Loading
Site map
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
GS Tô Đồng, nguyên Khoa trưởng Đại Học Dược Khoa Sài Gòn

GS Tô Đồng, nguyên Khoa trưởng Đại Học Dược Khoa Sài Gòn

Đại Học Dược Khoa Sài Gòn trước 1975

Đại Học Dược Khoa Sài Gòn trước 1975

TrÜ©ng DÜ®c và Tôi
Tô Đồng
 
Từ sau cuối tháng tư 1975, giới Dược sĩ tị nạn thường có dịp ôn lại đôi ba câu chuyện về trường Dược xưa. Nhiều bài rất hay và trung thực đã được đăng trong những số báo của các Hội Dược sĩ. Câu chuyện thường được kể theo nhãn quan, sự hiểu biết và kinh nghiệm của người viết, nhằm ghi lại kỷ niệm hay dữ kiện của một thời đã qua. Tôi không có khả năng hoặc ý định phê bình hay chỉ trích, về chính sách giáo dục hay nhân vật. Nhưng nếu cho rằng lúc đó chương trình học không thực tế, quá chú trọng vào khoa học căn bản hơn về dược khoa thực hành, thì vì vậy dược lực học đã được giảng dạy ngày càng nhiều hơn trong các sửa đổi kế tiếp. Hay lối học còn nặng về từ chương khoa cử, nhưng trường có thiết lập được các chứng chỉ cao học thực dụng với bằng Tiến sĩ đệ tam cấp, và thi cử bớt nặng nề dần vì đã có nhiều hội đồng giám khảo khác nhau cho cùng một kỳ thi. Hoặc giả nói chương trình Pháp ít hay nhiều hợp với xã hội ta hơn chương trình Mỹ, hay bằng cấp Mỹ có giá trị hơn hay kém bằng cấp Pháp, thì sự so sánh đúng ra chỉ là tương đối thôi. Và ai cũng thấy hay dở còn tùy thuộc nhiều phần vào nơi cấp phát và con người.

Tôi cũng không có tham vọng viết về những quan điểm thời thượng và nhận xét thực tế cho tương lai ngành Dược nước nhà, vì vấn đề này tùy thuộc thời thế và cảnh ngộ. Nhất là ở thời điểm này, nhân tài Việt rải rác khắp nơi nhiều như lá mùa xuân. Nếu có nêu lên được một vài điểm căn bản từ những dữ kiện cũ, hoặc cố ghi lại đôi điều suy nghĩ chưa quên trong mười ba năm tôi liên tục phục vụ tại trường Dược, thì tính cách cần thiết đã mất đi vì năm tháng. Vậy tôi kể những dòng sau đây làm chi? Để đóng góp đôi chút kỷ niệm riêng tư cùng bè bạn xa gần cho vui? Dù sao thì vào lúc bình tâm cũng như khi đắc ý, chúng ta chắc không ai phủ nhận có nhiều dược sĩ tốt nghiệp đã tạo thành quả khích lệ cho giới chúng ta và không hiếm giáo sư trẻ đã đem lại niềm hi vọng lớn lao cho thời buổi ấy.
 
Một chút riêng tư
 
Cuối năm 1958, tôi được sang Paris du học với học bổng của Viện Trợ Kỹ Thuật Pháp. Tôi rời Sài Gòn vào buổi tối. Có các bạn Võ Huỳnh, Võ Đạm, Bùi Đình Nam, Trịnh Đình Thiện, Nguyễn Văn Thiệu... đi tiễn từ Đại Học Xá Chợ Lớn. Tại phi trường Tân Sơn Nhất, tôi gặp anh Nguyễn Phú Lịch và gia đình. Cụ kỹ sư Thọ, thân sinh anh Lịch, dặn dò chúng tôi nếu ra đi có nhau thì hãy sớm trở về cùng nhau. Tôi chào từ biệt cô chú Khoa, chú thím Can, các em Nghiên, Hằng, và bè bạn thân quen... rồi cùng bạn Lịch lên chiếc phi cơ lóng lánh ánh bạc Super Constellation để sang Pháp du học. Chuyến bay của hãng Air France đi mất 33 giờ mới tới Paris, sau khi ghé qua Bangkok, Karachi, Téhéran, Ankara và Rome. Con đường trải dài trước mặt, đến đâu hay đó, suy tính mà làm chi? Mà thường cũng phải bốn năm ăn học tại thành phố Ánh Sáng mới xong được luận án Tiến sĩ.
 
