Site map
TrÀn Trung CÃp
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Loading
NNA

Những nhân vật được nêu tên trong truyện đều được đổi tên cho khỏi đụng chạm và đa số hiện vẫn còn sống. Nếu có trùng hợp với bất kỳ ai, xin nhận nơi đây lời thành thật xin lỗi của tôi.(NNA)

Ngày 27/1/73, hiệp định hoà bình (phải gọi là Hiệp định Ngưng bắn Tại chỗ thì đúng hơn) được ký ở Paris. Lúc đó tôi còn nằm trong trại tù binh ở rừng núi Lạng sơn, Bắc Việt. Tôi biết, theo tinh thần hiệp định Paris thì tất cả (chữ “tất cả” phải được nhấn mạnh, tù binh quân và dân sự của hai bên phải được trao trả cho bên kia trong thời hạn chậm nhất là 60 ngày. Tôi ở ngoài Bắc về Nam ngày 21/3/73, chỉ một tuần nữa là hết hạn trao đổi tù binh. Tiếp theo đó là thời gian coi như bị tạm giam bởi Sở 3 An Ninh Quân đội để điều tra về cái tội bị VC bắt mà không trốn thoát hay vượt ngục cho tới khoảng tháng 5 hay tháng 6 gì đó thì tôi xuất trại ANQĐ để trở về đơn vị gốc của tôi là Liên đoàn 5 BĐQ lúc bấy giờ đang hành quân ở An Lộc, Bình Long...

Tôi không hiểu sao nhưng thời gian đóng quân ở An Lộc đã đi vào tâm khảm tôi một cách sâu sắc mà bây giờ, ngồi viết những dòng nầy đã gần 40 năm qua mà tôi tưởng chừng như câu chuyện mới xảy ra ngày hôm qua nên xin mạn phép ghi lại tất cả cảm nghĩ của tôi về thời gian ở trong quân ngũ và đóng quân ở An Lộc trước khi đi vào chuyện...

Tình hình thị xã An Lộc sau trận đánh lớn năm 1972

An Lộc sau trận tổng tấn công năm 72 vẫn không bị rớt vô tay địch quân và các đơn vị tử thủ đều được rút đi hết để thay vào đó là hai liên đoàn BĐQ 3 và 5 dưới quyền điều khiển của đại tá Nguyễn thành Chuẩn, đương kim chỉ huy trưởng BĐQ vùng 3 lên đó làm tư lệnh mặt trận lên đóng để gìn giữ những miếng đất nhỏ còn lại. Phải gọi là miếng đất nhỏ vì thị xã An Lộc năm 73, sau trận đánh vô cùng khốc liệt năm 72 thì hoàn toàn không phải là một thị xã bình thường như bao nhiêu thị xã khác ở miền Nam (hay trên thế giới !) Thị xã không lớn, chỉ có diện tích như Dalat và lại thêm cái vị trí đồi chập chùng nên càng giống thành phố Dalat, chỉ thay vào cây thông là những hàng cao su thẳng tắp của những đồn điền trong ngày xa xưa.

Điều đáng nói là VC đã coi như sắp lấy được An Lộc năm 72 trước khi bị quân ta đánh bật ra ngoài nên năm 73, chúng ta coi như chỗ nào trong thị xã trước đó đều có VC vào thăm rồi nên hiện thì địch đã có tọa độ của mọi điểm trong thị xã, bất cứ giờ nào, muốn pháo vào đâu là chúng có thể cho chúng ta ăn vài loạt pháo ngay đúng vào chỗ chúng đã muốn. Còn pháo đặt ở đâu thì càng dễ hơn nữa vì nếu An Lộc có cái chu vi thị xã chừng 2 hay 3 cây số thì chỉ có bao nhiêu đó là quân ta đóng chốt để phòng thủ, còn tất cả đất đai, rừng cao su hay rừng già miền Nam chung quanh thị xã đều do địch chiếm ngụ.

