Nước Mỹ thoát ra khỏi khủng hoảng 2008 như thế nào?
Loading
stock_market_crash
Ngày thứ năm 18 tháng 9 năm 2008 đánh dấu ngày đen tối nhất của cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu vừa qua. Lúc 11 giờ sáng, cơ quan Fed nhận thấy các cơ sở tài chánh đang rút tiền từ các tài khoản tiền mặt theo mức độ chóng mặt là $550 tỷ trong vòng hai tiếng đồng hồ. Nếu chậm hành động, Fed phỏng đoán chỉ đến 2 giờ chiều ngày hôm đó, $5.5 ngàn tỷ sẽ bị rút ra và sẽ làm sụp đổ hệ thống tài chánh của Hoa Kỳ. Sau đó trong vòng 24 tiếng đồng hồ nữa, hệ thống tài chánh toàn thế giới coi như sẽ bị tê liệt hoàn toàn. Văn minh nhân loại có nguy cơ sẽ trở về thời kỳ trung cổ.

Fed và bộ Ngân Khố Hoa Kỳ vội vàng tung ra $105 tỷ khẩn cấp cứu chữa nhưng mức độ rút tiền càng lúc càng tăng. Fed lập tức ra lệnh phong tỏa tất cả các tài khoản ngân hàng và FDIC thông báo nâng mức độ bảo đảm các tài khoản cá nhân lên $250,000 (so với $100,000 trước đó) để trấn an người dân ngưng rút tiền. Đồng thời, chính quyền Hoa Kỳ tuyên bố xuất ra một số tiền $700 tỷ cứu nguy. Sở dĩ có con số $700 tỷ vì đó là số lượng tối đa chính quyền có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp mà không cần đợi Quốc Hội thông qua để nâng mức nợ quốc gia lên.

Đến lúc này thì chính quyền Mỹ nhận ra là các mảng kinh tế đang thi nhau sụp đổ hàng loạt như những con cờ domino. Bắt nguồn từ sự xuất hiện những trái phiếu địa ốc với những “phát minh” tưởng chừng như tài tình, chẳng hạn các loại nợ sub-prime, rồi mortgage-backed securities (MBS), tiếp theo là dạng collateralized debt obligations (CDO), rồi lại credit default swaps (CDS)…cho đến lúc bong bóng thị trường địa ốc vỡ tan thì toàn bộ hệ thống tài chánh lâm vào khủng hoảng là điều tất nhiên. Các ngân hàng bị khó khăn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự vay mượn của các hãng xưởng và công ty dịch vụ, đưa đến sự tắt nghẽn hoạt động kinh doanh của các ngành.

Cho đến nay nếu đổ lỗi cho cá nhân hay tổ chức nào phải chịu trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng vừa qua cũng khó vì có quá nhiều yếu tố đã xảy ra và tích lũy từ từ cho đến khi bị bùng nổ, tương tự như sự hình thành của một cơn bão hoàn chỉnh (perfect storm). Trong đó, phải kể đến chính sách giữ phân lời thấp quá lâu của Fed, sự nới lỏng các qui định hoạt động cần thiết (deregulation), lòng tham và nỗi sợ hãi của giới đầu tư v.v…

Nếu muốn giải thích một cách đơn giản thì có thể tóm tắt như sau:

-Vì ham lợi, một số ngân hàng sáng chế hình thức cho vay nợ sub-prime là những món nợ cho những người thiếu “credit” với lãi suất cao hơn bình thường. Vì lãi suất thị trường chịu ảnh hưởng của Fed đang giữ ở mức độ thấp nên lãi suất nợ sub-prime cũng nằm ở không cao lắm. Điều này làm tăng vọt số lượng người mua nhà và giá nhà lên cao chưa từng thấy. Càng thiếu credit thì dĩ nhiên nguy cơ người vay không trả nổi nợ và lãi càng tăng.

