Loading
Site map
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
GS Tô Đồng và Bác sĩ Robert Day

GS Tô Đồng và Bác sĩ Robert Day

Một số Giáo Sư Đại Học Dược Khoa cũ

Một số Giáo Sư Đại Học Dược Khoa cũ

Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010
Trường Dược thời đệ nhị cộng hòa
 
Thời đó nam sinh viên, nếu không đậu vào đại học y nha dược khoa, thường bị gọi đi quân dịch. Tôi chắc có giáo sư và sinh viên còn ít nhiều kỷ niệm khó quên về kỳ thi nhập học dược khoa. Các sinh viên có bằng tú tài hai, Pháp hay Việt, đều được phép dự thi tuyển. Thông thường, mỗi kỳ thi có cả năm bảy ngàn thí sinh. Ba bài thi là Lý Hóa, Vạn vật, và Sinh Ngữ. Thi kiểu trắc nghiệm, gồm mười câu hỏi ngắn. Lý Hóa, Vạn Vật hệ số hai. Sinh Ngữ, có thể chọn hoặc Anh hoặc Pháp, hệ số một. Chính vì số lấy đậu rất ít nên điều tiếng về việc ăn tiền, gian lận trở thành rất nhiều. Tôi không phải muốn trần tình cho trường, nhưng nhân đây kể lại một hai câu chuyện liên hệ đến thi tuyển.

Chuyện thứ nhất vào năm 1972 là một chuyện buồn. Tôi lúc đó làm chánh chủ khảo, nhưng thường chỉ trông coi ban Lý Hóa mà thôi. Buổi sáng hôm thi tuyển, ban Lý Hóa chúng tôi mỗi người ngồi lựa một hay hai trong mười câu hỏi để buổi trưa đánh máy rồi in ra đề cho thí sinh thi buổi chiều. Như vậy đề thi khó có thể bị tiết lộ. Giáo sư Nguyễn Bỉnh Tiên ngồi bên tôi bỗng nghẹn ngào nói như khóc là chúng tôi rất bất nhẫn khi bắt ông phải chấm kỳ thi tuyển này. Ông trách chúng tôi không giúp đỡ một ai nên cậu con trai ông kỳ trước không đậu, phải đi quân dịch. Ông vừa được tin con bị mất tích hay đã trở thành tù binh cộng sản tại Quảng Trị. Ai nấy đều bàng hoàng. Tôi chỉ còn cách xin ông cứ về nghỉ ngơi, miễn phải chấm kỳ này, và cầu chúc con ông sớm được yên ổn trở về. Ông ở trong ban giám khảo mà cũng không giúp được con mình thi đậu. Chính vì việc này mà về sau hội đồng khoa đặc cách chấp thuận cho giáo sư có thể xin một chỗ cho con học để sau tiếp nối trông coi dược phòng của mình. Con số này sẽ không tính vào số sinh viên được phép tuyển lựa. Nhưng chưa thấy đã có trường hợp ngoại lệ nào như vậy.

Chuyện thứ hai là những việc vui. Trường thường phải mượn thêm nhiều trung tâm giáo dục để tổ chức kỳ thi tuyển. Khi phong trào tranh đấu sôi sục, chúng tôi lo sợ nhất là ngày thi bị người ta quấy phá. Năm tôi trông các phòng thi tại trường Văn Khoa, giáo sư Niên cho biết có thể không thi được vì sẽ bị ném đá. May có giáo sư Nguyễn Cộng Hòa phụ tá tôi đã rất đắc lực trong việc điều hành. Và với sự tích cực của toàn thể nhân viên giảng huấn, chưa hề có lần nào trường phải cho thi tuyển lại. Cũng thời gian ấy, giáo sư Đào Hữu Giao có nói với tôi là chuyện ăn tiền trong kỳ thi tuyển chắc chắn có đấy. Vì ông lúc ấy còn là Dân Biểu nên rõ hơn tôi. Giáo sư Nguyễn Ngọc Sương bên Khoa Học cũng thắc mắc về vấn đề này. Tôi có mời cả hai giáo sư làm việc trong ban Lý Hóa và dự chấm kỳ thi tuyển, từ lúc lựa đề thi, làm bảng chấm điểm, cho đến lúc tuyên bố kết quả. Sau đó cả hai giáo sư đều công nhận tổ chức thi chặt chẽ như vậy thì khó gian lận lắm. Nhưng nếu có chuyện ăn chặn hay ăn có, thì thật không cách nào tránh cho hết được.
 
