Site map
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
International Olympic Committee Logo

International Olympic Committee Logo


Tham dự Diễn Đàn
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2012
Nhân dịp Thế Vận Hội quốc tế (TVH) đã diễn ra tại London Anh Quốc (khai mạc ngày 28/7/2012 vừa qua), xin chuyển lên Diễn đàn Quân Y một bài viết về TVH.
Bài viết từ 2008, nhưng hy vọng cũng giúp ích cho quí vị nào muốn hiểu rõ thêm về tổ chức quốc tế đã gây nhiều tranh cãi này.
NGT


Nguyễn Gia Tiến


Chính trị là tất yếu trong Thế Vận Hội

Ủy Ban Quốc tế Thế Vận Hội Olympique, gọi tắt là IOC (tiếng Anh) hay CIO (tiếng Pháp : Comité International Olympique) được thành lập do sáng kiến của Pierre de Coubertin, một bá tước người Pháp, vào cuối Thế Kỷ 19.

Khởi đầu, tổ chức này, với đại diện của nhiều quốc gia, muốn gây lại truyền thống tranh đua thể thao cao đẹp, có từ thời Cổ Hy Lạp, và qua đó, góp phần vào việc đem lại một thế giới an bình và sự hòa đồng giữa các dân tộc. Vì vậy, Hiến Chương của Thế vận Hội Olympique đã chỉ rõ mục tiêu, trong "Tôn chỉ Cơ bản", điều 2, như sau:

"Thể thao phải được sử dụng để tạo nên một xã hội an bình, nhằm bảo toàn phẩm giá con Người".

(Nguyên văn tiếng Pháp: Charte Olympique. Principes fondamentaux de l’Olympisme. Article 2: "le Sport doit être mis au service de l'établissement d'une société pacifique soucieuse de préserver la dignité humaine".)

Như vậy, việc đề cao "Nhân quyền" đã đương nhiên nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Thế Vận Hội (từ đây sẽ viết tắt là TVH). Do đó, thật là một sự mỉa mai, mâu thuẫn, khi TVH lại diễn ra tại những quốc gia nổi tiếng về đàn áp Nhân quyền, cấm đoánTự Do. Dù muốn dù không, các hoạt động của TVH đương nhiên đã có đượm màu sắc chính trị.

Trên thực tế, trong quá khứ, các quốc gia đã không ngừng dùng TVH vào các mục tiêu chính trị. Các chế độ toàn trị dùng TVH để tuyên truyền, để tự đánh bóng. Năm 1936, Hitler dùng TVH Berlin để quảng cáo cho chủ nghĩa Nazism. Quốc tế đã cấm Nam Phi tham dự TVH để trừng phạt chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid. TVH Moscow năm 1980 bị tẩy chay sau khi Liên Xô xâm chiếm Afghanistan. Khối Cộng Sản trả đũa lại bằng cách không tham dự TVH Los Angeles năm 1984.

Nhiều lần các lực sĩ đứng trên bục lãnh huy chương, đã lợi dụng ống kính truyền hình để biểu lộ khắp thế giới về thái độ chính trị … Và chính Trung Cộng cũng đã dùng TVH như một áp lực chính trị để phản đối sự hiện diện của các lực sĩ Đài Loan.

Thành ra, luận điệu cho rằng, trong TVH, cần tách Chính trị ra khỏi Thể thao, là ngụy biện, là vô tưởng, là chứng tỏ sự kém hiểu biết, hoặc có dụng ý trục lợi.

Thế Vận Hội là trường hợp ngoại lệ, độc nhất, không mang tính thể thao thuần túy, vô chính trị, như các cuộc tranh đua khác, chẳng hạn Super Bowl của Mỹ, Tour de France tại Pháp, hoặc các trận bóng tròn, quần vợt quốc tế …

Vài nét về tổ chức IOC

Như đã đề cập ở trên, khởi sự, IOC là một tổ chức quốc tế bất vụ lợi, có lý tưởng cao đẹp là phát huy truyền thống Thể thao thế giới.

