Trường Quân Y QLVNCH
Loading
Tâm Tình - K› NiŒm SVQY
Có Một Trường Quân Y
Thượng Sĩ Da Trâu (4)
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010
Huy hiệu Trường Quân Y
Hà Mạnh Tuấn

Sau  khi viết về một số những người bạn cũ, trong một cơ duyên của Định Mệnh, tụ họp nhau dưới mái trường Quân Y gần nửa thế kỷ trước, tôi nhận được khá nhiều điện thư (email) khuyến khích tôi tiếp tục nhắc tới những kỷ niệm ngày xưa, đừng e ngại khi dùng biệt danh hay hỗn danh của một thời niên thiếu. Nhờ thế, tôi xin tiếp tục viết về những bạn khác trong khoá PCB niên học 1960-1961…

Đại giảng đường của Trường Đại học Khoa Học Saigon khá rộng đối với tôi so với dẫy nhà lầu 2 tầng của Trường Chu Văn An, nguyên là khu nội trú của học sinh trường Petrus Ký nhường lại. Hai bên hông Đại giảng đường là 2 lối vào chính, nhưng phía sau cũng có một lối vào khác nữa. Đó là lối vào của bọn chúng tôi, hay đúng hơn là của tôi, trong những ngày đầu tiên là sinh viên đại học!!! Lý do chính là nếu đi vào 2 lối cửa bên hông đằng trước sẽ gặp những hàng ghế đầu, sát bục giảng của các thầy cô giáo sư; mà than ôi, những hàng ghế này luôn luôn đưọc chiếm trước không biết từ lúc nào bởi những cuốn vở, những cặp da của ai ai không biết được… Vào học lối cửa sau, phải leo lên những bực thang vì Đại giảng đường xây dốc lên từ trước ra sau. Trước khi vào hẳn bên trong, chúng tôi có một ban-công nhìn ra đường Cộng Hòa và bên trái là nhà gửi xe của trường Đại học Khoa học. Từ đó, chúng tôi có thể thấy bao quát những sinh viên ra vào, ai đậu xe ở đâu, ai đến bằng cách nào v.v…Cũng chính ở đó, chúng tôi túm năm tụm ba đấu láo, bàn về những bài học đã qua hay sắp tới. Hình như năm đó số sinh viên ghi danh vào PCB lên đến gần 1000 người!!! Cũng xin nói thêm là năm 1960 , khi đã có bằng Tú Tài toàn phần, bất kể ban gì Vạn vật, Toán hay Văn chương , đều được ghi danh học mà không phải qua một kỳ thi tuyển nào. Vì thế, thông thường sinh viên ghi danh một lúc hai hay ba chứng chỉ ở các trường đại học khác nhau.

Tất cả bài giảng đều bằng tiếng Pháp dù đa số giáo sư là người Việt Nam. Khoa Trưởng là Giáo Sư Lê Văn Thới, người mà chúng tôi rất ít khi thấy mặt vì Thầy không có tên trong ban giảng huấn của chương trình PCB năm đó. Như tên gọi, học trình của chúng tôi gồm ba môn chính: Vật lý (Physique), Hóa học (Chimie) và Sinh học (Biologie). Viết đến đây cũng xin kể một chuyện vui, do đàn anh xa lắc xa lơ là Bác sĩ Phạm Ngọc Tỏa, cựu chủ tịch Hội Y Giới Pháp Quốc nhiều nhiệm kỳ, cũng là cựu Sinh Viên Quân Y từ hồi còn ở Hà Nội, cựu Giám Đốc Bệnh Viện Vì Dân Saigon v.v…kể lại trong một lần trà dư tửu hậu ở Paris rằng các anh lớn ngày xưa ở Hà Nội đã gọi  ba chữ PCB là Phải Chơi Bời!!! Do đó, tới năm chúng tôi thì cũng theo gương các “niên trưởng” để “vỡ lòng học lấy những nghề nghiệp hay!"

Trở lại với Trường Khoa học. Giáo sư dạy về Sinh học Động Vật (Biologie Animale) là Bà Giáo sư Trần Nguơn Phiêu, phu nhân của vị cựu chủ tịch rất đánh kính của Hội Y sĩ Thế Giới của chúng ta. Bà Phiêu, người nhỏ nhắn, ăn nói chậm rãi, hiền hòa, trái lại Giáo sư Huỳnh Công Cẩn khi giảng dạy nói rất lớn và hùng hồn. Môn Sinh học Thực Vật thì không ai qua mặt được Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, tác giả nhiều sách về Thực Vật học. Ông đẹp trai, điềm đạm, ghi một dấu ấn đẹp đẽ trong thời gian ngắn ngủi ở Trường Khoa học.