Vào năm 1972, trường Dược nhận thấy cần phải đào tạo những dược sĩ sao cho theo kịp đà tiến triển của ngành Dược trên thế giới, cùng đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng và xã hội lúc đó. Muốn đạt mục tiêu này, những ngày Hội Thảo Dược Khoa đã được tổ chức tại trường. Việc ẩm thực cho các hội thảo viên có sự giúp đỡ của các bà trong Hội Phụ Nữ Thiện Chí. Cuộc hội thảo nhiều ngày quy tụ rất nhiều dược sĩ đại diện đủ mọi ngành. Ngoài các giáo sư trường Dược còn có nhiều dược sĩ uy tín trong ngành Quân Y và Bộ Y Tế. Và các dược sĩ tên tuổi của ngành bào chế Việt Nam như Nguyễn Thị Hai, Dương Thành Quới, Nguyễn Chí Nhiều, Nguyễn Phạm Ấn, Bùi Đình Nam. Trước hết là xem xét lại khả năng của các dược sĩ do trường đào tạo có thích hợp với các nhu cầu dân sự và quân sự thời điểm đó không. Những khuyết điểm nào cần huấn luyện bổ túc? Làm thế nào cập nhật hóa kiến thức? Hiện đại hóa việc giáo dục dược khoa cách nào?

Cuộc hội thảo được chia làm nhiều khu vực mà người dược sĩ hoạt động hay phục vụ, mỗi khu vực có một chủ tọa và hai ba điều hợp viên. Thuyết trình, thảo luận rồi đúc kết. Trong chương trình còn có các cuộc thăm viếng một số cơ sở y tế và viện sản xuất dược phẩm. Bộ Y tế có Đổng Lý Trần Văn Nhiều, Giám Đốc Nha Dược Khoa Nguyễn Đức Trang, Quân Đội có Dược sĩ Trung Tá Cao Thiện Chánh, các Dược sĩ Thiếu Tá Nguyễn Phúc Bửu Tập, Phạm Kỳ, Thí Nghiệm có giáo sư Nguyễn Hạc Hương Thư, Bán Lẻ có giáo sư Thái Tường, Nhập Cảng có các dược sĩ Phan Nhàn, Lâm Xuân Quang. Tôi được yêu cầu điều khiển phần hội thảo về ngành Sản Xuất, đồng chủ tọa với dược sĩ Dương Thành Quới, Chủ Tịch Nghiệp Đoàn này. Tôi cảm thấy phấn khởi vì sự góp mặt cùng tài năng của các dược sĩ Bộ Y tế như Dương Quang Nhàn, Phạm Doãn Huề, Nguyễn Tiến Đức, Mai Duy Cát... Nhất là trong việc điều hành và ghi các đề mục, các thảo luận, các biên bản. Người ta nhận thấy ngay sự cần thiết của môn quản trị và kỹ thuật trong ngành bào chế, của ngành thí nghiệm trong các viện khảo cứu hay nhà thương, của việc bảo trì trong các cơ quan tiếp liệu quân và dân y, và kiến thức dược học trong việc phục vụ cộng đồng. Thêm vào đó là nâng cao trình độ sinh ngữ để người dược sĩ có thể dễ dàng giao dịch với các hãng ngoại quốc.
 