Khi giáo sư Trương Văn Chôm sang Paris thi Thạc sĩ về Sinh Hóa vào cuối năm 1961, thì thầy đỡ đầu của tôi là giáo sư Jean Emile Courtois, làm chánh chủ khảo. Thời đó, theo tôi hiểu thì sau khi qua khảo hạch về tước vị và công trình nghiên cứu, thí sinh phải giảng hai bài học. Một bài học về đề tài căn bản sau khi sửa soạn 4 tiếng đồng hồ. Và một bài học về đề tài thời thượng khi sửa soạn 24 tiếng đồng hồ có người giúp đỡ. Giáo sư Chôm nhờ tôi ở lại phòng thí nghiệm đêm hôm đó để kiếm tài liệu giùm ông, nhưng rồi cũng không cần thiết. Nhân dịp này ông cho biết trường Dược đã tách ra khỏi trường Y Dược để thành một phân khoa độc lập, và rất mong tôi sớm trở về. Tôi thật ra cũng đã có quyết định sẽ về nước vào năm tới.
 
Sau khi trình luận án Tiến sĩ về Sinh Hóa ngày 18 tháng 5 năm 1962, tôi sang Luân Đôn nghỉ xả hơi cùng với một anh bạn Mỹ khá thân, Charles Meyer, Ph. D. Biết tôi sắp về Sài Gòn, anh tặng tôi một quyển tự điển danh-từ hóa-học Pháp Mỹ làm kỷ niệm. Tôi rời Paris từ phi trường Orly vào một buổi sáng tháng 7 năm 1962. Trời trong xanh ngắt, có mây trắng trôi lờ lững và nắng ấm tuyệt đẹp. Nhiều bạn bè đưa tiễn, có Nguyễn Phú Lịch, Phạm Văn Biểu, Mai Văn Đồng, Vũ Quang Kính, Vũ Xuân Chi, Phạm Ngũ Tùng, Bạch Lý Từ.... Phi cơ phản lực Boeing 707 của hãng Air France bay gần 20 tiếng đồng hồ rồi đáp xuống phi đạo Sài Gòn lúc giữa trưa. Trời oi bức, ẩm thấp, không có lấy một làn gió nhẹ. Thủ tục quan thuế lại chậm chạp rườm rà. May mà được các bạn thân Nam, Thiện, Thiệu...ra phi cảng chờ đón. Sự vui mừng gặp gỡ làm tôi tạm quên cái nóng và nắng ngày hè, để trò chuyện đủ thứ. Tôi trở về nước để lập gia đình, và cũng vì muốn đóng góp ít nhiều vào ngành Giáo Dục Đại Học còn phôi thai của Việt Nam. Tôi nhận làm Giảng Sư môn Hóa Vô Cơ cho năm thứ nhất trường Đại Học Dược Khoa. Đa số sinh viên học thành tài hay chuyên viên sau khi tu nghiệp như tôi, ai mà không muốn về phục vụ cho quê hương! Nhưng nhiều khi lần lữa mãi chẳng quyết định được. Như trường hợp anh bạn Nguyễn Bình Thành, con ông Chánh Án Lâm, ở trước cửa buồng tôi trong nhà Đông Dương của Thành Phố Đại Học Paris. Anh tốt nghiệp Cao Đẳng Viễn Thông và đã bán hết đồ đạc để về nước. Thế mà mấy tháng sau anh mua lại, để cuối cùng không rời khỏi nước Pháp. Trường hợp anh kỹ sư Cường thì đi về đến nửa đường lại lấy máy bay bay trở lại, có lẽ vì cô vợ đầm chỉ muốn sống bên mẫu quốc? Riêng anh Nguyễn Phú Lịch, người bạn đồng hành thân thiết của tôi, ở lại lập nghiệp bên trời Tây, có thể nhiều phần tại gia đình. Nhưng chính vì vậy mà giáo sư Lịch đã giúp được bao nhiêu dược sĩ Việt Nam tị nạn trở lại nghề cũ.
 