-Để che dấu nguy cơ, các ngân hàng gom các món nợ địa ốc thành những MBS và CDO bán lại cho các công ty Fannie Mae và Freddie Mac là những cơ sở cho vay địa ốc được sự bảo trợ của chính phủ. Chính quyền Mỹ dưới thời phe Dân Chủ lúc đó chủ trương tạo điều kiện cho người dân có nhà nên sẵn sàng tài trợ cho những món nợ này. Ngoài ra, nhằm giảm thiểu rủi ro, các ngân hàng chủ nợ trao đổi CDS với các công ty bảo hiểm, chẳng hạn như công ty AIG.

-Hoạt động cho vay vô tội vạ này hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chính quyền và hình thành một hệ thống tài chánh mà GS Krugman mệnh danh là hệ thống ngân hàng trong bóng tối (shadow banking system) với tổng số doanh vụ lên đến nhiều ngàn tỷ USD, vượt cả hệ thống ngân hàng chính thức. Điều sơ đẳng nhất là nguy cơ người vay không trả nợ là điều tất yếu càng lúc càng cao với sự hình thành của bong bóng địa ốc. Các ngân hàng quá tham lợi đã nhắm mắt làm ngơ, tưởng chừng như nguy cơ này đã có người khác lãnh dùm rồi.

-Đến khi thị trường địa ốc bắt đầu tan vỡ với hàng loạt những người vay nợ bỏ nhà, các ngân hàng bị lâm vào tình trạng phải nhận lãnh những căn nhà đang thi nhau rớt giá, đồng thời các công ty bảo hiểm phải bồi thường những món nợ cũng bị lâm vào tình trạng nguy ngập. Cơn bão bắt đầu hoành hành và hàng loạt những cơ sở tài chánh tuyên bố phá sản. Quả tim đã có dấu hiệu ngừng đập thì các hoạt động sản xuất và dịch vụ bị tắt nghẽn, bắt đầu sa thải công nhân và thậm chí tuyên bố phá sản theo như ngành xe hơi Hoa Kỳ. Người dân mất công ăn việc làm thì giảm niềm tin vào nền kinh tế và giảm tiêu thụ, nước Mỹ đi dần vào một cơn khủng hoảng vô tiền khoán hậu.

Chính quyền Obama khi nhậm chức vào tháng giêng 2009 đứng trước bài toán nan giải là nên cứu ngành kinh tế nào trước. Có người cho rằng chính quyền Obama đã thiên vị khi tung tiền thuế của người dân nhằm cứu “Wall Street” (ám chỉ các công ty) thay vì cứu “Main Street” là người dân đã chịu ảnh hưởng của sự ngu dốt và hám lợi của các công ty, trong đó các cơ sở tài chánh là những thủ phạm chính gây ra cuộc khủng hoảng.

Tuy nhiên nếu đánh giá một cách công bằng thì chính quyền Obama đã có một kế hoạch khá toàn diện để đối phó với cơn nguy khốn. Đối với hệ thống ngân hàng và tài chánh thì chính quyền Obama chủ trương phải cứu bằng mọi giá các công ty “quá lớn để mà thất bại” như AIG, Citigroup v.v…sau khi một vài công ty nổi tiếng như Bearn Stearns, Lehman Brothers, Merrill Lynch bị lâm vào nguy cơ phá sản. Lehman Brothers cuối cùng phải khai phá sản, Bearn Stearns thì bán lại cho JP Morgan Chase và Merrill Lynch thì nhập vào Bank of America. Các cơ sở ngân hàng và tài chánh nhỏ hơn thì chính quyền bó tay để họ khai phá sản và FDIC đứng ra thanh toán thủ tục phá sản, bán các tài sản còn lại và đền cho các thân chủ. Trong năm 2009 đã có 140 ngân hàng trung bình và nhỏ bị phá sản và từ đầu năm 2010 đến nay có 3 ngân hàng khác phải ngưng hoạt động.

Vào tháng 3/2009, chính quyền Obama đưa ra phương án Geithner, trong đó sẵn sàng chi ra $2 ngàn tỷ để làm sách hệ thống ngân hàng và giải quyết các món tài sản độc hại về địa ốc.

