đâu con đường Duy Tân cây dài bóng mát ngày xưa để pha cho nhau một ly chanh đường, phải không hỡi cố nhân ????!!!!

Chúc lành,

hy72

“… thuở ấy Y. có yêu anh không ?”
Date: Thu, 31 Jul 1997 17:14:14 -0700 (PDT)
From: hy72 <hy@rocketmail.com>
Subject: người xưa ...
To:  tngh@yahoo.com

Cố nhân ……………………………………………………………………………….

hãy nhìn những dấu chấm mở đầu thư để xem anh có nghe thấy tiếng thở dài của Y. cất giữ trong tâm mấy chục năm, từ khi chia tay nhau nghẹn ngào và tức tưởi...

Y. tưởng đã mất hẳn nhau trong cuộc đời này rồi, mà kiếp sau thì chờ lâu quá... Cảm ơn Trời, cuối cùng còn được "thấy " thấp thoáng bóng nhau, dù chỉ ... trên lưới. Đừng hỏi han gì về đời sống hiện tại, vì từ khi đọc được truyện anh đăng, Y. đã trở về cô Y. của quá khứ, cô Y. trước một mùa hè 72 đỏ lửa. Đừng lay Y. dậy nữa nha, anh M.

Đọc lại câu hỏi của anh, Y. lại thở dài và ngậm ngùi. Cũng câu hỏi tương tự, dạo đó Y. muốn hỏi anh một lần, rồi thôi ... mà không sao thốt nên lời. Bây giờ Y. có còn cần phải trả lời anh nữa không ? Dù sao, cũng cảm ơn câu hỏi muộn màng của anh, cũng thêm chút ấm lòng cho Y. vào những năm tháng cuối cuộc đời này ... Chỉ có một điều quá phũ phàng, Y. đã trở về HY của 72, nhưng, chẳng ai đẩy lùi được những quyển lịch, phải không anh?

Bây giờ là mùa hè 97 rồi đó, nếu không có những chữ nếu, không chừng chúng ta đã kỷ niệm 25 năm  sống chung như người phương tây vẫn làm ...

Đọc lại thư anh, Y. vẫn còn ngỡ như trong mơ, những giấc mơ thỉnh thoảng vẫn có trong đời sống bên cạnh, đời sống như của ai đó, xa lạ và tách biệt... Đầu óc còn hoang mang nhiều, chắc không viết dài cho anh được đâu, hẹn anh thư sau nha.
hy72

mùa hè 72

Chiếc trực thăng bỏ lại quốc lộ 1 với những chấm xe cộ đang di chuyển ở phía dưới, vụt tách lên cao hơn về phía tây, và quang cảnh bỗng dưng thay đổi hẳn... Mặc dù tiếng động cơ vẫn ồn ào, chàng tự nhiên cảm nhận một sự im lặng mới xuất hiện đầy đe dọa. Tránh ánh nhìn tò mò của người xạ thủ đại liên, chàng đưa mắt lơ đãng ngó những mảng xanh, đỏ liên tiếp trải rộng phía dưới, trước mặt. Trời Quảng Trị nắng gắt và trong xanh. Thỉnh thoảng một cụm khói lan tỏa như nhắc nhở chàng vẫn còn có mặt của sự sống trong nỗi im lặng chàng vừa cảm thấy. Chiếc trực thăng nghiêng mình đổi hướng. Chỉ trong bất chợt, chàng ngẩn người nhìn thay đổi khác ở phía dưới. Những hình tròn rải đều như những chiếc nón lá xếp hàng, hình ảnh dễ thương thỉnh thoảng chàng bắt gặp ở sân chơi một trường nữ... Phải một phút suy nghĩ, chàng mới nhận ra dấu vết của những bom trải thảm cho vùng oanh kích tự do. Và chàng ý thức mình bắt đầu thật sự dự phần vào cuộc chiến, một cuộc chiến mà trước đó chàng chỉ được nghe và biết đến rất ơ thờ qua báo chí cùng phim ảnh. Bỗng chốc, chàng thấy thành phố vừa rời bỏ, thật sự cách biệt. Và ngay cả những người thân yêu của chàng nơi đó cũng trở nên xa vời, như chỉ còn những liên hệ thật mơ hồ... Lòng chàng dấy một chút gì bồi hồi cảm xúc, như thuở chàng nắm lấy tay mẹ, lần đầu tiên bước chân đến trường. Một chút dĩ vãng vút thật nhanh trong tâm trí, và trái tim chàng như hụt hẫng khi nghĩ đến mối tình vừa gẫy đổ...