Môn Vật Lý do Giáo sư Nguyễn Đình Hưng, người miền Nam, có nước da hơi ngăm ngăm, dáng dấp rất trí thức.
Giáo sư Nguyễn văn Hoàng và Cổ Tấn Long phụ trách môn Hoá học.

Như đã nói ở trên, tất cả bài vở, lý thuyết cũng như thực hành đều bằng tiếng Pháp. Thời đó, còn Tổng Thống Ngô Đình Diệm,  Pháp vẫn còn duy trì phái bộ Văn hóa cho mãi đến năm 1965, khi xảy ra khuynh hướng bài Pháp của chính phủ Nguyễn Cao Kỳ thì nước Pháp mới hoàn toàn rút hẳn các giáo sư về nước. Sau này khi qua đến Pháp, lúc xin phép hợp thức hóa bằng cấp Y khoa Việt Nam , tôi mới được cho biết là chính phủ Pháp chỉ công nhận những bằng cấp Việt Nam từ 1965 trở về trước mà thôi…

Phải nói thành thực rằng trong lớp chúng tôi, những anh Tú Tài Việt rất vất vả trong những tháng đầu tiên ở Đại học. Họ phải cố gắng gấp đôi so với những bạn bè học “trường Tây” lên. Họ vừa học vừa tra tự điển: Pháp-Việt của Đào Văn Tập, của Đào Duy Anh, của Thanh Nghị…, tự điển Danh từ Khoa Học của Hoàng Xuân Hãn, tự điển Y học của Bác sĩ Lê Khắc Quyến v.v… Ngoài ra, khi đối đáp với giáo sư, nhất là khi thực tập trong phòng thí nghiệm cũng phải cố gắng đàm thoại bằng Pháp ngữ với các giảng nghiệm viên. Chúng tôi nghe các bạn “trường Đầm” nói chuyện với nhau bằng tiếng Tây, mấy bạn Jean-Jacques Rousseau, Taberd đấu láo với nhau bằng tiếng lóng Tây (argot)…là chịu thua thôi. Nhưng sau này mọi việc đâu lại vào đấy, nhất là khi thấy các anh lớn dù có Tú Tài Việt cũng học Y khoa đông đảo, ra trường đàng hoàng. Đó chính là cái gương sáng cho lũ đàn em chúng tôi.

Chúng tôi bắt đầu làm quen với những buổi ghi cua (cours) về lý thuyết và những thực tập trong phòng thí nghiệm.
Về Vật Lý thì học nối các mạch điện, phép điện giải….Về Thực Vật, xem và vẽ hình các tế bào thực vật khác nhau… Về Động Vật thì mổ và vẽ các bộ phận trong cơ thể của những con vật như con sam (limule), cá lóc, con dế. Tôi hân hạnh được xếp chung một toán với chị Vũ Lan Anh và chị Đàm thị Minh Nguyệt, hai ngôi sao sáng của lớp!!! Chị Lan Anh coi tôi như một đứa em nhỏ như em  ruột của chị là Vũ Thế Hùng cũng học chung lớp. Sau này Hùng là một quân y sĩ nổi tiếng trong trận chiến An Lộc.

Ngoài những sinh hoạt, học tập ở Đại học Khoa học, nhóm Sinh viên Quân Y chúng tôi còn phải sinh hoạt với Trường Quân Y nữa. Về ăn uống, chúng tôi được nhà thầu cung cấp tại nhà ăn. Thường thì bốn người ăn chung một mâm như mọi quân trường khác, nhưng giờ giấc của anh em rất là tùy tiện, nên cứ đến giờ ăn là mỗi anh cứ tà tà xuống , giao dịch riêng lẻ với các cô của nhà thầu để lĩnh phần ăn. Buổi tối thì tha hồ mở đèn “gạo” bài, không bị bó buộc gì về giờ giấc hết. Cho nên có anh đi chơi tối về muộn, rồi mới học bài thật khuya. Có anh chăm chỉ hơn, ăn cơm chiều xong là đã ngồi học đến khuya mới đi ngủ.

