Site map
TrÀn Trung CÃp (phÀn hai)
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Loading
Bệnh xá QY Hành quân của Liên đoàn 5 BĐQ

Chiếc xe GMC chầm chậm chạy qua cổng Trần Hữu Phương. Vào tới ngay sau đó là cái sân rộng thênh thang với bao nhiêu quân nhân của Liên đoàn đang đứng lố ngố để đón người mới lên, bên phải là cái biệt thự nền cao (sau tôi mới biết là của tr/tá Liên đoàn phó) bên trái tôi là dãy lô cốt (các lô cốt của sĩ quan BCH LĐ nằm ngay ngắn thành hình vuông để bao quanh cái sân rộng tráng xi măng láng bóng dùng để làm sàn nhảy ngày trước hiệp định Paris. Hàng lô cốt ở sân Liên đoàn nhìn thấy chỉ là một cạnh của cái hình vuông nầy) còn trước mặt tôi là con đường đất đỏ thẳng tắp, rộng rãi, sạch sẽ với vài căn nhà hai bên đường. Tất cả quân nhân trên xe GMC đều nhảy xuống xe, ai với hành trang nấy. Hạ sĩ Long, y tá của tôi từ những ngày xa xưa ở trận Quảng Trị ở trong đám đông chợt tiến đến, dành xách cái sac marin của tôi sau khi chào kính:”Lâu quá mới gặp lại ông thầy. Tui tưởng ông thầy xuất ngoại năm trước trở về chắc giải ngũ mẹ nó rồi ai dè ông thầy còn lên đây với tụi tui ...” Anh chàng hạ sĩ y tá nầy, con người rất vạm vở. Đi tới đâu anh ta cũng tìm những vật nặng để dùng làm tạ và việc tập tạ của anh ta không gián đoạn bao giờ. Nhưng anh em QY cũng như các quân nhân khác của BCH LĐ cứ gọi anh ta là Long mập tuy rằng trên người anh ta thiệt không có chút mở nào. Tôi gặp Long mập cũng mừng rở kể gì vì ít ra gặp người quen cũ đã đi chiến đấu với mình (tôi nghĩ giúp cho đời dễ sống hơn toàn người xa lạ).

-Ê Long mập, QY mình trên nầy bây giờ còn có ai quen ? Và ai làm y tá trưởng?

-Y tá trưởng thì không có sau khi ông chuẩn úy Hải đi Quảng trị về, ổng già quá nên đã đổi đi đơn vị khác, còn trung sĩ nhất Xê, chắc bác sĩ có gặp ổng ở hậu cứ, bây giờ lên thượng sĩ rồi, ổng lo trông coi hậu cứ nên mình trên nầy chỉ có mấy thằng mới đổi về hoặc mấy thằng khùng mới ra trường Quân Y đã ngu chọn BĐQ...

-Mầy nói vậy té ra hồi tao ra trường, tao chọn BĐQ cũng là ngu sao?

Long “mập” chưa trả lời thì bấy giờ, đám hành khách đã tan hàng để lo đi về căn cứ của họ. Tr/sĩ Cấp cũng đang xách ba lô đi theo cùng hướng với tôi nên tôi hỏi :

-Ủa, trung sĩ đi đâu đây?

-Dạ, em phải trình diện tiền cứ của Tiểu đoàn trước khi vô chốt đã. Bác sĩ gọi em bằng cấp bậc nghe trịnh trọng quá, sao ông không gọi em mầy tao như gọi đệ tử của ông cho thân tình?

-Muốn vậy cũng được, ngã nào chắc mầy cũng nhỏ tuổi hơn tao
...

Bây giờ tôi mới thấy, trong khi hạ sĩ Long “mập” và tôi đang đi về hướng bệnh xá Hành quân thì bên phải con lộ chính trong căn cứ là dãy nhà “tiền cứ” của 3 Tiểu đoàn. Cấp chào tôi rồi quẹo vào trong một căn nhà.

Long nói:

-Bệnh xá, nhà mình, ở ngay trước mặt đó ông thầy...

Tôi xin độc giả cho tôi vài dòng để tả cái bệnh xá Hành quân của Liên đoàn 5 BĐQ đóng ở thị xã An Lộc năm 1973 vì không hiểu sao, tôi có cái cảm giác rất thân thương với cái bệnh xá nầy tuy nó chứng kiến sự “ra đi” của bao nhiêu bằng hữu, bao nhiêu người lính trẻ và cũng là nơi tôi bỏ bao nhiêu tâm huyết để xây dựng và tồn tại cũng như sống sót ở cái đất dầu sôi lửa bỏng nầy.