Trường Dược thời đệ nhất cộng hòa
 
Trường Y Dược trước kia ở số 28 Trần Quý Cáp. Nay phân khoa Dược tách riêng và dọn về trường sở mới tại số 169 Công Lý, góc đường Hiền Vương. Tuy là một biệt thự cũ sửa lại, nhưng khang trang, rộng rãi, tương đối đủ tiện nghi. Có một số phòng thí nghiệm và mấy phòng học. Có giảng đường lớn chứa cả 500 sinh viên. Nhân viên giảng huấn tuy còn thiếu, nhưng được nhiều phụ tá lâu năm thật tận tâm. Như bà Thoa phòng Ký Sinh Trùng, ông Thiện phòng Vật Lý. Văn phòng có tạm đủ nhân viên, Tổng Thư Ký là giáo sư Phạm Đình Ái. Thư Ký là ông Vũ Ngọc Oánh.

Từ trước, chương trình theo như của Pháp gồm 5 năm học. Lúc tôi về dạy thì chương trình đã được đổi mới lần thứ nhất, dựa vào lý do là năm tập sự cũ, nay gọi là năm thứ nhất, có quá ít môn học, nhất là phần lý thuyết. Chuyển ngữ vẫn là tiếng Pháp. Hai môn Hóa Hữu Cơ và Hóa Vô Cơ nay đem xuống năm thứ nhất và năm thứ hai trong chương trình mới. Tuy nhiên, nhiều môn học vẫn được giảng dạy trong hai năm liên tiếp như thường lệ, thành thử còn phải có chương trình chuyển tiếp cho các sinh viên đang theo học chương trình cũ. Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng dạy Hóa Hữu Cơ. Ông yêu nghề, giỏi và rất tận tâm. Ông đến sớm, viết dàn bài trên bảng, và giảng đủ loại cơ chế phản ứng. Tôi dạy Hóa Vô Cơ, phần đầu có Hóa Đại Cương, phần cuối có các Tinh Thể Chất Khoáng. Nhưng gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất là sĩ số năm thứ nhất quá đông, cả ngàn sinh viên, nên phải chia lớp làm hai nhóm. Như vậy, mỗi bài học tôi phải nhắc lại hai lần. Thứ hai là giảng bằng tiếng Pháp thì các sinh viên theo chương trình Việt khó ghi chép được, mà giảng bằng tiếng Việt thì các sinh viên theo chương trình Pháp không hiểu. Tôi đành phải soạn bài học bằng cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt, rồi cho đánh máy trước. Sinh viên khỏi cần ghi chép, khỏi lo chữ tác đánh chữ tộ, đến lớp chỉ để nghe lời giảng bằng tiếng Pháp thôi. Nhưng tôi đâu có thể nói thao thao bất tuyệt cả giờ được, nên mang tiếng là hay đến trễ, về sớm. Trong môn Hóa Vô Cơ, rất nhiều điều học chỉ để biết, lúc cần thì tra cứu chứ không phải thuộc lòng. Riêng năm thứ hai chương trình cũ vì có quá nhiều môn, nên trong kỳ thi giữa năm, tôi đã cho đề tài thi giới hạn. Lại thêm một việc làm để bị chê trách, nhưng nếu giáo sư "tây" cho được thì "ta" cũng cho được chứ sao? Đến lúc chấm thi năm thứ nhất thì quả là cực hình, hơn một ngàn bài ít nhất cũng mất cả tháng trời. Trong thời gian này, tôi còn phải dạy Toán, về Xác suất và Thống kê cho năm thứ hai Dược Khoa, và phụ trách Hóa Học cho năm thứ nhất trường Nông Lâm Súc. Có nhiều khi cũng phải chấm kỳ thi tuyển vô Quân Dược.
 