Thường dân có mặt ở An Lộc rất ít, chỉ gồm những người bởi một lý do nào đó đã không bỏ đi, nay họ ở lại thì sống 100% bằng nghề buôn bán và khách hàng cũng 100% là lính các đơn vị chung quanh. Họ tập họp theo hai dãy phố lầu dài theo chợ cũ của thị xã cũng như một vài quán tiệm lẻ tẻ đâu đó trong thị xã. Đông nhất là ở ngã tư đường đi Lộc Ninh, hàng quán rất nhiều mà toàn bán café và khách hàng 90% là lính của Liên đoàn 5 vì Bộ Chỉ huy Liên đoàn 5 BĐQ thì gần ngay đó chừng gần 1km. Nhưng tổng số dân sống trong thị xã không lên đến con số vài trăm người và hầu hết là đàn bà. Và vì là cái đảo quốc gia bị Cộng quân bao vây, An Lộc không có giao thông đường bộ trở về bất cứ đâu kể cả về quận lỵ gần nhất (cũng thuộc tỉnh Bình Long) là Chơn Thành.

Nói cho đúng, An Lộc 73 phải nói giống như một cái đảo nhỏ của ta với đường kính vài cây số ở trên mặt biển là VC dầy đặc chung quanh. Nhưng đâu phải chỉ có thị xã An Lộc mà thôi, quận ly Chơn Thành cũng không khác gì vì đó cũng là cái đảo còn nhỏ hơn cả đảo An Lộc. Nói gì về tỉnh kế cận là tỉnh Bình Dương hay xa hơn như thành phố Saigon, tất cả việc giao thông với bên ngoài đảo An Lộc đều phải thực hiện bằng trực thăng, hể tản thương hay quan lớn lên xuống thì là trực thăng cở nhỏ, còn chuyển quân hay lên xuống lương thực tiếp tế cho An Lộc hàng ngày đều trông cậy vào mấy chiếc Chinook của Sư đoàn 3 KQ ở Biên hoà. Mà đã lên xuống bằng trực thăng thì dù trực thăng lớn nhỏ cở nào, VC đều ra sức bắn hạ cho được, việc dùng súng trường là thường, chỉ có một lần cuối năm 74, chính mắt tôi thấy, chúng đã dùng hoả tiển SAM để bắn một chiếc Chinook rớt ngay ngoài hàng rào phòng thủ của quân ta. Dĩ nhiên, VC tràn tới xác chiếc Chinook để tìm chiến lợi phẩm và bên ta, đại đội trinh sát của Liên đoàn 5 BĐQ phải mở đường máu tiến vào xác chiếc máy bay chỉ để khiêng xác 13 người tử nạn trở về. (Phải nói là may mắn thì thường chiếc Chinook chở hơn 30 quân nhưng hôm bị bắn rơi, chiếc Chinook phải câu một bành lương thực thật lớn nên chỉ chở được có 13 hành khách. Có điều không may là nếu nó chở đông thì chở bất kỳ ai, đàng nầy vì bị giới hạn chỉ chở 13 người nên nó chở toàn sĩ quan và đau đớn thay, 13 sĩ quan nầy toàn là sĩ quan BĐQ, trong đó có 10 là của Liên đoàn 5 BĐQ của tôi).

Nếu VC có thể bắn vào thị xã An Lộc bất cứ nơi nào vào bất cứ lúc nào thì vấn đề trực thăng mỗi khi đáp xuống là một vấn đề cho quân đội ta vì chỉ trong mấy phút đậu yên trên mặt đất thì chiếc trực thăng đó sẽ là chiếc mồi ngon cho địch bắn... Xin kể bao nhiêu kiểu lên xuống máy bay trực thăng trong suốt thời gian tôi theo đơn vị đóng quân trong thị xã...

Quân ta ở An Lộc

Về quân đội ta trấn đóng ở An Lộc, sau nầy ở lâu tôi biết được là ngoài 2 Liên đoàn BĐQ 3 và 5, chúng tôi còn có mấy đại đội Địa Phương Quân để phụ giúp. Các ban ngành của Tỉnh Bình Long, đa số cũng đóng ở An Lộc như Ty An Ninh Quân đội, một trung đội Quân Cảnh Tư Pháp, một Đài Viễn liên chỉ có chừng một tiếu đội dưới quyền của một thiếu úy trẻ, một Ty Y tế mà chỉ gồm có Bệnh viện Tiểu khu Bình Long v.v...