Kể từ thập niên 1980, sau hơn hai chục năm dưới "triều đại" của Chủ tịch Antonio Samaranch, IOC biến thành một bộ máy kinh tài vĩ đại. Các TVH là dịp khai thác bản quyền béo bở, cấp cho các Tổ hợp Truyền hình quốc tế, các chiến dịch quảng cáo qui mô đổi lấy sự bảo trợ hậu hĩ của các Công ty siêu quốc gia …

IOC có trụ sở chính tại thành phố Lausanne, Thụy Sĩ. Antonio Samaranch, người Tây Ban Nha, nổi tiếng là một "con buôn" (affairiste), sống quanh năm một cách vương giả trong khách sạn Palace, một khách sạn 5 sao hạng nhất tại Lausanne, do ngân quĩ IOC đài thọ. Báo chí mô tả, trong bối cảnh nội bộ IOC, ông ta ngự trị như một "Giáo Hoàng" đầy quyền lực, giữa sự thần phục của các thành viên IOC, được coi như "những vị Hồng Y"!

Dưới triều đại Samaranch cũng là lúc xảy ra nhiều vụ bê bối (scandals) về việc "mua chuộc phiếu bầu" của các thành viên IOC, trong việc tuyển chọn các thành phố được ủy nhiệm tổ chức TVH. Điển hình là vụ "trúng tuyển" mờ ám của thành phố Salk Lake City năm 1995 mà báo chí đã nhắc đến nhiều lần.

Tiếp theo là vụ lựa chọn Bắc Kinh 7 năm trước đây để tổ chức TVH năm 2008. Mặc dàu thành tích tồi tệ về Nhân quyền, Bắc Kinh vẫn được tuyển lựa. Với mãi lực tài chánh của Trung Cộng, với kinh nghiệm về các "thủ tục đầu tiên" của Ba Tàu, chắc người ta cũng có thể hình dung được khả năng ghê gớm của Bắc Kinh, trong việc ảnh hưởng đến quyết định của các thành viên IOC!

Người kế vị A. Samaranch từ năm 2001 là bác sĩ Jacques Rogge, cũng là một bá tước người Bỉ. Năm vừa qua, tờ báo lớn Thụy Sĩ 24 HEURES, trong một thiên phóng sự dài về ông ta, dưới tiêu đề mang tính "tiền định" là: "Một vị Chủ tịch nhút nhát rụt rè …" (Un président timide), đã mô tả J. Rogge như một người "dễ thương", ngoan ngoãn! Khi còn là nhân vật số 2 của IOC, ngay những lúc nói chuyện riêng tư thân mật với Chủ tịch Samaranch, J. Rogge vẫn luôn luôn lễ phép, kính cẩn "Thưa Ngài Chủ tịch". Có lẽ cũng vì vậy mà J. Rogge được lựa chọn để kế vị Samaranch!

J. Rogge thổ lộ đã "nghiền ngẫm" (dévorer) 3 cuốn sách dầy về Trung Hoa. Nhưng có vẻ ông ta không được « thông tin » gì nhiều về những sự đàn áp Nhân quyền tại đây, cùng là những vụ tử hình không xét xử, những đường giây buôn bán các bộ phận tim gan của tử tù do chính quyền chủ mưu …

Những năm qua, tình hình Nhân quyền tại Trung Cộng ngày càng tồi tệ, chẳng hề được cải thiện như Bắc Kinh đã hứa, khi được tuyển lựa tổ chức Thế Vận. Rồi đến các cuộc tàn sát tại Darfur, Phi Châu, do chế độ độc tài Sudan được Bắc Kinh yểm trợ vì nguồn lợi dầu hỏa. Nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế đã bất bình, coi Trung Cộng là nguyên nhân của sự kéo dài thảm trạng này. Họ nhận định rằng chỉ còn tổ chức IOC với TVH Bắc Kinh là yếu tố có thể áp lực Trung Cộng. Nhưng IOC vẫn bất động.

Cho đến những ngày gần đây, IOC tiếp tục câm nín, giữ im lặng tuyệt đối trước các cuộc tàn sát của Trung Cộng tại Tibet. Cuối tháng 3. 2008 vừa qua, hàng ngàn người đã bất mãn, biểu tình trước trụ sở IOC tại Lausanne, với những biểu ngữ mang hàng chữ: "Jacques Rogge, sự im lặng của ông đã giết dân Tây Tạng!". (M. Rogge, votre silence tue les Tibétains !)

Trước áp lực quốc tế ngày càng gia tăng, J. Rogge hiểu rằng không thể tiếp tục giữ mãi thái độ nín khe. Ngày 10/4/2008 vừa qua tại Bắc Kinh, ông ta đã lên tiếng tuyên bố "chung chung" về Nhân quyền, nhưng lại kèm theo lời ngăn cấm các lực sĩ, trong TVH, không được biểu lộ các dấu hiệu về chính trị ! Nghe nói các lực sĩ Pháp có ý định sẽ mang băng tay tại TVH Bắc Kinh với hàng chữ "Cho một thế giới tốt đẹp hơn" (Pour un Monde meilleur), ngụ ý nhắc nhở Trung Cộng về Nhân quyền.