Mấy năm sau sĩ số trường Dược mới tạm xuống mức giảng dạy được, vì lâu dần, nhiều sinh viên bị loại hay thấy không hợp với ngành này nên tự động chuyển sang ngành khác. Từ niên khóa 65-66, khi trường áp dụng thi tuyển chỉ lấy 400 sinh viên mỗi năm, và tới niên khóa 72-73 lấy xuống còn 200 một năm, thì số sinh viên mới tiến dần tới mức ổn định. Nghĩa là mỗi lớp có khoảng 200 tới 300 sinh viên. Các sinh viên trường Dược ngoài chuyện học, còn có người có tài về nhiều bộ môn thi ca nhạc kịch. Có báo Đất Sống vào năm 1963 với các anh Vũ Văn Tùng, Nguyễn Ngọc Bình, Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Thu Giao, Bùi Khiết, Lê Phục Thủy, Châu Thanh Thủy, Lưu Văn Vịnh, Lê Thanh Nam, Nguyễn Đức Vinh...  Chị Hà Dương Thị Quyên có nhờ tôi viết một bài "Đi tìm những chất kháng sinh" cho số ra mắt. Tôi đã mô tả những nguyên lý về sự tìm tòi và khảo sát các chất này. Đa số các bạn viết cho Đất Sống sau đã thành danh. Tôi cũng được nghe tiếng hát truyền cảm của Quốc Thắng với bài "Tôi đi giữa hoàng hôn", và gặp Mã Gia Minh đàn hay thơ giỏi, phu quân của ca sĩ nổi danh Hoàng Oanh. Sinh viên thường tổ chức các Đại hội mừng Xuân, những Lễ Tốt Nghiệp, các buổi ra mắt Ban Đại Diện thật vui vẻ thoải mái. Tôi còn nhớ một bài viết thật hay và cảm động của chị Ngô Tiên Dung đọc trong ngày ra trường khóa 61-66. Và biết bao nhân tài của trường Dược kể sao cho hết.
 
Đầu năm 1963, giáo sư Lê Văn Thới của trường Khoa Học lên làm Viện Trưởng thay giáo sư Nguyễn Quang Trình, nay chỉ còn giữ một chức vụ Bộ Trưởng Giáo Dục. Ông Thới cổ võ việc hiện đại hóa nền đại học, và khuyến khích các giáo sư đặt trọng tâm vào khảo cứu. Và người ta bắt đầu để tâm đến tác phong nhà giáo. Khoa Trưởng Trương Văn Chôm lúc đó kiêm Chủ Tịch Tổng Hội Giáo Giới, cũng thật tâm muốn lành mạnh hóa ngành giảng huấn. Tôi có dịp gập ông đi dạo chơi cùng bà vợ và con cái trên đường Nguyễn Huệ. Ông yêu cầu tôi nhận dậy thêm Thực Tập Vật Lý cho lớp Dược Khoa năm cuối, thay thế giáo sư Hùng, tại Bệnh Viện Đô Thành, gần Bùng Binh. Lại một trách nhiệm mới mà tôi phải tạm giữ cho đến khi giáo sư Đặng Vũ Biền về nước.

Thời gian này, chính trường miền Nam sôi động với phong trào đấu tranh của Phật giáo. Như các công chức khác của Đệ nhất Cộng Hòa, giáo chức đại học cũng được đi hay phải đi học tập lớp Ấp Chiến Lược. Chiến dịch lập Ấp này qui mô hơn việc tạo lập các Khu Trù Mật trước kia. Chúng tôi ăn ở trong trại tại Suối Lồ Ồ gần Biên Hòa khoảng một hai tuần lễ. Trại được thiết lập trên một mảnh đất rộng, gồm nhiều dẫy lều với giường vải, và đủ các hàng quán ăn uống. Tôi nằm gần giáo sư Chôm, cùng với các Đổng lý, Chánh Văn Phòng bộ Giáo Dục... Lúc học về quốc sách Ấp Chiến Lược, tôi thường ngồi cùng các giáo sư Nguyễn Thế Minh, Nguyễn Mạnh Hùng, Lê thành Trị...

Nhiều nhân viên cao cấp của chính phủ đã đến lớp giảng dạy, và dùng những danh từ thật độc đáo. Bộ trưởng Nguyễn Quang Trình nói về chiến lược hóa ngành giáo dục. Đề tài khó mà hiểu được đến nơi. Trung tướng Trần Ngọc Tám nói về du kích chiến. Ông rất am tường đề tài nên bài giảng của ông rất hay. Chỉ tiếc rằng lúc này ông đang mắc vào vụ Cẩm Nhung bị tạt acid nên cử chỉ của ông không được tự nhiên cho lắm. Bộ trưởng Công Dân Vụ Trương Công Cừu nói về tự túc tự cường. Là một nhà văn tài ba lỗi lạc, ông đưa ra những khẩu hiệu như "Tam túc, tam giác, tam nhân". Đại khái người ta chỉ cần ba điều cho có đủ, ba điều đã hiểu biết đến nơi, là thành người công dân ích lợi cho xã hội bấy giờ. Ông mô tả thật hay những đứa trẻ lem luốc nhưng vui chơi hồn nhiên nơi bùn lầy nước đọng, mong hình ảnh này làm người nghe tin tưởng ở sức sống và tương lai dân tộc Việt.

