Khủng hoảng tài chánh Mỹ và phương án Geithner
Loading
Duy Anh
(Nguồn trích dẫn: ĐCV Online)
Kinh T‰
Lời nói đầu của Ban Biên Tập

Bài này được tác giả Duy Anh viết vào cuối tháng 3/2009, tức gần một năm trước bài "Nước Mỹ đã thoát ra khủng hoảng 2008 như thế nào." Chúng tôi đưa lên đây nhằm giải thích thêm các biện pháp kinh tế mà chính quyền Obama đã áp dụng thành công đưa nền kinh tế Hoa Kỳ trở lại mức độ phục hồi như hiện nay.

Người được công nhận là kiến trúc sư của các chính sách cứu vãn kinh tế Mỹ chính là bộ trưởng tài chánh Timothy Geithner và sau đây là vài nét về phương án của ông.
Vài nét sơ lược

Vào mùa thu 2008, khó khăn về tín dụng Mỹ với những dấu báo hiệu từ một năm trước đó đã thật sự nổ bùng thành một cơn khủng hoảng tài chánh nghiêm trọng nhất nước Mỹ từ sau cuộc Đại Khủng Hoảng năm 1929. Hàng trăm tỷ vốn đầu tư có liên quan đến nhà đất đã bị mất trắng và làm sụp đổ lần lượt một số cơ sở tài chánh, nhà băng lớn mà có những cái đã từng tồn tại cả hàng trăm năm nay.

Để cứu vãn tình thế, chính phủ Liên Bang Mỹ (George W. Bush) đã áp dụng kế hoạch tài trợ $700 tỷ nhằm cứu một số ngân hàng lớn được chính phủ đánh giá là “quá lớn không thể để thất bại được.” Sở dĩ có con số $700 tỷ vì đây là số ngân khoản tối đa mà chính phủ có thể đề nghị vì luật giới hạn nợ quốc gia của Quốc Hội. Con số nợ cho phép hiện nay là $11,315 tỷ và con số thực sự nợ là $11,086 tỷ (ngày 14/03/2009).

Tuy nhiên con số $700 tỷ vẫn chưa đủ để giải quyết và cơn khủng hoảng tài chánh lan rộng qua Âu Châu và toàn thế giới. Khó khăn về tài chánh đã làm nền kinh tế Mỹ và toàn thế giới lún dần vào suy thoái và theo sự tính toán của National Bureau of Economic Research NBER (Văn Phòng Quốc Gia Nghiên Cứu về Kinh Tế), kinh tế nước Mỹ đã chính thức suy thoái từ cuối năm 2007. Theo định nghĩa thông thường, suy thoái kinh tế được đánh dấu bởi hai quý liên tiếp mà Tổng Sản Lượng Quốc Gia suy giảm, tuy nhiên những con số thống kê gần đây về TSL nước Mỹ không chính xác và cho thấy hai quý đầu năm 2008 lại có tăng triển. Mặc dù vậy, nếu tính thêm các chỉ số khác như thu nhập cá nhân, sản lượng kỹ nghệ và thương số bán sỉ thì cho thấy đều có suy giảm.

Mùa xuân 2009, những biện pháp thúc đẩy kinh tế như cắt giảm lãi xuất liên tiếp cũng như kế hoạch tài trợ $700 tỷ rõ ràng chưa mang lại hiệu quả mong muốn và nước Mỹ lún thêm vào suy thoái. Tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt đến 8.1%, cao nhất từ 1982 đến nay. Ngày 23/03/2009, chính phủ Obama và Bộ trưởng Ngân Khố Timothy Geithner đưa ra một phương án mới trong đó chính phủ sẽ dự tính tiêu một ngân khoản có thể lên đến $2 ngàn tỷ để cứu vãn tình thế. Liệu phương án Geithner có thay đổi được gì không còn phải chờ thời gian trả lời và trước khi bàn luận về phương án này, chúng tôi xin điểm qua một vài khái niệm về cơn khủng hoảng tài chánh hiện nay của Mỹ đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự thịnh vượng chung của toàn thế giới.

