Loading
Tâm Tình - K› NiŒm SVQY
Một chuyến du lịch Italy thú vị
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010
Mùa hè năm nay chúng tôi quyết định đi chơi Italy. Lý do vì có một thân chủ là một vị linh mục trẻ đang học thần học tại Roma cho biết Italy là một nơi đáng đi thăm, ít nhất một lần trong đời để biết một trong những cái nôi của văn hóa nhân loại với những di tích nổi tiếng của thời đế quốc La Mã, những công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới và thủ phủ của đạo Công giáo như thế nào...

Vì không thấy có "tour" du lịch Italy nào thích hợp, chúng tôi mạnh dạn tự phác họa chuyến đi chơi lấy một mình, một quyết định rốt cục rất hay, vừa tương đối rẻ, vừa tự do không bị bó buộc vào giờ giấc của những tổ chức du lịch nhiều khi quá hối hả làm chuyến đi trở thành mệt nhọc.

Sau nhiều ngày "thâm cứu" và dọ hỏi, bà xã tôi chọn một chương trình của hãng Solar Tours với máy bay hãng Delta (phối hợp với Alitalia) đi từ LAX đến Roma, sau khi nghỉ một stop tại New York City. Ngoài ra cũng mua sẵn vé xe lửa Eurostar từ Roma đi Firenze (Florence) bốn ngày sau. Chuyến về sẽ bay từ Firenze về thẳng LAX sau khi ghé Roma. Vé máy bay khứ hồi và tiền khách sạn là $1,500 và vé xe lửa là $60/người.

Bay từ LAX đến NYC mất khoảng 5 tiếng đồng hồ, nghỉ tại đây 3 tiếng để chuyển chuyến bay, chúng tôi mất thêm 8 tiếng nữa thì đến được Roma. Như vậy bay từ LAX vào lúc 6giờ sáng chủ nhật, chúng tôi đến được phi trường Roma vào lúc 9 giờ sáng thứ hai giờ địa phương.

Chân ướt chân ráo đến phi trường Roma, chúng tôi gọi taxi đi về khách sạn, không ngờ là khá xa trung tâm thành phố và mất tới 45 phút mới đến khách sạn. Giá taxi không rẻ chút nào, tốn $90 Euro cho 4 người. Sau này mới biết là khách sạn gần sát cạnh trạm xe lửa và đi metro chỉ mất $1 Euro/người, tuy phải lội bộ một chút.

Hệ thống xe buýt, metro của Ý là một trong những hệ thống chuyên chở công cộng tiện lợi và rẻ nhất Âu Châu. Đi một cuốc xe buýt hoặc metro trong vòng 60 phút chỉ tốn $1 Euro, còn nếu mua vé cả ngày, muốn đi bao nhiêu cũng được chỉ mất $4 Euro. Đây là một kinh nghiệm cho quý vị nào có dịp đi Ý nên biết. Đi xe lửa nội bộ cũng rất rẻ. Một vé từ Firenze đến Pisa chỉ mất $4.5 Euro. Tuy nhiên xe lửa nhanh Eurostar khá mắc (24 Euro một chiều từ Firenze đến Venice) nhưng được cái là rất nhanh, có thể nói nhanh gấp 3 lần đi xe lửa thường.

Ngày đầu tiên trong khi chờ phòng khách sạn, chúng tôi thả bộ quanh quẩn khu vực chung quanh. Điều nhận xét đầu tiên là giới đàn ông Italian rất "đẹp trai" và giữ gìn vóc dáng không thể chê vào đâu được. Rất hiếm thấy những người bụng...phệ như thường thấy ở bên Mỹ. Qua Ý tôi mới thấy Brad Pitt hay Leonardo DeCaprio đều "vứt" đi hết. Phụ nữ Ý cũng duyên dáng nhưng có điều đa số mũi quá cao nên không hợp với thị hiếu người Á đông như tôi.

Những ngày sau chúng tôi đi thăm viếng những nơi nổi tiếng của Roma như điện Vatican, đài tưởng niệm chiến sĩ vô danh, đấu trường Colosseo và các di tích cổ La Mã, quảng trường Piazza de Navona, Fontana di Trevi v.v...

Đặc biệt là, theo lời hướng dẫn của đàn anh Hoàng Cơ Lân, chúng tôi đã tới viếng đủ bốn nhà thờ gọi là "basilica" (tức đã được các đức Giáo hoàng công nhận là thánh địa) gồm có các nhà thờ Saint Peter (tại Vatican City), Saint Paul, Saint John Latheran và Saint Marie Major. Theo truyền thuyết, những ai đi đủ bốn nơi này đều được Chúa tha hết mọi tội lỗi.

Roma là thủ phủ của đạo Công Giáo nên tôi không thấy sự hiện diện của chùa chiền đạo Phật hay đền thờ của đạo Hồi. Đa số là người da trắng, thỉnh thoảng mới thấy người gốc Phi Châu hay Á Châu, thường là du khách.