Trực thăng xuống thấp hơn. Bây giờ chàng đã nhận ra những trảng tranh với những thân cây khô cháy. Chiếc máy bay đang lạng thân tầu với những vòng tròn hẹp dần. Tự nhiên một nỗi hồi hộp chen lẫn xúc động dâng lên. Viên hạ sĩ quan tiền trạm ghé miệng áp sát hét to bên tai chàng những lời không rõ. Tiếng động cơ gầm thét mỗi lúc mỗi to, và gió còn ù ù bên tai, chàng gật đầu lia lịa cho anh vui lòng. Chàng nhớ lại lúc ở bãi chờ "em gái hậu phương", anh đã ái ngại nhìn dáng dấp thư sinh của chàng, không ngớt lập lại những lời căn dặn - "Ông thầy nhớ hết sức tỉnh táo, pháo tụi nó chào mình liền đó. Chạy, chạy, chạy ngay từ lúc vừa nhẩy khỏi con tầu... Chạy thật xa ra khỏi bãi đáp nghe ông thầy" - Mấy tiếng động ào ào, chàng vừa kịp nhìn thấy những kiện hàng lao vút xuống, đã thấy như phản xạ, mình đang nhoài người chồm dậy, phóng chạy về phía những bụi cây, ở đó, lấp ló mấy chiếc nón "bo" nhẹ tênh, so với chiếc nón sắt đang tụt lên tụt xuống trên đầu chàng...

Người đàn anh trên chàng hai lớp, mỉm cười khi chàng đứng nghiêm, theo đúng thủ tục chào trình diện - "Thôi toa bầy vẽ chi, có chút gì tươi Sài gòn mau bỏ ra đãi moa với xấp nhỏ...Chút xíu nữa, moa đưa toa đi giới thiệu với bộ chỉ huy tiểu đoàn". Quay lại phía sau lố nhố mấy kẻ đứng dòm mặt ông thầy lính mới, anh cao giọng, "Phúc đâu, cất đồ cho ông thầy mày "- Và anh T. đã giới thiệu chàng với một đám đệ tử rất ngầu qua một buổi nhậu dã chiến nhanh, gọn, trước khi rù rì to nhỏ với chàng những chuyện trong nhà ngoài ngõ.

Đêm đó, những người anh em phía bên kia cũng ghi thêm cho chàng kỷ niệm để nhớ đời ngày đầu hành quân. Nửa đêm, bỗng cối ròn rã phủ ngọn đồi. Mỗi lúc tạm ngưng, chàng nghe rõ những hồi kèn xung trận, xen lẫn những tiếng hô văng vẳng nhỏ to theo gió. Ngụy dù, ngụy dù! Hàng sống! Chống chết! Ngụy dù, hàng sống, chống chết! Chàng yên lặng ngồi hút thuốc trong chiếc hố cá nhân. Bên cạnh, anh T. đang lẩm bẩm chửi thề, hàng cái con mẹ mày.
Chàng ngẩng đầu nhìn lên, một khoảng trời đen thấp thỉnh thoảng xỉn lên trong ánh châu. Tiếng một người sĩ quan đang điều động bên trên la hét - "Đ.m mày, ngóc cái đầu lên. Chúi xuống bắn cái củ C. ông cố nội mày à! "- Sau này, chàng mới biết và quen với đại úy G., sĩ quan ban 3 T.Đ, còn gọi là Trư bát Giới, một tay điêu khắc không hề xuất thân từ một trường mỹ thuật nào, nhưng đã sáng tạo nên biết bao đời sống cho những khúc cây, những tảng đá, khiến chúng thường khi sống dai hơn cả kiếp người, vốn dĩ rất mong manh trong thời chiến...