Nguyên nhân khủng hoảng tài chánh

Nhiều người cho rằng nguyên nhân chính của cơn khủng hoảng tài chánh Mỹ hiện nay bắt nguồn từ sau cuộc suy thoái kỹ thuật vào cuối thế kỷ 20. Khi thị trường chứng khoán Mỹ bắt đầu suy sụp từ năm 2000 và kinh tế Mỹ có dấu hiệu suy thoái, Dự Trữ Liên Bang (Fed) lập tức cắt giảm lãi xuất để mong thúc đẩy kinh tế trở lại. Hậu quả việc cắt giảm quá lâu dài này đưa đến tình trạng tiền trả nợ nhà hàng tháng giảm dần và kích thích giới tiêu thụ hoặc mua thêm nhà mới, hoặc tái tài trợ (refinance) nợ cũ.

Chính phủ Clinton của Đảng Dân Chủ thời đó chủ trương trợ giúp người nghèo được mua nhà và áp đặt chính sách cho vay tiền dễ dãi đối với hai công ty lớn có sự bảo đảm của chính phủ là Freddie Mac và Fannie Mae. Hai công ty này không trực tiếp cho người dân vay mà mua lại (mua sỉ) của nhà băng địa ốc khác. Chính sách cho vay tiền mua nhà dễ dàng đã khiến một số nhà băng áp dụng cách Sub-prime lending nghĩa là cho vay tiền mua nhà với lãi xuất cao hơn bình thường nhưng bù lại với điều kiện rất thấp, sau đó bán lại cho Freddie Mac và Fannie Mae. Có chuyện gì thì chính phủ bảo trợ rồi, lo gì.

Một số nhà băng Âu Châu và trên thế giới cũng nhảy vào “ăn có.” Hậu quả là cơn sốt địa ốc tăng mạnh và giá nhà cửa càng lúc càng được nâng lên một cách phi lý. Cảm nhận được nguy cơ sụp đổ, một số cơ cở tài chánh nghĩ ra các cách chẻ nhỏ và tìm cách bảo hiểm những món đầu tư cho vay này. Thế là các công ty bảo hiểm mà lớn nhất là AIG đều lần lượt bị dính vào mối hiểm nguy chỉ chờ dịp bùng nổ.

Ngày 23/10/2008, cựu chủ tịch Federal Reserve, Alan Greenspan, điều trần trước Quốc Hội giải thích lý do nước Mỹ bị lâm vào cái ông gọi là “sóng thần tín dụng trăm năm một lần” (once-in-a century credit tsunami). Ông nhận lỗi là không tiên đoán được chính sách cắt giảm lãi xuất quá lâu đã đưa đến những hậu quả tai hại như vậy. Ông là một trong những người cương quyết chống đối ảnh hưởng của nhà nước vào khu vực tư nhân nhưng niềm tin của ông đặt vào sự tự chế của tư nhân đã bị sai chỗ. Tuy nhiên cũng cần nói rõ chính Greenspan và một số nghị sĩ đảng Cộng Hòa, trong đó có John McCain đã nhận định ra nguy cơ sụp đổ từ năm 2005 nhưng các dự luật ngăn chận đều bị đánh bại tại Quốc Hội.

Diễn tiến cơn khủng hoảng

Hiện tượng đầu tiên là sự sụp đổ của Bearn Stearns, một cơ sở tài chánh chuyên về thị trường subprime vào tháng 6 năm 2007. Hậu quả việc cho vay mua nhà tràn lan đã đẩy nhà nhà lên phi lý và một số lớn chủ nhà tái tài trợ, rút ra một số tiền rồi bỏ nhà, nhà băng phải tịch thu nhà rồi bán đắt bán rẻ hầu rút vốn về. Ngoài ra, suy thoái kinh tế làm tăng tỉ lệ thất nghiệp, những người không đủ khả năng trả tiền nhà cũng phải mất nhà. Rốt cục Bearn Stearns lỗ nặng, Fed nhảy vào cứu để tránh công ty này phải khai phá sản. Tháng 3 năm 2008, Fed chính thức tài trợ cho Bearn Stearns số tiền lên đến $30 tỷ.