Từ sau đệ nhị thế chiến, người Ý có châm ngôn và chủ trương "La Dolce Vita" (theo tựa đề phim La Dolce Vita của đạo diễn Federico Fellini, có nghĩa là "cuộc sống êm dịu") nên phong thái khá ung dung và ứng sử khoan thai. Nhân sinh quan của họ có vẻ chấp nhận cuộc sống hiện tại, không nóng giận, lúc nào cũng vui vẻ và sẵn lòng giúp đỡ người khác... Đường xá chật chội, xe cộ khá đông đúc nhưng tuyệt nhiên tôi không thấy tài xế cãi cọ hay bóp còi như ở Việt Nam và một số nơi khác trên thế giới.

Ngày cuối tại Roma, chúng tôi mua một "tour" đi Napoli và Pompeii sáng đi chiều về với giá 125 Euro/người (có bao ăn trưa). Phải công nhận chuyến đi chơi Pompeii thật "đáng đồng tiền bát gạo!" Thành phố Pompeii là một di tích cổ La Mã được Unesco đưa vào danh sách di sản của nhân loại và là một trong những nơi được du khách thăm viếng nhiều nhất, vào khoảng trên 2 triệu rưỡi người hàng năm.

Pompeii được xây dựng vào thế kỷ thứ 6-7 trước Công nguyên bởi người Oscans, sau đó chuyển qua người Etruscans, Hy Lạp, Samnites và sau cùng là người La Mã vào năm 80 BC. Chính người La Mã đã phát triển Pompeii trở thành một thành phố cảng tuyệt vời với một trình độ văn minh đáng nể và có nhiều mặt vẫn còn được lưu truyền sử dụng cho đến ngày nay, chẳng hạn như về kiến trúc, đời sống xã hội và thể chế dân chủ.

Ngày 24 tháng 8 năm 79 AD, Pompeii bị chôn vùi dưới mây tro tàn núi lửa Vesuvius. Hàng ngàn người bị thiệt mạng và thành phố bị bỏ hoang. Theo thời gian, toàn bộ thành phố bị phủ dưới một lớp đất cát dày đặc và bị bỏ quên. Đến năm 1599, Pompeii được khám phá một cách tình cờ và mãi đến năm 1860 mới được chính thức khai quật trở lại. Công việc khai quật này hiện nay vẫn còn đang tiến hành.

Một trong những nét đặc trưng của văn minh Pompeii là sự phóng túng về tình dục với những hình vẽ kích dục trên các bức tường (frescoes), sự chấp nhận mãi dâm và thờ phượng các thần tình dục như Priapus, Venus... Nhiều người cho rằng sự hủy diệt Pompeii là một sự cảnh báo của Thiên Chúa đối với sự suy đồi đạo đức của con người.

Hai ngày sau cùng, chúng tôi ở Firenze (Florence), một thành phố được coi là trung tâm văn hóa nổi tiếng nhất của thế giới trong thời kỳ Phục Hưng. Ngày đầu chúng tôi đón xe lửa nội địa đi Pisa thăm cái tháp nghiêng nổi tiếng mà tôi hằng mơ ước có ngày được đứng bên cạnh một lần trong đời. Xe lửa mất một tiếng đồng hồ thì đến nơi (giá 4.8 Euro từ Firenze đến Pisa một chiều). Sau đó nhảy lên xe buýt tốn 1 Euro nữa đến nhà thờ Piazza del Duomo nơi có cái tháp nghiêng danh tiếng ấy.

Lần đầu tiên nhìn thấy tận mắt cái nhà thờ với tháp chuông nghiêng lòng tôi không khỏi bồi hồi xúc động. Toàn quảng trường Piazza del Duomo rất hùng vĩ với 4 kiến trúc: một toà nhà dạng "dome" (hình tròn) đàng trước (gọi là the Baptistery, thờ phượng St. John the Baptist), một thánh đường (cathedral) vĩ đại ở giữa, nghĩa địa Camposanto Monumentale (tục truyền cho rằng được xây trên đất thánh lấy từ Golgotha trong Thập Tự Chinh thứ 4), và tháp chuông nghiêng danh tiếng Pisa đàng sau.

Tôi chạnh lòng nghĩ đến cùng thời kỳ thế kỷ thứ 10, người Ý đã xây dựng nổi những kỳ công hùng tráng như vậy, còn Việt Nam ta thì lúc đó mới hết thời kỳ Bắc thuộc, khởi đầu các triều đại Đinh - Tiền Lê, công trình kiến trúc chẳng có gì đáng kể. Quả là văn minh họ đã đi trước ta một khoảng quá xa...Có anh bạn thì cho là tại xứ ta các công trình đa số dùng vật liệu gỗ nên lâu ngày bị mục và vua chúa ta nhân bản hơn nên không bắt dân làm nô lệ để xây dựng các đền đài to lớn. Cũng là một cách giải thích để tự an ủi vậy.