Nhiều buổi học còn có sự hiện diện của ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Ông Nhu thỉnh thoảng tới góp ý kiến hay cho chỉ thị. Có lúc ông nói rất nhiều, nhưng thật chúng tôi chẳng lĩnh hội được bao nhiêu. Một lần ông nói sấm sét trên trời chứa biết bao nhiêu là điện lực, nếu ta biết cách thu giữ lại thì dùng sao cho hết? Ai nấy chú tâm ghi chép, nhưng có lẽ chỉ làm ra vẻ ghi chép thôi. Giáo sư Minh, Hùng và tôi thường kháo nhau không hiểu mấy vị cao cấp ngồi dẫy đầu ghi lại được những chữ gì trên mặt giấy? Khi trực thăng đưa ông Cố Vấn ra về còn lùa bụi lên mù mịt, những vị này thường đứng đợi cho đến lúc ông khuất bóng mới trở lại giảng đường. Dẫu sao chúng tôi hiểu lờ mờ rằng không có viện trợ Mỹ thì nền Đệ nhất Cộng hòa vẫn có thể tự túc để tồn tại được. Giáo sư Hùng là người có ý thức chính trị sắc bén nhất trong nhóm chúng tôi, nói là tình hình nghiêm trọng lắm rồi. Một hai tuần trước có việc cấm treo cờ Phật giáo nhân ngày Phật Đản tại Huế, rồi các phong trào tranh đấu chống chính phủ gia tăng nhanh chóng. Một hôm đang học tập thì các giáo sư đại học được yêu cầu ra thông cáo ủng hộ đường lối chính phủ trong vụ Phật giáo. Lại họp hành, thảo luận, rồi đi tới việc bỏ phiếu kín nên hay không nên ra thông cáo này. Giáo sư Nguyễn Đăng Thục, nguyên Khoa Trưởng Văn Khoa có đề nghị rằng phiếu sẽ được đốt ngay sau khi kiểm để tránh việc truy tầm ai bỏ thuận ai bỏ chống. Lúc này không ai bàn với ai cả, và tự tìm hiểu lấy. Mấy vị kiểm phiếu viên được bầu ra, và cuối cùng phe chống ra thông cáo ủng hộ chính phủ may mắn hơn được có một phiếu. Lớp học được bế mạc sau đó, và chiều ngày 5 tháng 6 tôi ra về thì nhà tôi sinh cháu trai đầu lòng tại Bệnh Viện St Paul.
 
Từ đó, việc giảng dạy thêm một phần khó khăn. Rồi tới vụ tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức, các vụ tăng ni phật tử xuống đường. Gần đến ngày cách mạng, sinh viên các trường bãi khóa không vào lớp học. Năm thứ ba Dược có chị Bùi thị Hậu Phúc tức bà dược sĩ Bùi Hồng đứng lên yêu cầu nghỉ học, trong giờ học của giáo sư Vũ Ngọc Trân. Mấy hôm sau có tin chị ấy bị bắt. Tôi tới trường sợ vào lớp dạy chắc cũng bị ném đá, nên ra ngồi dưới gốc cây. Có sinh viên yêu cầu tôi từ chức và cho tôi biết là các giáo sư Phạm Biểu Tâm, Vũ Văn Mẫu đã từ chức cả rồi. Riêng Ngoại trưởng Mẫu còn cạo trọc đầu phản đối.
  
Cách Mạng 1/11/63 khởi đầu lúc 1 giờ trưa và tôi không nhớ rõ đang ở đâu và làm gì. Chỉ biết có theo dõi tin tức qua đài phát thanh. Vào ngày hôm sau, lúc gần trưa, đài loan tin cách mạng thành công. Người dân tràn ra đường phố đông nghẹt, vì hiếu kỳ cũng có và vì thấy mọi chuyện yên ổn rồi cũng có. Chúng tôi đang lái xe về hướng chợ Bến Thành để thăm thú tình hình thì được tin đài phát thanh cho biết Tổng Thống Diệm và ông Nhu đã chết ngay trên xe đưa các ông về Tổng Tham Mưu. Nền Đệ nhất Cộng hòa với bao hi vọng ban đầu nay đã chấm dứt quá bi thảm.