Tháng 8 năm 2008, đến lượt Fannie Mae và Freddy Mac có dấu hiệu hiểm nguy, Ngày 07/09/2008, Bộ Ngân Khố Mỹ chính thức tuyên bố “thâu tóm” hai công ty này. Con số lỗ thật sự của hai công ty này chưa được tính toán rõ ràng vì phương cách kế toán khá phức tạp nhưng tổng số nợ của hai công ty này cộng lại gần $2 ngàn tỷ trong khi tổng số tài sản phần lớn là những cổ phiếu tài trợ nhà cửa đang trên đà bị phá giá dần.

Ngày 12/09/2008, đến lượt Lehman Brothers, một công ty tài chánh đã từng tồn tại hơn 150 năm nay bị sụp đổ và buộc phải khai phá sản. Merrill Lynch, một công ty tài chánh nổi tiếng khác sáng lập năm 1914 phải tự “bán mình” cho Bank of America để tránh hậu quả tương tự.

Ngày 16/09/2008, DTLB buộc lòng nhảy vào cứu AIG với số tiền $85 tỷ để tránh một cuộc đại khủng hoảng có nguy cơ ảnh hưởng đến sinh hoạt tài chánh toàn thế giới.

Trong lúc này thì thị trường chứng khoán trên tòan thế giới kéo nhau tụt giá và làm ảnh hưởng trầm trọng đến niềm tin của người dân đối với nền kinh tế tự do.

Ngày 18/09/2008, cựu Bộ trưởng Ngân Khố Henry Paulson loan báo một kế hoạch cứu chữa lên đến $700 tỷ để tài trợ chủ yếu là những món nợ nhà cửa. Kế hoạch này sau nhiều sửa chữa đã được Quốc Hội thông qua ngày 03/10/2008. Đánh đổi lại việc tài trợ, chính phủ kiểm soát phần lớn chứng khoán của các công ty tài chánh. Nhiều người cho rằng đây là một hiện tượng quốc hữu hoá nhưng thực tế chính phủ không đủ nhân lực và phương tiện để trực tiếp cai quản các công ty này mà chỉ quản lý trên phương diện chính sách và qui định (quản lý hành chánh).

Song song với biện pháp tài trợ, DTLB Mỹ và các Ngân hàng trung ương Âu Châu tiến hành biện pháp cắt lãi xuất toàn diện hòng thúc đẩy sức vay của doanh nghiệp. Ngày 16/12/2008, DTLB lần đầu tiên cắt lãi xuất xuống mức kỷ lục tận đáy 0-0.25%.

Tân Tổng thống Obama lên nhậm chức ngày 20/01/2009 và Timothy F. Geithner được bổ nhiệm làm Bộ Trưởng Ngân Khố. Ngày 18/02/2009, Tổng Thống Obama tuyên bố tháo khoán một ngân khoản $275 tỷ để giúp hàng triệu dân Mỹ tái tài trợ nợ nhà hòng tránh bị mất nhà. Ngày 23/03/2009, Timothy F. Geithner và Chủ Tịch DTLB Bernanke điều trần trước Quốc Hội một phương án toàn diện để giải quyết cơn khủng hoảng tài chánh gọi là Public-Private Investment Program (tạm dịch là Chương Trình Công-Tư Đầu Tư).

Phương án Geithner

Hệ thống ngân hàng có thể được ví như là hệ thống tuần hoàn của cơ thể và Ngân hàng Trung Ương (Dự Trữ Liên Bang) đóng vai trò quả tim và lưu lượng tiền là máu huyết. Tình trạng khó khăn tín dụng đã làm cho máu không đủ để nuôi các bộ phận khác trong cơ thể nữa.

Nhiệm vụ của DTLB là làm mọi cách để giải tỏa bế tắc của các ngân hàng đang bị những món nợ cho vay không có khả năng thanh toán làm tê liệt vốn lưu động (working capital). Hậu quả là doanh nghiệp bị bế tắc không có chỗ vay mượn để hoạt động phải đi đến chỗ khai phá sản. Điển hình là kỹ nghệ xe hơi của Mỹ đã bị ành hưởng rõ rệt nhất, người dân ngưng tiêu thụ xa xỉ phẩm (trong đó có xe hơi mới) thành thử các hãng Ford, Chyrsler, General Motors hàng hoá bị tồn đọng và cụt vốn làm ăn, phải xin chính phủ tài trợ qua cơn khó khăn.