Nói về BV Tiểu Khu Bình Long thì có nhiều chuyện đáng nhớ. Y sĩ trưởng kiêm Trưởng ty Y tế Bình Long là bác sĩ Tín (hay Tính ? Xin lỗi vong hồn anh tôi không nhớ họ anh mà chỉ biết anh có một nốt ruồi to trên mặt nên từ ngày học Y khoa và biết anh với tư cách Aide d’Anatomie ở Cơ thể Học viện đường Trần Hoàng Quân, tôi nghe ai cũng gọi anh là Tín Nốt ruồi. Sau nầy, tôi nghe anh qua đời vì cái nốt ruồi của anh là Noevo Carcinome. Cám ơn anh Tín rất nhiều ở những cái anh dạy cho tôi) dưới quyền anh Tín chỉ có 2 bác sĩ cùng khóa 19 HD là bác sĩ Chu Phú Chung và Lý Phương Lâm. Vì kế lớp nên biết nhau nhiều, riêng Lý Phương Lâm lại còn học chung trường Võ Trường Toản những ngày ở trung học...)

Hễ thương binh cần tản thương về chữa trị thì BV Tiểu khu lo cho Địa Phương Quân và các ban ngành khác, còn bệnh xá chúng tôi nhỏ hơn nên chỉ lo cho Biệt động quân. Sau anh Tín đổi đi rồi (năm 74) chức vụ của anh được thay thế bằng bác sĩ Thân Trọng An (sau tôi một lớp, hiện ở Montréal, Canada) và tăng cường thêm 3 bác sĩ rất trẻ cùng khóa 20 HD. Dĩ nhiên, không cần nói, anh em đồng nghiệp ở nơi lửa đạn quen nhau và thương nhau rất nhiều.

Tôi một lần vì bênh vực các đàn em khóa 20 nầy mà đa suýt đánh anh chàng thiếu úy của Đài Viễn liên trong một dịp mời các trưởng đơn vị ăn nhậu ở dinh Tỉnh trưởng (đại tá Phạm văn Phúc, nguyên chỉ huy trưởng Liên đoàn 3 BĐQ thời đi sang Kampuchia năm trước) Ngoài ra, từ ngày VC vây chặc trại Tống Lê Chân thì một số quân nhân của tiểu đoàn 92 BĐQ Biên Phòng (là đơn vị gốc ở Tống Lê Chân) bị kẹt lại không trở về đơn vị được nên họ được tổ chức thành 1 đại đội để lảnh trách nhiệm một tuyến bao quanh An Lộc. Đại đội của 92 nầy được đặt dưới quyền chỉ huy của đại úy Tùng, nguyên tiểu đoàn phó 92, vì đi học gì đó mà bị kẹt lại ở ngoài An Lộc (đ/úy Tùng là anh ruột tôi).

Ngày đầu tiên lên An Lộc

Lần đầu tiên tiếp xúc với pháo của Cộng quân là ngày tôi trở về với đơn vị và lên hành quân. Sân bay trong căn cứ Long Bình được gọi là sân bay cho nó dễ phân biệt với những vị trí khác trong căn cứ chớ thiệt ra, nó chỉ là mảnh đất nho nhỏ được tráng nhựa vừa đủ chỗ cho chiếc Chinook đậu “rước khách” mà thôi. Đường bay Long Bình - An Lộc là đường bay duy nhất của Chinook ở cái sân bay nầy. Chung quanh sân bay là bao nhiêu hàng quán của gia đình binh sĩ, họ ra đó để bán hàng cho quân nhân lên xuống hành quân để kiếm thêm chút đỉnh vào phần thu nhập của gia đình. Vì là bên trong căn cứ nên khi trời nắng thì cái nắng nóng rất khủng khiếp nên các hàng quán nầy đều căng những tấm tarp để che nắng và khách ngồi bu xung quanh nên trông cảnh tượng thật vui giống như mọi hàng quán ở trong nước vậy.

Chiếc trực thăng Chinook to tướng nằm ngay giữa sân bay, người ta đi qua đi lại ồn ào, thông thường là vợ ra đó tiển chồng đi lên hành quân. Các quân nhân có trách nhiệm (trực thuộc đại đội 3 Quân cảnh của Quân đoàn 3) lo việc kiểm soát giấy tờ lên hành quân của các quân nhân hầu hết là BĐQ cũng như lo việc cất hàng lên máy bay để tiếp tế lương thực cho An Lộc. Tới lúc khởi hành thì các quân nhân đi một mình không người đưa tiển ôm cái ba lô hay túi xách lên theo bửng sau mở rộng, lên máy bay càng sớm càng dễ có chỗ ngồi là những sợi dây nylon đan lại với nhau làm ghế cho “hành khách”. Những ai có vợ con đưa tiển thì làm sao tránh được cảnh kẻ ở người đi và nước mắt của mấy bà vợ lính thì đổ ra nhiều vô số kể. Ai cũng biết đây là lần chót thấy mặt chồng, biết đâu sau hôm nay họ sẽ thành goá phụ ? Hay nhẹ ra là ít nhất một năm sau, chồng họ mới được về phép!