Trường Dược thời hậu cách mạng 1/11

Ngay ngày sau tới trường, tôi thấy cả một bầu không khí tưng bừng mừng cách mạng thành công. Tại văn phòng, người ta nói Khoa Trưởng Chôm cùng một vài vị liên hệ với Cần Lao như dân biểu Trần Tấn Thông, giáo sư Đào Hữu Giao đã bị bắt... Các giáo sư Vũ Ngọc Trân, Nguyễn Vĩnh Niên, Trần Ngọc Tiếng, Nguyễn Mạnh Hùng, Phan Thế Trân và tôi đang ở trong phòng Khoa Trưởng thì nhân viên báo là có hai Tướng Dương Văn Minh và Lê Văn Kim tới thăm. Tướng Minh nói là muốn lấy lại trường sở 169 Công Lý này, và sẽ cho tu sửa thành Cộng Hòa số 41 Cường Để làm trường sở mới cho Dược Khoa. Đây là lần đầu tiên tôi được diện kiến với Tướng Minh, ông nói chúng tôi muốn gì cũng được, rồi Công Binh sẽ thực hiện. Tướng Kim nhỏ nhắn trông học thức hơn, nhưng ông không nói câu nào. Sau khi thăm các phòng thí nghiệm, hai ông lên chiếc xe Citroen đen ra về. Cũng có người nói trường Dược là nhà cũ của tướng Salan, tiện đường ra phi trường, điện thoại liên lạc rất tinh vi, nên các ông muốn lấy lại.

Lúc này, Chuẩn tướng Công Binh Phạm Đăng Lân còn đang theo học Dược, nên sự tu bổ trường sở mới có phần dễ dàng hơn.... Chính phủ lâm thời với Thủ Tướng Nguyễn Ngọc Thơ và giáo sư Phạm Hoàng Hộ làm Tổng Trưởng Giáo Dục, đã bổ nhiệm giáo sư Niên làm Khoa Trưởng. Vì việc này trái với quy tắc tự trị đại học, nên hội đồng khoa phải nhóm họp gấp để chính thức bầu hai giáo sư Nguyễn Vĩnh Niên và Trần Ngọc Tiếng trong chức vụ Khoa Trưởng và Phó Khoa Trưởng. Riêng giáo sư Hùng đã buộc giáo sư Niên hứa sẽ giữ ông lại giảng dạy mới chịu ký vào biên bản.
 
Câu chuyện trên bắt đầu từ lúc giáo sư Chôm không trở về trường nữa. Khi bác sĩ Vương Quang Trường lên làm Tổng Trưởng Y Tế, thì giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng được yêu cầu trở lại quân đội, vì ông nguyên là Dược Sĩ Trung Úy hiện dịch. Lý do chính là sinh viên không mấy ưa thích lối giảng dạy và hỏi thi của ông. Nhưng cũng có nhiều sinh viên ký kiến nghị giữ ông ở lại. Rút cục nhóm yêu cầu ngưng chức ông thắng thế và quân cảnh đã dẫn độ ông về quân y. Ông phải đi phục vụ tại vùng Bến Hải, rồi sau được Tướng Nguyễn Chánh Thi đưa về làm giáo sư của Đại Học Huế. Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn của trường Khoa Học đã thay thế ông giảng dạy môn Hóa Học Hữu Cơ cho Dược Khoa.