Phương án Geithner dựa vào 3 chương trình căn bản:

1. Cơ quan Federal Deposit Insurance Corporation FDIC sẽ đứng ra giám sát một chương trình bán những món “tài sản độc hại” (toxic assets) của các nhà băng cho giới đầu tư, chẳng hạn như các quỹ đầu tư hay các nhà băng khác. Những món nợ này được bán đấu giá và điểm quan trọng là chính phủ sẽ cho vay 85% giá trị đầu tư. Ngoài ra, Bộ Ngân Khố sẽ bỏ vào thêm một đồng cho mỗi đồng mà giới đầu tư bỏ ra. Như vậy, giới đầu tư chỉ phải bỏ ra 7,5% tiền đầu tư, nếu sau này có lãi thì cưa đôi với chính phủ mà lỗ thì chính phủ lãnh gần đủ.

2. Bộ Ngân Khố sẽ giúp tài trợ một số quỹ công-tư hợp-đầu- tư (Public-private investment funds) để mua hết các tài sản độc hại dưới dạng chứng khoán (securities) hay trái phiếu (bonds). Theo ông Geithner, hai chương trình trên có thể phải dùng đến một ngân khoản từ $500 tỷ đến $1 ngàn tỷ.

3. Bộ Ngân Khố có thể sẽ bơm thêm $1 ngàn tỷ nữa qua chương trình Term Asset-Backet Securities Loan Facility (TALF) trước đây nhằm khuyến khích vay mượn của giới tiêu thụ và doanh nghiệp, nay mở rộng ra tài trợ giới đầu tư địa ốc luôn, kể cả những tài sản độc hại.

Như vậy, chính phủ Obama sẵn sàng tung ra $2 ngàn tỷ tiền để làm sạch hệ thống ngân hàng và giúp các ngân hàng có khả năng hoạt động bình thường trở lại. Thay vào đó, chính phủ nhận thế chấp bằng những cơ sở địa ốc và nếu con nợ không trả được nữa, chính phủ chỉ có quyền tịch thu những cơ sở địa ốc đó và chấp nhận lỗ lã.

Bàn Luận

Bây giờ còn quá sớm để nhận định phương án Geithner có thể cứu vãn được tình thế hay không nhưng hiệu quả trước mắt là giới đầu tư đã bắt đầu nhìn ra ánh sáng cuối đường hầm và hồ hỡi đẩy mạnh thị trường chứng khoán lên một mức khá cao trong ngày phương án này được loan báo. Một số công ty môi giới chứng khoán lớn, trong đó có BlackRock và Pimco, tuyên bố sẵn sàng tham gia vào việc đấu giá những tài sản xấu này.

Sự thật thì phương án Geithner phần nào lập lại ở một qui mô lớn hơn phương án của chính phủ George H. Bush (Bush cha) đã áp dụng thành công giải quyết vụ sụp đổ của các quỹ tiết kiệm vào đầu thập niên 1990.

Cách lập luận của phương án Geithner như sau:

- Các ngân hàng đang bị gánh nặng tài sản độc hại làm tê liệt hoạt động và không còn vốn lưu động nữa. Kết toán hết những gánh nặng sẽ mang lại một sự tổn thất quá lớn có thể đưa đến phá sản. Phương án Geithner sẽ giúp cho các ngân hàng có cơ hội bán lại cho những công ty hợp doanh (mà hơn 90% là của chính phủ) những tài sản xấu với giá tốt nhất qua đấu giá. Vì được trợ giúp của chính phủ nên có khả năng bán được giá không đến nỗi xấu lắm.

- Sau khi đã được làm sạch rồi, những ngân hàng nào qua được “stress test” (một dạng thử thách đánh giá) của chính phủ sẽ được tài trợ để hoạt động bình thường, đổi lại thì chính phủ sẽ sở hữu một phần tài sản bằng preferred stock. Khi nào có khả năng, ngân hàng sẽ thanh toán trả lại cho chính phủ và lấy lại quyền tự do kinh tế.