Bản đúc kết từng phần rồi tổng kết những ngày Hội Thảo Dược Khoa đã được in ra. Không hiểu tài liệu quí giá này bây giờ còn không và ở đâu? Một số các điều được mọi giới khuyến khích từ ngày đó đã dần dần được áp dụng. Quyển chương trình Dược Khoa đầu tiên với chi tiết của từng môn học đã do các giáo sư viết lại. Nếu phải tóm lược về chương trình thì trước 1962 theo chương trình Pháp, sau đó thay đổi nhiều lần. Vào thời gian 1962-69 có thêm môn Toán Xác suất và Thống kê, với những năm 1969-74 thì các môn tập sự/thực tập đều thực hiện ngay tại nhà trường kể cả việc bào chế tại Dược phòng lẻ, và từ niên khóa 1974 năm cuối Dược khoa được chia làm ba ngành Thí Nghiệm, Cộng Đồng, Kỹ Nghệ. Ngành Thí Nghiệm được sự hỗ trợ của nhiều giáo sư thỉnh giảng từ Viện Thí Nghiệm Trung Ương, Trung Tâm Tiếp Huyết, Nhà Thương Nguyễn Văn Học, Viện Pasteur, Trường Y Khoa Sài Gòn  và Minh Đức: các bác sĩ Bạch Toàn Vinh, Trịnh Văn Chính, Cao Xuân An, Nguyễn Đức Hạnh, các giáo sư Lê Phục Thủy, Nguyễn Tiến Đức... Riêng ngành Dược Khoa Kỹ Nghệ chỉ nhận chừng 40 sinh viên mỗi năm, trường đã xây phòng thực tập và mua dụng cụ thí nghiệm mới. Giáo sư Nguyễn Hiệp làm trưởng ban, với một giảng nghiệm viên rất tài ba vừa được tuyển chọn là giáo sư Phạm Ngọc Lân.
 
Trường Dược những tháng cuối của đệ nhị cộng hòa
 
Vào mùa đông năm 1974, rất nhiều giáo sư trường Dược được cử đi tu nghiệp từ ba tới sáu tháng tại Pháp, kể cả Khoa Trưởng Niên và Phó Khoa Trưởng Biền. Lúc đó giáo sư Niên còn kiêm nhiệm Phó Viện Trưởng Học Vụ tại Viện Đại Học Sài Gòn. Tình hình đất nước bấy giờ rất đen tối, ai cũng lo lắng không biết tương lai rồi sẽ ra sao. Tôi được bổ nhiệm làm Xử Lý Thường Vụ Khoa Trưởng, công việc không có gì bận rộn, ngoài những chuyện xã giao như nhận sách giáo khoa do Pháp viện trợ, tiếp đón phái đoàn Pháp về điện toán trong việc ghi danh sinh viên, hay thỉnh thoảng họp hành tại Viện hay tại Bộ. Nhưng gần như tôi không dùng công xa, một chiếc Ford Falcon đen cũ kỹ. Người tài xế của trường nặng gánh gia đình với chín đứa con đã có thì giờ chạy taxi kiếm thêm.
 
Tuy vậy, thời gian này cũng có một vài tin đồn vui vui. Đất nước rồi sẽ hòa bình trở lại, và có nhiều quốc gia sẽ viện trợ tái thiết. Viện Trưởng Nguyễn Ngọc Huy lúc đó hay rủ tôi và một vài Khoa Trưởng, thường là giáo sư Lê Thành Trị, cùng đi với ông thăm viếng các trại gia binh vì một mai những trại này sẽ được biến cải thành Khu Đại Học, có cả nơi ăn chốn ở cho sinh viên. Gia đình binh sĩ sẽ dời ra ngoại ô thành phố, trong các chung cư mới. Trường Dược Khoa có thể được Đan Mạch viện trợ cả chục triệu mỹ kim để xây trường sở, giảng đường, phòng thí nghiệm, cư xá sinh viên.

