Loading
Site map
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Tâm Tình - K› NiŒm SVQY Quan và Lính
BS Nguyễn Mạnh Tiến, cựu chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu

BS Nguyễn Mạnh Tiến, cựu chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu

Chiến sĩ Biệt Động Quân QLVNCH

Chiến sĩ Biệt Động Quân QLVNCH

Biệt Động Quân trong trận Tết Mậu Thân

Biệt Động Quân trong trận Tết Mậu Thân

Tiểu đoàn 41 BĐQ chiến thắng Hàm Luông

Tiểu đoàn 41 BĐQ chiến thắng Hàm Luông

Quân đội Úc  tham dự chiến tranh Việt Nam năm 1962

Quân đội Úc tham dự chiến tranh Việt Nam năm 1962

Binh sĩ Úc bắt tù binh Việt Cộng

Binh sĩ Úc bắt tù binh Việt Cộng

Quân đội Úc và Tân Tây Lan triệt thoái khỏi Việt Nam năm 1971

Quân đội Úc và Tân Tây Lan triệt thoái khỏi Việt Nam năm 1971

NGUYỄN MẠNH TIẾN - QYHD 20

Cuối năm vừa qua, tôi đọc được một bản tin trên báo chí Úc ra ngày 30/12/2010, tường trình vụ kiện do cựu Trung Tá hồi hưu Harry Smith khởi xướng nhằm đòi hỏi bằng khen và huy chương cho 11 binh sĩ, gồm 8 thành viên của Đại Đội Delta, 2 của Đại Đội Alpha thuộc Tiểu Đoàn 6, Trung Đoàn Hoàng gia, và 1 thuộc đội Thiết Giáp đã có công trong cuộc chiến đấu đẩy lui 2500 bộ đội và du kích Việt Cộng vào ngày 18/8/1966 tại Long Tân trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông Smith, khi đó mang lon Thiếu Tá, là vị Đại Đội Trưởng của Đại Đội Delta gồm 108 binh sĩ, đơn vị chính đã cầm cự và đẩy lui một lực lượng địch quân đông gấp bội dưới cơn mưa tầm tã tại một đồn điền cao su ở xã Long Tân, ghi nên một chiến sử vẻ vang trong lịch sử của quân đội Úc.

Theo bản tin, vào năm 1996 ông Smith đã mở chiến dịch vận động đòi chính phủ Úc phải chính thức công nhận công lao của các binh sĩ nêu trên, nhưng đã bị bác trong kỳ tái xét duyệt năm 1998, mà ông cho là bất công và có nhiều sai sót. Ông Smith tố cáo: "Cái sự thực xấu xa về trận Long Tân, cũng như trong suốt một thập niên (mà quân đội Úc tham dự*) trong cuộc chiến Việt Nam, là các sĩ quan cấp cao đã dành hầu hết các tưởng thưởng mà không cho các binh sĩ đã trực tiếp chiến đấu. Trong số 726 huy chương (của quân đội Úc tham chiến tại VN*) cấp phát trong suốt thời gian 10 năm đó, chỉ có 22 cái là được cấp cho anh em binh sĩ. Phần lớn dành cho các quan lớn chẳng trực tiếp dính líu gì đến chiến trận." Năm nay, ông Smith lại đưa việc này lên kháng cáo tại Tòa án Liên bang, nhất quyết đòi hỏi công lý cho các cựu thuộc cấp của ông thời trước, trong đó có 1 người đã qua đời.

Bản tin trên làm tôi liên tưởng đến quân đội miền Nam của mình ngày trước.

Sống ở hải ngoại hơn 30 năm qua, nhiều khi tôi vẫn nhớ đến quãng đời ngắn ngủi -chỉ vài năm - ngoài mặt trận trong chiến tranh Việt Nam. Cuối 1973 khi ra trường, tôi tình nguyện chọn binh chủng Biệt Động Quân, và được đưa về Liên Đoàn 32 BĐQ trú đóng tại thị xã An Lộc, nơi mà sau Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, quân ta phải đóng giữ đất, bao quanh bởi rừng và địch quân, ra vào khu hành quân chỉ với phương tiện duy nhất là trực thăng, vì đường bộ đã bị cắt.