Mặc dầu nhiều người cho rằng sự phản đối này quá yếu ớt, quá nhu nhược, nhưng cũng đủ làm cho ông Chủ tịch Rogge lo ngại, sợ làm mất lòng Bắc Kinh !

Phản ứng quốc tế

Cho đến nay thái độ của Trung Cộng vẫn ngang ngạnh, không có dấu hiệu nhượng bộ nào về Nhân quyền.

Dư luận Thế giới rất bất bình, kêu gọi tẩy chay TVH Bắc Kinh. Họ nhận định rằng chỉ có một cuộc tẩy chay toàn diện Thế Vận Hội mới là vũ khí duy nhất hữu hiệu để trừng phạt, để làm lui bước kẻ độc tài.

Một số nguyên thủ quốc gia Phương Tây đã dứt khoát không tham dự lễ khai mạc TVH, hoặc còn lưỡng lự, hay đặt điều kiện.

Một số ngụy biện rằng không nên "làm mất mặt một quốc gia với hơn 1 tỷ dân". Họ quên không tự đặt câu hỏi xem chế độ Bắc Kinh có do dân bầu lên, có thực sự đại diện cho 1 tỷ người Trung Hoa?!

Một số khác cho rằng nên tham dự TVH vì là dịp để Bắc Kinh "mở cửa" ra thế giới bên ngoài! Thực tế về Nhân quyền ngày càng tồi tệ của Trung Cộng chưa đủ làm cho họ mở mắt.

Cũng có thể những người này ngụy biện để che giấu nỗi sợ hãi một cuộc trả đũa về Kinh tế của Bắc Kinh. Họ quên rằng nền kinh tế thế giới là cuộc trao đổi hai chiều. Trung Cộng cần thiết bán sản phẩm ra ngoài không thua gì quốc tế cần nhân công rẻ mạt của Trung Cộng. Nhất là chế độ toàn trị Bắc Kinh ngày nay chỉ tồn tại, chỉ đè đầu cưỡi cổ được người dân Trung Hoa do sự huênh hoang về kinh tế. Kinh tế khựng lại thì chế độ sẽ lung lay, sẽ dẫn đến diệt vong.

Chiến dịch hô hào tẩy chay trên báo chí quốc tế, những xáo trộn làm đảo lộn hoàn toàn tiến trình cuộc rước đuốc TVH vừa qua tại London, Paris, San Francisco … là một thảm bại nhục nhã cho chế độ Bắc Kinh. Hậu quả đã trái ngược hẳn với mưu toan của Bắc Kinh dùng TVH để đánh bóng chế độ. Tại khắp các nước Phương Tây nơi có đuốc Thế vận đi qua, hàng ngàn dân chúng biểu tình, tề tựu hai bên lề đường la ó phản đối, trưng các biểu ngữ đòi Nhân quyền, đòi Tự Do cho Tây Tạng.

Mọi người để ý sự hiện diện của một nhóm thanh niên người Hoa bận đồ thể thao màu xanh, chạy bao quanh lực sĩ cầm đuốc để bảo vệ. Đây là những "công an chìm" của Trung Cộng. Toán người này có thái độ rất hung hãn, sẵn sàng hành hung những người biểu tình. Lực sĩ Pháp David Douillet đã phải than phiền về các hành vi của họ. Lực sĩ người Anh Sebastian Coe thì phê phán thẳng thừng rằng "đây là những tên côn đồ!"(thugs).

Tại ngay các thành phố Phương Tây, trước nhãn quan Thế giới, đám công an Trung Cộng này còn hung hăng tung hoành như vậy. Người ta tự hỏi trên đất nước Trung Hoa xa xôi, thân phận người dân Tàu thấp cổ bé miệng và những người dân Tây Tạng còn bi thảm đến đâu!

Cho nên, chỉ còn một sự kiện duy nhất có ý nghĩa, đáng ghi nhớ về Thế Vận Hội Bắc Kinh lần này: đó là dịp để cho cả Thế Giới thấy rõ sự thật về tình trạng Nhân quyền tồi tệ của Trung Cộng, thấy rõ bộ mặt độc tài toàn trị của chế độ Bắc Kinh.

Thụy Sĩ, tháng 4, 2008
Loading
(TÄy Chay Th‰ VÆn H¶i B¡c Kinh 2008) T° ChÙc Th‰ VÆn H¶i QuÓc T‰ IOC