Mùa hè 72, còn được biết đến như là mùa hè đỏ lửa, đã bắt đầu với chàng như thế. Và rất tự nhiên chàng hội nhập với đời sống mới, theo chân Tiểu Đoàn 2 Dù thúc sâu về phía tây Trường Sơn trong chiến dịch giải tỏa Quảng Trị, mở đầu với trận đánh chiếm đồi Trường Phước, cao điểm 150 ghi trên bản đồ quân sự ...

tngh…

Khi tên đệ tử mới rụt rè, "ông thầy, trển tiểu đoàn xin ám danh mới của ông thầy", chàng đã ngẩn người. Thì ra, ngoài tên trên khai sinh, M., ngoài tên thường gọi ở nhà, và ngoài những biệt danh cũng như hỗn danh âu yếm từ bạn bè cùng trường lớp, hay trong giới giang hồ nhí, nay chàng được đẻ thêm một cái tên cho chính mình để có ám danh đàm thoại... Cặp mắt ướt đa tình, đôi môi đỏ chu son của người con gái trường luật đã đi qua, thoáng hiện ra. Và từ đó, cả tiểu đoàn, kể cả những tên đệ tử trời đánh của chàng, đều tủm tỉm cười mỗi khi nói chuyện với chàng. Đằng sau nụ cười, là một vẻ ranh mãnh, tẩm ngẩm làm như họ biết rõ chàng đang hạnh phúc với một cô gái nào đó có tên gọi H.Y. Còn chàng thì cũng vờ vĩnh cười nhẹ, như ngấm ngầm xác nhận những dự đoán của người đối diện. Chỉ đến khi, trong một cơn say ngất trời ngày chàng nhận được thiệp của H.Y. với hàng chữ nhỏ và đều, thế nào anh cũng phải về để mừng cho Y., chàng mới thực sự phá vỡ hết những tưởng tượng của đám đệ tử. Cả bọn vừa tiu nghỉu, vừa có chút hờn giận, làm như chính chúng thất tình cô H.Y. nào đó chứ không phải là chàng. Chúng đâm ra giận ngang ... cô H.Y. không quen biết kia, có mắt không ngươi, nỡ phụ bạc ông thầy ngon bạt mạng của chúng!
Đêm đó, các đệ tử chàng đã thi nhau ca sáu câu tình lỡ, mùi tận mạng để an ủi chàng. Và khi men rượu lên cao ngất, có đứa còn hào sảng xin chàng vài ngày phép về thành đô để ... thế thiên hành đạo, làm chàng phải gạt phắt đi trong nỗi ngượng nghịu, cảm động rất...  cải lương... Và Tư, tên đệ tử có ngón guitare điêu luyện, ngay sáng sớm hôm sau đã lẳng lặng lên ban truyền tin tiểu đoàn, tự động xin đổi ám danh chàng thành tên của chúa những loài chim, như để dè bỉu cái tên của loài chim phụ bạc H.Y. mà một thời Tư đã nhất định với chàng, cái tên của loài chim dễ thương nhất em mới nghe!