Tôi vẫn nhớ mãi những lần xuống các tiểu đoàn kiểm tra vệ sinh và sức khỏe, đặc biệt là tình trạng sốt rét của binh sĩ, vốn là một nguy cơ sức khỏe lớn khi đơn vị đóng quân ở những vùng rừng núi nhiều sình lầy muỗi mòng như vùng Bình Long này. Tôi đã xuống tận những trung đội, tiểu đội đóng "chốt" ngay tại lằn ranh giữa ta và địch, hai bên chỉ cách nhau vài chục mét. Và đã chứng kiến cảnh anh em hạ sĩ quan binh sĩ sống, ăn ngủ và chiến đấu ngày đêm dưới giao thông hào hoặc hố cá nhân, thường khi lõng võng nước ngập đến mắt cá chân, có khi đến ngang bụng vì những cơn mưa rừng liên tục. Anh nào anh nấy ướt loi ngoi, quần áo đầu tóc lúc nào cũng đỏ lòm. Tệ nhất là hai bàn chân của họ, vì ngâm ngày đêm trong đôi giầy trận sũng nước, da bàn chân trở nên mềm nhũn trắng bệch, rất dễ lở loét và nhiễm trùng. Ăn thì chỉ có gạo sấy và lương khô, uống thì tự hứng nước mưa vào bi-đông mà xài. Thế mà tinh thần của họ vẫn cao, vẫn nói vọng từ giao thông hào này qua hố cá nhân kia, chuyện trò diễu cợt với nhau vui vẻ, không hề than vãn phàn nàn. Và khi Việt cộng bò lên tấn công với ý đồ chiếm tuyến thì họ chiến đấu dũng cảm như những con mãnh hổ, đẩy lui tất cả những đợt tấn công của địch, giữ vững phòng tuyến.

Chỉ huy của họ là những sĩ quan cấp thấp phụ trách trung đội, đại đội, lẽ dĩ nhiên cũng sống, ăn ngủ tại chỗ đó như các binh sĩ và hạ sĩ quan, nhưng phải nói là vẫn đỡ cực khổ hơn họ. Lính mình có một truyền thống thật dễ thương, biểu hiện lòng kính trọng thượng cấp: luôn luôn dành những gì tốt nhất, ngon nhất cho "ông thầy." Chỗ khô ráo nhất luôn luôn được họ dành cho "xếp." Thức ăn tươi nếu có, "xếp" chắc chắn là được ăn trước. Đến chỗ đóng quân, thường họ lo đào hố cá nhân cho "ông thầy" trước khi đào cho mình. Còn các sĩ quan cấp cao hơn, chỉ huy cấp tiểu đoàn trở lên thì phần đông sống tương đối đầy đủ hơn nhiều so với các cấp nhỏ trong đơn vị.

Về mọi quyền lợi được hưởng, người lính đều kém hơn nhiều so với các vị sĩ quan trong đơn vị. Chuyện đi phép chẳng hạn. Lấy thí dụ như ở đơn vị của tôi, vì đóng quân giữ đất trong một vùng bị địch quân vây hãm, vấn đề đi phép bị các cấp chỉ huy giới hạn tối đa để bảo đảm quân số hành quân. Sĩ quan thì sớm lắm cũng là 3, 4 tháng mới có được cái sung sướng cầm giấy phép mang ba-lô ra con lộ trống được dùng làm bãi đáp, chờ trực thăng chở về hậu cứ đi phép một tuần lễ. Còn anh em binh sĩ, hạ sĩ quan thì sau cả năm trời cực khổ ở hành quân, may lắm mới được đi phép một lần. Có lần tôi đã được nghe một anh lính trẻ nghẹn ngào tâm sự: “Chờ đợi cả năm, hồi đầu năm ngoái em mới được cấp phép đặc biệt về cưới vợ. Trở lên hành quân ít lâu thì vợ em viết thư báo tin có bầu. Bây giờ thằng con trai em đã biết đi, biết nói chút chút, mà em xin hoài chưa được phép về, nên chưa được thấy mặt nó, chỉ coi hình vợ em gởi lên thôi… Ở đây đánh giặc hàng ngày, em chỉ sợ rủi chết bất tử mà con nó chưa gặp mặt mình, tội cho mẹ con nó…”

Cũng như quân đội của bất cứ nước nào và ở bất cứ thời nào, anh em hạ sĩ quan binh sĩ luôn luôn chịu phần thua thiệt, mặc dù là thành phần đầu sóng ngọn gió, hứng chịu nhiều hiểm nguy nhất tại các chiến trường vì nằm ở tuyến đầu, trực diện chiến đấu với kẻ thù. Từ ngày xa xưa, cổ nhân đã từng nói: "Nhất tướng công thành, vạn cốt khô," giá phải trả cho sự thành công của một viên tướng là hàng vạn binh lính đã phải bỏ mình ngoài trận mạc. Và chắc chắn cũng giống như trường hợp của các binh sĩ Úc đang được cựu Trung Tá Smith kêu gào khiếu nại, anh em binh sĩ QLVNCH cũng chịu nhiều bất công trong việc tưởng thưởng công lao sau mỗi trận chiến, vì phần lớn các huy chương đã được dành cho các vị sĩ quan, kể cả một số chẳng hề trực tiếp gánh chịu hiểm nguy ngoài chiến trường!