Bận bay lên An Lộc có vẽ bình thường vào lúc đầu trừ có mỗi việc trực thăng bay lượn giống như hát xiệc. Những người lính ngồi gần tôi trên trực thăng giải thích là chiếc máy bay càng lạng qua lạng lại nhiều chừng nào là Cộng quân càng bắn lên nhiều chừng nấy và trực thăng lạng là để tránh đạn của địch. Có khi trực thăng còn bắn ra trái sáng để “gạt” hỏa tiển tầm nhiệt của địch ... Chừng hơn nửa giờ sau khi bắt đầu bay là mọi người đứng dậy cả, tay ai cũng cầm cái túi hành lý rồi tiến ra phía sau máy bay. Lúc nầy thì chiếc Chinook đã hạ cái bửng sau xuống trống hoác. Tôi thì hoàn toàn không hiểu gì hết, chỉ việc ai làm sao tôi làm vậy, tôi cũng đứng dậy, tay xách cái sac marin hành lý cũng xếp hàng theo anh em. Anh chàng đứng trước mặt tôi quay lại cười với tôi : Bác sĩ mới ra trường hả ? Em hồi đó giờ chưa bao giờ biết mặt bác sĩ ... Mình sắp lên tới An Lộc rồi đó ... Tôi thì chuyên môn mang huy hiệu hay lon lá bằng chỉ thêu màu đen nên không dễ gì thấy con rắn đen nhỏ xíu trên ngực áo tôi nên tôi hỏi ngược lại :”Sao anh biết tôi là bác sĩ ?””Dạ dễ mà ông. Đâu bao giờ trung úy nào có một đám quân y tá đưa đi như ông hồi nảy đâu.” (Anh chàng nầy đúng là có óc quan sát và suy luận chính xác! Tại anh ta nhìn kỷ lon lá của tôi nên tôi mới nhìn kỷ lại, anh ta mang chữ V cũng thêu đen trên tay áo trái và giờ nầy tôi mới thấy anh là trung sĩ với chữ C A P trên túi áo) Tới lúc nầy, nhờ đứng gần cái bửng sau đã mở rộng, tôi thấy những đường đạn đạo từ dưới đất bắn lên và những tiếng nổ đì đùng của những trái sáng do máy bay thả ra.

Bây giờ thì máy bay đã xuống rất thấp, tôi đã có thể trông thấy mặt đường nhựa loang loáng chạy ngược theo chiều của chiếc máy bay. Những người lính, chắc chắn họ đã lên xuống nhiều lần nên có kinh nghiệm hơn tôi nhiều, bây giờ họ bắt đầu thảy bị quân trang xuống đường và tôi tới phiên cũng phải làm theo tuy chưa hiểu gì cả. Cũng may là cái sac marin của tôi chứa toàn quần áo chớ cở có cái gì bằng sành bằng sứ hay bằng chai thì chắc chắn sẽ bị bể nát ra cả. Anh trung sĩ giải thích : Mình chỉ xuống có một mình chớ xách cái gì thì đâu được ... Tôi nghĩ chắc lát nữa khi máy bay đậu lại, anh em sẽ trở lại tìm đồ của mình ai ngờ anh lính đứng đầu tiên kế cái cửa trống phóc đã quay người lại, nhìn vào trong thân máy bay và nhảy ào ra khỏi chiếc máy bay.