Thật sự, khi nhận được thiệp cưới từ người lính ra tăng cường chuyển, chàng hết sức ngẩn ngơ, dù đã đoán trước cũng như đã chờ đợi chuyện phải đến.
Chàng đoán trước và chờ đợi ngay từ hôm chàng còn nén được lòng mình, kết thúc câu chuyện với người đàn ông, ba của H.Y., khi ông xẵng giọng cùng chàng, "Tôi không cãi lý với cậu, tôi không bằng lòng gả con gái tôi cho cậu, thế thôi.  Cậu là người có học, tôi mong cậu đừng theo quấy rầy con gái tôi  nữa ... ""Ông yên tâm, từ nay không bao giờ tôi đặt chân lại căn nhà này "  - Và chàng chỉ kịp chào mẹ H.Y., đứng chờ sẵn nơi cửa ngoài, rồi hấp tấp quay lưng rời bỏ căn nhà... Người đàn bà đẹp phúc hậu, hết sức dễ thương và dịu dàng với chàng từ gặp gỡ lần đầu, đã cố cầm giữ. "H.Y. rất thương cháu... Đợi em về đã... Bác trai chỉ nóng vậy thôi...". Một chút tủi thân lẫn hờn giận trong lòng... Chàng dạ nhỏ, chân vẫn bước. Những tiếng gọi tên người tình vang vọng trong hồn.... Giáp Tết, căn phòng trực sinh viên vắng tanh, và chàng đã một mình chờ giao thừa trong muôn nỗi cay đắng của dư vị cuộc tình. Hình như đêm ấy, chàng đã ứa chút nước mắt, những giọt nước mắt đầu tiên của người con trai đang yêu.
Chàng biết, chàng thuở ấy rất thương yêu H.Y., nhưng tuổi trẻ cương ngạnh và nhiều tự ái đã làm chàng phụ tình nàng, đã không cho chàng giữ được lời hứa với nàng. "Ba khó quá, anh có đợi cho đến lúc ba đổi ý ?" - "Anh đợi ". "Nhưng Y. đã lớn, đã hai mươi lăm, anh có sợ Y. già không ?" - "Anh đợi. Năm năm, mười năm cũng đợi ...Cả đời!". Chia tay ở sân bệnh viện như thế đó mà là chia tay cả đời. (Ngày ấy, thời chiến. Ngày ấy, người ta chỉ hối hả quen và lấy nhau mà không ai muốn chờ đợi. Nếu phải chờ đợi xin hãy ĐỪNG là chinh phụ.  Thời chiến, không người tình nào muốn ước hẹn với một tương lai nấm đất xanh mầu cỏ non. ...... )

"Thế nào anh cũng phải về để mừng cho Y.". Nghe như có giọng nũng nịu của nàng đâu đây, như đôi mắt nàng đang liếc liếc, cười cười cùng chàng. Và chàng đã  ngẩn ngơ, định lên tiểu đoàn xin phương tiện về dự đám cưới người tình cũ đi lấy chồng... Chỉ khi sực tỉnh, với sự nhắc nhở của cả đệ tử ruột lẫn một người bạn thân, chàng mới "hào sảng" ngất ngưởng giữa núi đồi cạnh con sông Nhung, uống thấm hết những cay đắng của men rượu bách nhật dã chiến, gửi mua tận ngoài Phong Điền...

Sau này, thỉnh thoảng nhớ lại, chàng vẫn tự hỏi, giá như có một cơn say trong tiệc cưới H.Y., cơn say nào sẽ ở trong trí chàng lâu hơn, cũng như cơn say nào sẽ ngất trời hơn?

thời chiến...