Sang đến Úc, sau khi đã ổn định xong cuộc sống cho bản thân và gia đình, tôi bắt đầu tham gia đóng góp vào những công việc cộng đồng. Do đó tôi có nhiều dịp tiếp xúc với đồng hương ở đây, trong đó có nhiều cựu quân nhân QLVNCH, cả thành phần sĩ quan lẫn các anh em hạ sĩ quan binh sĩ. Phải nói rằng phần đông anh em cựu sĩ quan QLVNCH ở đây đều là những người đàng hoàng, giữ tư cách, đóng góp vào những sinh hoạt cộng đồng kẻ nhiều người ít tùy hoàn cảnh, khả năng của từng người. Và vẫn được các cựu binh sĩ và hạ sĩ quan kính nể. Tuy nhiên, cũng có một số cựu sĩ quan hành xử lố bịch, lúc nào cũng ra vẻ ta đây quan cách, chẳng có tí khả năng nào nhưng sẵn sàng xông ra nắm giữ chức vụ “Chủ tịch,” “Hội trưởng” này nọ, chỉ thích mặc đồ lớn đọc diễn văn, mặt mũi nghiêm trọng, bắt tay chụp hình với quan khách, còn công việc thì chẳng làm được chuyện gì cho ra hồn! Có ông trong những bữa tiệc, buổi nhậu, mặt mũi vênh váo, oang oang phét lác về những chiến công tưởng tượng, mặc dù trong suốt đời lính chưa hề cầm khẩu súng ra chiến trường! Đối với anh em binh sĩ hạ sĩ quan thì hống hách, coi thường, thậm chí ganh tị, dè bỉu nói xấu những anh em có thiện chí đứng ra gánh vác trách nhiệm điều hành những gia đình quân đội dù rằng họ làm rất được việc, theo cái kiểu “tụi nó lính lác, biết cái gì…” Chưa kể là có các quan còn chia phe đánh nhau chí chóe, bôi bác nhau tùm lum, làm trò cười cho thiên hạ. Những ông quan mà ganh tị với đàn em như thế, tư cách bại hoại như thế thì làm sao đòi hỏi được sự nể trọng từ các anh em binh sĩ hạ sĩ quan? Rất mong các ông quan lớn nhỏ này nghĩ lại mà thay đổi cho thiên hạ nhờ!

Đã phải rời bỏ đất nước trong hoàn cảnh ngặt nghèo, sống đời lưu vong tại xứ người như thế này, theo tôi cách đánh giá con người đúng đắn phải dựa trên thiện chí, tư cách và mức độ đóng góp hiện tại của mỗi cá nhân, chứ không nên dựa trên quá khứ hào nhoáng, chức vụ lon lá của thời trước. Không những thế, nếu trước kia càng mang cấp bậc cao, càng làm lớn chừng nào, thì lại càng cần phải giữ gìn tư cách, càng cần đóng góp làm gương, để giữ được sự quí trọng của dân chúng, của các cựu thuộc cấp. Quá trình cho dù có huy hoàng hiển hách cỡ nào đi chăng nữa, nếu cung cách ứng xử hiện tại mà bết bát thì cũng chẳng có ai kính nể. Cựu Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, để lộ bản chất vô liêm sỉ khi về VN quỵ lụy nịnh hót bọn cầm quyền Cộng sản, bị thiên hạ khắp nơi phỉ nhổ khinh bỉ, là một thí dụ cụ thể.

Mục đích của tôi khi viết bài này là để nói lên một lời công đạo cho anh em hạ sĩ quan binh sĩ, những người chiến đấu anh dũng nhất nhưng luôn luôn chịu nhiều bất công thua thiệt nhất, không những trong cuộc chiến VN mà ngay cả bây giờ. Riêng đối với cá nhân tôi, các bạn thực sự là những anh hùng đã âm thầm hy sinh xương máu trong suốt cuộc chiến bảo vệ tự do cho miền Nam chống lại sự xâm lăng của Cộng sản Bắc Việt, như thi sĩ Đằng Phương (tức cố giáo sư Nguyễn Ngọc Huy) đã mô tả trong bài thơ Chiến Sĩ Vô Danh:

"Họ là những anh hùng không tên tuổi,
Sống âm thầm trong bóng tối mông mênh,
Không bao giờ được huởng ánh quang vinh,
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước…"
 
Những đóng góp quí báu của các bạn đã, đang và sẽ được đại đa số mọi người ghi nhận và trân trọng. Xin các bạn cứ vững tâm tiếp tục đóng góp vào các công tác xây dựng cộng đồng và đấu tranh cho một nước Việt Nam tự do dân chủ.

Nguyễn Mạnh Tiến

* Chú thích của người viết
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010