Nhưng nhiều tin thật thì rất xấu. Khi Phước Long là tỉnh đầu tiên bị mất hồi đầu năm 1975, nhà trường có làm lễ truy điệu những dân quân cán chính vị nước vong thân. Bàn thờ tổ quốc được bày ngay tại giảng đường lớn. Tôi làm chủ tế và đọc bài văn do Tổng Thư Ký Huỳnh Văn Quí soạn trước. Có hai giáo sư Trần Ngọc Tiếng và Phan Thế Trân phụ tế. Buổi lễ đơn giản mà cảm động, tuy chỉ có một số nhân viên, giáo sư và sinh viên đến dự. 
 
Tết năm đó, trường tổ chức mừng tân niên theo thông lệ, có cây Mùa Xuân, diễn văn chúc tụng, lì xì, nhân viên và ban giảng huấn cùng ăn uống buổi trưa. Tôi còn được dự tết cùng ban Vi Trùng của giáo sư Tiếng, và được nghe lần đầu tiếng đàn guitar điêu luyện của giáo sư Phạm Ngọc Lân. Ban Sinh Hóa do giáo sư Lạng tổ chức tại một nhà hàng cũng vui nhộn không kém, có đến hơn hai chục người tham dự. Nhiều ban khác đều tổ chức riêng mừng Xuân, tuy không khí chiến tranh vẫn lảng vảng đâu đây.
 
Từ cuối 1974 trường đã có nhu cầu bầu một ban lãnh đạo mới. Nhưng bầu theo thể thức nào? Mỗi phân khoa của Viện Đại Học đều có lề lối riêng, mỗi trường một luật lệ. Trường Dược muốn tránh việc ứng cử bất ngờ, việc đề cử bị ép buộc, hay cuộc bầu cử không được chuẩn bị chu đáo từ trước. Vấn đề này phải đợi tới khi các giáo sư Niên, Biền, Thái Tường và Hương Thư đang tu nghiệp hay công cán tại Paris trở về. Riêng giáo sư La Thành Trung vì bận chức vụ Chủ Tịch Hội Hồng Thập Tự Việt Nam, và giáo sư Nguyễn Đại Dzương đang làm luận án với giáo sư Dumazert tại Marseille nên không có mặt trong hội đồng khoa.

Sau mấy tháng thảo luận và hội ý rộng rãi với tất cả nhân viên giảng huấn, một thể thức đã được chấp thuận. Hội đồng khoa sẽ bầu ra Khoa Trưởng, và hai Phó Khoa Trưởng, một về Học Vụ, một về Kế Hoạch và Phát Triển. Nhiệm kỳ là ba năm. Hội đồng khoa gồm tất cả các giáo sư, và đại diện các ngành giảng nghiệm trưởng, giảng nghiệm viên. Tùy theo số người, mỗi ngành này có thể cử ra một số đại diện. Danh sách ứng cử viên phải được phổ biến và báo lên viện một tháng trước khi bầu cử. Và không chấp nhận bầu liên danh. 

Biên bản số 5/75 của Hội Đồng Khoa có chữ ký của giáo sư Nguyễn Vĩnh Niên chủ tọa và giáo sư Đặng Vũ Biền thư ký ghi lại phiên họp Hội Đồng Khoa ngày 4 tháng 4 năm 1975. Có 19 vị giáo chức tới dự phiên họp: Nguyễn Vĩnh Niên, Đặng Vũ Biền, Tô Đồng, Trần Ngọc Tiếng, Phan Thế Trân, Nguyễn Hạc Hương Thư, Nguyễn Thị Lâu, Trương Mạnh Khải, Nguyễn Hiệp, Võ Phi Hùng, Nguyễn Văn Trang, Nguyễn Bỉnh Tiên, Châu Thanh Thủy, Huỳnh Hữu Tạo, Nguyễn Lê Thi, Đỗ Thị Thuần Bích, Nguyễn Văn Dương, Trương Bá Trước, Lý Công Tuấn. Hai giáo sư Nguyễn Thị Lâu và Nguyễn Bỉnh Tiên được đề cử làm kiểm soát viên kiểm phiếu. Tôi đắc cử Khoa Trưởng, giáo sư Võ Phi Hùng và giáo sư  Phan Thế Trân đắc cử Phó Khoa Trưởng, tất cả đều được đắc cử trong vòng đầu với đa số tuyệt đối.    
Trong thâm tâm tôi không có ý định ứng cử Khoa Trưởng. Người mà tôi nghĩ rằng ở vị thế thuận lợi hơn tôi và sẽ làm cho trường phát triển mạnh mẽ là giáo sư Võ Phi Hùng, trưởng ban Hóa Dược Học. Ông yêu nghề, có tài tổ chức, nhiều nhiệt tâm, tính tình nghiêm cẩn. Với giáo sư Phan Thế Trân thông minh, quảng giao và nhiều sáng kiến, việc Kế Hoạch và Phát Triển sẽ tiến hành dễ dàng. Tiếc rằng chúng tôi không có cơ hội làm việc chung.