Bệnh xá cao khỏi mặt đất chừng 1.5m với những hàng tôn che làm mái và bao nhiêu là bao cát chất đầy phía dưới mái tôn để chống pháo kích. Cái mái tôn hiện ra trước mắt tôi dài chừng 50m nằm thẳng góc với con lộ chính của trại. Bên trái một chút là cái mái nhà nhỏ nhỏ là nơi cửa chính xuống hầm. Tôi lẽo đẽo theo sau Long mập, anh chàng vừa bước trên cầu thang xuống hầm vừa bô bô cái miệng :

“Tụi bây ơi, có bác sĩ Ấn hồi xưa trở lại và lên đây nè!”

Cuối cầu thang chừng 14 bậc, anh em quân y tá đủ mọi kiểu quần áo đã xuất hiện đầy nghẹt, ai cũng chào và mừng rở khi gặp lại tôi làm tôi cảm thấy thật ấm lòng cho sự thương mến của thuộc cấp với mình. Và sẳn mối cảm động trong lòng và sẳn anh em đông đúc, tôi bèn nói mấy câu phát ra từ trong tim tôi:

-Chào mừng các anh em, có gì sướng cho tôi bằng còn sống và có dịp gặp lại anh em. Thời gian tôi ở đơn vị nầy sau khi ra trường chỉ có mấy tháng, tưởng tôi làm gì có được cái vinh dự được anh em thương mến để chào mừng tôi như thế nầy. Tôi xin hứa với lòng và với các anh em, tôi sẽ hết sức làm cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn cũng như Bệnh xá QY của chúng ta không bao giờ là ác mộng của các chiến sĩ trong Liên đoàn 5 BĐQ.

Rồi tôi nói tiếp:

-Ê, cho tôi chút thời gian đi quan sát tình hình bệnh xá cái đã chớ!

Chỗ tôi bước xuống cầu thang và anh em quân y tá đứng đầy ra đó là một căn phòng trống trải, chiều rộng là nửa cái hầm là 2,5m, còn chiều sâu độ chừng 3m. Long mập xách cái sac marin đi vào căn phòng kế bên trong, vừa đi vừa nói:

-Phòng ngủ của bác sĩ nè, em để cái sac marin trong nầy cho ông nhe...

Tôi bước vào nửa bên kia và thấy phòng ngủ (tương lai) của tôi rất nhỏ bề ngang, chỉ vừa đủ hai chiếc giường đóng bằng ván ép với một khoảnh đường đi nhỏ ở giữa. Nhìn thấy hai cái giường, tôi sực nhớ ra Liên đoàn có 2 bác sĩ, ngày xưa trước khi tôi bị bắt làm tù binh thì Y sĩ trưởng là đàn anh trên tôi 1 lớp là anh Huỳnh Kim Trung, còn bây giờ là ai? Tôi có lên hành quân cũng để cho bác sĩ kia, đương kim Y sĩ trưởng trở về để lo chuyện hậu cứ, vậy anh đâu rồi? Như đọc được ý nghĩ của tôi, Long nói:

-Bác sĩ còn nhớ bác sĩ Trung không? Ông mà hồi trước ở Quảng Trị là Y sĩ trưởng LĐ đó, hiện giờ chắc ổng lên trên BCH nên không có ở nhà.

À,
anh Trung còn ở đây, thế là tốt lắm vì ít ra, anh với tôi cũng có chút dây dưa cảm tình nên không gì sướng cho bằng, trong quân đội mà có xếp trực tiếp là người biết mình, (quen càng tốt) nay anh Trung mà còn ở đây thì coi bộ tôi sẽ dễ làm việc hơn là một anh lạ nhiều. Thế là tôi ra khỏi phòng để đi tiếp thăm bệnh xá.

Qua cái cửa chỗ phòng khách cạnh phòng tôi ngủ một cái phòng to hơn cả phòng ngủ của tôi và phòng khách vì nó chiếm hết bề ngang căn hầm mà trong đó là bao nhiêu giường ngủ đóng bằng ván ép để nguyên miếng nên chắc chắn không phải dành cho một người nằm. Có người nói với tôi:

-Đám đệ tử ngủ ở đây đó ông thầy.

Trong góc phòng là một cái tủ đứng lớn có khóa. Tôi hỏi:

-Tủ ai mà bự vậy?