Phải tả cho chính xác là tuy chiếc Chinook đã bay thấp sát mặt đường nhưng nó vẫn còn bay và so với xe hơi, phải nói là vận tốc rất nhanh vậy mà trong chớp mắt, những quân nhân có mặt trên máy bay đứng trước tôi về phía cái bửng đã nhảy xuống sạch trơn. Tôi tự hỏi : Không biết nhảy kiểu nầy lại có khách hàng gảy giò gảy cẳng gì cho tôi nữa hay không ... Nhưng tôi, sac marin đã thảy xuống từ nảy giờ, đi học khoá Nhảy Dù cũng đã nhiều năm (nhưng cũng còn nhớ chút đỉnh về kỷ thuật nhảy) tới phiên là anh lính đứng sau đã hối thúc. Tôi đành bậm gan, hai tay co trước ngực rồi cũng nhảy với hai chân chụm vào nhau ra khỏi chiếc máy bay vẫn đang ào ào chạy (hay bay?) xà mặt đất. Chưa biết mình vô sự hay không thì Cộng quân đã bắt đầu pháo. Anh trung sĩ đứng phía trước tôi hồi nảy đã kêu lớn : Bác sĩ đừng có đứng dậy coi chừng miểng pháo kích đó ! Và anh đã chạy nhanh xuống chiếc rãnh bên đường.

Thì ra hai bên đường làm như có hai con mương nhỏ dư chỗ cho bao nhiêu người núp xuống và hiện tại, con mương đó đầy những “hành khách” mới xuống máy bay đang nằm tràn lan để tránh những miểng pháo kích đang nhắm vào sân bay. Tôi lập tức làm theo. Khi ở dưới cái mương nhìn theo chiếc máy bay, tôi mới thấy lính ta đã “bay” hết cả xuống đường dọc dài theo con lộ trong khi máy bay đã ra khỏi tầm pháo. Rồi địch tiếp tục bắn ... Nhưng ở đầu kia con đường là những anh lính ở hành quân trở về hậu cứ, những anh nầy đã chạy thật nhanh để quăng cái bị hành trang lên máy bay trước khi đu người lên theo. Và ở cuối đường thì chiếc Chinook đã gầm lên dữ dội để bay thẳng lên cao.

Coi như tất cả hành khách, hoặc xuống, hoặc lên máy bay đều đã thanh toán hết. VC còn pháo lẻ tẻ thêm vài trái nữa trước khi tiếng súng im hẳn trả lại cho buổi sáng cái tỉnh mịch của buổi sáng đầu tiên của tôi ở đất An Lộc. Bây giờ thì người ta lần lượt trở lên mặt đường để đi dài dài ngược chiều để tìm hành trang của mình. Anh lính nảy giờ vẫn đi với tôi lại nói :”Mấy thằng chó đẻ nầy sao không bao giờ ngủ yên hết vậy ? Bắn cái gì, có được con mẹ gì đâu mà bắn. Tụi nó lần nào mình lên hành quân cũng cứ bắn hoài, để tụi em đi hành quân ráng sức giết cha nó chết hết để nó khỏi bắn nữa” Rồi sau đó, anh giải thích “Chỗ nầy gọi là phi trường Xa Cam, phi trường của Bình Long đó bác sĩ ... Ông lên đây lần đầu mà thấy ông nhảy ngon lành quá há, (rồi chợt thấy bằng Dù tôi đeo trên ngực áo) ơ, ông có bằng Dù mà, hèn chi ...” Tôi hỏi :” Ở đây sao gọi là phi trường Xa Cam vậy hả anh ?” “Có gì đâu bác sĩ, ai gọi sao mình gọi vậy, chắc là hồi xưa hổng mất gì con lộ nầy nằm trong cái đồn điền cao su tên Xa Cam chắc”.

Có chiếc xe GMC nảy giờ không biết đậu ở đâu bổng lù lù hiện ra trên đường, sau đó, chiếc xe chạy chầm chậm dọc theo đường để vớt hết những “hành khách” bây giờ đã tràn đầy trên đường, người nào cũng có cái balô, cái bị hoặc sac marin như tôi. Dĩ nhiên, màn lên xe GMC chạy chậm rì nầy quá dễ so với cú nhảy xuống khỏi máy bay vừa rồi. Trên đường từ “phi trường” Xa Cam trở về trại tôi mới biết anh trung sĩ tên là Cấp sau khi anh ta hỏi tên tôi cũng như tôi biết cái dùng để làm phi trường đúng là quốc lộ 13 sắp vào tới thị xã và đã được chọn cho Chinook vì bề ngang trống trải và bề dài dài đủ cho cái kiểu lên xuống máy bay duy nhất trên thế giới nầy. Từ phi trường vô tới trại dành cho Liên đoàn chỉ chừng 2km là cùng nhưng tôi có dịp để quan sát cảnh tượng ở thị xã An Lộc, một thời nổi tiếng là thủ phủ cao su miền Nam cũng như là Dalat của miền Nam.