Chương trình dài hạn thì nhiều tuy chưa chắc thực hiện được. Cần kiện toàn phòng học vụ, in lại học bạ. Cố tuyển được nhân viên giảng huấn giỏi, và kiếm hết cách cho giáo sư được đi tu nghiệp. Cần xác định ngay danh từ khoa học dược khoa của từng bộ môn, tuy đã có sẵn Ủy Ban Soạn Thảo Danh Từ Khoa Học. Khuyến khích việc viết và ấn hành các sách giáo khoa tiếng Việt.  Nên tăng cường sự liên hệ giữa nhà trường và kỹ nghệ dược phẩm. Vân vân và vân vân... Nhưng việc trước mắt cũng thôi đành chịu. Muốn tổ chức gấp rút kỳ thi tốt nghiệp cho năm cuối, để sinh viên sau 5 năm học đỡ thiệt thòi mà không kịp. Muốn tìm phương tiện để cùng tránh cơn binh lửa cũng không xong. May mắn là giáo sư Lý Công Tuấn sau mấy năm tôi hướng dẫn đã trình xong luận án Tiến sĩ đệ tam cấp Sinh Hóa vào ngày gần chót, báo Chính Luận còn đăng được tin này. Chính Phủ thay đổi đột ngột, giáo sư Nguyễn Duy Xuân lên làm Bộ Trưởng Giáo Dục thay dược sĩ Ngô Khắc Tỉnh. Sài Gòn Chợ Lớn đang dần trở thành một thành phố chết. Tin tức loan báo khi mất Huế, Đà Nẵng rồi Nha Trang và lối bình luận một chiều của đài BBC làm tan rã cả một chế độ. Làm sao ra khỏi Sài Gòn bây giờ? Mạnh ai nấy chạy, tìm cách thoát thân. Cuối cùng do Khoa Trưởng Y Khoa Vũ Quí Đài giới thiệu, chúng tôi còn hi vọng Tiến sĩ Ira Singer, cố vấn cho Y Khoa Sài Gòn, có thể giúp một số nhân viên trường Dược muốn đi di tản. Vào ngày 16 tháng 4, tôi và giáo sư Trần Ngọc Tiếng đánh máy danh sách, xé bỏ giấy carbon, đưa ông Ira Singer một bản, tôi giữ một bản. Ông Singer có hứa sẽ nhờ tòa đại sứ Mỹ lo, nhưng có lẽ đã quá trễ.
 
Phần tôi cũng tìm thêm nhiều đường. Nghĩ bụng phải thoát khỏi Việt Nam đã, khi đất nước tự do thật sự mình còn có cơ trở về. Dược sĩ Dương Thị Đây tức bà Nguyễn Chí Nhiều nói chúng tôi có thể vô nhà bác sĩ Dương Quỳnh Hoa ở tạm tránh lúc giao thời. Giáo sư Huỳnh Hữu Tạo tính cho cùng trốn xuống miền Hậu Giang, chờ đến khi có dịp ra ngoại quốc. Chúng tôi cũng có thể đi với ông anh là Trung Tá Vũ Nhân bằng tàu Hải quân, chạy với dược sĩ Bùi Đình Nam bằng phương tiện Bộ Quốc Phòng, hay nhờ giáo sư Nguyễn Tiến Đức theo Bệnh Viện Cơ Đốc. Nhưng tôi vẫn có linh tính sẽ chạy được dù không biết cách nào và lúc nào. Tại vì ông Minh Lộc đường Trần Quý Cáp đã bảo thế! Tôi thường hỏi ông về tử vi hoặc nhờ ông gieo quẻ dịch mỗi khi có việc thắc mắc, mà việc nào cũng thấy nghiệm đúng. Tin như vậy, nên vào tối ngày 22 tháng 4, tôi và nhà tôi có tới nhà ông bà giáo sư Võ Phi Hùng ở 210 Yên Đổ Quận Ba để từ biệt trước.