- Con số $2 ngàn tỷ tương đương với số nợ hai công ty Freddie Mac và Fannie Mae đang sở hữu, do đó chính phủ Obama tin tưởng sẽ đủ để làm sạch hệ thống ngân hàng và tạo sức đẩy cho nền kinh tế.

- Về mặt hạch toán, giới đầu tư dám liều mua tài sản độc hại có cơ hội làm giàu nhanh chóng vì chỉ bỏ ra một tỉ lệ nhỏ mà lời thì chia đôi với chính phủ. Giới đầu tư này bao gồm các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí của các công ty và cá nhân. Chính phủ thì hưởng lợi thêm tiền lãi cho vay.

Các mặt tích cực:

- Đây là một phương án khả dĩ có thể thành công và biểu lộ việc chính phủ Obama đã dám mạnh dạn làm. Kinh nghiệm thành công giải quyết vụ sụp đổ hệ thống tiết kiệm đầu thập niên 1990 phần nào tạo tiền lệ tốt cho lần này.

- Nước Mỹ có một lợi điểm vô cùng lớn là có khả năng “in tiền” với số lượng khổng lồ mà không tổn hại đến nền kinh tế nghiêm trọng lắm. Hiện nay trong khối G7, so sánh tổng nợ với tổng sản lượng, tỉ lệ của các quốc gia G7 là:

1. Nhật 170.4% (2008)

2. Ý 103.7% (2008)

3. Pháp 67% (2008)

4. Đức 62.6 (2008)

5. Canada 62.3% (2008)

6. Hoa Kỳ 60.8% (2007) Hiện nay là vào khoảng 77%

7. Anh 47.2% (2008)

Như vậy, nếu muốn nợ “ngập đầu” như Nhật, Mỹ có thể in thêm $13 ngàn tỷ nữa. Còn nếu muốn nợ như Ý thôi, thì Mỹ có thể in thêm non $4 ngàn tỷ.

- Vấn đề nợ liên quan đến lãi xuất, càng nợ nhiều thì ngân sách quốc gia sẽ phải dành nhiều hơn khoản trả lãi. Mỹ lại có lợi điểm nữa là có quyền tự đặt lãi xuất vì ưu thế kinh tế và đồng đô la. Hiện nay lãi xuất công khố phiếu Mỹ 30 năm chỉ vào khoảng 3.7% mà vẫn bán đắt như tôm tươi.

Các mặt tiêu cực:

- Đây là một phương án quá lớn và chưa được thử thách đầy đủ. Còn rất nhiều ẩn số chưa giải đáp được. Chính Timothy F. Geithner tuyên bố: “Không nghi ngờ gì, chính phủ đang chấp nhận rủi ro và vấn đề là phải tiến hành như thế nào cho tốt nhất.”

- Phương án Geithner vẫn đặt trọng tâm vào việc cứu các ngân hàng mà đáng lẽ ra phải chịu trách nhiệm về cơn khủng hoảng tài chánh vừa qua.

- Phương án Geithner gặp sự chống đối của một số các nhà phân tích và kinh tế chủ trương sự có sự can thiệp của chính phủ vào kinh tế tư nhân mà mạnh mẽ nhất là Paul Krugman, giải Nobel kinh tế 2008. Tuy nhiên Krugman chưa đề nghị một phương án nào khả dĩ có thể thay thế phương án Geithner.

- Giải pháp Geithner tạo ra một sự bực dọc của một số quốc gia khác, họ cho là nước Mỹ ỷ vào ưu thế của mình mà hành động vô trách nhiệm, nay lại tự cấp cho mình những món tiền khổng lồ để trang trải chuyện làm. Dĩ nhiên nếu thất bại nữa thì cả thế giới lại vạ lây.