Đối với người dân (Main Street), chính quyền Obama tặng mỗi gia đình một số tiền “tín dụng thuế” (tax income credit) để tăng mức tiêu thụ. Tổng số tiền giảm thuế này lên đến $300 tỷ. Sau đó tặng món tiền (dưới hình thức thuế trả về) có thể lên tới $8,000 cho những người mua nhà lần đầu tiên. Nhằm kích thích mức tiêu thụ xe hơi, chính quyền thiết lập chương trình “cash for clunkers” mua lại những chiếc xe hơi cũ với giá lên dến $5,000 mỗi chiếc cho những người mua xe mới. Ngoài ra, chính quyền còn tăng thời gian được lãnh tiền thất nghiệp của những người mất việc lên thêm nhiều tháng nữa.

Những chương trình kể trên nằm trong một chương trình gọi là “economic stimulus” với tổng ngân sách $787 tỷ đã được Quốc Hội thông qua.

Bao trùm lên cả là Fed áp dụng chính sách thả lỏng tiền tệ, cắt giảm tối đa lãi suất căn bản xuống mức chưa từng thấy là 0 - 0.25% nhằm cung cấp tín dụng dồi dào cho doanh nghiệp để kích thích hoạt động.

Như vậy, nói chung cái giá phải trả để cứu nguy kinh tế có thể lên đến $3 ngàn tỷ! Đó là chưa kể một món tiền khác dự trù là $1.6 tỷ trong vòng 10 năm tới đây để cải tổ hệ thống bảo hiểm sức khỏe, nhưng đó là một câu chuyện khác.

Tiền ở đâu ra? Câu trả lời đơn giản nhất là chính phủ Mỹ cứ việc phát hành thêm, cần tới đâu phát hành tới đó. Theo CBO (Congressional Budget Office), năm 2009, chính phủ Mỹ đã ghi nhận mức thâm hụt ngân sách lên đến$1.4 ngàn tỷ và ước tính năm 2010 sẽ thâm thủng thêm $1.35 ngàn tỷ nữa. Hậu quả việc phát hành tiền quá nhiều chắc chắn sẽ đưa đến lạm phát và thiếu hụt thêm ngân sách nhà nước vì phải trả lãi trên số trái phiếu phát hành ra. Tuy nhiên nước Mỹ có lợi điểm là khả năng tác động vào lãi suất thành thử số tiền lãi phải trả được giữ ở mức thấp. Hơn nữa, số lưu lượng tiền tung ra chỉ bù đắp giá trị tài sản đã bị tan biến đi trong cơng khủng hoảng nên lạm phát vẫn nằm trong vòng kiểm tra được và chỉ có thể là một sự đe dọa trong tương lai mà thôi.

Kết quả sau một năm tiến hành các biện pháp cứu nguy, nền kinh tế Hoa Kỳ đã có những sự thay đổi khả quan. GDP trong quý 3/2009 đã tăng trưởng trở lại 2.2%, chính thức chấm dứt sự suy thoái kinh tế với 4 quý liên tiếp phá ttriển âm số. Theo dự doán, quý 4/2009 sẽ tiếp tục tăng trưởng 4.4%.

Về lãnh vực lao động, hiện nay vẫn còn hiện tượng bị mất công ăn việc làm nhưng những tháng vừa qua các hãng xưởng đã bớt sa thải công nhân và các nhà phân tích hi vọng trong vòng một quý nữa, số lượng công việc được tạo ra sẽ cao hơn số công việc bị mất đi. Cần biết là để bảo đảm một sự phát triển đều hòa, nước Mỹ cần tạo ra một số lượng vào khoảng 200,000 công việc mới hàng tháng.
Xét trên lãnh vực địa ốc mà sự sụp đổ là nguyên nhân trực tiếp đưa đến khủng hoảng, những dấu hiệu gần đây cho thấy đã có một sự chuyển biến tốt hơn rõ rệt. Số lượng nhà bị nhà băng tịch thu đã giảm đáng kể. Số lượng nhà bán được có chiều hướng gia tăng đồng thời với giá cả cũng hợp lý hơn, không còn hiện tượng bán thốc bán tháo như trước nữa. Sự phục hồi của lãnh vực địa ốc có khả năng làm tăng giá trị tài sản của người dân và từ đó đẩy mạnh được mức tiêu thụ của khu vực tư nhân là yếu tố chính đóng góp cho GDP.