Trả lời:

-Tủ đó của anh em xài chung, hể có gì quý giá ai cũng bỏ vô đó cho khỏi mất mát”.”Tủ thuốc ở đâu ?””Tụi em để tùm lum trong phòng ngủ y tá thôi.

Tôi đi ra khỏi phòng ngủ y tá và căn hầm trở nên rộng thênh thang. Với đường đi ở giữa, hai bên là hai dãy giường (cũng bằng ván ép) mà trên đó, tôi liếc sơ cũng chừng 10 người bệnh, kẻ nằm người ngồi nhưng ai cũng nhìn tôi.

Một quân y tá giới thiệu trống không:

-Đây là bác sĩ Ấn, người sẽ thay đổi đi hành quân với bác sĩ Trung đó. Đừng thấy ổng mặt mới mà lại trẻ rồi tưởng ổng mới ra trường nha các anh, ổng ra Liên đoàn mấy năm trước rồi bị VC bắt làm tù binh ở Quảng Trị bây giờ trở về lại với mình đó.

Thương bệnh binh xì xồ gì đó nhưng không ai nói với tôi nên tôi đi thẳng.

Nếu căn phòng chính vá to nhất của bệnh xá là trại bệnh thì cuối hầm lại là cái cầu thang lên xuống cũng giống như cầu thang tôi xuống hầm hồi nảy. Có người nói :”Cầu thang nầy đi ra cửa sau bệnh xá đó ông thầy.” Tôi đi theo cầu thang lên lầu thì thấy nhà bếp của QY. Nhà bếp Hành quân của lính thật là đơn giản, không có gì ngoài chiếc bàn dài làm bàn ăn với 2 cái băng hai bên làm ghế ngồi. Bên cạnh đó là một cái kệ được xây bằng đất nung để làm bếp, một cái tủ làm garde manger. Tôi tới ngồi trên cái băng ghế nhìn quanh quất thì thấy miếng đất ngay bên cạnh cửa sau bệnh xá rộng chừng 15X15m cây cỏ mọc um tùm giống như những cái vườn trong sân dân nhà Bình Long hồi tôi đi qua, vài cái thùng phuy đựng nước dùng trong bếp và cầu tiêu xa xa hơn nữa. Nhưng đáng kể nhất là ngay cạnh giữa bệnh xá và hàng rào phía sau của Trại là một cái nghĩa trang và tôi được cho biết, trong những ngày đánh lớn ngay trong thị xã năm 72, tử sĩ quân ta không được đưa xác về vì trực thăng lên xuống không được, vì thế phải chôn tại chỗ. Trước mặt tôi là Nghĩa trang Tử sĩ Liên đoàn 3 BĐQ, vì ở trong cái đảo An Lộc mà chung quanh là biển VC nên mồ mả có vẽ tiêu điều, cỏ tranh mọc tràn lan và không hương khói gì cả. Tôi chợt buồn ...

Sau màm thăm nhà thăm cửa của mình, tôi bèn đi một vòng BCH coi như ma mới dọn nhà về đi chào ma cũ ở hàng xóm. Nhưng trong óc tôi, chưa bao giờ tôi nghĩ ra được An Lộc nói chung và bệnh xá của QY chúng tôi sẽ là nhà của tôi trong một năm rưỡi nữa cho tới cuối năm 74.

Trần Trung Cấp, lần gặp cuối

Buổi sáng kia, một trung sĩ xăm xăm đi tới bệnh xá và hỏi tôi có ở hành quân không ? Sẳn sáng cũng còn sớm nên tôi sắp lên nhà bếp để uống ly café sữa sáng. Trông thấy anh trung sĩ, tôi nhớ mặt quen quen nhưng không nhớ ra là ai, anh chàng cười lớn, chào tôi và nói :

-Bác sĩ quên em rồi hả ? Em là thằng Cấp, bửa bác sĩ lên An Lộc lần đầu là ngồi kế em đó ...

-Ừa, nhớ ra rồi. Em về phép hả? Sướng nhá ...

-Phép gì mà phép lia liạ vậy bác sĩ. Bửa về phép lần trước rồi trở lên gặp ông chưa được năm mà, dễ gì ai cho đi phép nữa hả ông?

-Thì mầy kêu VC cho mầy xin viên đạn đi, hể tản thương về đây thế nào mầy cũng được tản thương về dưới hà...