Chàng hài lòng nhìn vết thương của người lính được di tản về, đang nhe răng cười với chàng. Thật không uổng công dậy dỗ, dù rằng cả thầy lẫn trò đều không có đủ thì giờ để học hỏi lẫn nhau. Chàng nhớ, khi nhận công điện của tiểu đoàn cơ hữu cho biết yêu cầu bổ xung quân số chàng gửi về gần như hàng ngày sẽ được thỏa mãn, cả cái trạm cứu thương còn vỏn vẹn dăm bẩy mống cho một tiểu đoàn trải mỏng, đều hân hoan ra mặt. Hiện tại, mỗi đại đội chỉ có đúng một con cái, và ngay bên mình chàng, không bao giờ quá bốn mạng kể cả ... ông thầy. Người đàn anh tiền nhiệm  trong mười bẩy tháng rong ruổi từ Hạ Lào về, tây trấn cao nguyên, rồi ruổi ra xứ Quảng, sơ sơ ngốn hết mười mấy đứa con, đơn vị không sao bổ xung kịp. Lính chuyên môn ngoài nghề đánh đấm, còn cần có thời gian đào tạo mới xài được. Sau này chàng hiểu hơn câu nói khẽ của những đệ tử thỉnh thoảng nhắc lại về người đàn anh tiền nhiệm, "số ổng sát quân". Đêm đầu tiên ngủ ở hậu cứ chờ sáng nhập trại học khóa dù, chàng trằn trọc mãi. Lần đầu về lại thành phố, thành phố dường như đã xa lạ hẳn với chàng. Không có một người con gái nào chờ đợi như trong ... tiểu thuyết, chỉ có bố mẹ và mấy đứa em. Phải kể thêm cả mấy thằng bạn trời đánh ngẫu nhiên có mặt đúng lúc. Chính những người bạn này sau một chiều lang thang, buổi tối đã rủ chàng đi nhậu ngoắc cần câu, phải tắm hơi hai ba chỗ mới tỉnh táo. Mà tắm hơi thời chiến chắc chắn phải ... mệt hơn thời bình rồi. Nhưng làm sao khác hơn được. Chàng nào có một người con gái mong đợi nơi đây. Thượng sĩ T. hậu cứ Trạm Cứu thương lo chỗ ngủ cho chàng cứ suýt xoa. "Chết, chết ... ngày mai tập nhẩy dù mệt lắm. Bác sĩ  phải dưỡng sức...".  Cái ghế bố nhà binh dã chiến được kê tươm tất tất trong gian phòng hẹp của kho thuốc, nằm mở mắt nhìn lên là thấy ngay ban thờ, chen chúc hai mươi cái bài vị bằng gỗ đơn sơ, ghi tên tử sĩ của trạm từ ngày thành lập tiểu đoàn. Buổi sáng đánh thức chàng, trong khi pha cà phê cho ông thầy, thượng sĩ nhất T. đã thật thà, "dạ, hết mười hai thằng là đời bác sĩ T. đó, thưa bác sĩ. Tụi nó linh lắm, thỉnh thoảng em phải ngủ trực, cứ về chọc phá". Hèn gì cả đêm chàng không chợp mắt được với những tiếng động mơ hồ, tiếng cười đùa hồn nhiên trong đêm khuya thanh vắng, và thỉnh thoảng, cả tiếng chửi thề thô lỗ nữa. Chàng cứ nghĩ gần bên cạnh là khu gia binh.Té ra, cả bọn đã lễ mễ tìm về khua quấy để ra mắt ông thầy mới. Chết thì chết chứ muôn đời vẫn là thầy trò mà !

Toán tân binh được đón chào nồng nhiệt, còn thơm phức mùi thành phố... Sau khi kiểm tra sơ, chàng chỉ còn biết vò đầu bứt tai, kêu trời. Các đệ tử mới của chàng mỗi người mỗi vẻ, nhưng giống nhau ở một điều, ngoài khóa huấn luyện quân sự, cũng như bằng dù, chẳng tay nào có qua một ngày chuyên môn ngoại trừ thời gian được lăng xăng ở nhà bếp, hay canh gác vòng ngoài bệnh viện  chờ đợi bổ xung...

Khi chàng gọi máy phản đối với người đàn anh đầu ngành, chỉ nghe được tiếng cười hì hì và sự vỗ về - "Thôi toa, có người là tốt rồi, đào đâu ra cái quý hiếm toa đòi hỏi... Chỗ toa còn mấy thằng cũ là may đấy, mấy chỗ khác mới toanh cả!" - Thôi thì, cái triết lý chàng học được thuở còn mài đũng nhà trường một lần nữa lại an ủi chàng... Nếu có một trái chanh, đừng ngồi đó mà than chua với đắng. Hãy đi tìm một chút đường, để sẽ có ly chanh đường, để sẽ uống ly chanh đường, uống môi em ngọt... Nhưng ... nếu không tìm thấy đường thì sao? Ơ hay, ngay khi đi tìm đường là đã có mơ mộng ly chanh đường rồi, và như thế đã chẳng quá đủ để lãng quên đời, phải không?

Thế là, chàng lại lên máy năn nỉ mấy thằng con đang lội, rán kiên nhẫn thêm một chút xíu nữa thôi rồi sẽ được thay thế kéo về... Một lớp học cấp tốc mười ngày được mở ra cho một đám hỗn tạp, từ kẻ đã rời lớp ba trường tiểu học đến tên khá nhất vừa thi rớt tú tài một. Rớt tú tài anh đi trung sĩ ...  Tên đệ tử mới, mặt mày sáng láng không chịu đi trung sĩ, chấp nhận đăng lính trơn chỉ vì mê mầu nón đỏ, cuối cùng được đưa sang quân y vì ... có trình độ. Lính nào cũng là lính, miễn cho em cái nón đỏ.... Lớp học kết thúc đúng dự liệu, dù chiến trận vẫn tiếp diễn không thèm chờ đợi. Thêm một con nhạn  là đà, số người quanh chàng lại bớt đi một cánh chim bay vào vùng.

