Trường Quân Y QLVNCH
Loading
Tâm Tình - K› NiŒm SVQY
Có Một Trường Quân Y
Thượng Sĩ Da Trâu
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010
Huy hiệu Trường Quân Y
Lời giới thiệu của Ban Biên Tập

Năm 2007, Tập San Y Sĩ Canada đăng một loạt ba bài viết của QYHD Hà Mạnh Tuấn nói về Trường Quân Y QLVNCH. Được sự chấp thuận của tác giả, Diễn Đàn Cựu Sinh Viên xin được đăng lại trong ba kỳ. Chúng tôi thiết nghĩ đây là những tài liệu, đồng thời cũng là những tâm tình kỷ niệm của một thời Sinh Viên Quân Y cần được trân trọng và lưu trữ. Xin chân thành cảm ơn tác giả và Tập San Y Sĩ Canada.

Hà Mạnh Tuấn

Nhân đọc trong TSYS số tháng 7 năm 2006, một bài viết của bác sĩ Nguyễn Hữu Nam, tôi thấy sống lại trong tôi những ngày tháng tuổi trẻ, nhất là thời gian sau khi đổ Tú tài 2. Tôi muốn ghi lại đây những kỷ niệm của thời chập chững trong quân ngũ QLVNCH.

Trước hết xin cám ơn hai bạn Bùi Quang Chương và Nguyễn Văn Quý đã nhắc nhở tôi tên những người bạn học thời đó mà tôi đã quên.

Bùi Quang Chương đã cùng tôi ráng moi trong trí nhớ (đã mai một rất nhiều!) những cái tên của 30 thí sinh trúng tuyển vào trường Quân Y năm 1960.

Nguyễn Văn Quý đã cho tên những bạn học năm Đệ Nhất A3 để chuẩn bị theo Y khoa sau này.

Đầu niên khoá 1957-1958, vì trường Hồ Ngọc Cẩn không có những lớp Trung học Đệ Nhị Cấp, nên tôi phải xin vào học trường Chu Văn An. Chả biết tại sao tôi lại lọt vào lớp Đệ Tam C, ban Văn Chương. Nhưng nhờ thế, tôi gặp được những người bạn tuyệt vời và các thầy giáo đáng kính. Đến cuối năm học, nghe theo những thằng bạn rủ rê, tôi xin đổi lớp. May thay cho Trần Khánh Long đang muốn từ ban Toán qua ban Văn Chương, thế là hoán chuyển với Long để vào lớp Đệ Nhị B, ban Toán. Đó là lớp của những nhân tài tứ xứ! Tôi phải khổ sở lắm để “bằng anh, bằng em”, đó là lời Mẹ dặn dò. Trong lớp nhỏ nhất là Trần Mộng Lâm, vì vừa quen trong gia đình vừa là bạn chơi chung, nhưng điều đáng ghi là nhờ theo Lâm, mà tôi ráng giải hết các bài toán trong cuốn lebossé! Cuối năm đỗ Tú tài kỳ đầu, đi chơi hè vung vít… Lúc đó một thoáng suy nghĩ trong đầu là nếu thi xong Tú tài 2 thì mình sẽ ra sao nhỉ? Môn Toán thì khô khan, làm gì với những con số, những ký hiệu vô hồn? Hay là qua ban A, ban Vạn Vật, còn  có chút gì “sinh khí?”

Thế là lại xin đổi ban. Tựu trường vào lớp Đệ Nhất A3. Không hẹn mà gặp thêm 2 mạng nữa của Đệ Nhị B1 cũng đổi ban, đó là Nguyễn Đăng Khôi và Thành Quang Lân. Tụi bạn cứ nhạo rằng 3 thằng này muốn làm “đốc tưa”! Năm học qua đi nhẹ nhàng vì về Toán thì với kiến thức của năm ngoái cũng khá đủ để đi thi, chỉ cần tụng môn Vạn Vật thôi. Quả nhiên cuối năm cũng xong luôn Tú tài 2… Đó là năm 1960.

Học gì? Về sau sẽ định làm nghề gì?

Câu hỏi đó chắc chắn quanh quẩn trong đầu những anh Tú chúng tôi, hành trang vỏn vẹn là hai mảnh Tú Tài. Tôi mơ ước một phương trời xa, được ra ngoại quốc để phóng tầm nhìn bao quát hơn về mọi phương diện. Xin đi du học chăng? Tôi bàn với ba má tôi thì má tôi nhất định ngăn cản vì một lý do duy nhất là sợ tôi lấy “vợ đầm!!!”

Học ngành gì đây?