Chủ tịch Liên Hiệp Âu Châu Mirek Topolanek, thủ tướng của Tiệp lên tiếng chỉ trích chính sách thúc đẩy kinh tế của chính phủ Obama là “con đường dẫn đến địa ngục” (The road to hell) vì phải tăng nợ quốc gia nước Mỹ, thu hút lượng tiền về Mỹ và làm khó khăn tín dụng cho các nước khác. Liên Hiệp Âu Châu chủ trương đã đến lúc chính phủ phải siết chặt quản lý hệ thống tài chánh toàn cầu, trong khi đó thì chính phủ Obama có vẻ tin tưởng sự linh động của khu vực tư nhân sẽ giúp nền kinh tế chung sớm vượt qua những khó khăn hiện tại. Giải pháp Geithner tạo lối thoát cho các ngân hàng tư nhân mà không phải bị quốc hữu hoá.


Kết luận


Kinh tế tự do và trường phái tiền tệ sau hơn nửa thế kỷ mang lại sự thịnh vượng cho kinh tế toàn cầu đã bắt đầu có những dấu hiệu bất thường. Đành rằng nguyên nhân trực tiếp dẫn đến khủng hoảng tài chánh là những hoạt động không chính đáng của một số tổ chức và cá nhân, trong đó yếu tố chính trị (politics) cũng có phần tác động vào khủng hoảng, tuy nhiên nhiều nhà phân tích lo ngại nguyên nhân có thể nào còn sâu xa hơn nữa không? Dù sao đi nữa, phải có hành động tức khắc và chính phủ Obama đã mạnh dạn đưa ra một kế hoạch táo bạo mong thay đổi tình thế. TT Obama muốn tránh kinh nghiệm rụt rè của Nhật đã khiến kinh tế nước này bị trì trệ trong nhiều thập niên qua mà rốt cuộc nước Nhật vẫn bị nợ ngập đầu. Phương án Geithner thành công hay không còn tuỳ thuộc nhiều yếu tố khác và thời gian sẽ trả lời nhưng trước mắt, giải pháp này có vẻ được sự đồng tình của Quốc hội Mỹ và đã có những dấu hiệu hoạt động tài chánh Mỹ bắt đầu rộn rịp trở lại trong thời gian gần đây.

Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập và minh hoạ.

Tài liệu tham khảo:

Econbrowser (2008). Fannie Mae and Freddie Mac. Truy cập ngày 24/03/2009 từ: https://www.econbrowser.com/archives/2008/07/fannie_mae_and.html
CIA The World Fact Book (2009). Truy cập ngày 25/03/2009 từ: https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/geos/us.html
MSNBC (2008). It’s official: US is in recession. Truy cập ngày 24/03/2009 từ: https://www.msnbc.msn.com/id/27999557/
The New York Times (2008). Greespan Concedes Error on Regulation. Truy cập ngày 24/03/2009 từ: https://www.nytimes.com/2008/10/24/business/economy/24panel.html?em
The NewYork Times (2008). The Wall Street Bailout Plan, Explained. Truy cập ngày 24/03/2009 từ: https://www.nytimes.com/2008/09/21/business/21qanda.html?em
The New York Times (2009). Cedit Crisis - The Essentials. Truy cập ng ày 24/03/2009 từ: https://topics.nytimes.com/topics/reference/timestopics/subjects/c/credit_crisis/
The Wall Street Journal (2008). Greenspan Testimony on Sources of Financial Crisis. Truy cập ngày 24/03/2009 từ: https://blogs.wsj.com/economics/2008/10/23/greenspan-testimony-on-sources-of-financial-crisis/
The Wall Street Journal (2009). Resurrect the Resolution Trust Corp. Truy cập ngày 03/25/2009 từ: https://online.wsj.com/article/SB122161086005145779.html
zFacts.com (2009). National Debt Clocks and Savings Clocks. Truy cập ngày 24/03/2009 từ: https://zfacts.com/p/461.html
Yahoo!News (2009). EU presidency: US stimulus is “the road to hell”. Truy cập ngày 26/03/2009 từ: https://news.yahoo.com/s/ap/20090325/ap_on_bi_ge/eu_eu_us_economy

Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010
large_Timothy-Geithner-Mar29--09
Kiến trúc sư phù thủy
Timothy Geithner