Do đó, như trong bài trước đã nói đến vụ nội trú, tuy trong một phòng lớn chung nhau mà anh thì ngủ, anh thì học bài, có anh lại đem ghi-ta ra dạo vài khúc nhạc tình, nên trong phòng lại chia năm xẻ bẩy thành từng “ổ” riêng  biệt bằng những tấm chăn, hoặc drap trải giường kín mít như buồng tằm… để ánh đèn các bạn khác không phiền đến mình. Nội quy là không được ra vào cổng trại sau 10 giờ đêm. Nhưng làm sao ngăn cấm được những chàng trai “lãng tử” khi có chút men tình ái ngấm vào cơ thể mới lớn !!! Cổng trại có một toán canh vài ba người dưới sự giám sát của Trung sĩ Thông. Ông người cao lớn, da ngăm ngăm đen, là một chướng ngại vật cho những anh ra sớm về trễ. Ông bị chúng tôi oán nhiều nhất vì sự nghiêm chỉnh này. Những “ông thượng sĩ” trẻ măng đều “teo” khi gặp ông. Trung sĩ Thông ghi tên tuổi những anh phạm nội quy, thế rồi hai, ba hôm sau, cụ Khánh xuống khu sinh viên đưa giấy mời lên Ban Sinh viên để nhận biện pháp kỷ luật.

Xin mở một dấu ngoặc nói đến cụ Khánh, nhân vật dân sự duy nhất trong Trường Quân Y. Năm 1960 thì cụ đã già rồi. Cụ, hình như họ Hoàng,  như chiếc bóng, lọm khọm di chuyển trong trường để đem công văn, hoặc liên lạc đâu đó trong doanh trại. Cụ làm việc cho Trường Quân Y từ ngoài Hà Nội!!! Cụ biết hầu hết các quân y sĩ từ khóa 1 với vị chỉ huy trưởng đương thời là Ysĩ trung tá Hoàng Văn Đức qua các khóa sau như giáo sư Trần Anh, bác sĩ Phạm Ngọc Tỏa, Y sĩ Đại úy Hoàng Ngọc Khôi… trở đi đến khóa chúng  tôi!!! Thâm niên làm việc của cụ như thế, nên ai ai nể cụ, vả lại cụ lặng lẽ làm việc không gây phiền hà gì đến ai. Mỗi lần nhận giấy báo lên gặp Y sĩ Trung Úy Nguyễn Phúc Thành, chúng tôi đều nghe cụ “an ủi” vài câu nhẹ nhàng cũng đỡ phần nào sầu não. Hình phạt thường là cảnh cáo sau khi gãi đầu gãi tai viện mọi lý do bịa đặt, nhung cũng có hình phạt thật sự nếu tái phạm nhiều lần, hoặc nặng hơn nữa là còn dắt thêm thằng bạn cha căng chú kiết nào đó vô trại ngủ tạm một đêm. Đó là trường hợp của Lê Thành Hồ. Hồ phải khăn gói lên nằm tù trọng cấm vài ngày ở Bộ Tổng Tham Mưu, chung với các quân nhân khác…

Ngoài ra còn có các buổi ăn chung cả trường thường tổ chức ở Câu lạc bộ An Đông. Những buổi đó chúng tôi phải mặc lễ phục drill trắng, bên trong áo trắng cà-vạt đen, mũ cát-két trắng, huy hiệu trắng (hạ sĩ quan cao cấp mà!!!) với một vành đai mũ viền bằng da nâu, giầy da đen đánh bóng. Trường thường mời các nhân vật của thời cuộc đến nói chuyện cho đám Sinh viên Quân Y nghe, có lần có cả Cha Litchtenberger là một linh mục Dòng Tên (Jésuite), giáo sư môn Mô-học (Histologie) của Y khoa Đại học Saigon …Chúng tôi ngồi nghe diễn thuyết xong thì bắt đầu ăn cơm…Tây. Trong giờ nghỉ giải lao,chúng tôi ra hành lang Câu lạc bộ thụt bi-da 3 bi  cho thư giãn, xa xa mặt nước hồ bơi ánh lên loang loáng những vệt sáng nhỏ…

Hà Mạnh Tuấn
Email:
tuanhasj@yahoo.com