Công ty AIG đã thoát nạn hay chưa?
Loading
Kinh T‰
Duy Anh
(Nguồn trích dẫn: ĐCV-Online)

Hai năm trước đây, công ty AIG (American International Group, Inc.), một siêu công ty chuyên về bảo hiểm thuộc loại lớn nhất thế giới với mức doanh thu hàng năm trên $100 tỷ và tổng tài sản có lúc vượt $1 ngàn tỷ đã bị cuốn vào trung tâm cơn bão khủng hoảng tài chánh và bị đứng trước nguy cơ bị phá sản.

Lý do vì AIG đã đứng ra bao thầu các hợp đồng "Swap" địa ốc và bảo hiểm cho những nón nợ đia ốc độc hại. Đến khi thị trường địa ốc sụp đổ, công ty này phải đền những món nợ khổng lồ, đưa đến tình trạng mất luôn khả năng thanh khoản.

Nhận định rằng sự vỡ nợ của AIG chắc chắn sẽ đưa đến sự phá sản toàn bộ hệ thống tài chánh thế giới, chính quyền Hoa Kỳ đã phải nhảy vào cứu và bơm vào cho AIG một số tiền tổng cộng lên tới gần $150 tỷ gồm gần $100 tỷ nợ ngân hàng "Federal Reserve Bank of New York" và $49 tỷ từ chương trình TARP (Trouble Asset Relief Program).

Đánh đổi lại, chính quyền Hoa Kỳ nhận một số lượng cổ đông "preferred" (cổ đông góp vốn có lãi định kỳ nhưng không có quyền điều hành) chiếm tới gần 80% tài sản của AIG. Ngoài ra, chính quyền Hoa Kỳ sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động của AIG, thậm chí có quyền ấn định lương bổng của những nhân viên lãnh đạo công ty.

Cho tới nay, công ty AIG vẫn tiếp tục trả lãi cho chính quyền Hoa Kỳ và giảm được tổng số số nợ xuống còn khoảng $120 tỷ bằng cách bán dần một số tài sản ở Á Châu.

Những ngày vừa qua, công ty AIG đang thương thảo với chính quyền nhằm giải quyết nhanh chóng những món nợ này và tin tức cho biết một trong những phương án được xem xét là khả năng hoán đổi số lượng cổ phiếu "preferred" của chính quyền thành cổ phiếu "common" (common shares) và từ từ bán những cổ phiếu cho giới đầu tư.

Điều này có lợi cho công ty là sẽ không phải trả lãi định kỳ nữa và cũng có lợi cho chính quyền là thu được lời một khi giá trị cổ phiếu AIG lên cao trở lại. Hiện nay công ty AIG đã báo cáo đã có lời liên tiếp trong hai quý đầu năm 2010. Mức lợi nhuận tiên đoán có thể lên tới $8 tỷ trong năm 2010 và tiếp tục lên cao hơn nữa trong những năm kế tiếp (AIG, 2010).

Theo tính toán, tổng giá trị các cổ phiếu của AIG chỉ vào khoảng $5 tỷ (so với thời kỳ trước khủng hoảng là $100 tỷ), nghĩa là còn rất rẻ so với hoạt động của công ty này.

Phương án AIG thoát ra khỏi sự chi phối của chính quyền còn tùy thuộc một số điều kiện như:

- Sự hồi phục của kinh tế Hoa Kỳ nói riêng và của thế giới nói chung. Hoạt động bảo hiểm là một yếu tố không thể thiếu trong mọi sinh hoạt kinh tế, thậm chí còn bị bắt buộc theo luật pháp. Do đó kinh tế càng lên, AIG càng thu được nhiều tiền bảo hiểm, mà nguy cơ đền lại càng giảm đi, lợi nhuận sẽ tăng lên đáng kể. Nói cho cùng, bảo hiểm thực chất "nửa" vốn mười lời, chỉ là "bảo kê bằng uy tín" và cứ tự nhiên mà thu tiền vào túi.
- Uy tín của công ty AIG, có đủ khả năng huy động vốn bên ngoài khi cần thiết hay không? Nghĩa là liệu AIG có đủ sức để tự đứng vững một mình không cần sự trợ giúp của chính quyền nữa hay không? Ngay lúc này có những dấu hiệu khả quan và trái phiếu bonds AIG đã đạt được hạng khá (investment grade) theo sự đáng giá của những công ty như S&P và Moody's.

- AIG phải trả nổi món nợ ngân hàng liên bang New York bằng cách bán xong một số các cơ sở ngoại vi cho MetLife Inc., ra công khai (IPO) cơ sở AIA Group Ltd. cũng như huy động được một số vốn nữa qua việc bán cổ phiếu. Tổng cộng những thương vụ này có thể mang lại cho AIG món tiền cần thiết trên $100 tỷ.