Đáng kể nhất là hệ thống ngân hàng nói chung đã lấy lại được sự thăng bằng, các ngân hàng lớn đã có lợi nhuận trở lại và hầu hết đã trả lại được cho chính phủ những món tiền lớn đã vay. Theo ước tính, sự thiệt hại của của chính phủ khi ra tay cứu hệ thống ngân hàng chỉ vào khoảng trên dưới $100 tỷ, phần lớn do sự phá sản của một số ngân hàng trung bình và nhỏ.

Ngày 27 tháng 01 năm 2010 vừa qua, TT Obama ra điều trần trước lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ đã tóm tắt tình hình của quốc gia là cơn khủng hoảng tài chánh coi như đã trôi qua. Hậu quả còn lại là nạn thất nghiệp và chính quyền sẽ đặt trọng tâm trong năm 2010 sẽ giải quyết vấn đề này bằng những biện pháp cần thiết như tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp nhỏ, mở rộng lãnh vực khai thác năng lượng sạch và đặt chỉ tiêu tăng gấp đôi xuất cảng trong vòng 5 năm tới đây. Những công việc này nhằm tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Điều nhận xét rõ nhất trong buổi báo cáo của TT Obama là ông ta không hề nhắc đến cơn nguy hiểm vừa qua, cũng như những khó khăn quá lớn nào mà nước Mỹ sẽ phải đương đầu trong thời gian tới đây. Ông rất tin tưởng nước Mỹ sẽ giữ vững vị trí hàng đầu của một cường quốc về kinh tế và vấn đề thất nghiệp trước sau gì cũng được giải quyết.

Sự lạc quan của TT Obama phần nào đã tóm tắt tình hình chung sự thành công của kinh tế Mỹ trong giai đoạn hiện nay. Theo tin tức mới cập nhật thì ngày 29 tháng 01, 2010 vừa qua, bộ Thương Mại Hoa Kỳ đã loan báo sơ khởi là GDP Hoa Kỳ trong quý 4/2009 đã đạt được thành tích tăng triển 5.7%. Phải chăng nước Mỹ đã thật sự thoát ra khỏi cơn khủng hoảng? Thời gian còn quá sớm để khẳng định điều này vì tỉ lệ thất nghiệp còn quá cao nhưng ít nhất đa số các nhà phân tích đều cho rằng thật sự đã có ánh sáng ở cuối đường hầm rồi.


30/01/2010

Duy Anh / QYHD

© DCVOnline

Tài liệu tham khảo:

(1)
BEA Bureau of Economic Analysis (2009). Gross Domestic Product. Truy cập ngày 26 tháng 1 năm 2010 tại https://www.bea.gov/briefrm/gdp.htm
(2)
MarketWatch (2009). Seven US banks closed by regulators; failures at 140. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2010 tại https://www.marketwatch.com/story/seven-us-banks-closed-2009-failures-at-140-2009-12-18
(3)
CNNMoney.com (2009). Final Score: $8,000 for homebuyers. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2010 tại https://niftyprediction.blogspot.com/2009/02/8000-home-buyer-tax-credit-explained.html
(4)
The Daily reckoning (2009). September 18,2008: Edge of Collapse. Truy cập ngày 20 tháng 1 năm 2010 tại https://dailyreckoning.com/september-18-2008-edge-of-collapse/
(5)
The Wall Street Journal (2009). Trying to Keep Cost of Health-Care Reform at $1 Trillion. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2010 tại https://blogs.wsj.com/health/2009/06/17/trying-to-keep-cost-of-health-care-reform-at-1-trillion/tab/article/
(6)
The Wall Street Journal (2010). A “Bleak” Budget but Slightly Better. Truy cập ngày 27 tháng 1 năm 2010 tại https://online.wsj.com/article/SB10001424052748703906204575026942464525862.html
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010
Nonfarm Payroll Employment. Nguồn: US Bureau Of Economic Analysis
Real Gross Domestic Product. Nguồn: US Bureau Of Economic Analysis
Duy Anh
(Nguồn: ĐCV Online)
Kinh T‰