Và bây giờ, chàng đang hãnh diện với những thành quả đã ươm. Những vết thương thật sạch với những đường băng vừa khéo, vừa đẹp, cũng như những phiếu điều trị đúng qui cách đã làm chàng hết sức hứng khởi để sau này còn đủ niềm tin tiếp tục những lớp khác, ngay cả thời gian cải tạo trở về và bị đầy đi T.N.X.P....  Phương châm của binh chủng, Nhẩy Dù, Cố Gắng mà !

Chàng khám kỹ vết thương một lần nữa, rồi nhìn thẳng vào mắt của người lính, chậm rãi: "Không sao đâu, ở lại đây vài ngày là xong...". Ánh mắt người lính thoáng khựng lại, cho chàng hiểu để hạ giọng nói thêm - "Mặt trận đang nặng, anh em cần mày. Chữa xong, ra Huế chơi bốn mươi tám tiếng dãn gân cốt rồi vào lại với tụi nó".

Phải ở nhẩy dù mới thông cảm những người lính dù. Đa số những người gia nhập binh chủng đều sinh sống ở Sài gòn và những vùng phụ cận. Nhẩy dù, ngoài sự quyến rũ của mầu mũ đỏ và áo saut trận, còn là những quyến rũ của ánh đèn thành phố mỗi lần kéo quân về. Và mỗi chiến thương mặc nhiên như là những phiếu di tản nghỉ phép đặc biệt. Bởi thế, người lính trước mặt chàng đã theo đúng truyền thống, chia hết thuốc hút, lương khô cho những người còn lại, ba lô trống rỗng, và hồn thì đầy ắp Sài gòn...

Sáng hôm đó, chàng đã giữ lại hai người, có thể vì chàng nhiều nhiệt tình, cũng có thể vì chàng muốn có thêm cơ hội chỉ dẫn cho những đệ tử. Buổi trưa, chàng vui vẻ báo với người tiểu đoàn trưởng, "Có hai thương bệnh binh tôi giữ lại điều trị, xin trung tá chỉ thị cấp cho họ lương thực". Viên trung tá im lặng. Một ngày trôi qua... Trưa hôm sau, đi vòng quanh tuyến đóng quân, chàng thấy hai người lính đang hòa ca chung cơm nước với đám đệ tử. Vui miệng chàng hỏi thăm, "Sao, tiểu đoàn đã cấp phát gì chưa?" - "Dạ, hạ sĩ D. nói tụi em rán chờ chuyến tiếp tế tới...". Hạ sĩ D. là trưởng hỏa thực hành quân. Tự nhiên chàng thấy bực mình khi những kẻ được an vui nhàn nhã luôn luôn làm khó dễ người gian khổ địa đầu. Buổi chiều họp giao ban, chàng hỏi thẳng người tiểu đoàn trưởng. Câu trả lời thản nhiên như chuyện thiên hạ làm chàng ngỡ ngàng. "Lương thực có suất của nó. Những đứa này đã lãnh tiếp tế đầy đủ ở đại đội, bây giờ lấy đâu ra mà phát nữa... ". Bỗng dưng một cơn giận bùng lên. Chàng nhìn thẳng vào mắt người chỉ huy, rõ từng tiếng: "Trung tá, trung tá biết tụi nó đánh trận cho ai hưởng không? Trung tá đối xử  sao cho những thằng còn mạnh nhìn thấy để khi hô xung phong tụi nó còn dám tiến lên... ". - "Ơ, cái ông này hay nhỉ... ". Chàng không nghe dứt câu, quày quả trở về hầm mình. Một nỗi phiền muộn vô cớ dậy lên trong lòng. Mới hai tháng hành quân, giữa người y sĩ tăng phái và người chỉ huy đơn vị đã có nhiều điều không thuận, bắt đầu từ hai lần chàng yêu cầu hủy bỏ lương thực tiếp tế vì đồ tươi đã mốc... Hai lần hỏa thực phải xuất quỹ đột xuất mua khẩn đồ ăn để tiếp tế lại. Ban hỏa thực nhìn chàng e dè mỗi khi chàng ra bãi khám đồ ăn. Chàng đã đụng đến những quyền lợi thiết thân của người nhiều quyền lực nhất đơn vị. Từ đó, những chuyện vặt vãnh cứ xẩy ra, và thường thì kẻ yếu thế bị chèn ép. Chàng nhớ lại lời khuyên của người đàn anh những đêm ở Cây Số 17, nằm chờ vào vùng. "Có hai đường tùy toa lựa chọn, một là đi hẳn với tiểu đoàn trưởng, toa sẽ có đủ hết: phép tắc, huy chương, thăng thưởng... , nhưng cả tiểu đoàn còn lại sẽ né toa; hai là đứng hẳn về phía mọi người, cả tiểu đoàn sẽ thương toa, ngoại trừ tiểu đoàn trưởng, và toa sẽ rời tiểu đoàn trắng tay... Còn đường thứ ba nữa, nhưng nhìn mặt là biết toa không làm nổi đâu, đó là toa đi được ở giữa, bình bình làm việc... Thôi, cầu cho toa gặp một tay khá là hơn cả. Bên tác chiến có nhiều tay khá lắm...”. Chàng đã chẳng gặp được một tay khá như lời chúc, và chàng đã chọn lựa. Sau này chưa bao giờ chàng cảm thấy hối hận về sự chọn lựa của mình...