Tôi buồn rầu nói là chúng tôi không có duyên làm việc cùng với nhau, chỉ cầu mong rồi ra mọi sự được bình an. Câu chuyện có vẻ như trong tiểu thuyết. Chiều ngày 23 tôi còn đi tìm giáo sư Trương Bá Trước tại dược phòng ông, để bàn tính đôi điều về sinh hoạt sinh viên nhưng không gập. Giáo sư Trước, vui vẻ, cởi mở, tuy là một đệ tử của Lưu Linh nhưng rất được sự ưu ái của sinh viên. Bất ngờ tôi gặp dược sĩ Nghiêm Xuân Hàm trên đường Đinh Tiên Hoàng. Ông Hàm nhờ tôi kiếm một dược sĩ để ông giao cho điều hành viện bào chế của ông, vì ông đang tìm cách ra đi. Nhưng tìm đâu ra người trong lúc dầu sôi lửa bỏng bấy giờ? Tôi về nhà thì nhận được điện thoại nói phải đi ngay. Ông Phạm Quang Toàn, anh cột chèo của tôi vì làm cho Cơ Quan Quân Sự Hoa Kỳ, đã xin dần được đủ chỗ cho cả nhà di tản rồi. Mấy anh chị em đã vô ở nhờ nhà kỹ sư Cung Tiến Công trong cư xá hàng không dân sự từ hôm trước. Tôi chở gia đình vào Tân Sơn Nhất thì thấy chỉ có ông Toàn làm cho DAO được vô trong, bà Toàn cùng hai cụ thân sinh bị giữ lại ở cổng. Tôi vội vàng đi tìm Đại Tá Đặng Hữu Hiệp coi An Ninh Không Quân, bà vợ và các con ông đã ra đi từ trước, nhưng ông phải ở lại với nhiệm vụ cho tới lúc chót. Ông ở nhà đang tắm, xong đã đích thân ra lệnh để lính cho vô. Thật là hú vía, nếu không có người bạn tốt này thì chúng tôi sẽ ra sao? Rồi tối hôm đó chúng tôi được chở vô phi đạo trên những xe bus quân sự mầu vàng. Và những người lính Mỹ trẻ, rất tử tế, đã kéo chúng tôi lên ngồi sàn của những chiếc C130 nổ máy sẵn. Và máy bay vụt ra khỏi vùng trời Sài Gòn đang lấp lóa ánh đèn phố lẫn ánh hỏa châu.
 