Y tá của tôi, không biết ai đã nói vậy. Tiếp theo là mấy thương binh cũng nhao nhao chen lời:

-Ờ, ráng bị thương đi mầy, sẳn có ổng ở trên nầy là mầy đi phép coi như chắc chắn đó ...

-(Cấp:) Tụi bây nói vậy chớ lỡ ăn viên đạn của VC rồi tao “đai men” làm sao ? Còn nói ổng cho mấy thằng bị thương tản về dưới sao tụi bây còn ở đây?

-(Một thương binh): Trung sĩ có nhớ bửa trước, VC tấp chốt ban đêm cả chốt tui 3 thằng đều bị thương không ? Vậy mà bửa nay có mình tui ở đây hà tại 2 thằng kia gần lành rồi nên thay vì trả ra đơn vị đánh giặc tiếp, ổng cho về phép tản thương hết rồi... Hể mà gần lành ổng mới cho về chớ nặng, ổng nói, chỉ về cho bà già khóc và báo vợ báo con thì về làm chi?

Tôi cứ ngồi yên, lẩm nhẩm uống cà phê để cho Cấp và mấy thương binh nói chuyện lung tung hết bị thương tại cái gì, tản về bệnh xá rồi ăn ở ra sao, bác sĩ của mình chữa bệnh ngon lắm ra sao, mấy cha ca tôi nhiều quá làm tôi “quê” nên tôi mới xía vô:

-Thôi mấy thằng ông nội, đụ mẹ ca cho tao cũng ca vừa vừa thôi, ca quá người ta cho là xạo đó...

Nhưng Cấp đã hiểu được câu chuyện khá nhiều, QY phải nuôi ăn chùa cho thương binh nên ăn uống giống như kinh nguyệt, trồi sụt bất thường. Anh em cố trông cậy vào tài bi da của thằng Phỉ (mới ra trường QY) và tài đánh domino(công ký) của tôi và trung sĩ nhất Bảo khi có độ đụng với bất cứ ai ngoài QY !! Tôi cũng ráng vừa học bida của Phỉ, vừa học domino của trung sĩ nhất Bảo với hy vọng kiếm thêm chút đỉnh cho QY (Tôi cũng đâu dè Trường QY gởi về tôi một binh nhì đánh bi da hay hiếm thấy cũng như chuyện kéo trung s ĩ nhất Bảo ở Trinh Sát về là thêm tay domino xuất thần nhập hóa cho chúng tôi kiếm thêm tiền đi chợ!)

Nếu lần đó, trung sĩ Cấp chỉ ra Liên đoàn vì có công tác gì đó thì nhiều lần sau, Cấp đem ra cho chúng tôi khi trái bí, khi trái mướp, thậm chí cả thịt rừng mà anh đã bắn được trong chốt (heo rừng nhiều nhất, sau đó là đủ loại con từ nhỏ tới vừa vừa... và đời tôi, sống ở An Lộc l à giai đoạn tôi được ăn thịt rừng nhiều và thích lắm nhưng sau An Lộc, tôi không bao giờ ăn thịt rừng trong tiệm ăn ở Saigon nữa cả -vừa không ngon, vừa tội nghiệp con thú rừng và vừa phá hoại thiên nhiên-)

Thì ra tình trạng ở trong chốt cũng giống như tôi làm vườn, lính mình cũng ráng dành thời giờ chút đỉnh để trồng trọt cho có gì ăn thêm nên ai ở trong chốt lâu chừng nào thì có nhiều cây trái chừng nấy. Không những một mình Cấp mà anh ta nói sao đó nên trong chốt, lần lượt bất cứ Tiểu đoàn hay đại đội nào, thỉnh thoảng đều có quà cho QY cả và từ đó, sự ăn uống của anh em và tôi cũng không đến nỗi nào (còn khá hơn ăn trên nhà bàn Sĩ quan nhiều) Phải nói miếng ăn là miếng tồi tàn nhưng trong những trái bầu trái bí hay đơn giản như một cái đùi heo rừng cho bệnh xá QY, chúng tôi  ai cũng cảm nhận được sự cố gắng của mình đã được anh em ghi nhận và riêng tôi, tôi sung sướng là được anh em hạ sĩ quan, binh sĩ mến thương cho dù trái bầu, trái bí tuy rằng đó chỉ là những món vô cùng đơn giản trong gia đình VN.