Sáng hôm sau, trong lúc chàng đang ngồi khám cho một đợt bệnh binh, có tiếng huyên náo bên ngoài. Chàng bước ra đã nhìn thấy người tiểu đoàn trưởng, áo thun trắng, quần soọt ngụy trang, đầu đội nón bo, tay chống cây can bằng mây bóng nước, đang hầm hầm hò hét, "Đâu, thằng nào mới về nói lếu láo gì để ông H.Y. lên mắng vốn tao ra đây coi..." . Hai người thương binh còn rụt rè, ấp úng, chàng đã nghe tiếp... "Tại sao tao đã phát đồ ăn mà tụi bay không giữ để ông ấy hiểu lầm tao, hả, hả, hả...". Cùng với những tiếng “hả” gằn giọng, cây can vung lên, đông tây. Hai người lính bị thương vừa khập khiễng lò cò, vừa giơ hai tay ôm đầu nghiêng ngả, chịu đựng... Có thể những đòn chỉ để thị uy, không đau, nhưng chàng bỗng thấy nghẹn họng. Cơn giận bất ngờ vỡ bùng ra. Thoắt một cái, chàng đã thấy tay mình giữ chặt đầu can. "Tôi yêu cầu trung tá dừng ngay hành động vũ phu này lại". Viên tiểu đoàn trưởng trừng mắt nhìn chàng. Mắt hai người dán chặt vào nhau. Chàng nghe tiếng ông rít qua kẽ hàm răng: "Cái ông này hay nhỉ, cứ xía mãi vào chuyện của tôi, bây giờ lại không cho tôi dậy bảo lính tôi nữa sao?" - "Trung tá lầm rồi, lính mạnh khỏe là lính của trung tá. Tụi nó bị thương, tôi đang điều trị, tạm thời là lính của tôi". Hai người nhìn nhau. Những lẩm bẩm không rõ. Chàng buông tay giữ gậy. Người tiểu đoàn trưởng quăng mạnh chiếc can mây về phía hàng rào kẽm gai, hậm hực bỏ đi... Cơn giận trong chàng tiêu tan, nhưng nỗi phiền muộn dâng đầy. Buổi trưa, chàng từ chối thông lệ lên dùng cơm chung với bộ chỉ huy T.Đ., gồm trưởng, phó, ban ba và cố vấn Mỹ tăng phái. Buổi chiều, tiếng tiểu đoàn phó nói chuyện qua điện thoại dã chiến, "thôi ông M., lên dùng cơm lại với tụi này". Chàng từ chối. Tiếng ông N. nài nỉ, "thôi mà, chuyện gì từ từ tính, lên với tụi này đi, hơi đâu mà hờn giận ...".. Có tiếng cười khúc khích của tiểu đoàn trưởng đang nghe paralell. Cơn giận ào ra như nước vỡ bờ. Chàng biết, tất cả sẽ bị cuốn đi hết, kể cả chính mình. Chàng nghe giọng mình rõ  từng tiếng, âm sắc như dao chém đá. "Xin lỗi trung tá vậy, tính tôi kỳ cục lắm, khinh ai là không thể ngồi chung bàn được.".. Tiếng máy nghe kèm đặt xuống cái cạch khô khan, và tiếng thở dài khác của ông phó... "Thôi, ông nóng tính quá. Để lúc khác vậy...". Buông máy, chàng thấy chân tay mình vẫn còn run rẩy cơn giận, không hay rằng mình vừa nói điều quá nặng với người uy quyền nhất của đơn vị. Sự việc xẩy ra ngay sáng sớm hôm sau chút nữa đã lấy đi mạng sống của chàng như để chứng tỏ quyền uy cũng như vuốt ve chút tự ái của kẻ đắc thế...