Chính trị đã đưa giáo sư Chôm lên đỉnh danh vọng, nhưng rồi chính trị lại mang ông xuống đất đen. Nghĩ mà buồn cho cuộc thế. Ông sinh năm 1923 tại Phan Thiết, nguyên là Tổng Thư Ký Hiệp Hội Sản Xuất Nước Mắm Bình Thuận. Làm luận án Khảo Cứu về Nước Mắm với giáo sư Dumazert, ông nghiên cứu các cơ chế phản ứng và thành phần sinh hóa của nước mắm bởi sự phân giải cá nục, cá mòi, cá cơm. Ông còn có mục đích khuyến khích ngành tiểu công nghệ này trở thành công kỹ nghệ. Ông đậu Tiến Sĩ Quốc Gia Dược Khoa tại trường Y Dược Marseille vào năm 1954. Về nước, giáo sư Chôm nhận làm Giảng Sư trường Y Dược Sài Gòn và là chủ nhân Viện Bào Chế Vanco. Ông có tướng ngũ đoản, rất hoạt bát, vui vẻ phúc hậu, có tài tổ chức và điều khiển. Ông rộng rãi với nhân viên và rất tốt với đồng nghiệp. Khi giáo sư Nguyễn Phú Lịch về thăm nhà vào năm 1963, giáo sư Chôm đã không ngần ngại ký giấy bảo lãnh để giáo sư Lịch có thể được phép trở lại Pháp trình luận án. Ngoài chức vụ Khoa Trưởng trường Dược, ông còn là Chủ Tịch Tổng Giám Đốc Công Ty Vinaspecia và Chủ Tịch Tổng Hội Giáo Giới. Không có giáo sư Chôm, chắc còn lâu trường Dược mới trở thành một phân khoa độc lập. Ông thật xứng đáng với danh vị Khoa Trưởng đầu tiên, công của ông chắc không ai phủ nhận. Mấy năm sau ông có trở lại dạy tại trường, kể cả dạy chứng chỉ đệ tam cấp Kỹ Thuật Lý Hóa cùng với giáo sư Biền và tôi, nhưng có lẽ ông không còn nhiều hứng thú trong ngành giảng huấn.
 
Sau cách mạng, tôi trở lại giảng dạy Sinh Hóa thay giáo sư Chôm, và giáo sư Phạm Văn Tất thay tôi trong môn Hóa Vô Cơ. Tôi còn dạy thêm môn Hóa Dược, cùng với giáo sư Hồ Đắc Ân. Nội tình miền Nam hỗn loạn với những chỉnh lý, đảo chánh, biểu dương lực lượng, cho đến việc thành lập chính phủ quân nhân 1965. Về sau mới thấy hai giáo sư Niên và Tiếng khó làm việc chung vì không hợp tính nhau. Giáo sư Tiếng trở thành ông bầu về Thể Thao cho sinh viên. Bóng bàn, bóng rổ, quần vợt. Có lần tôi tham dự giải bóng bàn giữa các giáo sư Dược và Khoa Học do ông tổ chức tại trường. Giáo sư Thái Tường đoạt giải đánh đơn, nhưng các giáo sư Khoa Học thắng giải toàn đội. Khi những phòng thí nghiệm mới, các giảng đường lớn, thư viện, vườn dược thảo, phòng sinh hoạt sinh viên  được xây cất ngay trong khuôn viên đại học, thì một số giáo sư tu nghiệp hay tốt nghiệp từ Pháp cũng lần hồi trở về. Giáo sư Đặng Vũ Biền dạy Vật Lý và phụ trách phòng thực tập tại lầu hai. Giáo sư Nguyễn Thị Lâu dạy về Thực Vật và Ẩn Hoa học. Giáo sư Nguyễn Văn Hượt chia với tôi giảng dạy môn Sinh Hóa.

Những năm sau có giáo sư Nguyễn Hạc Hương Thư giảng dạy môn Dược Lực Học, giáo sư Trương Mạnh Khải giảng dạy môn Sinh Lý Học. Và giáo sư Nguyễn Hiệp cùng giảng dạy Dược Liệu Học với giáo sư Nguyễn Văn Dương. Từ nay, trường có tuyển thêm giảng nghiệm trưởng, giảng nghiệm viên, giảng nghiệm viên dạy giờ nên nhân viên giảng huấn cũng tạm đủ cho một số ban đã được thiết lập. Là trưởng ban Sinh Hóa, tôi coi thêm phần thực tập cho năm cuối. Thật may vì tôi được các giáo sư Quản Trọng Lạng và Phạm Huy Chương, và vào năm 1967, có thêm giáo sư Nguyễn Lê Thi phụ tá cho tôi. Phòng thí nghiệm này gồm Sinh Hóa Học, Thủy Học, Độc Chất Học và Thực Phẩm Học. Giáo sư Lạng hòa nhã và có tài tổ chức, giáo sư Chương giỏi và chăm chỉ. Giáo sư Lê Thi tuy mới ra trường nhưng rất xuất sắc, về sau còn phụ trách giảng dạy thêm phần lý thuyết Sinh Hóa. Riêng ông Huỳnh Văn Tư nghiệm chế viên cũng đắc lực từ khi phòng được thành lập cho tới khi trường cho ông nghỉ việc năm 1973 vì có liên hệ với cộng sản.
 