Từ đó, bệnh xá là giống như quán xá thì đúng hơn, bao nhiêu hạ sĩ quan, binh sĩ ghé chơi ngày nào có chuyến bay (những ngày mưa bão hay đánh nặng quá trong chốt thì máy bay không lên, có lần tôi ôm 3 cái xác chết -tiếng nhà binh gọi là tủ lạnh- mà không có máy bay lấy gì mà chở về, chúng tôi đã phải để 3 cái xác chết nằm ở cái chái trong sân BCH kề bên bệnh xá và khi xác bốc mùi -hể xác có mùi là máy bay sẽ từ chối chở, không biết tại sao nữa- chúng tôi phải mở poncho ra để cởi đồ nạn nhân rồi lau cả người xác chết, sau đó lại bó poncho trở lại gọn ghẻ và đẹp đẻ hơn trước- Tôi nhớ mãi có một lần, cả chục ngày liền không có máy bay cho dù là kêu gào trực thăng tản thương lia lịa và kỳ đó, mỗi xác chết chúng tôi phải làm thủ tục “clean up” và “re-packaging” những mấy lần.

Cấp cũng vậy. Từ cái quen biết có một chuyến bay đi chung tới sự ra Liên đoàn ghé bệnh xá chơi nhiều lần và lòng kính trọng tôi của Cấp dần dần biến Cấp từ một người xa lạ trở thành một nhân vật rất quen biết của QY và anh đối với tôi không phải đơn giản là giữa 2 người lính mà như 2 anh em. Không biết Cấp nghĩ sao về tôi chớ thật ra, tôi coi Cấp như em ruột tôi chẳng bằng. Nếu Cấp mỗi lần ra là xách theo cái gì đó cho QY thì tôi cũng hay kiếm cái gì trong bệnh xá để cho Cấp đem về chốt để có ăn.

Một lần sau, cả năm sau khi tôi lên An Lộc chớ ít gì, Cấp ra tới Liên đoàn, miệng cười hớn hở nói với tôi:

-Sao lạ quá, lần nầy bộ nhờ lên lon sao mà chưa tới năm đã được đi phép...

Bây giờ tôi mới nhận ra Cấp đã lên trung sĩ nhất. Những cuộc nói chuyện trao đổi thường lệ diễn ra cho tới khi tiếng ơi ới của mấy người được đi về Long Bình văng vẳng vọng xuống bệnh xá thì Cấp chào tôi và mấy quân y tá rồi xách ba lô đi. Đúng 3 ngày sau, tôi được nghe trung sĩ nhất Bảo nói với tôi:

-Thằng Cấp sao đi có 3 ngày mà đã lên rồi.

Tôi đáp :

-Chắc gia đinh nó bị quan hôn tang tế gì nên nó đi phép ít ngày chớ gì. Kệ mẹ nó, lát nó ghé thì mình hỏi để chia buồn với nó...(tôi nghĩ cha mẹ Cấp chắc có chuyện tang lễ gì đó...)

-Đâu được ông thầy. Nó lên và đi thẳng vô trong chốt luôn rồi.

(À, cái đó mới lạ dử, tôi có ý giận sao Cấp lên không ghé tôi mà đi thẳng vô chốt ...)

Tối hôm đó, tôi nghe thật xa có tiếng nổ lớn và chỉ một tiếng mà thôi. Anh em QY bàn với nhau : không biết là nổ cái gì mà tiếng nghe như lựu đạn nhưng lạ ở chỗ, cho dù ta hay VC tấp chốt nhau thì phải có nhiều tiếng nổ mới đúng chớ, đàng nầy chỉ có một tiếng rồi ngưng.

Có người bàn:

-Chắc thằng gác thấy cái gì nên toong ra một trái lựu đạn...

Nhưng chỉ giây phút sau là QY có điện thoại để đi vào TĐ30 chở cái tủ lạnh. Ai tấp chốt ai mà Tiểu đoàn 30 lảnh một con như vậy? Cũng thời là mấy tiểu đoàn BĐQ của Liên đoàn nhưng vì ở lâu nên VC biết hết tình hình quân ta nên thường thường, VC né gần như không bap giờ muốn “chơi” với Tiểu đoàn 30 cả vì tiểu đoàn nầy đánh giặc rất ngon lành và nổi tiếng từ Kampuchia (căn cứ Alpha) cho tới nay, sao lại Tiểu đoàn 30 ? Nhưng thắc mắc gì thì thắc mắc mà nhiệm vụ của chúng tôi vẫn cứ thi hành như thường lệ. Tủ lạnh thì thường hể ban đêm chúng tôi để ở cái nhà sập nghiêng cạnh bên QY để sáng rồi sẽ rửa ráy sau trước khi đưa lên trực thăng để chở về hậu cứ nhưng vì chưa biết có thương binh hay không nên thầy trò chúng tôi sẳn thức thì thức luôn để chuẩn bị.