thất tình đi nhẩy dù...

(Chàng còn nhớ, ngày ra trường, buổi trưa về nhà báo tin cho mẹ đơn vị đã chọn, lòng chàng đã chùng xuống cảm giác ân hận khi nhìn mặt mẹ như già thêm mấy tuổi. Đôi mắt mẹ ngơ ngác xa vắng, bất động. "Hết thứ để chọn rồi sao đi chi thứ dữ vậy con". Đêm đó, mẹ đứng thắp hương vái Trời Phật rất lâu. )

Khi trái lựu đạn nổ tung trong hầm, chỉ khoảng hai tháng sau ngày đầu hành quân, chàng đã ra lệnh hậu cứ tuyệt đối giữ im lặng để khỏi mang thêm lo âu cho ba mẹ chàng. Chính lúc ấy, bỗng nhiên chàng nhận được sự nhắn hỏi nhiều lo lắng của H.Y. Tình chàng tưởng đã quên đi, bỗng thức dậy, vì chàng đã nhìn thấy H.Y. cũng đang dõi theo bóng chàng như thuở ấy chàng vẫn dấu kín nỗi mong nhớ nàng. Chàng cảm động đã muốn tìm nối lại sợi dây thất lạc, nhưng hình ảnh người đàn ông hãnh tiến, độc đoán và kiêu ngạo làm chàng ghê sợ.

“Khi khinh ai tôi không thể ngồi chung bàn”, câu nói ấy chút nữa đã giết chàng ngoài hành quân. Cũng câu nói tương tự, “Ông yên tâm, không bao giờ tôi đặt chân lại căn nhà này nữa “, đã kết thúc cuộc tình chàng hơn nửa năm trước, khiến chàng mang mãi nỗi oan khiên, thất tình nên đi nhẩy dù!

Khép


Tác giả không phải là một người viết chuyên nghiệp và câu chuyện tình cũng rất bình thường (có khi còn dở tệ) như hầu hết các mối tình dang dở khác. Tuy nhiên, tác giả vẫn muốn kể lại để nhắc nhở  mình và chia sẻ cùng mọi người về một thời đã qua. Đó là thời của trước năm 1975 khi mà tuổi trẻ đã sống, và được sống tương đối trung thực và đúng nghĩa theo nhân cách làm người, cho dù chiến tranh khi ấy thiệt nghiệt ngã với các hậu quả và hệ lụy của nó ở cả ngoài mặt trận cũng như sau lưng thành phố. Cũng như hầu hết những người trẻ năm xưa, nhân vật trong truyện chưa bao giờ hối tiếc về tình yêu (dang dở) đã qua, cũng như một thời đã sống. Nếu phải đi lại từ đầu, tác giả tin chắc như hai cộng với hai là bốn rằng,” nhân vật trong truyện sẽ lại yêu cái tình yêu dang dở ấy cũng như sẽ chấp nhận một trái lựu đạn khác trong hoàn cảnh tương tự”. Chỉ có một điều khác biệt nhỏ, sẽ không còn có câu hỏi đã nêu ra,“Y. có yêu anh không” như năm xưa !

Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2012
Loading