Bây giờ, cao su thì còn đó, cao su khắp nơi trong và ngoài thị xã nhưng cái giống Dalat không còn nữa, An Lộc bây giờ sao quá quạnh hiu, nhà cửa vô cùng thưa thớt, cái mất thì do lửa đạn pháo kích, cái còn thì nhiều nhất tôi thấy chỉ còn có 2 bức vách với phân nửa cái mái nhà. Cây cỏ trong sân mọc tràn lan, cao thật cao và như những cách rừng nhỏ. Mùa nầy vài loại bông vẫn còn nở điểm thêm màu sắc cho những cánh rừng cá nhân đó. Con đường nhựa trong thị xã chắc là cũng êm ngày xưa, giờ đầy những hang hố làm chiếc xe GMC chạy dằng xóc như ở một con đường hoang dã nào. Tôi cũng như những người bạn chiến đấu của tôi, móc thuốc lá ra hút sau khi mời tr/sĩ Cấp một điếu, riêng tôi để tưởng tượng tới một An Lộc ngày nào thái bình, thịnh trị, đẹp đẽ chớ đâu như ngày nay, cây dại mọc tràn lan ra cả lòng đường nhựa, có cây lên cao bằng tôi đứng trên xe GMC. Tưởng tượng mức pháo tàn phá nhà cửa, đất đai như thế, hỏi con người trong thời đánh nhau năm 72 làm sao sống sót được ? Rồi cổng Bộ Chỉ huy Liên đoàn chợt hiện ra trước mắt với tấm biển Trại Trần Hữu Phương để kỷ niệm tên một sĩ quan ở Tiểu đoàn thuộc Liên đoàn đã tử trận lúc tôi chưa trở về.

Trại Trần Hữu Phương có hai biệt thự tương đối còn nguyên vẹn nằm hai bên cổng, một ngoài vòng rào là của trung tá Liên đoàn trưởng, một ngay bên trong vòng rào là của trung tá Liên đoàn phó. Nếu biệt thự của ông Liên đoàn trưởng chỉ là một căn nhà to đẹp bình thường thì căn ông Liên đoàn phó lại nằm trên cái nền được đổ cao lên cả thước. (Sau nầy tôi mới biết, khi trung tá Liên đoàn trưởng muốn gặp ai, ông ta phải đi bộ qua bên BCH và khi nói chuyện, ông ta đứng ngang như hai người nói chuyện với nhau.

Nhưng ông trung tá Liên đoàn phó thích nói chuyện với bất kỳ ai rất dễ dàng, chỉ bước ra ngoài lan can trước nhà, nếu không có ai nói chuyện với thì cũng quan sát (và kiểm soát) được người ra vào cổng trại Trần Hữu Phương. Mà hể nói chuyện với ai, ông ta cũng chuyên môn nói bằng cái kiểu đứng ở lan can trước nhà ông ta ở đầu cầu thang lên chừng 5, hay 6 bậc cấp. Nhờ thế, ông ta luôn luôn nhìn xuống khi nói chuyện trong khi người đối thoại cứ phải ngẩng mặt lên hoài. Nội vị trí đứng là ta có thể cao ngang bàn chân ông ta và kiểu nầy làm tôi nhớ lúc tôi ở tù ngoài Bắc, mỗi khi “làm việc” với bọn cán bộ, chúng cũng chuyên môn ngồi trên ghế trong khi người tù ngồi đối diện và dưới đất để mình cứ ngõng cổ lên hoài !! Sau lưng biệt thự của tr/tá Liên đoàn trưởng, đối diện với biệt thự của tr/tá Liên đoàn phó là những dãy lô cốt che kín bằng bao cát là nơi cư ngụ của các sĩ quan cũng như các ban ngành thuộc BCH, dĩ nhiên trừ Quân Y có bệnh xá nằm riêng ở cuối con đường chính đi từ cổng vào trại.

(Xem tiếp phần hai)
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010
Thị trấn An Lộc

Thị trấn An Lộc

Trường Tiểu Học An Lộc

Trường Tiểu Học An Lộc