Vào năm 1966, hội đồng khoa bầu giáo sư Niên làm Khoa Trưởng và giáo sư Biền làm Phó Khoa Trưởng. Hai ông được bầu lại trong chức vụ nhiều lần cho tới đầu năm 1975. Giáo sư Niên hiền hậu, siêng năng, cẩn thận và ưa việc hành chánh. Cuối năm 1974, ông được bổ nhiệm Phó Viện Trưởng Học Vụ Viện Đại Học Sài Gòn, với giáo sư Viện Trưởng Nguyễn Ngọc Huy. Giáo sư Biền nhiều tài ba và sáng kiến, ưa hoạt động xã hội từ khi ông còn là sinh viên Hà Nội. Ông là Chủ Tịch Dược sĩ Đoàn trong nhiều nhiệm kỳ, và năm 1968 làm Đổng Lý Văn Phòng Bộ Quốc Gia Giáo Dục thời Tổng Trưởng Nguyễn Văn Thơ. Từ sau cách mạng, văn phòng nhà trường được Tổng Thư Ký Huỳnh Văn Quí điều hành hoàn hảo và liên tục cho đến ngày Sài Gòn đổi chủ. Ông Vương Trọng Tị coi Thư Viện, ông Oánh, bà Tiền... phòng Học Vụ, ông Đát các giảng đường.
 
Trước tết Mậu Thân 1968, trường có ý định thêm vào chương trình dược khoa các chứng chỉ đệ tam cấp đưa đến việc làm khảo cứu và luận án Tiến Sĩ Đệ Tam Cấp. Sau khi chờ đợi mãi, có lẽ dự thảo nghị định thiết lập đã bị bỏ quên tại một ngăn tủ nào đó, tôi phải đích thân lên Bộ để xin ban hành. Tôi muốn kể lại một chuyện bên lề ở thời điểm này. Đang lúc tôi chấm thi khóa hai năm 1968, thì giáo sư Niên đưa cho nghị định của Viện hủy bỏ tên tôi trong phái đoàn đi quan sát nền giáo dục đại học Hoa Kỳ của Viện Đại Học Sài Gòn, Huế, Cần Thơ, Đà Lạt và Vạn Hạnh. Thật là quá chán ngán. Lên Bộ thì nói tùy Viện, xuống Viện thì bảo tùy Bộ. Lý do là không có tiền Viện Trợ Mỹ! Thế mà người tôi chưa từng quen biết, ông Hoàng Sĩ Bình, phụ tá cho cố vấn Hoshall, nói hộ giùm tôi thì việc lại xong. Tuy đại học được tự trị, nhưng nhiều thủ tục hành chánh quả là lỗi thời. Nhất là về vấn đề xuất ngoại du học hay tu nghiệp. Được trường chấp thuận hay đề cử chỉ là bước nhỏ ban đầu. Trở lại chương trình đệ tam cấp. Chứng chỉ đầu tiên là Kỹ Thuật Lý Hóa. Sự thành công của chương trình này do một số giáo sư tại trường đã không ngần ngại ghi danh theo học: các giáo sư Nguyễn Đại Dzương, Huỳnh Hữu Tạo, Quản Trọng Lạng, Phạm Huy Chương, và một số dược sĩ xuất sắc lúc đó: Lê Phục Thủy, Hoàng Ngọc Giao. Chúng tôi đã nhiều lần cùng học tập trong khi Sài Gòn còn đang bị pháo kích! Chứng chỉ thứ hai là Sinh Học Cao Cấp do các giáo sư Phan Thế Trân, Nguyễn Hạc Hương Thư, Nguyễn Vĩnh Niên có thêm các giáo sư tại trường theo học như Nguyễn Lê Thi, Đỗ Thị Thuần Bích. Chứng chỉ thứ ba là Vi Trùng Học Thâm Cứu có các giáo sư Trần Ngọc Tiếng, Trương Mạnh Khải, Nguyễn Hiệp phụ trách. Các bạn Dzương, Tạo, Lê Thi, Thuần Bích, Lý Công Tuấn... sau này đã hoàn tất luận án Tiến Sĩ Dược Khoa Đệ Tam Cấp.
 
(Xem tiếp phần hai)
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010

Một số hình ảnh Trường Đại Học Dược Khoa Sài Gòn ngày nay

Một số hình ảnh Trường Đại Học Dược Khoa Sài Gòn ngày nay