Tự dưng một hôm má tôi nói: “Sao con không theo nghề của Bác Đốc?” Rồi bà ngồi xuống cạnh tôi kể một câu chuyện xưa đã ảnh hưởng mạnh mẽ vào tâm trí bà. Má tôi là con gái út trong gia đình 5 người con. Người anh cả là Y sĩ cách má tôi 12 tuổi. Hồi nhỏ, có lần má tôi bị bệnh thương hàn khá nặng, ông anh thương em trị bệnh, chăm sóc cô em từng ly từng tí, bỏ cả ăn cả ngủ nên hình ảnh “lương y” đã in một dấu ấn rất mạnh mẽ trong tiềm thức của má tôi cho đến bây giờ. Nay có thằng con phân vân không biết học ngành gì thì hình ảnh người anh năm xưa lại hiện lên nên má tôi đề nghị như trên. Một phần thương mẹ, một phần cũng khoái cái nghề cao quý đó, tôi bèn ghi tên học chứng chỉ PCB (Physique, Chimie, Biologie) ở Đại học Khoa Học Saigon niên khoá 1960-1961.

Còn nguyên nhân nào vào Quân Y thì hoàn toàn không còn nhớ tại sao và do ai. Một cái “lỗ” lớn trong đầu như thế thì đáng trách thật. Chỉ biết rằng Nha Quân Y (chưa gọi là Cục Quân Y) đối diện với Tổng Y Viện Cộng Hoà. Tôi dắt xe gắn máy qua một cổng nhỏ có lính gác, rồi theo lời chỉ dẫn đến gặp một quân nhân đang ngồi giữ một cuốn sổ ghi tên các thí sinh kỳ thi tuyển vào lớp PCB, lấy hồ sơ…

Địa điểm thi là Trung Tâm Huấn Luyện Quân Y số 4 đường Hùng Vương. Sau này ở đây mới đổi tên thành Trường Quân Y. Đây là một doanh trại rất cũ, hình như ngày xưa là chỗ nuôi ngựa của quân đội Nhật Bản. Cơ sở này chỉ có hai mặt là giáp đường cái thôi. Một mặt ngó ra đường Lý Thái Tổ, có một cổng sắt to đen hoen rỉ, cây cối bò leo phủ gần hết vì từ lâu đóng kín, không sử dụng được, chỉ còn mặt tiền kia làm cổng chinh, đâm thẳng ra đường Trần Bình Trọng. Cổng này cũng đơn sơ gồm một cửa lớn hai cánh rộng chừng 6 thước để xe ô tô ra vào. Bên cạnh là một cổng nhỏ bề ngang chừng 1 mét rưỡi để xe gắn máy xuất nhập doanh trại. Chính tại cổng nhỏ này về sau anh em Sinh Viên Quân Y chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm. Sau chiếc cổng nhỏ là cái đồn canh, trong đó lúc nào cũng có một Hạ sĩ quan gác và thường hay kèm theo các khoá sinh y tá trực.

Con đường từ cổng chinh chạy thẳng chừng 300 mét là đụng cái cổng trổ ra đường Lý Thái Tổ đã khoá, bên phải là hàng rào giáp ranh với vườn tược của một biệt thự rộng mênh mông, trực thuộc Uỷ Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến, bên trái mới là cơ ngơi của Trung Tâm Huấn Luyện Quân Y.

Đó là hơn mười dãy nhà trệt nằm song song nhau, ngang chừng 6 mét, dài hơn 30 mét. Dãy đầu tiên là phòng trực Sĩ quan, kế đến là Văn phòng của Chỉ Huy Trưởng và các sĩ quan hành chánh điều hành.

Dãy này chúng tôi ít khi lui tới ngoại trừ tháng tháng đến lãnh lương.

Dãy kế tiếp là những văn phòng lo về hành chánh, thư viện, những lớp học, bệnh xá… Xa tít về phía đường Lý Thái Tổ là những dãy nhà dùng làm nơi ăn, ở của khoá sinh. Chính nơi đây sau này là chỗ nội trú cho những Sinh Viên Quân Y chúng tôi.

Tôi không nhớ bao nhiêu sinh viên dự kỳ thi tuyển này. Chỉ thấy các sĩ quan đến coi thi ra vào, trong đó, tôi còn nhớ đến bây giờ một ông Đại Uý rất bảnh trai và dễ thương, sau này mới biết đó là Y Sĩ Đại Uý  Nguyễn Kiển Ngọc (giờ đã thất lộc).

Tôi được trúng tuyển kỳ thi này. Nhân ngày về dự đám táng của Hoàng Thiện Căn ở Maryland, tôi gặp lại Bùi Quang Chương, thì theo Chương, chúng tôi tất cả là 30 người. Chúng tôi phải mất một đêm nằm tâm sự bên nhau mới nhớ dần ra được những tên sau đây:

Lê Ánh; Bùi Quang Chương; Đoàn Văn Đạo; Vũ Văn Giảng; Nguyễn Thanh Hà; Lê Thanh Liêm; Châu Hoài Mạnh; Hà Khắc Nhân; Nguyễn Xuân Phô; Dương Mạnh Tài; Nguyễn Hùng Anh; Lê Văn Công; Phạm Hữu Gia; Đỗ Văn Hiếu; Nguyễn Đức Long; Nguyễn Tấn Nghiệm; Lê Hồng Pháp; Lê Hữu Phương; Lê Bá Thi; Lê Đình Thuấn; Nguyễn Kim Tính; Nguyễn Phước Trọng; Hà Mạnh Tuấn; Nguyễn Đình Văn; Phạm Gia Thuần; Trần Văn Tính; Nguyễn Thế Truyền; Nguyễn Văn Tựu; Trương Văn Xem.