Sau khi thanh toán nợ với Fed xong thì "sạch túi," AIG sẽ phải điều đình hoán chuyển số nợ $49 tỷ với bộ Tài Chánh Hoa Kỳ dưới dạng cổ phiếu preferred thành cổ phiếu common và từ từ bán dần cho giới đầu tư tư nhân. Phương án này đã chứng tỏ rất thành công với Citigroup Inc., trong đó chính quyền nhận 27% sở hữu cổ phiếu common của Citigroup và đã bán dần xuống còn 18% hiện nay, thu được những món lời không nhỏ.

Nói chung, giới phân tích cho rằng phương án "thoát hiểm" của AIG có nhiều khả năng thành công nhưng phải mất nhiều năm và sớm lắm cũng phải trong giữa năm 2011 mới tiến hành được. Nguy cơ thất bại hay chậm thành công cũng có đó vì còn tuỳ thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô (macroeconomics).

Sự thành công nếu có, sẽ đánh dấu một sự chiến thắng vô tiền khoán hậu của chính quyền Hoa Kỳ và của công ty AIG, đồng thời cũng nói lên sự đúng đắn của lý thuyết "trường phái tiền tệ mới" mà một trong những "giáo lý" (tenets) là sử dụng sức mạnh đồng tiền ảo một cách mãnh liệt, đúng lúc, đúng liều lượng để phục hồi khủng hoảng kinh tế. Tương tự như khi điều trị một bệnh nhân bị choáng (shock) vì nhiễm trùng máu, ngoài việc hồi sinh cấp cứu còn phải biết sử dụng trụ sinh liều cao đúng thời điểm. Trường phái tiền tệ trước kia vẫn sợ hãi nếu bung tiền ra quá nhiều sẽ dẫn đến lạm phát và hủy diệt toàn bộ nền kinh tế.

Tuy nhiên, cũng phải nhắc đến một thể chế dân chủ, trong sáng, thượng tôn pháp luật mà đất nước Hoa Kỳ đã xây dựng được sau hơn hai trăm năm dựng nước. Trái với những điều tuyên truyền vẫn thường hay nghe là chế độ tư bản tham tiền, tham lợi hay nhữngtin tức giật gân các vụ bê bối của Enron, WorldCom, Countrywide v.v... nhìn chung, doanh nghiệp Hoa Kỳ vẫn luôn giữ niềm hãnh diện là thành phần ưu tú và tiên phong gọi là giới doanh nghiệp "entrepreneur" và đã xây dựng lên một đất nước hùng mạnh như ngày nay.

Phát ngôn viên AIG đã từng tuyên bố: "Mục tiêu của chúng tôi vẫn luôn luôn trước sau như một: trả lại đủ tiền của người đóng thuế và xác định vị trí của AIG qua thời gian là một công ty mạnh, độc lập, xứng đáng với niềm tin của giới đầu tư." (The Wall Street Journal, 2010).

Câu hỏi sau cùng mà chắc những ai có đầu tư chứng khoán nóng lòng muốn biết là có nên mua đầu tư cổ phiếu AIG bây giờ hay chưa?

Câu trả lời đúng nhất có lẽ là không ai biết hết. Đành rằng hiện giờ giá cổ phiếu AIG có vẻ quá rẻ (tổng cộng chỉ có $5 tỷ so với lợi nhuận có thể đạt được là $8 tỷ hàng năm) và có nhiều tin tức thuận lợi nhưng nếu xem kỹ bản cân đối tài chánh AIG thì thấy giá trị còn lại "equity" (assets - liabilities) là $94 tỷ nhưng trong đó "preferred stock" và "minority interest" (phần đóng góp có trả lãi và tài sản thuộc về các công ty con) chiếm đến $99 tỷ, nghĩa là phần còn lại cho "common stock" thực tế lại còn lỗ đến $5 tỷ (AOL Daily Finance, 2010). Mua cổ phiếu AIG lúc này là phải chịu cái lỗ $5 tỷ.

Có một yếu tố thất lợi nữa là một khi chính quyền Hoa Kỳ bắt đầu bán cổ phiếu (với số lượng quá lớn như vậy) thì giá AIG sẽ bị áp lực nặng nề khó lên cao nổi. Đây cũng chính là trường hợp của giá cổ phiếu Citigroup đã không lên nổi vì chính quyền cứ liên tục bán ra cổ phiếu mỗi khi C lên giá một chút. Hi vọng trong vòng 5 năm nữa tình thế có thể thay đổi chăng một khi chính quyền Mỹ thanh toán xong số cổ phiếu còn đang giữ?

QYHD Duy Anh
9/2010




Tài Liệu Tham Khảo:

AIG American International Group, Inc. (2010). Truy cập ngày 14/09/2010 tại:
https://www.aigcorporate.com/index.html

AOL Daily Finance (2010). American Intl Group Inc Balance Sheet. Truy cập ngày 14/09/2010 tại: https://www.dailyfinance.com/financials/american-international-group-inc/aig/nys/balance-sheet

The Wall Street Journal (2010). AIG Plots End to U.S. Aid. Truy cập ngày 14/09/2010 tại: https://online.wsj.com/article/SB10001424052748704190704575490162065052900.html?mod=WSJ_business_whatsNews
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010