Một lát sau, khi tiếng xe jeep của Sáu Gà (lúc đó jeep của Sáu Gà chưa bị bắn nên tối còn dùng đi tản thương được) đỗ xịch ngoài cửa sau bệnh xá chỗ nhà bếp, anh em chúng tôi ùa lên để phụ khiêng cái tủ lạnh xuống và đón thương binh nhưng không có thương binh nào cả mà chỉ có một cái tủ lạnh. Làm như linh tính bảo tôi sao đó mà tôi muốn cởi cái poncho do Tiểu đoàn bó xác ra để lau rửa nạn nhân thay vì chờ trời sáng như thường khi và quý vị có biết, cái xác nằm trong poncho khúc mình đã nát bét, chỉ có khúc hai chân và may mà cái mặt còn y nguyên và cái mặt đó là cái mặt của Trần Trung Cấp, người lính trẻ vừa lên trung sĩ nhất có mấy hôm. Anh chàng quân y tá của tôi đã tháp tùng Sáu Gà đi tản thương cho biết, Cấp đã đuổi tất cả anh em tiểu đội ra ngoài lô cốt để nằm trên võng và ôm trái lựu đạn vào bụng một mình để tự tử.

Việc Cấp tự tử hoàn toàn đi ngược với suy nghĩ của tôi, nếu nói VC bắn sẻ anh hay anh tấp chốt rồi tử trận thì còn có chỗ vô lý vì đã sống lâu ở An Lộc nên Cấp sống rất sành nghề trong chốt, không dễ gì VC bắn sẻ anh được. Chỉ có tấp chốt thì có lý vì Cấp vẫn nỗi tiếng là gan dạ (bởi vậy lên lon lẹ so với cấp bậc hạ sĩ quan) nhưng tự tử? Cấp trẻ trung, yêu đời, vui vẻ, lễ phép, có thể nói tôi hoàn toàn không tin được mà cũng bao giờ đoán được người như Cấp lại đi tự tử !! Thầy trò xúm nhau tắm rửa, thay đồ cho Cấp lần cuối cùng của anh nhưng tôi, đã dạn dầy quá nhiều ở mặt trận, sao nước mắt cứ chảy xuống nhoè cả mắt?

Tôi nói :

-Tụi mầy lo cho nó đi, tao không muốn dòm thấy nó như vầy đâu.

Mấy ngày sau, tôi được gặp trung úy đại đội trưởng của Cấp trong một dịp anh chàng ra BCH Liên đoàn để họp. Anh ta đưa cho tôi một lá thơ, nói của Cấp nhờ trao lại cho tôi. Tôi chỉ liếc qua là xong vì bức thơ chỉ có một dòng chữ và không dừng được, tôi chỉ có thể nói “ĐM!” Nguyên văn lá thơ như sau:

-Xin lỗi anh nếu làm anh buồn nhưng là bác sĩ, anh có thấy trường hợp ai không ngủ với chồng cả năm mà có con 3 tháng không?-Cấp-

Xin quý vị đọc giả tự hiểu dùm cho tôi vì chính tôi, tới giờ nầy vẫn thấy thương Cấp và thù ghét người đàn bà lỡ làm vợ Cấp. Tại sao bao nhiêu người chờ chồng được mà cô ta thì không để quân đội mất đi một chiến sĩ can trường và chúng tôi mất đi một người em dễ mến?

Cũng may, không lâu sau thì tới phiên tôi rời An Lộc vĩnh viễn bởi lý do giải ngũ nhưng tới ngày hôm nay, gần 40 năm sau, tôi vẫn nhớ hoài An Lộc của thời 73 và Trần Trung Cấp. Tôi, cả chục năm trước có dịp về VN, tôi đã mướn xe lên An Lộc chỉ với ý niệm tìm lại cái gì của ngày xưa nhưng tôi đã bị lạc, An Lộc bây giờ là của chế độ mới với bao nhiêu nhà tư bản đỏ đã biến An Lộc của Trần Trung Cấp và tôi ra khác đi quá mất rồi...

NNA

An Lộc, những dấu tích của chiến tranh

An Lộc, những dấu tích của chiến tranh

Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010