Trong tất cả bạn bè cùng lớp Quân Y trên đây, tôi chỉ biết độc nhất một người, đó là Nguyễn Đình Văn, cùng học với tôi tại trường Chu Văn An, lớp Đệ Nhất A3.

Nguyễn Văn Quý mới đây còn nhớ được những bạn cùng lớp Đệ Nhất A3 theo học Y Khoa đó là:

Cai Văn Dung; Lê Văn Hiển; Thành Quang Lân; Bùi Xuân Nhựt; Hà Mạnh Tuấn; Nguyễn Vũ Vượng; Nguyễn Anh Dũng; Đặng Đức Kiệm; Nguyễn Văn Minh; Nguyễn Văn Quý; Nguyễn Đình Văn.

Thế là 3 đứa từ Đệ Nhị B1 đổi ban qua Đệ Nhất A3 thì còn lại 2 đi theo Quân Y. Riêng Nguyễn Đăng Khôi đi du học, sau về làm Thứ Trưởng Kinh Tế.

Ngày nhập ngũ được tính là ngày 1 tháng 9 năm 1960. Cấp bậc là Thượng Sĩ Hiện Dịch; lẽ dĩ nhiên được lãnh lương theo cấp bậc, như mọi người lính khác trong quân đội.

Cấp bậc cao nhất trong ngành Quân Y bấy giờ là Y Sĩ Trung Tá Vương Quang Trường, Giám Đốc Nha Quân Y.
Cấp trên trực tiếp của chúng tôi là Y Sĩ Trung Tá Hoàng Văn Đức, Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Quân Y.
Chúng tôi cả bọn đi lĩnh quân trang, quân dụng. Lần đầu tiên sờ vào những thứ xa lạ, chỉ thấy bơ vơ, lạc lõng. Tôi và Lê Đình Thuấn còn được lĩnh bộ đồ lính của Tây thời xưa, loại có túi ở ống quần (để bắt gà!) và cả đôi giầy brodequin da sần sùi, đế sắt nặng hàng ký lô. Nói thế để biết vào năm 1960, quân đội ta vẫn chưa có qui củ gì hết, bắt đầu bằng ngành tiếp liệu…

Lúc đó quân phục của chúng tôi, cũng như các sĩ quan khác là quần dài, áo dài tay màu vàng, đi giầy đen, đội mũ cát-két (casquette) vàng. Trên nắp túi trái đeo bảng tên dài bằng ngón tay trỏ thường bằng kim loại khắc chìm tên họ. Bên cánh tay trái đeo huy hiệu Trung Tâm hình cái khiên màu đỏ gụ (đỏ Bordeau) trong có một con rắn quấn quanh cây gậy, nằm trong một hình chữ thập. Cấp bậc thì gắn trên cổ áo. Tụi tôi Thượng Sĩ là một cái nút trơn lu màu trắng bằng ngón tay trỏ. Nếu thi đậu lên năm thứ nhất Y Khoa thì tự động lên Chuẩn Uý, sẽ có cái nút màu vàng trên có con cá alpha nổi. Lên năm thứ hai sẽ đeo “lon” Thiếu Uý, 1 hoa mai vàng. Lên năm thứ tư sẽ đeo lon Trung Uý, 2 hoa mai vàng tới khi ra trường luôn. Lúc bấy giờ cấp tá sẽ đeo hoa mai bạc với đường kính lớn hơn để phân biệt với cấp uý. Sau này mới thêm cái gạch ngang để phân biệt rõ ràng hơn. Trên cầu vai thì đeo một huy hiệu bằng đồng dấu hiệu chữ thập đỏ, bên trong khắc nổi 2 mẫu tự:

YS là Y sĩ
DS là Dược sĩ
NS là Nha sĩ
HC là Hành chánh Quân Y và chúng tôi phải đeo
SV là Sinh viên.

“Như vậy là con đường của định mệnh đã đưa tôi đến với trường Quân Y Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà một cách rất tình cờ, không hề được tôi dự tính trong những năm cuối ở Chu Văn An. Con đường định mệnh này còn đưa tôi và các bạn tôi đi những bước rất xa, những năm tháng tràn đầy kỷ niệm mà ngày nay, ngồi tại nước Mỹ rộng lớn này, tôi vẫn không sao quên được. Một thời rất xa xưa, ở một nơi rất xa xưa. Tôi sẽ kể lại những kỷ niệm đáng nhớ trong những số báo sau để các bạn cùng lớp, hay trước và sau tôi vài lớp, có dịp cùng tôi nhớ lại khi chúng ta còn trẻ (one day when we were young…!) và các bạn sẽ hiểu tại sao bài viết này được đặt tên là Thượng Sĩ Da Trâu.”