Mà kể cũng lạ. Thành phố Pisa nhờ một sự "thất bại" lúc xây tháp chuông Pisa mà không ngờ "trúng số" trở thành một trong những nơi nổi tiếng nhất thế giới, du khách ra vào nườm nượp giúp kinh tế phát triển vượt bực. Cả một phi trường quốc tế được xây dựng gần đó vì du khách có khuynh hướng trước khi về nước, thường ghé thăm Pisa một buổi cho biết.

Ngày sau cùng trong chuyến du lịch Italy, chúng tôi mua vé xe lửa Eurostar đi chơi Venezia (Venice) một buổi. Xe lửa cao tốc giá 42 Euro/người, khứ hồi mất toi 84 Euro mà kết quả không như mong đợi. Thành phố Venezia chật chội, nhỏ xíu, ngang dọc những đường kinh nước biển. Cũng có lẽ vì chúng tôi có quá ít thời gian nên chưa thưởng thức nổi những cái hay đẹp của thành phố xây trên biển này.

Một số kinh nghiệm rút ra được trong chuyến đi nghỉ hè Italy kỳ này:

-Về nạn móc túi: Theo nhiều người đã từng đi Italy về cho biết và ngay cả trong những tờ quảng cáo của các hãng du lịch cũng có nhắc đến, tệ nạn móc túi là một điều hết sức bực mình cho du khách đến Italy. Người ta hay nhắc đến những người "gypsies" chuyên hành nghề móc túi trên các xe buýt với trình độ điêu luyện!

Chúng tôi đã phòng ngừa bằng cách đi ra ngoài đường chỉ mang theo bản sao photocopy của passport và vừa đủ tiền đi chơi trong ngày. Còn lại thì cất trong két sắt phòng ngủ. Tuy nhiên chúng tôi không hề gặp rắc rối gì về vấn đề này.

-Khách sạn 3 sao trở lên tại Ý khá tiện nghi, đầy đủ những phương tiện ăn ở thoải mái. Hai ngày sau cùng chúng tôi ở Firenze được ở khách sạn 4 sao nên khá tuyệt vời, có thể so sánh với một khách sạn cỡ như Caesars tại Las Vegas được rồi.

-Đi xe buýt và metro tại các thành phố lớn là hay nhất. Vừa rẻ, vừa tiện lợi. Chịu khó đọc bản đồ sẽ hiểu cách lên xuống và chọn những tuyến đường nào thích hợp.

-Dân Ý nói tiếng Anh khá nhiều nên cần gì cứ hỏi, khách qua đường cũng như tài xế xe buýt. Họ rất trân trọng du khách nên ai cũng hết lòng giúp đỡ.

-Italy là nơi "shopping" lý tưởng của các bà các cô. Theo lời bà xã tôi kể lại thì những hàng hóa thời trang nổi tiếng như Versace, Louis Vuitton, Gucci, các đồ trang điểm, nước hoa tốt v.v... giá có khi chỉ bằng 1/2 giá ở bên Mỹ! Thật là thiên đường cho phụ nữ...xí xọn! Tuy nhiên đừng nên mua ở những nơi dành cho du khách mà chịu khó đi ra xa khỏi trung tâm các thành phố một chút.

-Chớ bao giờ đổi tiền ở Italy vì chí phí dịch vụ lên tới 19.5%. Trước khi lên đường, chúng tôi vào nhà băng để đổi $US thành Euro. Xài gần hết bên Ý, tôi thấy có chỗ đổi tiền bèn chui vào thì thấy giá cả thu vô bán ra có vẻ cũng tốt. Không biết gì cả, tôi xin đổi $500 USD ra Euro. Cô thu ngân đưa cho tôi ký một mảnh giấy và trao tiền. Lúc đó bà xã mới coi lại thì thấy sao ít quá, không đầy 300 Euro. Hỏi lại thì mới hay họ trừ chi phí đổi tiền gần 20%! Đòi lại tiền thì họ nói đã ký rồi ráng chịu. Muốn đổi lại thành $USD họ sẽ lấy 19.5% nữa. Nhìn cô thu ngân vẫn tươi cười, có muốn giận cũng không giận nổi! Đành ngậm bồ hòn vậy. Tuy nhiên đa số các cửa hàng bên Ý nhận thẻ tín dụng nên khá tiện lợi, không phải lo lắng chuyện đổi tiền.

Để chấm dứt, xin mời quý vị thưởng thức một đoạn video ở bên trái với những hình ảnh về đất nước Ý Đại Lợi.

Lý Văn Quý / QYHD 21
9/2010
Double click for full screen