Dược sĩ trên đường xa, xứ lạ
 
Kể từ đó, người may mắn tha phương trên con đường xa, cố nhập dòng với cuộc sống mới nơi xứ lạ. Kẻ không may kẹt lại rồi học tập cải tạo, hoặc vài năm sau đó liều mạng tìm cách vượt biên, cả đường bộ lẫn đường biển. Một số thoát được như thuyền nhân, nhưng cũng có giáo sư không may đã yên nghỉ trong lòng biển Thái Bình. Cùng thời gian, các nhân viên giảng huấn cũ đã ra đi gần hết, dùng đủ diện xuất ngoại. Chỉ còn rất ít giáo sư kỳ cựu ở lại với trường. Tại các nước ngụ cư, ngay lúc khởi đầu, giới dược sĩ đã cùng nhau tìm cách trở lại nghề cũ. Chỗ dễ chỗ khó. Vào năm 1980, nhiều hội đoàn được thành lập. Hội Ái Hữu Dược Sĩ Người Việt Hải Ngoại tại Paris với giáo sư Đặng Vũ Biền làm Chủ tịch, giáo sư Thái Tường làm Tổng thư ký. Hội Ái Hữu Dược Sĩ Canada với dược sĩ Lâm Xuân Quang Chủ tịch và dược sĩ Mai Tâm Tổng thư ký. Hội Dược Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ với tôi làm Chủ tịch và dược sĩ Trần Đức Hiếu Tổng thư ký. Kể từ đó có thêm nhiều hội ở mọi nơi, đưa đến những Đại hội Quốc Tế Dược sĩ và các sinh hoạt Liên Hội trong thế giới tự do. Tôi còn nhớ một phát biểu nhiệt tình về Voeux et Espérances của giáo sư Nguyễn Lê Thi tại Paris vào năm 1992. Dược sĩ thuộc đủ lớp tuổi, ai cũng mong đóng góp cho tập thể và quê hương. Câu chuyện trở thành bất tận. Và riêng tôi thật sự cảm phục sự cố gắng bền bỉ của giáo sư Đặng Vũ Biền và các dược sĩ Đỗ Thị Kim, Trần Đức Hiếu.
 
Qua những tin tức mà bè bạn kể lại, tôi cũng biết qua loa những chuyện xẩy ra tại Sài Gòn thời đó. Nhà tôi số 3 Trần Doãn Khanh, được vị tân Khoa Trưởng là giáo sư Nguyễn Kim Hùng tiếp thu. Trường Dược nằm trong cơn gió lốc, với chính sách hồng hơn chuyên. Chính trị đã xen lấn thô bạo vào ngành giáo dục, và nền Đại Học đã mất đi tư thế tự trị. Mục tiêu chân thiện mỹ khó mà đạt được, và tính cách nhân bản, khoa học, đại chúng của một bộ môn bỗng nhiên mang thêm vẻ giáo điều. Làm sao giữ được sự tự do trong ngành giảng huấn, gây được tinh thần cầu tiến và thể thao cho tất cả giáo sư sinh viên? Được như vậy thì học lối tuyển lựa hay theo hệ tín chỉ đều khả thi, mà chương trình còn có thể cập nhật hóa dễ dàng theo những kiến thức mới và những đòi hỏi thời trang của cộng đồng và xã hội.
 
Viết về một thời loạn lạc xa xôi, việc xưa cảnh cũ như bao phủ trong một màn sương. Hình và bóng đều phai mờ, ai nói hay cũng được, mà nói dở có sao đâu! Chuyện có người mới thấy là phải đã có người cho ngay là trái. Tuy nhiên tại những miền đất hứa bốn phương, nghĩa thầy trò rồi đồng nghiệp theo lề cũ lối xưa, vẫn kết tụ thành tình bằng hữu. Tôi làm sao nhớ hết kể hết được những người bạn thân mến này, mà tôi đã may mắn gặp từ khung trời Trường Dược Sài Gòn. Có lẽ tôi phải hỏi lại các dược sĩ Mai Văn Thông, Vương Lan Hương, Phan Lương Quới, Nguyễn Xuân Lâm, Trịnh Thị Ngọc Lang, Đào Diệp Khanh, Tôn Nữ Chi Đính, Phùng Thị Khánh Ngọc, Đỗ Thị Nguyệt Minh, Nguyễn Đức Năng, Mai Tâm, Hồ Duy Thiện, Nguyễn Thúc Mẫn.... rồi mới viết tiếp được. Để hình bóng sáng trở lại khi màn sương tan dần, vì vật nào có ảnh ấy, cơ duyên nào sinh hiện tượng ấy. Với những tin tức đan chen thật nhiều niềm vui trên xứ lạ đường xa.
 
Tô Đồng
30 tháng 4 năm 2003

TrÜ©ng DÜ®c và Tôi (ti‰p theo)